Năm 1950

Năm 1950, Thượng Tọa Thích Thiện Hòa, từ Bắc trở về Nam. Lúc bấy giờ các Phật Học Đường như: Liên Hải, Mai Sơn, Sùng Đức và Ứng Quang hiệp lại một, gọi là Phật Học Đường Nam Việt, do Thượng Tọa Thích Thiện Hòa làm Giám Đốc. Trường đặt tại chùa Ấn Quang 243 Sư Vạn Hạnh Cholon. Chùa Ứng Quang đổi tên lại là chùa Ấn Quang. Và trường Ni thì đặt tại chùa Từ Nghiêm, sau dời về chùa Dược Sư.
Đến năm 1953, đáp lời mời của Thượng Tọa Thiện Hòa, Quảng Minh và Nhật Liên, chúng tôi (T.T. Thiện Hoa) thu xếp Phật Học Đường Phật Quang, đầu xuân, 8 Thầy Trò quảy gói lên Sài Gòn để thống nhất và hợp tác với Quý Thượng Tọa ở Phật Học Đường Nam Việt. Cùng trong năm này, quý Thầy Huyền Dung, Quảng Minh và Nhựt Liên đều giao lại gánh nặng cho chúng tôi rồi xuất dương tất cả. Thượng Tọa Quảng Liên thì đi trước một năm (16.3.1962). chúng tôi bắt đầu lãnh 2 trọng trách vừa Giáo dục và vừa Hoằng Pháp (nhân dịp này xin ghi lại kỷ niệm trong 10 năm (1953-1963) hoằng pháp, đóng góp cho Phật-giáo vừa qua tại Thủ Đô, của chúng tôi):
1. Về Hoằng Pháp, chúng tôi lãnh nhiệm vụ: Ủy Viên Hoằng Pháp Tổng Hội Phật-giáo Việt-Nam (1956), xuất bản tạp chí “Phật-giáo Việt-Nam” với sự cộng tác đắc lực của Thượng Tọa Nhất Hạnh làm chủ bút, và tổ chức hàng tuần phát thanh Phật-giáo trên đài phát thanh Sài gòn.
Trưởng ban Hoằng Pháp Giáo hội Tăng già Nam Việt (năm 1953) và Trưởng Ban Hoằng Pháp Hội Phật Học Nam Việt (năm 1953), chúng tôi đào tạo được một số Giảng sư nổi tiếng là 12 vị như: Đại Đức Huyền Vi, Thanh Từ, Từ Thông, Thiền Định, Quảng Long, Chánh Tiến, Liễu Minh … và hai lớp Như Lai sứ giả (năm 1957): bên Tăng tại chùa Pháp hội được 52 vị, như Đại Đức Trường Lạc, Bửu Lai, Trí Châu, Nhựt Long, Hồng Tịnh, Hồng Đạo, Hiển Pháp, Huyền Quý, Hoằng Thông, Phước Hảo, Huệ Thành, … bên Ni tại chùa Dược Sư được 30 vị như: Ni Trưởng Huê Lâm, Ni sư Vĩnh Bữu, Như Hoa, Phật Bửu, Giác Thiên, Như Huy, Như Huyền, Như Chí, … những vị Tăng Ni trên đây đều là những bậc trụ trì kỳ cựu ở miền Nam (xem tập đặc san Ngày Hoan Hỷ).
Sau 3 tháng huấn luyện, một buổi đại lễ rất trang nghiêm và trọng thể được tổ chức ban đêm dưới mái chùa Ấn Quang vào ngày Phật Hoan Hỷ năm Đinh Dậu (1957) dưới sự chứng minh Tối cao của Đức Pháp Chủ Giáo Hội Tăng già Nam Việt, Hòa Thượng Thích Khánh Anh. Ngài ban Pháp phục, cẩm nang và những đạo từ thâm thúy! Đinh ninh phú chúc cho các vị Như Lai Sứ giả, với giọng nói rung rung của một vị Trưởng Lão! Làm cho hàng ngàn Tăng Ni và Phật tử đều vô cùng cảm động!.
Tiếp theo là một cuộc lễ nhộn nhịp rầm rộ và linh đình đưa tiển các vị Như Lai Sứ giả đi bổ xứ trụ trì các tỉnh miền Nam (năm 1957) làm cho Tăng Ni và đồng bào Phật tử ở các tỉnh, đón tiếp phái đoàn Như Lai Sứ Giả với một niềm hân hoan phấn khởi và đầy tin tưởng…!
Mỗi năm 3 kỳ, chúng tôi cử các vị giảng sư đến các tỉnh, mỗi nơi 10 đêm giảng Phật Học Phổ Thông, gây được 1 trong trào học giáo lý rất hào hứng. Mỗi kỳ giảng 1 khóa phổ thông 10 bài.
Chúng tôi soạn được 1 chương trình học Phật Pháp rất đầy đủ và in thành bài, từ sơ cấp đến cao đằng, tức là 12 khóa Phật Học Phổ Thông. Cũng trong thời gian này, chúng tôi còn sáng tác phiên dịch và xuất bản các loại sách Phật Học Tùng Thư như: Duy Thức Học, Bản đồ Tu Phật, Phật học Giáo Khoa, Tám quyển sách quý, Tu Tâm, Dưỡng Tánh và Bài học Ngàn Vàng, … tất cả gần 100 thứ.
2. Về Giáo dục, chúng tôi lãnh nhiệm vụ: Trưởng Ban Giáo Thụ Giáo Hội Tăng già toàn quốc V.N. (năm 1959), Ủy Viên Giáo Dục Tổng Hội Phật-giáo Việt-Nam (1959), Trưởng Ban Giáo Dục Giáo Hội Tăng già Việt Nam (năm 1953) và Đốc Giáo Phật Học Đường Nam Việt (năm 1953). Chúng tôi soạn chương trình giáo dục cho tăng Ni, Phật tử và hằng ngày giảng dạy cả 2 trường: Tăng ở Ấn Quang và Ni ở Dược Sư. Và mở thêm các Phật Học Đường như: Chùa Pháp Hội (năm 1954) ở vườn Bà Lớn Sài gòn, chùa Bình An ở Long Xuyên (1954), Chùa Hội Phật Học Biên Hòa, Chùa Phật Ân Mỹ Tho, Chùa Phước Hòa Vĩnh Bình (1956 – hai vị giáo sư đầu tiên chịu trách nhiệm trường này là Đại Đức Trường Lạc và Tịnh Đức). Chùa Long Phước ở Lưỡng Xuyên Vĩnh Bình.
Mỗi năm tại chùa Pháp Hội (vườn Bà Lớn) chúng tôi mở khóa Hạ và khóa Đông để huấn luyện cán bộ trụ trì, Như Lai Sứ Giả, cán bộ Hoằng Pháp và Giáo dục. Sau khi huấn luyện xong, Giáo Hội bổ xứ họ đến các địa phương để phục vụ Đạo pháp.
Mỗi bài phát nguyện đã in sâu vào tâm trí và thường ngày Văng vẳng bên tai họ (năm 1957) như sau:
“ Con là Sứ Giả Như Lai
Phát nguyện suốt đời hiến thân cho Đạo
Để phụng sự Đạo pháp và phục vụ chúng sánh
Chổ nào chúng sanh mời, con đến
Chổ nào Đạo pháp cần, con đi
Không kể gian lao, chẳng từ khó nhọc
Nam Mô Đại hạnh Phổ Hiền Vương Bồ Tát”
Một khóa tối hậu, huấn luyện cấp tốc các vị Như lai Sứ Giả tại chùa Ấn Quang vào ngày 1 đến ngày 6 tháng 4 trước (2 tháng 4) năm Quý Mão (tức 24 đến 29.4.1963). với sự tham dự trên 300 Tăng Ni kỳ cựu ở khắp miền Nam, rồi đình chỉ luôn vì Pháp nạn năm 1963.
Trong thời gian 10 năm (1953-1963) vừa qua, hàng tuần vào thứ 4 và thứ 5, chúng tôi mở khóa giáo lý dạy các Phật tử, Cư sĩ ở chùa Ấn Quang và Xá Lợi, theo chương trình Phật Học Phổ Thông 12 khóa. Và huấn luyện một lớp giảng viên Cư sĩ 6 vị như: Bác sĩ cầm, Bác sĩ Khoẻ, Đạo Hữu Nhuận Chưỡng, Đạo hữu Minh Phúc, …
Những vị xuất thân từ Phật Học Đường Nam Việt như: Thượng Tọa Tắc Phước (Đương kiêm Chánh đại diện Miền Khánh Anh), Thượng Tọa Bửu Huệ (Đương kiêm Giám Đốc Phật Học Viện Huệ Nghiêm), Thượng Tọa Tịnh Đức (tịch), Thượng Tọa Thiền Tâm, Huyền Vi, Thanh Từ, Từ Thông, Thiện Giải (Thiền Ấn), Thiện Định, Chánh Tiến (ở Vĩnh Nghiêm) Quảng Long (Tổng vụ trưởng Tổng Vụ xã hội), Hoàn Quan, Đại Đức Liễu Minh, Huệ Thới, Nhựt Thường, Thắng Hoan, và Đức Niệm, …
Những Phật tử giúp đắc lực cho Phật Học Đường Nam Việt là các Phật tử Ấn Quang, Ban Bảo Trợ (do Bác sĩ Lê Văn Cầm làm Trưởng Ban), Ban Công Quả, Ban Hộ Niệm và còn nhiều Phật tử xa gần.
Trường Ni Dược Sư thì có Hội Phụ Nữ Phật Tử (do bà Nguyễn Hữu Pha pháp danh Diệu Huấn làm hội trưởng) tận tâm ủng hộ. Ngoài việc bảo trợ Ni trường, Hội còn làm công tác từ thiện xã hội như: Ký Nhi Viện, Phòng phát thuốc ở xóm Gà, Gia Định, …

This entry was posted in . Bookmark the permalink.