ĐS Thích Đạo An

Personal Information

Danh Tánh
ĐS Thích Đạo An
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

Thích Đạo An: Ngài họ Vệ, người ở Phù Liễu Thường Sơn. Gia thế vào hàng Nho gia sĩ thứ. Cha mẹ mất sớm Ngài được ngoại huynh Khổng Ðể nuôi dưỡng.

Bảy tuổi đã đọc làu ngũ kinh và thông suốt văn nghĩa, mọi người đều cho là lạ. Ðến năm mười hai tuổi xuất gia, thần trí đã thông tuệ, nhưng dung mạo xấu xí nên không được thầy coi trọng, bảo ra đồng làm ruộng trong ba năm. Ngài cần cù làm việc không chút oán hờn, lại nghiêm trì giới luật không hề khiếm khuyết. Vài năm sau mới cầu thầy học kinh. Thầy trao cho quyển kinh Biện Ý gồm năm ngàn lời. Ngài mang bộ kinh ra ngoài đồng. Nhơn lúc nghỉ ngơi Ngài xem qua. Chiều tối trở về thì đưa cho thầy, lại xin quyển kinh khác.

Thầy bảo:

- Kinh hôm qua chưa đọc hết, sao lại xin kinh khác.

Ngài đáp:

- Hôm qua con đã xem bộ kinh đó hết rồi và đã thuộc làu.

Thầy tuy lấy làm lạ mà chưa tin, lại đưa cho quyển kinh “Thành Cụ Quang Minh” gồm một vạn lời. Cũng như hôm trước, tối Ngài lại mang trả cho thầy. Thầy cầm kinh bảo Ngài đọc lại. Ngài đọc thuộc lòng không thiếu một chữ. Vị thầy rất kinh ngạc và biết rõ tài năng của đệ tử. Sau đó Ngài thọ cụ túc và được thầy cho đi tham học. Ngài đến Nghiệp vào chùa gặp được ngài Phật Ðồ Trừng. Ngài Ðồ Trừng thấy Ngài thì khen ngợi nói chuyện cả ngày. Chúng thấy dung mạo không xứng nên tỏ vẻ xem thường.

Ngài Phật Ðồ Trừng bảo:

- Người này kiến thức sâu xa chẳng phải thường đâu. Ngài tín phụng theo làm đệ tử Phật Ðồ Trừng. Thầy giảng kinh xong đều bảo Ngài giảng lại, nhưng chúng không tin phục, cùng bảo:

- Ðợi gã Côn Lôn này giảng xong, ta nên chất vấn.

Thế rồi khi bị đại chúng đồng học chất vấn Ngài đều giải thích rành rẽ, mọi người đều kính phục bảo:

- Vị tất đạo nhơn này làm kinh hoàng cả bốn lăng. Người học đạo đương thời chỉ chấp vào những điều nghe thấy.

Ngài than thở:

- Ðạo pháp tuy thâm sâu mà huyền chỉ vẫn có thể truy tìm học hỏi. Nên tìm đến nơi thâm u để tham khảo chỗ vi diệu uyên áo. Như vậy thì lý duyên sanh mới được tuyên dương tận cùng, và hàng môn đồ có chỗ quy hướng.

Sau đó Ngài du phương đạo tham vấn kinh luật. Sau tỵ nạn tạm lánh vào chốn núi non đầm rạch Trúc Pháp Tề Thái Dương cùng Châu Chi Ðàm giảng kinh Âm Trì nhập đạo An theo Ngài thọ nghiệp. Không bao lâu thì cùng bạn đồng học lên núi Phi Long. Sa-môn Ðạo Hộ trước đã ở núi này, gặp nhau thì vui mừng khôn xiết, bèn cùng xem văn học đạo, nói ra những lời thần tình vi diệu.

Khi đến Hằng Sơn ở Thái Hành, Ngài cho xây chùa viện và sửa đổi y phục thế tục thành pháp phục xuất gia, giáo hoá vùng trung phần Hà Bắc. Bấy giờ thái thú Lô Hâm ở Vũ Ba nghe danh tiếng của Ngài liền nhờ Sa-môn Mẫn Kiến mời Ngài về. Ngài từ chối không được bèn nhận lời về giảng kinh, danh tiếng của Ngài khiến cho hàng đạo tục đều mến mộ. Ðến năm bốn mươi lăm Ngài lại trở về chùa Thọ Ðộ ở Ký Bộ. Ðồ chúng khoảng vài trăm vị thường tuyên Pháp Hoá.

Thạch Hổ mất, Bành Thành Vương lên kế vị, vua phái Sa-môn Trúc Xương Bồ đi thỉnh Ngài về Hoa Lâm Viên và cho xây dựng phòng xá tại đây. Ngài thấy họ Thạch đến hồi mạt vận bèn dẫn đồ chúng về núi Khiên Khẩu. Sau Nhiễm Mẫn nổi loạn, nhân tình ly tán. Ngài Ðạo An nói với đồ chúng rằng:

- Ngày nay thiên tai hạn hán, sâu bọ hoành hành, giặc cướp nổi dậy khắp nơi. Chúng ta đồng tụ hội tại đây thì khó khăn mà ly tán cũng không được, thật là nan giải.

Ngài dẫn đồ chúng đến Vương Ốc ở núi Nữ Lâm. Không bao lâu lại vượt Hoàng Hà đến Lục Hồn, ở trong núi hái rau quả sinh sống tu học. Nhưng Mộ Dung Tuấn lại đem binh đến đánh Nhiễm Mẫn, vây kín Lục Hồn, Ngài lánh nạn xuống miền Nam ở Tương Dương, đến tại Tân Dã, Ngài bảo đồ chúng:

- Ta gặp thời vận xấu, không nương vào quốc chủ thì Pháp sự khó lập, vả lại việc giáo hoá cần phải rộng khắp. Chúng đều nói:

- Xin y lời thầy dạy.

Ngài bảo Trúc Pháp Thái đến Dương châu và nói:

- Ở đó có nhiều hiền nhân quân tử, họ đều tôn sùng Phật pháp.

Ngài bảo Pháp Hòa vào đất Thục, ở đây chốn núi non sơn thuỷ để tu nhàn.

Ngài Ðạo An cùng với Tuệ Viễn và hơn bốn trăm đồ chúng đến Tương Dương. Khi đến trước nhà một người thấy ngoài cửa có hai chữ Mã chính giữa treo một bồn cỏ khoảng một đấu. Thấy vậy ngài kêu lên:

- Lâm Bá Thăng.

Chủ nhân kinh ngạc bước ra quả đúng là họ Lâm tên Bá Thăng cho ngài là thần nhân nên mời vào tiếp đãi nồng hậu. Chúng đệ tử hỏi vì sao lại biết tên họ người, Ngài bảo:

- Hai cột trụ họp lại thành chữ Lâm, chính giữa treo một bồn cỏ dung lượng khoảng một đấu tức là Bá Thăng, hợp cả lại thành Lâm Bá Thăng.

Ðến Tương Dương Ngài bắt tay vào việc tuyên dương Phật pháp. Những bộ kinh dịch trước đã lâu, mà bảng cựu dịch có sai sót khiến cho giáo điển thâm tạng chưa tỏ thông được. Mỗi khi Ngài giảng thuyết duy chỉ nêu đại ý chuyển đọc mà thôi. Ngài xem hết kinh điển lại thông hiểu sâu xa ý nghĩa. Do đó Ngài chú giải bộ Bát-nhã đạo hạnh, Mật Tích, An Ban thủ ý kinh.v.v...So sánh văn nghĩa cùng tận, rồi giải thích triết nghi rõ ràng, gồm hai mươi hai quyển. Kinh nghĩa đầy đủ khúc chiết bắt đầu từ ngài Ðạo An mà có. Từ thời Hán Ngụy cho đến đời Tấn, kinh điển truyền sang rất nhiều. Mà người truyền kinh lại không nói rõ danh tự, người đời sau truy tìm không xét được niên đại, ngài Ðạo An tổng tập hết danh mục tiêu biểu mỗi thời. Các bản tân cựu tuyển thành kinh lục. Các bộ kinh đều căn cứ vào thật công của người truyền dịch. Học sĩ trong bốn phương đều đến học Ngài.

Bấy giờ tướng công chinh tây là Hoàng Lãng Tử đang trấn nhậm Giang Lăng có sai người mời Ngài tạm qua bên đó. Châu Tự ở Tây Trấn cũng thỉnh Ngài đến Tương Dương. Mỗi lần trò chuyện với Ngài, Châu Tự khen rằng:

- An Pháp sư là bực thầy đống lương cho người học đạo.

Ngài thấy chùa Bạch Mã quá chật hẹp, nên lập một ngôi chùa khác lấy tên là Ðàn Khê. Liền có nhà Trương Ân ở Thanh Hà, là một trưởng giả đại phú cùng tài trợ giúp đỡ xây chùa. Ngài còn xây tháp năm tầng, khởi xây bốn trăm phòng tăng. Quan thứ sử Lương châu là Dương Hoằng Trung gởi vạn cân đồng đến cho Ngài đúc. Ðạo An nói:

- Lộ Bàn đã xong, Thái công đã tạo. Nay muốn đem số đồng này đúc tượng Phật được chăng?

Quan thứ sử vui mừng, bằng lòng. Thế là do nhiều người tương trợ mà thành ra có tượng Phật thần thái sáng ngời, tượng cao mười sáu thước, mỗi đêm toả hào quang rực sáng mặt sau điện đường tượng Phật. Khi đắp tượng xong, thì từ Hành Sơn cho đến Vạn Sơn cả ấp đều đến chiêm lễ. Ðến đây nguyện của Ngài đã thành.

Vua Phù Kiên cũng phái người mua kim bạc để tạo một tôn tượng Phật nằm cao bảy thước. Ngoài ra còn một tượng Phật bằng vàng, phật Di-lặc bằng ngọc châu, một tượng Phật bằng vải kim tuyến, một tượng Phật bằng gấm. Mỗi lần có pháp hội giảng kinh, các tôn tượng Phật được đặt trong hội trường giảng kinh, bố trí tràng phan bảo cái, các hạt châu nơi tượng chiếu sáng long lanh, khiến cho người đến tham dự pháp hội giảng kinh, đều khởi tâm thành cung kính, lễ bái. Có một tượng mang từ nước ngoài về, hình chất rất là cổ dị. Ðại chúng xem thấy nên không tỏ lòng cung kính tôn trọng.

Ngài nói:

- Tôn tượng này thật trang nghiêm, nhưng búi tóc trên đầu chưa tương xứng.

Ngài bảo đệ tử mang tượng này đến lò rèn sửa lại. Sửa một lát, chợt có ánh sáng loé lên khắp phòng. Xem lại kỹ trong búi tóc thấy viên xá-lợi nằm trong đó. Ðại chúng đều chứng kiến việc này đều tỏ lòng sám hối và cung kính.

Ðạo An nói:

- Tượng này đã có sự linh ứng, không nên sửa nữa.

Ngài cho đình chỉ việc sửa búi tóc Phật lại. Người biết chuyện thì cho rằng Ngài biết trong búi tóc có xá-lợi nên cố ý bảo đi sửa lại để huấn thị đệ tử.

Bấy giờ ở Tương Dương là con đường nối liền Hoa Bắc, Hoa Trung, là một nơi chiến lược quan trọng. Các vị danh sĩ đương thời nghe danh Ngài liền quy tụ về. Có vị viết thư đến thông hiếu nói:

- Nương vào sự ứng lý chơn chánh, minh bạch rõ ràng, từ huấn chiếu soi. Ðạo tục đều huấn tập. Từ lúc Ðại giáo truyền sang Ðông độ đã hơn bốn trăm năm. Tuy vua chúa, cư sĩ mỗi thời đều phụng trì mà đạo vận chưa tỏ ngộ, không bao lâu do Ngài chấn hưng mà đạo nghiệp hưng sùng không mất. Ðó chính là nguyệt quang xuất hiện, cùng linh bát ứng giáng. Pháp sư đúng là bậc mô phạm xuất phàm, hoá hợp sâu xa. Chư tăng phương này đều hết lòng kính mộ. Có người từ Tương Dương đến bái kiến, vừa ngồi xuống bèn tự xưng là: “Tứ Hải Tập Tạc Sĩ”. Ngài cũng đáp lại: “Di Thiên Thích Ðạo An” (khắp thiên hạ chỉ có một Ðạo An) (người đều cho là câu đáp có tiếng).

Tập Tạc Sĩ đến chùa mang theo mười quả lê gặp chúng đang thọ trai. Ngài liền tự tay cắt lê chia từng chúng dùng.

Cao Bình Khích Siêu có mang tặng Ngài mười thăng gạo, lại viết thư thăm hỏi ân cần. Tập Tạc Sĩ có viết thư cho Tạ An nói rằng:

- Nơi đây có đạo sư Thích Ðạo An, là một đạo sĩ Phật giáo phi thường, là tai mắt cho chúng thường nhân. Không trọng uy lớn mà vẫn chỉnh tề những điều nhỏ nhặt. Ðồ chúng đều tôn trọng hỗ trợ, luôn tuân theo giới luật quy củ tu học. Một giáo đoàn chưa từng thấy-Pháp sư này thông đạt kinh thư nội ngoại, lại tinh thuần toán số âm dương, về diệu lý Phật pháp thì ung dung tự tại. Thật tiếc là tể tướng chưa từng gặp qua Ngài.

Ngài trú tại Tương Dương trong mười lăm năm. Mỗi năm đều có giảng kinh Kim Cương, Bát-nhã. Tấn Hiếu Vũ Hoàng đế nghe danh Ngài liền hạ chiếu thư khen ngợi:

- Ðạo An Pháp sư thức khí thông đạt, phong vận toả sáng. Ngài có công giáo hoá đạo tục, cứu tế quần sanh và làm gương sáng cho hậu thế.

Rồi nhà vua hết lòng cung phụng, cúng dường đầy đủ vật phẩm, đối xử ngang hàng vương công. Vua Phù Kiên cũng nghe danh Ngài, và từng bảo rằng:

- Tương Dương có Thích Ðạo An là một thần khí hiếm có. Ta muốn đến đó triệu Ngài về. Sau đó Phù Kiên đánh chiếm Tương Dương bắt được Ðạo An cùng Châu Tư. Phù Kiên nói với bộc xạ Quyền Dực rằng:

- Trẫm đem mười vạn binh đánh chiếm Tương Dương mà chỉ được một người rưỡi.

Dực hỏi:

- Là ai?

Kiên đáp:

- Ðạo An được một người Tập Tạc Sĩ được nửa người.

Khi về Trường An Ngài ngụ ở chùa Ngũ Trọng, đồ chúng theo về học đạo cả mấy ngàn người, Pháp Hoá trở nên rộng khắp. Vào đời Ngụy Tấn, Sa-môn nương vào vị thầy lấy họ thầy nên phần nhiều pháp danh không đồng. Ngài cho rằng đấng đại sư chính là Phật Thích-ca nên lấy họ Thích làm họ. Sau Ngài có bộ tăng nhất A-hàm, quả có nói về bốn biển cùng đổ ra biển cả, không còn là tên sông. Bốn họ Sa-môn đều xưng là Thích chủng. Ngài Ðạo An ngoài việc thông hiểu nghĩa lý văn chương, y mạo của chúng đệ tử ở Trường An là hạng thi phú, đều vào phụ chánh cả.

Khi ấy ở huyện Lam Ðiền có người được một cái đảnh có thể dung chứa hai mươi bảy đấu. Một bên đảnh có khắc triện bài minh mà không ai hiểu,mới đến cho Ngài xem. Ðạo An bảo rằng:

- Ðây là cổ triện thư do Lỗ Tương đúc. Ngài bèn viết lại thành bài Lệ văn. Ngài đa văn quảng kiến như vậy, nên vua Phù Kiên ra lệnh cho các học sĩ trong ngoài nếu ai có nghi ngờ điều gì thì lại hỏi ngài Ðạo An. Thế nên ở kinh triệu có lời nói:

- Học không có thầy Ðạo An thì nghĩa không thông.

Ðầu tiên, Phù Kiên từ loạn họ Thạch mà được nước, cho đến khi dân tình sung túc, bốn phương đều được định. Biên cương phía Ðông ra tận Thương Hải, phía Tây giáp nước Quy Tư, Nam tới Tương Dương, Bắc ra tận Sa mạc. Duy có Kiến Nghiệp là chưa thần phục. Mỗi khi cùng quần thần đàm luận, Phù Kiên đều nói rõ ý định muốn thống nhất vùng Giang Tả. Em vua là Bình Dương Công Dung và triều thần như Thạch Việt, Nguyên Thiện đều hết sức can gián mà không được. Mọi người biết vua rất kính tin Ðạo An bèn đến thỉnh Ngài:

- Chúa thượng muốn dụng binh đánh ÐôngTấn. Sao Ngài không vì chúng sanh mà khuyên vua một lời.

Có lần Phù Kiên ra Ðông Uyển, mời Ngài cùng lên xa giá với vua. Quan bộc xạ Quyền Dực thưa rằng:

- Thần nghe khi thiên tử xa giá, chỉ có quan hầu mới được theo. Ngài Ðạo An là người xuất gia, sao lại cùng thiên tử lên xa giá.

Phù Kiên nổi giận bảo:

- Ngài Ðạo An đạo đức thật là đáng tôn kính. Trẫm và thiên hạ đều không bằng Ngài, việc lên xa giá này nào có tương xứng với đạo đức của Pháp sư. Liền sai quan bộc xạ thỉnh Ngài lên xa giá.

Không lâu sau vua Phù Kiên nói với ngài:

- Trẫm cùng ngài đi Nam du, đem Ngô Việt chỉnh lục sư mà tuần thú đến Cối Kê để xem Thương Hải, không phải là trọn vui sao?

Ngài đáp:

- Bệ hạ thay trời ngự thế. Có tám châu cống hiến dồi dào, ở Trung thổ mà ngự chế cả bốn biển. Nên giữ lẽ vô vi để sánh cùng Nghiêu Thuấn. Muốn đem thầy Bách Vạn cầu lấy thửa ruộng trên cái hạ hạ, vả lại vùng Ðông Nam ở nơi khí chướng đất xấu, xưa Thuấn Vũ đi không được phải trở về, Tần Hoàng Ðế cũng phải thối lui. Bần đạo xem nơi đó chẳng phải là chỗ ngu tâm.

Nhưng Phù Kiên không nghe lời ngài can gián, sai Bình Dương Công Dung thống lãnh hai mươi lăm vạn tinh binh đi tiên phong. Vua tự dẫn sáu mươi vạn đi hậu tiến. Vua Tấn sai chinh lỗ tướng quân Tạ Thạch, thứ sử Tứ châu là Tạ Huyền đem quân chống cự. Quân của Phù Kiên đại bại ở núi Bát Công, Quân của Tây Tấn truy kích hơn ba mươi lý chém giết vô số. Dung tử trận, Phù Kiên một mình cưỡi ngựa bỏ trốn.

Ngài Ðạo An thường chú giải các kinh điển. Ngài lo sợ không hợp với lý Phật, nên phát nguyện rằng:

- Nếu lời chú thích của con không trái lý Phật, nguyện xin hiển hiện điềm lành để minh chứng.

Một đêm ngài mộng thấy nột một Phạm tăng, tóc trắng lông mi dài bảo rằng:

- Những lời chú thích của ông đều hợp đạo lý. Ta là tăng ở Tây Vực không nhập Niết-bàn. Ta sẽ hổ trợ cho ông hoằng dương chánh giáo, ông hãy thiết lễ cúng dường.

Sau này khi bộ Thập tụng luật được truyền đến, Viễn công mới biết vị hoà thượng thầy mình nằm mộng trước kia là Tân-đầu-lô. Từ đó có thông lệ cúng dường cho Tân-đầu-lô.

Ngài Ðạo An đạo đức cao dày lại thông suốt cả tam tạng. Ngài viết những điều luật cho tăng ni, tức nghi thức tu hành theo hiến chương quỷ phạm Phật pháp, gồm có ba điều:

1 - Pháp hành hương toạ, pháp thượng toạ giảng kinh.

2 - Pháp sáu thời hành đạo ẩm thực xướng thời.

3 - Hành các pháp Bồ-tát, sai sử hối quá.

Chùa chiền trong nước đều tuân theo pháp thức này.

Ngài Ðạo An thường cùng với chúng đệ tử như Pháp Ngộ.v.v... quỳ trước tượng Phật Di-lặc, đồng phát nguyện vãng sanh lên cung trời Ðâu-suất. Vào ngày 27 tháng giêng năm kiến nguyên thứ hai mươi mốt, đột nhiên có vị tăng hình thù xấu xa đến chùa xin ngủ lại qua đêm. Chùa không có phòng dư nên vị tăng phải nghỉ ngơi tại giảng đường. Khi đó thầy Duy-na trực ở điện, đêm thấy vị tăng này bay ngang qua lại cửa sổ. Vị Duy-na kinh hoàng đến bạch với thầy Ðạo An. Ngài liền ra lễ lạy thưa hỏi thỉnh an. Dị tăng nói:

- Vì muốn độ thầy nên đến đây.

Ðạo An thưa:

- Tội nghiệp con rất nặng, ngài không thể độ được đâu.

Vị tăng đáp:

- Có thể độ được. Nhưng trước phải tắm rửa tượng thánh tăng đã, thì mới được như nguyện.

Vị tăng chỉ bày pháp tắm rửa, Ngài Ðạo An hỏi về trụ xứ của vị tăng. Dị tăng lấy tay chỉ lên trời về hướng Tây bắc. Nơi ấy mây mù tự nhiên tan mất, và thắng cảnh trang nghiêm vi diệu nơi cung trời Ðâu-suất lộ hiện ra. Ðêm ấy vài mươi vị tăng đồng thấy thắng cảnh nơi cung trời Ðâu Suất thật rõ ràng.

Ngài Ðạo An theo pháp tắm rửa thánh tượng đầy đủ, chợt thấy có vài mươi tiểu đồng dị thường đi vào chùa đùa giỡn. Trong phút chốc tự làm lễ mộc dục. Ðây chính là điềm Thánh ứng.

Ngày mùng 8 tháng 2 năm 385. Ngài bảo đại chúng:

- Ta sắp đi đây.

Trong ngày đó Ngài không bịnh chi mà thị tịch. Linh cửu chôn ở chùa Ngũ Cấp tại Trường An. Ðó là vào năm Tấn Thái Nguyên năm thứ mười vậy, Ngài thọ bảy mươi hai tuổi. Trước khi tịch, có vị ẩn sĩ là Vương Gia thường qua lại vấn an.

Ngài bảo:

- Thế sự loạn ly như vậy, ông nên theo ta.

Vương Gia đáp:

- Thật đúng như lời Ngài nói. Song tôi còn chút nợ duyên chưa trả, không thể đi bây giờ.

Khi ấy Dao Trường đem quân đánh Trường An, Dao Trường và Phù Ðăng giao chiến đã lâu mà bất phân thắng bại. Vương Gia lúc ấy ở trong thành, Dao Trường cho vời đến hỏi:

- Ta có thắng được không?

Vương Gia đáp:

- Lược thì được.

Dao Trường nổi giận:

- Ðược thì nói được, sao còn bảo là lược. Vua bèn ra lệnh chém Vương Gia. Ðây là món nợ mà Vương Gia đã nói. Dao Trường sau đó mất, con là Dao Hưng lên thay đánh bại được Phù Ðăng. Tên tự của Dao Hưng là Lược. Ðó là ý của Vương Gia nói “lược đắc” vậy. Vương Gia tên tự là Tử Niên, là người Lạc Dương, hình dáng rất xấu xa. Ông vốn có tánh hài hước hay chọc cười, nhưng không ăn ngũ cốc, ăn mặc giản dị thanh thoát, mọi người đều tôn trọng học theo. Nếu ai hỏi về việc xấu tốt, Ngài tuỳ theo đó mà ứng đáp, ngôn ngữ đều làm cho người cười, giống như hý luận, mà tương tự như lời sấm ký, khó lãnh hội được, mọi việc đều có linh nghiệm. Ban đầu nuôi đệ tử nơi hang Gia Mi, Phù Kiên sai Ðại Hồng Lô mời mà không đến. Khi Phù Kiên muốn Nam chinh có hỏi Vương Gia có đựơc không?

Vương Gia không nói, chỉ cưỡi ngựa đi theo hướng Ðông, được vài trăm bước thì bị rớt giày, bèn cởi áo bỏ mũ mà quay về. Ðó là biểu hiện cho việc chinh phạt bị thất bại của Phù Kiên. Ngày Dao Trường hại Gia, có người ở Lũng thượng thấy gửi thư về Trường An cho Ngài, Ngài dần hiểu bậc thầy nhân đều như thế cả.

Khi nghe ngài La-thập ở bên Tây Vực, ngài Ðạo An ân cần khuyên Phù Kiên nên qua thỉnh về Trung thổ để biên dịch kinh điển. Ngài La-thập cũng nghe thịnh danh oai đức của Ðạo An, cho rằng đây là bậc Thánh ở phương Ðông, hằng lễ kính từ xa. Khi Ngài mới sanh ra, trên trái có một miếng da rộng khoảng một thốn, lấy tay vê có thể chạy lên, xuống nhưng không kéo ra được. Sau khi ngài Ðạo An thị tịch khoảng mười sáu năm thì ngài La-thập mới đến, hận vì không gặp nhau nên lòng bi thương vô hạn.

Ngài Ðạo An dốc lòng muốn tuyên hoá kinh điển chánh đạo, nên ngài mời thỉnh nhiều vị Sa-môn ngoại quốc như Tăng-già Ðề-bà, Ðàm-ma-nan-đề và Tăng-già Bạt-trừng.v.v... dịch kinh điển hơn một trăm vạn lời. Ngài cùng Sa-môn Pháp Hoà hiệu đính lại âm tự, sửa lại yếu chỉ câu văn, dịch lại đầy đủ yếu nghĩa. Tôn Xước làm bài Danh đức Sa-môn luận:

- Thích Ðạo An là vị bác học đa tài, thông suốt danh lý kinh điển.

Lại có bài tán rằng:

- Vật thì có rộng lớn, người có đa năng. Ðạo An uyên thâm, tài năng gấp bội, danh tiếng vang dội. Hình tuy cỏ hoa, giống như thường tại.

Trong Hữu biệt ký có nói:

- Ở Hà Bắc có ngài Trúc Ðạo An cùng Thích Ðạo An là một người.

Trong Tập Tạc Sĩ nói:

- Trúc Ðạo An là theo họ thầy mà nói sau cải lại họ Thích. Người đời thấy hai họ nên nghĩ hai người là sai lầm vậy.

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.