Additional Info
Thiền Sư Thảo Đường
(? - ?)
Năm Giáp Thân (1044), vua Lý Thái Tông đem quân đánh Chiêm Thành, giết vua Sạ Đẩu, chiếm kinh thành Phật Thệ, bắt nhiều tù binh Chiêm.
Năm Giáp Ngọ (1054), vua Lý Thánh Tông mới lên ngôi, cho đổi tên nước lại là Đại Việt. Năm Kỷ Dậu (1069), vua đem quân đánh Chiêm Thành, chiếm kinh thành Phật Thệ, bắt vua Chế Củ và nhiều tù binh.
Vua Chế Củ xin dâng ba châu: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (Quảng Bình và Quảng Trị ngày nay) để được tha về Chiêm Thành.
Trong số tù binh đó có Thảo Đường, một thiền sư Trung Hoa đang ở thành Phật Thệ. Khi về đến kinh đô Thăng Long, vua chia tù binh cho các quan để làm người phục dịch. Tình cờ, Thiền sư Thảo Đường được chia cho một vị Tăng lục, vị quan coi về Tăng sự. Một hôm, trong lúc vị Tăng Lục đi vắng, tù binh Thảo Đường lật xem các bản ngữ lục chép tay để trên bàn viết của Tăng lục, thấy bản chép có nhiều chỗ sai lầm, Thảo Đường không chịu được, bèn cầm bút sửa chữa. Khi Tăng lục về biết được chuyện đó rất ngạc nhiên, đem sự việc tâu lên vua. Vua cho gọi Thảo Đường đến hỏi thì mới biết, Thảo Đường là một thiền sư Trung Hoa qua Chiêm Thành giáo hóa, tình cờ bị bắt. Khâm phục về tài đức, sự thông đạt về thiền học của Thiền sư Thảo Đường, vua phong cho làm Quốc sư, cử trụ trì chùa Khai Quốc.
Quốc sư Thảo Đường là đệ tử của Tổ sư Tuyết Đậu Trùng Hiển thuộc phái thiền Vân Môn của Trung Quốc (viên tịch năm 1052, thọ 73 tuổi, để lại Tuyết Đậu ngữ lục).
Tại chùa Khai Quốc, Thiền sư Thảo Đường đào tạo nhiều đệ tử, lập nên phái thiền Thảo Đường. Ông giảng dạy về Tuyết Đậu ngữ lục, là những lời dạy về Thiền học của Tổ sư Tuyết Đậu. Tổ sư rút những tinh yếu từ 1.700 cổ tắc trong bộ Cảnh Đức Truyền đăng lục, làm ra 100 bài tụng cổ, trong đó có các lời thuyết pháp, pháp ngữ, những cơ duyên truyền đăng (truyền tâm ấn) và những câu thâm thúy trích trong các kinh-luật-luận. Đặc điểm của Thiền sư Tuyết Đậu và phái thiền Vân Môn là chủ trương dung hợp Phật giáo và Khổng giáo. Thiền học của phái này nặng về văn học bác học nên chỉ ảnh hưởng đến giới thượng lưu trí thức (các nho gia, vương tướng triều đình...). Phái Vân Môn ảnh hưởng mạnh vào thời gian đầu của nhà Tống (960 - 1279) ở Trung Hoa.
Phái thiền Thảo Đường ở chùa Khai Quốc có nhiều ảnh hưởng đến phái thiền Tỳ Na Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Các thiền sư của hai phái thiền này bắt đầu hâm mộ Tuyết Đậu Ngữ lục, và chịu ảnh hưởng nhiều về khuynh hướng Thiền học trí thức và thi ca của phái thiền Thảo Đường (hay Vân Môn). Sau này đến đời Trần (1225 - 1400), phái thiền Trúc Lâm cũng chịu ảnh hưởng của ba phái thiền này.
Vì Thiền học trí thức và thi ca bác học với các ngữ lục khó hiểu, nên phái thiền Thảo Đường không ảnh hưởng sâu rộng trong giới bình dân mà chỉ ảnh hưởng trong giới trí thức, vương tướng, quan lại triều đình;do đó, phái thiền này hạn chế truyền thừa và mau sớm thất truyền. Phái thiền Thảo Đường chỉ truyền tiếp được có năm thế hệ (5 đời) thì chấm dứt, tổng cộng chỉ có 19 người được truyền pháp, trong đó 10 thiền sư, còn 9 vị cư sĩ hầu hết là vua quan.
Các thiền sư của phái Thảo Đường: Thảo Đường, Bát Nhã, Thiệu Minh, Không Lộ, Định Giác, Phạm Ân, Đỗ Đỗ, Trương Tam Tạng, Chân Huyền, Hải Tịnh, [Không Lộ và Định Giác tức Giác Hải đồng thời thuộc phái thiền Vô Ngôn Thông]; ba vua (Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông) ; 4 vị quan : Ngô Ích là quan Tham chính, Đỗ Vũ là Thái phó, Đỗ Thường cũng là Thái phó, Nguyễn Thức là Quản Giáp ; hai vị chưa rõ là Phạm Phụng Ngự (?), Ngô Xá (?).
Phổ Hệ Phái Thiền Thảo Đường
Thế hệ 1: Thảo Đường.
Thế hệ 2: Ba người: Lý Thánh Tông, Bát Nhã, Ngộ Xá.
Thế hệ 3: Bốn người: Ngô Ích, Thiệu Minh, Không Lộ, Ðịnh Giác.
Thế hệ 4: Bốn người: Ðỗ Vũ, Phạm Âm, Lý Anh Tông, Ðỗ Ðô.
Thế hệ 5: Ba người: Trương Tam Tạng, Chân Huyền, Ðỗ Thường.
Thế hệ 6: Bốn người: Hải Tịnh, Lý Cao Tông, Nguyễn Thức, Phạm Phụng Ngự.
Dưới thời nhà Lý (1010 - 1225), chùa Khai Quốc là Tổ đình của phái thiền Thảo Đường.
Đến đầu đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128), vua cho thỉnh Thiền sư Trí Không về trụ trì chùa Khai Quốc.
|