Năm 1949

Năm 1949 (Kỷ Sửu – PL.2493)

– Ngày 30 tháng 2 năm Kỷ Sửu, Hòa thượng Trừng Thịnh –  Phước Hậu (1862-1949) thế danh Lê Văn Gia, pháp húy Trừng Thịnh, tự Như Trung, hiệu Phước Hậu, sinh tại xã An Tiêm, huyện Đồng Quan, tỉnh Thái Bình, thuộc Tông Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 42, Tăng cang chùa Báo Quốc (Huế), trụ trì chùa Linh Quang, viên tịch, thọ 87 tuổi, 55 hạ lạp.

– Ngày 11 tháng 3 năm Kỷ Sửu, Thượng tọa Đồng Nhất – Khánh Tường (1899-1949), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 43, trụ trì chùa Phước An (Thủ Dầu Một, Bình Dương), thị tịch, trụ thế 50 năm.

– Ngày 03 tháng 4 năm Kỷ Sửu, Hòa thượng Từ Phong (1865-1949), thế danh Võ Văn Vạn, người quê ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 39, trụ trì chùa Liên Trì (Bến Tre), viên tịch, thọ 84 tuổi.

– Ngày 22 tháng 4 năm Kỷ Sửu, Hòa thượng Hồng Hưng – Thạnh Đạo (1877-1949), thuộc Tông Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 40, trụ trì chùa Giác Lâm (Gia Định), viên tịch, thọ 73 tuổi.

– Ngày 25 tháng 6 năm Kỷ Sửu, Hòa thượng Đạt Thới – Chánh Thành (1872-1949), thế danh Phạm Văn Vịnh, pháp danh Đạt Thới, hiệu Chánh Thành, sinh tại làng Tân Nhuận Đông, tỉnh Sa Đéc, thuộc thiền phái Lâm Tế,  trụ trì chùa Vạn An (Sa Đéc), viên tịch, thọ 77 tuổi, 54 hạ lạp. Tác phẩm dịch thuật của ngài có : Di Đà Sớ Sao, Kinh Pháp Hoa, kinh Pháp Bảo Đàn, Phật Tổ Tam Kinh, Quy Nguyên Trực Chỉ, Long Thơ Tịnh Độ, Luật Tứ Phần Như Thích, Bồ Tát Giới Kinh, Tỳ Kheo Giới Kinh, Sa Di Sớ, Tỳ Ni Hương Nhũ, Sám Quy Mạng, Sám Khể Thủ,…

– Ngày 10 tháng 8 năm Kỷ Sửu, Hòa thượng Như Đắc – Thiền Phương (1879-1949) họ Dương, pháp danh Như Đắc, tự Giải Tường, hiệu Thiền Phương, sinh tại làng Phong Thắng, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, thuộc dòng Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 41, trụ trì tổ đình Phước Sơn (Đồng Xuân, Phú Yên), viên tịch, thọ 70 tuổi, 55 tuổi đạo.

– Ngày 01, 02, 03 tháng 10 (nhằm ngày 11, 12, 13 – 8 – Kỷ Sửu), Tổ đình Báo Quốc (Huế) mở “Hộ quốc giới đàn” do Tăng Già Sơn môn Thừa Thiên tổ chức, Hòa thượng Trừng Thông – Tịnh Khiết (1890-1973) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu; các giới sư : Hòa thượng Giác Nhiên làm Yết Ma, Hòa thượng Viên Quang làm Giáo thọ, Hòa thượng Giác Nguyên làm Đệ nhất tôn chứng, Hòa thượng Chơn Thiệt làm Đệ nhị tôn chứng, Hòa thượng Giác Hạnh làm Đệ tam tôn chứng, Hòa thượng Tịnh Phổ làm Đệ tứ tôn chứng, Hòa thượng Mật Hiển làm Đệ ngũ tôn chứng, Hòa thượng Từ Tường làm Đệ lục tôn chứng, Hòa thượng Quảng Nhuận làm Đệ thất tôn chứng. Trong số giới tử của giới đàn này có các ngài : Thiện Siêu (thủ Sa-di), Mãn Giác, Minh Châu, Thiên Ân, Viên Giác, Quang Thể,…(BNSGĐTVN).

– Ngày 17 tháng 10 năm Kỷ Sửu, Đại đức Hồng Tồn – Huệ Nhựt (1914-1987) trùng tu chùa Giác Tịnh nay tại số 345, tổ 10, ấp Thuận Nam, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Chùa này tiếp tục trùng tu vào năm 1969.

– Đại đức Thị Thọ – Giác Đạo (1913-2001) được Hòa thượng Bổn sư Như Huệ – Hoằng Thông (1894-1972) cử về làm trụ trì chùa Hưng Phước nay tại thôn Lương Nông, xã Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

– Thượng tọa Hành Thiện – Phúc Hộ (1904-1985) được cử giữ chức Chánh Hội Trưởng Hội Phật Học tỉnh Phú Yên (1949-1954).

– Thượng tọa Trừng Nguyện – Đôn Hậu (1905-1992) được cử giữ chức Chánh hội trưởng Tổng Trị sự hội Phật học Trung phần.

– Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897-1969) tập kết ra Bắc, sau đó được đề cử làm Chủ tịch phong trào vận động Hòa Bình thế giới.

– Thượng tọa Nhựt Dần – Thiện Thuận (1900-1973) được đại chúng suy tôn kế thế trụ trì chùa Giác Lâm ở Gia Định, nay thuộc quận Tân Bình, Tp. HCM.

– Thiền sư Hương Sơn – Trí Hữu (1912-1975) lập ngôi chùa nhỏ, đặt tên là chùa Ứng Quang tại Sài Gòn – Gia Định, mở lớp dạy chúng điệu các chùa lân cận.

– Thiền sư Chơn Thống – Đạo Tô – Phước Hậu (1905-?) kế thế trụ trì Tổ đình Phước Quang ở thôn Phước Long, xã Tư H a, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Nam.

– Thượng tọa Như Phước – Huyền Ý (1891-1951) được mời làm Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Liên khu 5, tỉnh Bình Định.

– Đại đức Thị Huệ – Bảo An (1914-?) được cử làm Hội trưởng Hội Phật giáo Tuy Phước, tỉnh Bình Đình.

– Thượng tọa Đồng Kính – Tín Quả (1891-1979) kế thế trụ trì chùa Hội Phước nay thuộc TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

– Đại đức Trí Đức – Thiện Siêu (1921-2001) được cử làm trụ trì Tổ đình Từ Đàm – Huế, đồng thời giảng dạy tại Phật học đường Báo Quốc và Ni viện Diệu Đức ở Thuận Hóa – Huế.

– Ni sư Hồng Ẩn – Như Thanh (1911-1999) được cung thỉnh làm Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu giới đàn Ni tại chùa Giác Nguyên nay thuộc quận 4, Tp. HCM.

– Hòa thượng Chơn Hương – Chí Bảo được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Quốc sư Chơn Luân – Phước Huệ (1869-1945) làm Chứng minh Đạo sư, Hòa thượng Giác Hạnh làm Yết Ma, Hòa thượng Vĩnh Thừa làm Giáo thọ cho giới đàn chùa Hưng Khánh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

– Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền (1861-1933) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Phi Lai, huyện Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc.

– Hòa thượng Trừng Thành – Vạn Ân (1886-1967) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Bảo Sơn thuộc thôn Phong Thăng, xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

– Thiền sư Nhựt Điện – Thiện Ký (1921-?) đắc pháp với Hòa thượng Ngộ Lý – Từ Phong (Tổ Liên Trì) được nối dòng thiền Lâm Tế – Chánh tông, đời thứ 40, được ban kệ phú pháp như sau : “Chơn như giai bình đẳng, ký tâm toàn thể dụng, phổ chiếu chấn tông phong, minh tánh lập nhơn duyên” (LSNNCPHCT-BT).

– Đại đức Đồng Lưu – Thiện Phương (1906-1968) kế thế trụ trì chùa Phước An nay tại phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

– Đại đức Quảng Cẩn – Hoằng Văn (1892-1960) kế thế trụ trì chùa Khánh Quới nay tại xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.