Năm 1951

Năm 1951 (Tân Mão – PL.2495)

– Ngày 25 tháng 2 (nhằm ngày 20 – 1 – Tân Mão), Hòa thượng Như Điền – Huệ Chấn (1886-1955) được cung thỉnh làm Chứng minh Đạo sư cho Hội Phật học Nam Việt, thành lập tại chùa Khánh Hưng.

– Ngày 21 tháng 2 năm Tân Mão, Hòa thượng Chơn Đĩnh –  Phước Thông (1866-1951) thế danh Lê Hữu Đạt, pháp danh Chơn Đĩnh, tự Đạo Đạt, hiệu Phước Thông, sinh tại làng Lệ Sơn, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 40, Tổ khai sơn chùa Tôn Tam (Ngũ Hành Sơn, Quảng Nam), viên tịch, thọ 86 tuổi.

– Ngày 27 tháng Giêng năm Tân Mão, Hòa thượng Như Phước – Huyền Ý (1891-1951) thế danh Võ Trấp, pháp danh Như Phước, tự Giải Tiềm, hiệu Huyền Ý, sinh tại làng Hưng Trị, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 41, Tổ khai sơn chùa Liên Tôn (Phù Cát, Bình Định), viên tịch, thọ 60 tuổi, 22 giới lạp. Những  tác phẩm của Hòa thượng : Sa-di Luật diễn nghĩa, A-di-đà kinh diễn nghĩa, Chứng Đạo Ca diễn nghĩa, Kinh Pháp Bảo Đàn, Luận về Nhân Quả, Luận về Niết Bàn, Nghiên cứu Duy thức A-lạida, Luận về Sáu pháp Ba-la-mật, Luận về Chánh tín – Mê tín,…(LSTTTPLTCT).

– Ngày 02, 03 tháng 3 (nhằm ngày 07, 08 – 2 – Tân Mão), Thiền sư Thanh Thao – Trí Hải (1906-1979) xuống Hải Ph ng dự lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca xuất gia. Các Phật tử hành hương dự lễ có đến mấy vạn người. Ngày 13 – 9 năm này,   Thiền sư về thuyết pháp và truyền thụ Tam quy cho hội viên Chi hội Phật giáo Kênh Khê, quận Khoái Châu, Hưng Yên. Đến ngày 20 – 9, ngài đi dự lễ  thành lập Chi hội Phật giáo Yên Phú, Thường Tín, Hà Đông. Cũng năm này, ngài được suy tôn làm Đệ nhất Phó Hội chủ Tổng Hội PGVN.

– Ngày 27 tháng 4 năm Tân Mão, Hòa thượng Nguyên Thắng –  Vĩnh Sung (1878-1951) thế danh Lê Thắng, húy Nguyên Thắng, hiệu Vĩnh Sung, người làng Hội An, đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 42, trụ trì chùa Liên Trì (Bình Thuận), viên tịch, thọ 73 tuổi.

– Ngày 09 tháng 5, Hòa thượng Trừng Thông – Tịnh Khiết (1890-1973) được suy tôn làm Hội chủ Tổng Hội PGVN tại Đại hội Phật giáo toàn quốc nhóm họp tại chùa Từ Đàm (Huế), gồm 51 đại biểu tăng-già.

– Ngày 15 tháng 7 năm Tân Mão, Thiền sư Như Thọ – Huyền Tân (1911-1979) thành lập Chi Hội An Nam Phật học Ninh Thuận đặt tại thôn Đắc Nhơn, đồng thời ngài vận động thành lập Phật học đường Ninh Thuận. Cũng năm này, Thiền sư thành lập Hội Phổ Tương tế tại Tổ đình Thiền Lâm.

– Ngày 15 tháng 7 năm Tân Mão, Hòa thượng Chơn Phổ – Minh Tịnh (1889-1951) thế danh Nguyễn Tấn Tạo, pháp danh Chơn Phổ, hiệu Nhẫn Tế, sinh tại làng An Thạnh, Lái Thiêu, Bình Dương, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 40, trụ trì chùa Thiên Chơn (Bình Dương), viên tịch, thọ 63 tuổi, 25 hạ lạp. Những tác phẩm của Hòa thượng : Lăng Nghiêm Tông Thông, Nhật Ký Tham Bái Ấn Độ, Tây Tạng.

– Ngày 14 tháng 12 (nhằm ngày 01 – 9 – Tân Mão), Hòa thượng Nhật Trung – Tịnh Trì (?-1951), thế danh Đinh Văn Chánh, húy Nhật Trung, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, đời thứ 41, hoằng hóa ở chùa Tịnh Độ (Long An), thị tịch, hưởng dương 54 tuổi.

– Ngày 22 tháng 11 năm Tân Mão, Hòa thượng Hồng Khoa – Từ Tâm (1889-1951), thế danh Nguyễn Hồng Khoa, húy Hồng Khoa, thuộc thiền phái Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 40, trụ trì chùa Long Thành (Đức Hòa, Long An), viên tịch, thọ 63 tuổi.

– Ngày 25 tháng 11 năm Tân Mão, Đại đức Nhuận Đức – Huệ Thông (1905-1952), thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 46, trụ trì chùa Long Hưng (Bến Cát, Bình Dương), thị tịch, trụ thế 47 năm.

– Thượng tọa Phước Bình – Hành Trụ (1904-1984) được đề cử làm Trưởng ban Nghi lễ của GHTGNV.

– Hòa thượng Trừng Nguyên – Đôn Hậu (1905-1992) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho đại giới đàn chùa Ấn Quang tại thôn Vườn Lài, tỉnh Chợ Lớn.

– Nam Phổ Đà Tự tọa lạc đường Lục Tỉnh, Chợ Lớn, tổ chức lễ khánh thành, sau 3 năm trùng tu. Đại đức Thích Thanh Tuyền (1914-1994) về Trung Quốc thỉnh Bổn sư của ngài là Hòa thượng Ngưỡng Tham và Y chỉ sư Chứng Lượng (thuộc Tổ đình Trường Khánh, thiền phái Lâm Tế, Trung Quốc) sang Việt Nam dự khánh thành và ở lại trụ trì hoằng dương Phật pháp (TSDTVN).

– Đại đức Tâm Như – Mật Nguyện (1911-1972) được suy cử làm Chánh Trị sự Sơn Môn Tăng Già Thừa Thiên, và cuối năm ấy lại được mời làm giảng sư tại Phật học đường Báo Quốc (Huế).

– Đại đức Chơn Ngọc – Long Trí (1928-1998) về trụ trì chùa Viên Giác ở Quảng Nam – Đà Nẵng.

– Đại đức Chơn Khai – Quang Lý (1918-1990) trùng tu và thiên di chùa Bửu Long ở làng Hiệp Phố về làng Xuân Vinh, xã Nghĩa Chánh, quận Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.

– Ni cô Như Ái – Hoằng Thâm (1924-2000) kế thế trụ trì chùa Liên Tôn ở xã Cát Thắng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

– Sư cô Tâm Đăng – Chơn Như (1915-2005) tiếp nhận trụ trì và trùng tu chùa Minh Hương tại Diên Toàn, Diên Khánh, Khánh Hòa, đồng thời đổi tên thành chùa Minh Phước.

– Thượng tọa Đạo Thông – Trí Thắng (1891-1975) được mời đảm trách chức Giám đốc Phật học đường Nha Trang.

– Thượng tọa Hành Nguyện – Viên Thành (1904-1973) được cử làm trụ trì kiêm Tổng sự chùa Giác Nguyên ở Sài Gòn, nay tại số 129F/186/2, đường Bến Vân Đồn, phường 4, quận 4, Tp. HCM.

– Thiền sư Như Trạm – Tịch Chiếu (1912-?) kế thế trụ trì chùa Tây Tạng tại tỉnh Bình Dương.

– Đại đức Tâm Trí – Minh Châu (1918-2012) được mời giữ chức Hiệu trưởng Trường Trung Học Bồ-đề đầu tiên tại Huế.

– Ni trưởng Hồng Từ – Diệu Nga (1885-1951) thế danh Huỳnh Thị Ngó, pháp danh Hồng Từ, hiệu Diệu Nga, sinh tại làng Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, thuộc thiền phái Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 40, Tổ sáng lập chùa Giác Hoa (Bạc Liêu), viên tịch, thọ 66 tuổi, 26 hạ lạp.

– Sa môn Thích Quảng Tu soạn văn bia “Thiên Hưng Tự bi ký” được dựng tại chùa Thiên Hưng  ở núi Hoàng Long, làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, Huế.

– Đại đức Nguyên Phước – Quang Thể (1922-2005) được Giáo hội Trung Phần cử làm trụ trì chùa Pháp Lâm tại Đà Nẵng.

– Thiền sư Phước Trí (1920-?), kế thừa trụ trì chùa Phước Sơn ở Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

– Thượng tọa Nguyên Bình – Minh Cảnh (1906-1986) được cử giữ chức Trị sự trưởng GHTG Tuyên Đức.

– Đại đức Không Tâm – Trí Quảng (1915-1992) được mời về trụ trì chùa Từ Ân (Huế).

– Đại đức Nguyên Minh – Đức Thiệu (1911-1993) được Tổng hội Phật giáo Trung Phần bổ nhiệm trụ trì chùa Viên Giác tại Cầu Đất, xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt.

– Thượng tọa Trí Đức – Thiện Siêu (1921-2001) được bầu làm Chánh hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên (1951-1955).

– Hòa thượng Chơn Quý – Khánh Anh (1895-1961) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Hoàn Tuyên – Thiện Hoa làm Giới sư cho giới đàn chùa Phước Hậu, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

– Hòa thượng Ấn Nghiêm – Phổ Thoại (1875-1954) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn phương trượng chùa Long Tuyền tại xã Cẩm Kim, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.

– Thượng tọa Chơn Trí – Pháp Hải (1895-1961) được suy cử làm Trưởng BTS GHTG Nam Việt tại Vĩnh Long.

Đại đức Trí Hải – Quảng Liên (?-2009) được Hội Phật Học Nam Việt cử đi du học tại trường Phật Giáo Thế Giới Colombo – Tích Lan, trường Đại Học Quốc Gia Kandy, Tích Lan.

– Đại đức Hồng Tín – Huệ Thành (1912-2001) được Tổ Đạt Thanh, Pháp chủ Tăng già miền Nam Việt Nam, ấn chứng và truyền kệ phó pháp :

“Ngộ đạo tu hành Bát-nhã tông,

Tính tâm thanh tịnh phổ viên thông,

Huệ nhật trung thiên quang tứ đại,

Thành minh cảm cách chứng Phật ông” (phatgiaodongnai.vn).

– Hòa thượng Quảng Nhuận (?-1951), thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 45, trụ trì chùa Sắc tứ Linh Quang (TP. Đà Lạt), viên tịch.

– Đại đức Nguyên Bình – Minh Cảnh (1905-1986) kế thế trụ trì chùa Sắc tứ Linh Quang nay tại số 133, đường Hai Bà Trưng, ấp Đa Thuận, khóm Lạc Thành, phường 6, TP. Đà Lạt.

– Đại đức Hồng Căn – Chí Tịnh (1913-1972) kế thế trụ trì chùa Phước Long nay tại ấp Phú Hòa, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

– Hòa thượng Nguyên Chất – Giác Điền kế thế trụ trì chùa Phước Lâm nay tại số 1B12, đường Phan Chu Trinh, khu phố 2, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh (1951-1956).

– Đại đức Tâm Lợi – Thiện Hòa (1907-1978) được Thượng tọa Trí Hữu cúng cho ngôi chùa Ứng Quang gần ngã ba Vườn Lài. Ngài cho trùng tu chùa này thành trường học, để hiệu là Phật học đường Nam Việt (nay là chùa Ấn Quang, quận 10, Tp. HCM).

– Đại đức Chân Từ – Thanh Kiểm (1920-2000) được đề cử làm Thư ký GHTG Bắc Việt, kiêm Giảng sư.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.