Mùa Xuân Giáp Thân Năm nay (2004) thời tiết Sydney có phần dễ chịu, tuy ngày mồng một Tết trời hơi nắng gắt một chút. Ngày mồng hai mồng ba (thứ bảy) và mồng bốn (chủ nhật) nhiệt độ xuống thấp dần chỉ còn 22oC – 25oC. Vì thế, bà con đồng hương Phật tử tưng bừng đi chùa lễ Phật đầu năm, chúc Tết, cúng dường, nhận lộc, ngoạn cảnh, chụp hình lưu niệm… thật là thoải mái vui vẽ, đúng nghĩa là ngày lễ hội Xuân truyền thống.
Trong khung cảnh rộn rịp mùa xuân chỉ diễn ra được có ba ngày và không khí ngôi Tự Viện Pháp Bảo tại Sydney vẫn trở lại bình thường như mọi ngày trong sinh hoạt thiền môn qui củ. Buổi sáng đại chúng thức dậy sớm sau đó tọa thiền hay niệm Phật. Ðúng 6 giờ là thời công phu sáng như thường lệ. Nhân dịp đầu xuân tôi đọc sách ngữ Lục Thiền Tông của Tuệ Trung Thượng Sĩ (bản dịch Lý Việt Dũng), Giai Thoại Thiền (của Viên Ðức sưu tầm) tìm về nguồn gốc Văn Minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học (GS Cung Ðình Thanh). Nhân đó, tôi đọc lại sách Ðối Thoại thiền cuốn 1 xuất bản năm 1997 do Pháp Bảo – Sydney ấn hành, và nẩy ra ý định in tiếp Ðối Thoại Thiền tập 2 cống hiến chư độc giả xa gần đang trông đợi. Tưởng cần nói rõ, đây chưa phải chấm dứt cuộc đối thoại mà tôi hy vọng tập 3 sẽ được hình thành, nếu đủ sức khỏe và điều kiện. Sách Ðối Thoại Thiền sẽ thực hiện in ấn vào mùa Phật Ðản năm nay (2004), Phật lịch 2548, như một kỷ niệm đón mừng ngày Ðản sanh đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật, hồi hướng công đức dâng cúng dường Tam Bảo mà bút giả đã thừa hồng ân chư Phật, chư Tổ đức được đi trên đoạn đường dài phụng sự chánh pháp trải qua gần 50 năm xuân thu tuế nguyệt, qua vài nhận định của người vun chí nguyện phát tâm xuất gia:
– Dấn thân đi trên con đường nghịch chiều với cuộc đời
– Mọi gian khổ thử thách không làm chùn bước mà vẫn kham nhẫn trong sự tinh tấn không ngừng.
– Như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, nếu lơ đễnh sơ hở ắt bị nạn cháy tay
– Thực hành hạnh nguyện Bồ Tát đi vào đời với tâm vô úy, thay chúng sanh chịu khổ nhục, và đón nhận cái vui sau khi thấy tất cả an lạc hạnh phúc.
– Nhà mô phạm đầy sáng tạo làm gương mẫu cho các thế hệ đến sau tiếp tục lên đường phụng sự tha nhân.
– Viên tướng soái oai dũng đi tiên phong thắng lướt trong mọi hiểm nguy đe dọa, qua bao lằn tên mũi đạn.
Cũng trong tinh thần đó, tôi luôn luôn theo đuổi 10 pháp cần hành như sau:
1- Mỗi ngày hai thời công phu sáng chiều chưa hề gián đoạn trừ khi bịnh duyên hay bận đi Phật sự xa. Nếu đi tới một đạo tràng nào qua đêm thứ hai, tôi đều phải theo chúng công phu sáng đầy đủ. Thời công phu theo tôi quan niệm như cơm bửa. Hôm nào không dùng bửa cảm thấy như thiếu một cái gì và do vậy, thiếu thời công phu sáng mỗi ngày cũng y hệt như vậy. Thói quen tự động nầy vô cùng quan trọng đối với tôi, đến độ tôi không cần đồng hồ báo thức vẫn thức dậy đúng giờ như thường. Một điểm tế nhị hơn mà tôi không dám khinh suất, đó là chư vị Long thiên hộ pháp luôn luôn có mặt thủ hộ ngôi già lam (tự viện) và các thiên thần đều đến nghe pháp. Vì lẽ, tụng kinh không riêng cho người sống nghe, người quá cố cũng được thừa hưởng công đức nữa, và cả chư vị thần thánh cũng tới dự pháp hội mà những câu trong bài sau đây để thí dụ chứng minh.
Lai thính pháp giả ưng chí tâm
Ủng hộ Phật pháp sử trường tồn
Các các cần hành Thế Tôn giáo
Hoặc tại địa thượng hoặc hư không
Thường ư nhơn thế khởi từ tâm
(Trời, A Tu La và Dược Xoa thảy
Những kẻ tới nghe pháp nên chí tâm
Ủng hộ Phật pháp để được trường tồn
Mỗi vị hãy thực hành lời Phật dạy
Chư thiện hữu thính chúng tới nghe pháp
Hoặc trên đất liền hoặc ở hư không
Hãy vì nhân thế khởi phát từ tâm
Ngày đêm nương từ tâm mà an trú…)
Ứng dụng câu: “Bồ Ðề tâm kiên cố, phiền não đoạn diệt, nghiệp chướng tiêu trừ, hằng hoạch kiết tường” (giữ Bồ Ðề tâm luôn được vững bền, dứt sạch phiền não, tiêu trừ nghiệp chướng, luôn được an lành); người xuất gia mới thấm thía ý nghĩa thoái Bồ Ðề tâm là thế nào. Từ thoái Bồ Ðề tâm rất hay và nó có một giá trị nhứt định đối với người đệ tử Phật chung cả hai giới xuất gia và tại gia. Không những kẻ phàm tăng thoái tâm mà ngay cả hàng Thánh giả từ hàng sơ địa đến cửu địa (trong thập địa Bồ Tát) vẫn thoái tâm như thường. Thế nên ca dao Việt Nam có những câu thật súc tích diễn đạt dòng tâm lý đa dạng này của con người như sau:
Thức khuya mới biết đêm dài
Tu lâu mới biết ai người hữu duyên
Hay câu tục ngữ diễn theo lối nói bình dân ý tương tự :
“Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay”.
Tuy nhiên, câu tục ngữ có thể hiểu theo một khía cạnh khác, tùy hoàn cảnh và tâm lý của từng trường hợp theo nghĩa tiêu cực. Ở đây rút tỉa kinh nghiệm chính bản thân và chắc chắn có phần chủ quan, nên không hẳn là mô thức cho mọi người phải theo trong cuộc hành hoạt để làm thăng hoa đời sống, nhất là đời sống nội tâm, cần đòi hỏi ở hành giả nhiều hy sinh dấn thân trong tinh thần tự nguyện và giàu dũng lực để đánh bạt tất cả nội chướng (phiền não, nghiệp lực, sở tri…) và ngoại ma (tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ham thích ăn ngon mặc đẹp…). mới đủ ý chí khắc phục được mọi tình huống, hoàn cảnh. Sở dĩ đạt được tâm nguyện như vậy là nhờ tôi luôn luôn tự cảnh giác như thế này : “Vào giờ này mọi người phải vùng dậy đi làm kiếm tiền sinh sống, tại sao ta nằm đây? Hôm nay tuyệt thực hay sao? ”. Nhờ đó tự sách tấn nên chưa hề thất thố bao giờ cho dù việc nhỏ.
2- Việc ưu tiên giải quyết trước: có nghĩa là việc nào sắp đặt trước thực hiện trước, việc sau thực hiện sau. Tuy cũng có trường hợp phải biết thích thời bằng sự cân nhắc chọn việc ưu tiên làm trước mà trong đời có những việc ta không dự liệu trước được. Thấy có nhiều người việc nào cũng nhúng tay vào làm cả, kết quả chẳng việc nào ra việc nào hết. Chi bằng ta chỉ làm một việc cho xong mà chắc chắn thành công đem đến lợi lạc và niềm hoan hỷ cho mọi người vẫn hơn là ôm đồm nhiều việc cùng một lúc rồi không làm được việc nào cả
3- Ngăn nắp thứ tự: từ giấy tờ, đồ đạc, hứa hẹn, tiền bạc v.v… đâu ra đó không lẫn lộn, quên sót. Vì thế mà không hay ít khi bị ai trách cứ (trừ người khó tánh). Ðây là một điểm nổi bật thành công trong mọi việc, nhất là trong thương trường hay trong phạm vi học đường. Vì được mọi người tin tưởng ở khả năng làm việc, cách điều hành và tài quản lý của người có trách nhiệm biết lo liệu công việc.
4- Làm việc như sở thích: tức là tìm được thú vui trong công việc do ta tự sắp xếp mà không phải người khác ép buộc làm. Thật vậy, công việc do ta đề xướng và đeo đuổi đến nơi đến chốn cho tới thành công cũng mang lại cho ta nhiều phấn khởi và hăng say để tiếp tục cống hiến tài năng và sức lực vào việc lợi ích chung.
5- Làm việc như bổn phận: tự thấy có bổn phận mới hết lòng lo công việc được chu đáo, đạt đến hiệu quả tốt. Người không có trách nhiệm và bổn phận như khách qua đường, không để ý tới những việc chung quanh, vì nghĩ đã có người khác lo nên không cần quan tâm tới. Mỗi người nên tự xét thấy có bổn phận như người cha, người mẹ trong gia đình; vị thầy cả trong ngôi tự viện, ông giám đốc của một hảng xưởng v.v… để chu toàn trách nhiệm và bổn phận .
Trên mọi lãnh vực của đời sống, nếu mọi người ai cũng biết nhìn theo chiều hướng xây dựng hẳn việc nào chúng ta cũng đạt đến thành công tốt đẹp.
6- Lời hứa như mũi tên đã buông không thể rút lui được nữa; khi đã hứa với ai một việc hay điều gì phải gắng giữ lời cho trọn vẹn, đừng để người ta nghi ngờ khả năng và thiện chí ta. Như đã hứa mà giữa chừng tính không xong, cũng phải tìm mọi cách thỏa đáp, không nên bỏ dỡ dang việc và tìm cách né tránh, đỗ thừa qui kết cho người khác là không được.
Cho dù mình ta phải chịu thiệt thòi quyền lợi hay ngay cả bị thiệt hại về danh dự và kể cả tánh mạng cũng phải hy sinh cho người khác, không so hơn tính thiệt để nuốt lời hứa. Một người đã thất hứa một lần chắc hẳn không ai tin tưởng, nếu thất hứa nhiều lần hẳn bị mọi người tẩy chay và xa lánh. Người học Phật giữ đúng hạnh nguyện Bồ Tát trong sứ mạng độ sanh, dứt trừ phiền não, quyết học giáo pháp giải thoát và nguyện thành đạo để lợi lạc hữu tình.
7- Nghiêm khắc với chính mình: tự răn nhắc mình trong mọi trường hợp và hoàn cảnh. Không dễ dưng rồi đi tới chỗ buông lung phóng túng cách tệ hại, lố bịch và gây ra những phiền não khổ đau, chua xót, phẫn hận, thù hiềm, không tốt cho chính mình và cho mọi người chung quanh; rộng hơn là cho xã hội, quốc gia.
Nghiêm khắc không đồng với khắc khổ, tuy có một vài điểm tương đồng nhưng hoàn toàn khác nhau. Người biết nghiêm khắc với chính mình là người luôn đề cao cảnh giác niệm vô minh và tự thiết lập “Bộ Quốc Phòng” để phòng vệ bốn ma binh rình rập xâm nhập (ma phiền não, ma ngũ ấm, thiên ma, tử ma) tâm thức bất cứ lúc nào ta lơ đễnh bỏ ngõ.
Phải luôn luôn dùng giới luật để răn nhắc mình trong từng giây phút
8- Thấy sai chỉ ngay không nể vì: người trực tánh dễ gây phật lòng người khác ở chỗ ưa nói thẳng và chỉ ngay những sai trái lỗi lầm của người, không sợ mích lòng, kể cả những vị cao niên, các bậc tôn đức, hể sai lầm liền bị chỉnh mà không đợi bất cứ một dịp nào khác. Ðiều này làm cho có nhiều người không thích nhưng đối với những ai thích học hỏi và cầu tiến bộ nên cám ơn người chỉ ra lỗi lầm của mình để một ngày kia sẽ được hay hơn, giỏi hơn và sống có chiều sâu hơn.
Người sống gần người trực tánh sẽ tự luyện cho mình tánh kiên nhẫn chịu đựng và lấy đó làm thước đo giá trị thực ở đời.
9- Ðược khen ngợi không hãnh diện, tự hào: kẻ nào thích được tâng bốc tán dương là người mang tính tự kiêu rất lớn. Tánh tự kiêu đâm ra ngã mạn hay tự hào và hiêu hiêu tự đắc không cho thiên hạ ai ra gì cả. Có nhiều lúc được người khác mời hợp tác những công việc quan trọng hàng đầu, ta nên lượng sức và tài năng mình. Cũng như nên tự hỏi: mình thật có tài nhận lãnh vai trò đó không? Phải chăng người ta cố gài mình để họ dễ lung lạc hay đứng ngoài “thọc gậy bánh xe”? Nếu xét thấy vị thế ấy thích hợp với sự ân cần mời gọi do thật tâm của bạn bè hay pháp lữ hoặc sư trưởng. Ta cũng không quá nguyên tắc từ chối thẳng thừng làm cụt hứng họ mà phải biết uyển chuyển cho khéo léo để giữ được mối liên hệ lâu dài.
10- Luôn luôn cẩn trọng khi được đề cử, cất nhắc: một khi thấy khả năng làm việc hữu hiệu của ta, người khác mới đề cử vào một vị trí quan trọng hoặc cất nhắc ta từ một địa vị thấp lên một bậc cao hơn. Dù được người khác tín nhiệm cũng phải hết sức dè dặt cẩn trọng. Không vì vội vàng hấp tấp mà làm hỏng cả một công việc lớn hay làm ảnh hưởng không tốt cho tương lai. Người háo danh thường hay mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng khi đang giữ một địa vị quan trọng là muốn chứng tỏ cho kẻ khác rõ mặt ta đây có quyền hành thế này thế nọ.
Hãy cùng suy nghĩ để học hỏi câu tục ngữ này: “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” hầu tránh những cạm bẫy cho những ai nông nỗi dễ vướng mắc.
Ngày nay chúng ta đang ở vào thế kỷ thứ hai mươi mốt, mọi mặt tiến bộ vượt bực, về kỹ thuật, truyền thông và nhất là mạng xa lộ thông tin – internet – toàn cầu. Chúng ta giống như những tài xế lái xe giữa xa lộ, ai cũng phải lái nhanh, nếu không muốn gây ra tai nạn không cần thiết. Thật cũng khó mà hiểu nổi có người không thích như vậy mà muốn đi ngược lại thời xa xưa về trước. Ðây chính là sự thật của một số ít người và trong số có tôi, thấy hay hay nên giữ mặc cho có người chê trách thế này thế nọ, kể cả hàng môn đệ tôi cũng không hiểu nổi thầy mình nữa. Ðây là 10 KHÔNG mà tôi cố theo đuổi trong suốt quảng đời hành đạo. Ðó là:
1- Không điện thoại cầm tay (mobile phone); thời đại tín học ngày nay, hầu hết mọi người ai nấy phải có điện thoại cầm tay để liên lạc khi cần thiết, kể cả học sinh tiểu học cũng biết xử dụng loại phương tiện thông tin tối tân này. Người ta dùng nó như món đồ trang sức để liên hệ trong nhiều lãnh vực, mục tiêu. Hơn 20 năm về trước vào thập niên 80, người nào xử dụng mobile phone xem như oai phong lịch lãm lắm. Lúc đó giá thành của một chiếc điện thoại loại thường cũng từ 500 đô trở lên, còn loại tốt liên lạc được nước ngoài giá phải từ 1000 đến $ 2000USD. Ðến thập niên 90 giá mỗi chiếc điện thoại hạ thấp xuống còn chỉ $100 tới $300 mà thôi. Và trong vòng 10 năm tới 5 năm trở lại đây, điện thoại cầm tay được tặng miển phí.
Không phải vì giá điện thoại đắc tôi không xài, giá rẻ cũng không xài và ngay cả biếu không tôi cũng làm lơ không xài. Ðó mới là vấn đề để quý độc giả suy nghĩ. Vào tháng 12 năm 1999, lúc đó tôi đảm nhận vai trò Tổng Thư Ký Hội Ðồng Ðiều Hành Giáo Hội Phật Giáo VNTN Hải Ngoại tại Úc Ðại lợi – Tân Tây Lan. Vừa được bầu chức vụ mới ngày hôm trước, qua bửa sau các đệ tử tôi qua câu chuyện xây dựng và phát triển tổ chức, đề nghị tôi nên sắm một điện thoại cầm tay cho tiện việc liên lạc. Tôi không chấp thuận mà cũng không phản bác, với thái độ làm thinh. Tưởng tôi thuận theo đề nghị, nhưng sau vài tuần thấy tôi không có gì thay đổi, cũng với mobile phone nhưng đệ tử tôi đề nghị khác như thế này: Thầy không cần mua điện thoại, nếu thấy không thích con muốn Thầy xử dụng điện thoại của con mỗi khi thầy rời khỏi chùa để mọi người dễ tiếp xúc lúc cần công việc Phật sự của Giáo Hội cũng được giải quyết nhanh và có hiệu quả. Qua nhiều lần đề nghị xử dụng điện thoại cầm tay của những đệ tử thân cận tôi vẫn không dùng tới mãi cho tới nay, sau nhiều năm làm việc Giáo Hội. Vào một ngày mùa xuân năm 2003, Ðại Ðức CK nói với tôi bằng cả tấm lòng chân thật như thế này:
– Mãi tới nay con mới thấy Thầy không xử dụng mobile phone là đúng, vì nó có một số vấn đề mà chỉ người dùng nó mới phát hiện được nhược điểm của việc “lợi bất cập hại” ra sao. Và Ðại Ðức còn nói tiếp:
– Con ôm điện thoại mà không turn on (mở) cũng xem như không có điện thoại rồi còn gì nữa. Vì đang lái xe nghe điện thoại là bị cảnh sát phạt nặng đấy. Và còn không ít những bất tiện khác nữa.
Nêu lên điểm này, tôi tin chắc một điều rằng tôi mạnh dạn nói ra sự thật và không rõ nó tốt hay xấu. Thôi tốt xấu mặc kệ, chấp nhận theo đuổi là được nên tôi ghi nhận điều này: việc làm của tôi, tôi không muốn thuyết phục ai theo, kể cả môn đệ vì tự nghĩ không muốn cầm cái điện thoại nói chuyện ôm sát vào tai coi ra nó không đẹp một chút nào. Lý luận này chỉ tôi và tôi tin chắc có nhiều người không đồng ý. Và biết đâu có người lại cười thầm, hay còn gì gì nữa. Miển sao tôi cảm thấy an lạc không bị chi phối bởi những phương tiện nhất thời vào cuộc đời tu niệm là đủ rồi.
2- Không thẻ tín dụng (credit card): từ khi thẻ tín dụng lưu hành phổ thông để mọi người dùng nó như là mode thời trang mới, có nhiều điều tiện lợi cho việc đi mua sắm, trả tiền qua thẻ mà không phải mang theo mình một số tiền cồng kềnh có nhiều lúc cũng rất nguy cho tánh mạng nữa. Tuy nhiên, các phương hại của thẻ tín dụng đưa đến cho người xài cũng không phải ít mà nhiều khi còn gây ra thêm rắc rối, đau buồn, gây gỗ, chia ly, nợ nần chồng chất, do ta không kiểm soát được hay không tự chủ lấy mình mà có lắm ngườøi tan nhà, mất hạnh phúc cũng vì phóng tay xài thả cửa, vì không tự chế được lòng tham, cho đến khi phát hiện ra đống nợ đồ sộ mới đâm hoảng hốt tìm cách chữa. Ðợi tới lúc cháy nhà mới lo phòng hỏa, dù có phương cách khéo, kỹ thuật cao đến đâu cũng không còn kịp nữa. Thế còn người chủ trương không xài thẻ tín dụng cũng đâu phải đã hay hơn, vì không tự kiểm soát được mình và thấy được điểm dỡ, thế yếu mới lo tìm cách tránh trước thế thôi. Bản thân tôi không xử dụng thẻ credit card, nhưng tôi không bài bác, ngăn cản hay chỉ trích người xài loại phương tiện tối tân này theo trào lưu mới. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh tới chữ “phong trào” xài thẻ cho nó hợp thời một chút. Nhất là giới thanh thiếu niên nam nữ ưa xài thẻ tín dụng hơn cả. Người nào cũng có lý do và lập trường của mình, miển đừng phạm đến tự do và quyền lợi của người khác, cũng như sự ích lợi chung là được.
Tôi là ông thầy tu từ nơi “gốc rạ chun lên” tôi tự cảm thấy kém tân tiến cho tới thế kỷ hai mươi mốt hôm nay. Mặc cho dư luận thế nào tôi vẫn là thầy tỳ kheo trên mình mặc 3 y, theo hạnh nguyện của Phật, chư Tổ để tìm vui trong an lạc giải thoát.
3- Không có danh thiếp: tấm danh thiếp (business card) hay gọi nôm na là thẻ nghề nghiệp, card thương mại mà trên đó có ghi tên, điạ chỉ, chức vụ để mỗi lần gặp khách hay bạn bè là trao đổi cho mọi người biết tới ta. Việc này đã trở thành rất phổ thông trong xã hội chúng ta đang sống ngày nay, từ Ðông sang Tây, từ Nam chí Bắc ai cũng lấy làm quen thuộc cách thức này. Gọi danh thiếp có hai phần: danh là tên họ, và thiếp là địa chỉ, tên đường, số nhà (cơ sở), số điện thoại, số fax, email, website, ngay cả các chức vụ đang đảm trách. Ðây được xem như là một hình thức quảng cáo hữu hiệu nhất, vì nó rất tiện lợi là nhiều người biết tới dịch vụ của ta. Còn tôi là một nhà tu, tại sao phải quảng cáo nghề tu của mình? Hay là muốn cho mọi người biết tôi đang là Viện Trưởng, Trụ trì, Chủ Tịch, Giám Ðốc v.v… của một tự viện lớn, một cơ sở đồ sộ chăng? Những tước hiệu ấy đối với tôi đâu có gì quan trọng. Không quan trọng không phải tôi không với tới được mà vì tôi không thích thôi; và dĩ nhiên nhận xét này chỉ riêng tôi chứ không làm va chạm người khác. Nếu quan niệm tu là một nghề, và những ai chọn, đó như một cái nghề để sinh sống thì thật quả vô cùng tệ hại cho đạo pháp và con người ở hiện tại và trong tương lai .
Ðôi lúc tôi bị khách hỏi xin tấm danh thiếp mà không có cũng cảm thấy hơi quê một chút, nhưng lâu ngày cũng thành quen và nay mọi người hầu như ai cũng rõ. Ðó là một việc tuy nhỏ, nhưng có người không chịu bỏ qua; còn tôi thì vượt qua tất cả, ngay như những lời chỉ trích cũng không hề nao núng nản lòng.
Tấm danh thiếp không có trong túi xách hay đúng ra tôi không dùng nó cho đến bây giờ và mãn đời tu cũng là điều dễ hiểu. Nếu có người hiếu kỳ thắc mắc muốn biết tại sao; xin thưa, tại tôi là nhà tu hành đã khác đời nên không thích làm những việc như người đời.
4- Không lái xe: Có xe không lái, có bằng lái không xài, đây mới là chuyện lạ không thể ai cũng hiểu được trong môi trường của xã hội hôm nay.
Chưa hẳn đã hay
Việc lái xe như là phương tiện đi lại trong các đô thị tân tiến đều được mọi người tán đồng và đôi khi còn cổ võ đôn đốc nữa, và tôi cũng vậy. Ngày còn ở Việt nam vào thập niên 60, tôi lái xe Honda đi học, đi dạy học và hoằng pháp cũng bằng chiếc xe con khiêm tốn. Khi sang Nhật du học thập niên 70, tôi dùng phương tiện đi lại bằng xe lửa. Ðến khi qua Úc thập niên 80 và mãi đến năm 2000, tôi dùng đủ mọi loại phương tiện: xe bus, tàu lửa, xe hơi… Nói nghe cho oai chứ kỳ thật xe hơi tôi chỉ đi ké đi nhờ người khác lái chở đi, còn riêng tôi đâu có lái xe hơi bao giờ, mặc dù có bằng lái loại top (golden licence) cũng chỉ để làm kiểng chơi mà không có xài tới. Không lái xe có đôi khi cũng vất vả lắm, nhất là lúc cần đi việc gấp lại không nhờ được người lái, còn khi thường muốn đi lại nhờ vả nhiều quá cũng làm người khác phiền lòng thì không nên. Ai cũng nghĩ: Thầy không cần phải lái xe, vì đi đâu đã có đệ tử lái giúp. Vì thầy đông thiếu gì đệ tử muốn giúp công quả chở thầy, đi tới đâu lại chẳng được. Thế nhưng quý vị có biết không, tôi vẫn thường xử dụng phương tiện chuyên chở công cộng xe bus, xe lửa v.v… như thường! Việc làm nầy của tôi nhằm mục đích để học hỏi và quan sát tận mắt mọi sinh hoạt của mọi người trong cuộc mưu sinh chạy đua ngoài xã hội. Có nhiều người hỏi: tại sao Thầy không lái xe?
– Câu trả lời đơn giản của tôi là tôi không lái vì không thích lái xe, thế thôi. Tuy cũng có những lý do tiềm tàng, nên không thể ghi kể hết được ra đây. Theo tôi, không lái xe là một cái thú để được người khác chở và nhìn người khác lái mình đi. Cũng như trái sầu riêng là món khoái khẩu của nhiều người; thế nhưng có người nghe mùi sầu riêng là chịu không được phải lánh đi nơi khác. Lại có người không thích giá đậu xanh và tìm cách loại bỏ khỏi món ăn, người không thích măng hễ ăn vào là bị đau nhức mình mẩy v.v…; cũng là một lý do chính đáng mà mọi người phải tôn trọng quyền tự do của kẻ khác. Và ở đời này còn có muôn ngàn điều, việc thích hợp người này lại trái nghịch với người khác mà ta không biết phải giải thích làm sao, hay đúng ra không cần phải giải thích chi cho thêm phức tạp, khó hiểu. Chỉ người trong cuộc mới đáp án đúng nguyên nhân của việc mình làm và chủ trương theo đuổi mà thôi. Ở đây tôi bật mí không lái xe cho quý thiện hữu tri thức rõ được đôi điều về việc làm này của tôi từ lâu nay như sau.
– Nhà tu hành không tiện để tình cảm mình lao theo đầu máy xe lúc nóng lúc nguội bất thường được .
– Lái xe thế nào cũng phạm lỗi lầm mà phạm nhiều lần càng làm tâm trí ta bất an rối loạn.
– Lỗi nhẹ có thể dễ bỏ qua, còn như phạm tội hẳn có luật pháp xử phạt điều tra.
– Không muốn để cảnh sát sưu tra lý lịch – một việc không cần thiết. Vì đã chắc gì ai dám bảo đảm lái xe an toàn một trăm phần trăm đâu !
Thật quả đúng như chủ trương của tôi sau nhiều năm không lái xe; tôi mới có được sự an nhiên và hoàn toàn tự do tự tại một cách tuyệt đối. Nói vậy, cũng chưa hoàn hão, có người sẽ vặn hỏi: nếu nói như kiểu thầy thì ai lái xe để thầy đi đây đi đó? Chẳng hóa ra người tài xế giúp thầy khờ lắm sao và tất cả những ai biết lái xe đều nằm trong thế bị quy kết như đã nêu trên chứ gì?
Nếu cứ phải lý luận, chắc chắn một điều là không bao giờ tìm ra được đáp số đúng nhất cho vấn đề được nêu ra đâu. Chi bằng ta nên chấp nhận một giải pháp tương đối; tất cả chúng ta ai cũng có phần đúng và có phần sai. Biết đúng nên giữ, biết sai nghĩ là sai nên tìm cách sửa lại cho đúng, là người muốn cầu tiến trong tinh thần học hỏi đáng trân trọng.
5- Không thuốc lá, cà phê: hút thuốc, uống cà phê cũng là một cái thú của người ghiền, kể cả uống trà loại đắc tiền hạng sang trọng. Có người mỗi lần cơm nước xong phải có điếu thuốc nếu không bị lạt miệng như thiếu một cái gì đó. Ấy là chưa nói nhiều người cứ hút liên tục hết điếu này sang điếu khác suốt ngày, hết ngày này qua ngày khác, đến đổi nhựa vàng cả mấy đầu ngón tay. Khói thuốc xông lên người kế bên không thể nào chịu nổi.
Hút thuốc nhiều có những điểm hại sau đây:
– Mùi khói hôi hám khiến người không biết hút thuốc khó chịu tránh né và có khi gây ra mất hòa khí với nhau.
– Tốn tiền vô ích, thuốc như một loại xa xí phẩm; vì thế Bộ Thương mại Chính phủ Úc đánh thuế rất nặng vào món hàng này để làm giảm bớt người tiêu thụ.
– Cấm hút thuốc tại một số nơi như văn phòng làm việc, trên phi cơ… Ngày nay hầu hết các hảng máy bay đều nghiêm cấm hành khách hút thuốc, kể cả hút lén trong cầu tiêu cũng không được.
– Gây ra bịnh nám phổi có hại cho sức khỏe mà người lớn tuổi khó trị liệu.
Ðó là một số những phương hại của thuốc lá mà ai cũng nhìn nhận thấy rõ và ngày nay khoa học, y khoa chứng minh không còn là điều bí mật nữa.
Còn với riêng tôi không hút cũng có nguyên nhân, như sau:
– Nhà tu hành cầm điếu thuốc phì phà nhả khói trông mất oai nghi không đẹp chút nào
– Tiền mua thuốc do Phật tử cúng dường chi tiêu việc khác; xài đồng tiền không đúng chỗ cảm thấy trái với lương tâm
– Thứ gì nữa còn xả bỏ được, thế tại sao không bỏ thuốc được? Chẳng qua do mình muốn tập thói quen và muốn duy trì một việc không được tán đồng và ai cũng không ưa thích.
– Mùi hôi của thuốc làm cho miệng, quần áo và tay cũng hôi lây. Thế thì tiếp khách, người Thầy phải ăn nói sao đây.
Còn cà phê, trà là thú tiêu khiển đâu có tác dụng hại cho sức khỏe mà lại không xài; có phải chăng mất đi một phần ý nghĩa cuộc đời?
Thú tiêu khiển có nhiều loại, loại cho giới bình dân và cho người thanh lịch; có những thú tiêu khiển thấp kém hèn hạ như cờ bạc, rượu chè, đỉ điếm v.v… cà phê, trà tuy không nằm trong những thú tiêu khiển thấp kém, nhưng không biết dùng chúng hay xử dụng thái quá cũng gây ra những tác dụng có hại nhiều mặt.
Người dùng lượng cà phê nhiều quá, lâu ngày chất cocaine dễ làm cho nhịp tim khó hoạt động, nhất là đối với người ghiền cà phê đậm dùng nguyên chất đen không pha chế thêm chất ngọt như sữa, đường. Riêng về trà, nếu biết thưởng thức với một trình độ cao sẽ đạt đến môn nghệ thuật như người Nhật qua trà đạo, hay thiền gia có môn thiền trà. Ai dám bảo những môn nghệ thuật thanh tao như thế là sa đọa, kém cõi, thấp hèn? Tôi không thích uống trà kiểu cách, tuy vẫn biết thưởng thức loại trà ngon dỡ, vì mỗi lần uống trà cho đúng điệu phải cần thời gian pha chế, cần người đối ẩm. Tôi không muốn tiêu phí thì giờ vào mấy thú tiêu khiển lỉnh kỉnh đó. Mặc dù ở chùa vẫn đủ những bộ tách trà, bình pha trà; tuy có thiếu đồ gắp trà, thìa múc trà, oản trà, trà vương…
Họa hoằn lắm tôi mới phải dùng tới mấy món đồ trà kiểu cách đãi khách quý phương xa tới viếng thăm, đàm đạo, trong số có những pháp lữ lâu năm xa cách, nay gặp lại mới mượn chung trà làm mối giao hão đạo tình. Cũng có trường hơp các vị Thầy cao tuổi, họ rất cần, sống theo phong vị chung trà để tìm lại những kỷ niệm xưa mà vui qua ngày tháng nhìn đàn hậu tấn tiến lên, trưởng thành. Còn loại tiêu khiển thanh cao cũng có rất nhiều thứ như:
– Ði dạo công viên ngắm cảnh, xem hoa nở, nghe chim hót và quan sát thế giới đa thù của loài côn trùng như sâu, kiến, ong, bướm… sinh hoạt cũng không kém phần rộn ràng như loài người không khác.
– Làm vườn, trồng cây, tưới nước… để vừa thưởng thức công việc đang làm, vừa quan sát cây cảnh xanh tươi đơm hoa kết trái mà vui sống với thiên nhiên tạo vật .
– Ðọc sách cũng là một thú vui tuyệt hảo đối với người nào muốn như là con mọt sách, nhờ đó tìm thấy chân hình của nhiều biểu tượng không thời của quá khứ, hiện tại, vị lai.
Ðề cập tới sách, đối với tôi, là món ăn tinh thần bổ ích. Chung quanh phòng tôi vách tường nào cũng đầy sách kín cả. Ðến đổi, các đệ tử lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của tôi, đề nghị giải tỏa mấy kệ sách. Nhận thấy sự quan tâm này đúng, tôi đã cho dời sách vỡ sang phòng bên cạnh từ vài năm nay. Dĩ nhiên thú tiêu khiển cũng đa dạng, còn nhiều loại khác nhau như bơi lội, leo núi, picnic, chèo thuyền, tắm hồ, vv… thật là muôn màu nghìn vẻ, dồi dào đầy đủ. Tùy sở thích mỗi người chọn lựa để tìm vui trong thanh thoát nhẹ nhàng.
Thay vì:
Hớp ngụm cà phê đậm
Nhâm nhi tách trà nóng
Ngồi phì phà khói thuốc
Theo từng nhịp thời gian…
Tôi dành thì giờ vào việc đọc sách, làm vườn nhất là đi bộ mỗi ngày vào buổi sáng, ít nhất cũng từ 45 phút đến một tiếng đồng hồ. Nhờ tập quen như thế, sức khỏe có phần gia tăng, tâm luôn an lạc và thư thái, không vướng bận thời gian, công việc và còn nhiều nữa…
Chỉ nêu vài cái KHÔNG như vậy chắc cũng đã khó với nhiều người không theo được, huống gì hơn nữa; nhưng với tôi đó chỉ mới hơn phân nửa, áp dụng vào đời sống còn nhiều hơn thế nữa không phải kể những điểm tiểu tiết e thêm rườm rà.
6- Không trể giờ giấc; trên thế giới ngày nay hai dân tộc đúng giờ nhất là Ðức và Nhật. Nhờ sống và học ở Nhật tôi theo tinh thần đúng giờ giấc như người Nhật.
Sang định cư tại Sydney năm 1981, đầu tiên tôi họp một số Phật tử trong Ban Ðiều Hành Hội Phật Giáo lại và lưu ý hai điều: thứ nhất, tôi tiếp tục hợp tác, nếu số người vẫn ủng hộ có trên 5 người, và thứ nhì, giờ giấc phải chính xác đúng. Tuy nhiên, tôi cũng qui định cho mọi người theo giờ dây thun (co dãn) trong vòng nửa năm. Từ lễ Vu Lan năm 1981 đến nay, (2004) các buổi lễ lớn nhỏ tại chùa Pháp Bảo hầu như diễn ra đúng giờ.
Những sinh hoạt hằng ngày tại chùa cũng áp dụng giờ giấc nhất định: thời kinh sáng lúc 6 giờ, điểm tâm 7giờ, học tập 9.00 giờ, ngọ trai 12 giờ. Những năm sau này có thay đổi giờ theo mùa vì tiểu bang New South Wales theo chế độ saving time – vặn giờ lên một giờ hay vặn giảm xuống một giờ (tháng 3 và tháng 9) đầu mùa thu và đầu mùa xuân, nghĩa là từ tháng 3 đến cuối tháng 8 (Thu Ðông) trời mau tối, nên buổi chiều giảm lại nửa giờ thay vì 6 giờ dùng cơm chiều đổi thành 5.30 giờ; thời Tịnh Ðộ lúc 7 giờ, thay vì 7 giờ 30 phút. Aùp dụng giờ giấc chính xác lâu thành quen dần, nay nghe nói chùa Pháp Bảo tổ chức lễ, khách lo đến đúng giờ và nhờ tinh thần tự trọng đúng giờ như thế mà mãi tới nay ai cũng biết Phật sự tại chùa cũng như mọi sinh hoạt lễ lược quanh năm khác.
Tưởng cần nói thêm về thói quen, theo Duy thức học phân biệt thành hai khía cạnh: huân tập và tập khí.
– Huân tập là sự chăm sóc, tưới tẩm như người trồng cây săn sóc cây cối; người nông phu chăm lo mùa màng.
– Tập khí là sự xông ướp để tạo nên một khí chất nào đó, có thể thiện hoặc bất thiện. Thí dụ: hút thuốc, ngày nào cũng đều hút thuốc là huân tập và lâu ngày trở thành ghiền thuốc là tập khí. Như luôn thức dậy đúng giờ là huân tập mỗi ngày và ý thức việc đúng giờ luôn ghi mãi trong lòng rồi được thể hiện qua sự tĩnh thức mỗi sáng sớm dậy tụng kinh… là tập khí.
Như vậy, huân tập và tập khí là một tiến trình hình thành hoặc trở nên của đời sống tâm thức được biểu hiện cụ thể qua thói quen. Nó là phong cách và cá tính hay biệt nghiệp của mỗi cá nhân. Nói qua về bản chất của tập khí, nó là hiện thân của nghiệp thức; theo tâm lý học; vừa mang tính cách sinh học (biological) lại vừa mang tính cách tâm lý (psychological). Do đó, hiện thân của tập khí chính là con người toàn diện của cả hai mặt tâm lý và vật lý, tư duy và hành động; vật chất và tinh thần; tự tướng và tổng tướng, biệt nghiệp và cộng nghiệp; cá nhân và cộng đồng v.v…” (Thích Tâm Thiện – Tâm lý học Phật Giáo. p178 xb tại Saigon 1998).
Cũng do thói quen, tôi không hài lòng những người hẹn không đúng giờ. Tuy cũng có kẻ phiền tôi về sự đúng giờ để bào chửa việc trể nãi của họ. Ðiều này phải khẳng định họ sai, thế mà vẫn có kẻ chống chế không chịu sửa sai. Ðó là tâm bịnh của chúng sanh biết đời nào mới chịu cải thiện?
7- Không thị giả: thị giả là người phụ giúp một số công việc nhẹ như quét dọn phòng xá, xếp lại mền gối, ủi quần áo, giặt đồ, bưng cơm, pha trà. Phần này do một sư chú hay sư cô phụ trách đối với vị Thượng Tọa hay Hòa Thượng lớn tuổi.
Mấy chục năm nay, tôi tự lo liệu mọi việc cho mình mà không phải nhờ một chú hay cô làm thị giả giúp đở. Vì xét thấy mình chưa cần sự tiếp tay giúp sức của người khác. Và điểm này lại là điểm dỡ của tôi, chớ đâu hay ho gì mà phải nêu ra đây để mọi người biết. Có người lại cho đó là một đặc điểm nổi bật chỉ có Thầy Pháp Bảo mới có được mà không tìm thấy nơi bất cứ một Thầy nào khác. Với tôi, quan niệm đơn giản chỉ có thế này:
– Tu hành chưa bao nhiêu, công đức chưa dày không thể để người khác phục vụ cho mình nhiều mặt.
– Nhờ một người phục vụ cho riêng cá nhân, dù người đó nhỏ tuổi, cũng coi thường nhân cách họ.
– Người không được phục dịch Thầy có niệm phân bì, rồi gây nên bất hòa chúng.
Biết được những gì mọi người nhìn nơi Thầy cả, trong phòng tôi không để tủ lạnh, không nước uống, không đồ ăn vì nghĩ tới một số điểm bất lợi này:
– Những món ngon lạ đem chất đầy tủ lạnh để dành Thầy
– Thức ăn uống dùng thừa ra, bị hư ối cũng thật khó xử
– Cung phụng lâu ngày, thành độc đoán, kỳ cục khó coi đối với mọi người.
Do thấy rõ những suy nghĩ và việc làm thiếu chánh niệm của hàng tử đệ như thế, mới đầu họ phục vụ Thầy với tâm vô chấp, dần dần tánh u mê, lòng tật đố dấy lên lúc nào không biết đã tạo thành vấn đề cho ngôi chùa và cho vị Thầy mà đúng ra Thầy phải là một biểu tượng cao cả đáng tôn kính.
Ðệ tử kính thầy, thương Thầy phải hiểu Thầy và theo chí nguyện Thầy mới đủ tầm vóc kế thừa đạo nghiệp.
8- Không ủi (đồ) quần áo: quần áo giặt giũ, phơi xong, hầu hết nhiều người đều phải ủi cho thẳng nếp mới mặc lại. Có thói quen từ nhỏ tới lớn tôi chưa hề ủi quần áo bao giờ.
Tuy nói vậy, thỉnh thoảng cũng có ủi y hậu cho nó thẳng để làm lễ trước đại chúng cho nghiêm túc thế thôi. Còn về quần áo mặc thường, hầu như tôi không hề quan tâm phải ủi ngay thẳng. Thuật của tôi thế này: khi giặt đồ xong, trước khi phơi đem xủ kỹ những chỗ nhăn, nếp gãy bung ra, thế là đồ khô vẫn thẳng khỏi cần tốn công ủi. Dù vậy, có đôi khi vì gấp giặt không kịp xủ đồ, lúc mặc quần áo nhăn nheo khó coi, thế là phải đem đồ giặt lại.
Thấy nhiều người bỏ cả buổi và tốn nhiều thì giờ lo việc quần áo và trang điểm. Tâm lý làm đẹp nói chung là của phái nữ, nhưng phái nam có người cũng làm dáng nữa! Tôi quen một thầy ở Saigon thập niên 60, trong cặp táp luôn luôn có gương soi mặt; và trước khi đi đâu sửa soạn hằng giờ, còn quần áo thầy ấy khỏi phải bàn đến: ủi láng coóng thẳng có ly! Giới tăng trẻ có người còn ham diện cở đó, chúng ta cũng không trách người đời được. Thế thì, ta nên thông cảm giới phụ nữ có nặng phần trang điểm chút đỉnh cũng châm chế!
Tại sao ta phải bỏ thì giờ quá nhiều vào những việc không đâu như thế? Nếu không phải muốn người khác phái chú ý tới mình ta đâu cần quan tâm đến như vậy. Thật cũng mâu thuẩn và khó hiểu tâm lý người đời, khi người ta ai cũng muốn làm nhiều việc, lại không biết quí thì giờ mà dùng vào những việc ít quan trọng, không phải ưu tiên như vậy.
Hẳn trên thị trường tiêu thụ, phải cần những người dùng mỹ phẩm trang điểm mới tồn tại được. Còn giới nhà tu phải nên xét lại vai trò và cung cách để bớt lãng phí thời giờ vào việc không cần thiết.
9- Không đồng hồ báo thức: chiếc đồng hồ báo thức giúp ta ngủ dậy theo giờ giấc ấn định để làm công việc nhất định như đi xa, đến sở, vào trường; người tu ở chùa công phu, tọa thiền v.v…
Ngày xưa ở Việt Nam người nông phu thức dậy sớm ra đồng làm việc nhờ tiếng gà gáy, tiếng chuông chùa mà ca dao như còn nhắc nhở mọi người ở đâu đây:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
Tiếng chuông chùa Thiên Mụ (Huế) lan xa cả ngàn thước sang bên kia bờ sông Hương; gà thôn Thọ Xương gáy rang lúc tiếng chuông chùa vừa điểm vào canh ba đầu canh tư, báo thức dân làng chuẩn bị sẵn sàng cho công việc nông tang của một ngày mới. Người dân quê không cần đồng hồ báo thức vẫn dậy sớm được là nhờ tiếng chuông chùa, tiếng gà gáy. Còn người dân thành thị nhờ tiếng reo gọi của đồng hồ đánh thức để theo đúng giờ giấc qui định cho công việc làm. Tuy cũng có người để đồng hồ báo thức reo mà ngủ vẫn cứ ngủ như thường, như vậy hiệu quả của nó thật cũng vô dụng như thường.
Tôi có thói quen thức dậy đúng giờ mà không cần đồng hồ báo thức. Mới nghe vậy quý vị không tin đâu và đã có vị thử tôi tại một ngôi chùa lạ vào giờ công phu khuya, tôi đã tỉnh giấc trước giờ báo thức chúng 5 phút. Ðiều này làm cho vị Thầy ấy mới tin tôi và những lời thiên hạ sự bàn tán tỏ ra thán phục.
Như tôi đã nói, tôi lớn lên từ đồng quê chất phác học được ở người nông phu tánh cần cù nhẫn nại, và cũng học được cả tánh lương thiện trung thành. Mãi đến nay gần 50 năm (47 năm) sống nơi chốn thiền môn thanh tịnh, tôi nhận thấy cuộc đời mình gắn liền vào câu kinh tiếng kệ, nhịp mõ, tiếng chuông. Bản chất quê trong tôi chưa bị tẩy xóa và vì thế mọi việc xử sự của tôi như người nông dân chân lấm tay bùn mà linh động trong sự sáng tạo có suy tư.
Việc không dùng đồng hồ báo thức của tôi biết đâu không là đề tài để quý vị mua vui trong chốc lát.
10- Không ăn tối: từ vài năm nay, tôi không dùng bửa tối. Nói vậy cũng không đúng đâu, tôi có dùng sơ trái cây hay sửa để cho bao tử dễ làm việc qua đêm.
Việc tôi 1àm tưởng không cần biện chính. Tôi nghĩ hễ càng biện luận là càng đi xa mục đích ban đầu, nên cũng chẳng cần ai tán đồng hoặc ủng hộ để cho công việc thành nhẹ nhàng như chiếc lá vàng rơi ung dung tự tại dưới mặt đất mà không bất cứ một dấu hằn nào được phủ lên trên cả.
Việc làm tôi tự cho là thượng sách vì cũng khó thực hiện lắm đấy chứ! Tôi không phải tập quen chi cả, đùng một cái, tôi thực hiện ngay ý định không ăn chiều làm cho chúng trong chùa đâm khó hiểu. Mới đầu họ suy diễn đủ cách đủ kiểu, vẫn không thuyết phục được tôi. Thậm chí, có vài Phật tử van nài tôi phải dùng cơm tối để đủ sức làm đạo được lâu dài. Bà DC vừa thuyết phục vừa làm ra vẽ quan trọng nói:
– Thầy không ăn chiều, độ rày xem Thầy ôm nhom ốm nhách, tụi con bỏ không đến chùa nữa đâu, nếu Thầy vẫn giữ lập trường.
Tôi nhìn bà mỉm cười rồi nói:
– Bà đừng can dự vào tự do của người khác quá đáng như vậy. Giá như bà muốn thực hiện một ý định đúng mà bị con bà cản đà, bà phản ứng ra sao? Tại sao bà ngang quá vậy? Nghe tôi nói thẳng như vậy, từ đó bà ta không dám can dự việc tôi làm nữa mà đã tỏ ra hiểu biết, tôn trọng. Biết đâu, một việc nhỏ như thế cũng rút tỉa ra được bài học xử thế đích thực, phải không thưa quý vị?
Chùa Pháp Bảo hiện có ba thầy trò không ăn cơm tối từ hai năm nay. Có thể người trên 40 tuổi chịu đựng cho cơ thể nhẹ, còn ai chưa tới tuổi đó không hiểu ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao. Thật ra, việc tôi làm tôi không thuyết phục ai theo mình cả, ngay cả đệ tử cũng vậy. Nếu có ai theo sách lược ấy là do tự nguyện mỗi người thôi.
Nêu ra những điều trên là tất cả sự thành thật để tự kiểm điểm và học hỏi hơn là gì khác. Khi đã mang tâm trạng không hài lòng về bất cứ một việc gì dù nhỏ hay lớn hay đối với bất cứ ai, người ta có những phản ứng vô hình chung rất sống sượng rất thô, để lộ liễu ra hết chân tướng không thể dấu diếm được.
Hơn nữa, những việc tôi đang áp dụng là việc làm cụ thể không phải trên lý thuyết suông. Công việc có tính cách liên tục kéo dài qua nhiều năm tháng không hề bị ngăn ngại bởi bất cứ một động lực tâm lý hay vật lý nào hoặc nói chung là không bị chi phối bởi nội tâm và ngoại cảnh. Nói như thế, không có nghĩa những việc tôi làm luôn thuận buồm xuôi gió cả đâu mà có lúc có trường hợp cũng bị phản đối ngăn cản ra mặt hoặc âm thầm giận dỗi, bỏ mặc không hợp tác v.v… Dù vậy, tôi vẫn theo đuổi lập trường ban đầu, vì xét thấy nó không phương hại tới quyền lợi và tự do người khác. Kết quả sau bao nhiêu năm tôi luyện giúp cho tôi có một ý chí dũng kiện, một tâm chất dung dị, một cái nhìn quán chiếu để rút tỉa bài học tu thân xử thế đích thực. Ðây là số vốn liếng tôi đã đổ vào đầu tư trong nửa thế kỷ bằng sức lực và tâm huyết để xây dựng và tự tồn.
Nhờ học được bài học sống của tiền nhân như thế này:“giáo đa thành oán”(Giáo dục mà thái quá cũng thành có hại). Nên thiên tiểu luận này có tính cách tự truyện hơn, mong quý độc giả đọc, suy nghĩ nhưng mong không thành kiến, không phán xét. Ðọc với tâm lượng như thế, tác giả vô vàn thâm tạ và vô cùng tán dương lòng nhiệt thành của quý vị,
Sydney những ngày Tết Giáp Thân năm 2004.