Năm 1980

Năm 1980 (Canh Thân – PL.2524)

– Ngày 16 tháng 2 (nhằm ngày 01 – 1 – Canh Thân), Hòa thượng Trừng Văn – Giác Nguyên (1877-1980) thế danh Đặng Văn Ngộ, pháp danh Trừng Văn, tự Chế Ngộ, hiệu Giác Nguyên, sinh tại làng Phủ Trung, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, thuộc Tông Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 42, trụ trì chùa Tây Thiên (Huế), viên tịch, thọ 103 tuổi, 70 hạ lạp.

– Ngày 22 tháng 2 (nhằm ngày 15 – 1 – Canh Thân), Sa-di Chúc Phước – Quảng Chánh (?-1980), thế danh Lê Văn Trực, húy Chúc Phước, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 44, trụ trì chùa Phước Đức (Tân Trụ, Long An), viên tịch, thọ 82 tuổi.

– Ngày 25 tháng 2 năm Canh Thân, Hòa thượng Thích Quảng Thông (1923-1980), thế danh Nguyễn Văn Tánh, thuộc dòng Tế Thượng – Chánh Tông, đời thứ 44, trụ trì chùa Định Phước (Cần Đước, Long An), viên tịch, trụ thế 58 năm.

– Tháng 4, Hòa thượng Thích Thanh Từ thành lập Thiền viện Linh Chiếu tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (www.thuongchieu.net).

– Ngày 08 tháng 5 (nhằm ngày 24 – 3 – Canh Thân), Hòa thượng Như Vạn – Trí Phước (1930-1980) thế danh Trần Văn Chín, pháp danh Như Vạn, tự Giải Thọ, hiệu Trí Phước, sinh tại làng Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 41, trụ trì Tổ đình Phước Lâm (Hội An, Quảng Nam), thị tịch, hưởng dương 51 tuổi.

– Ngày 12 tháng 7 năm Canh Thân, Thượng tọa Đồng Viên – Viên Đức (1932-1980) thế danh Phạm Văn Nghi, pháp danh Đồng Viên, tự Thông Lợi, hiệu Viên Đức, sinh tại làng Định Trung, xã An Định, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 43, Tổ khai sơn chùa Dược Sư (Buôn Mê Thuột), thị tịch, trụ thế 49 năm, 24 hạ lạp.

– Ngày 09 tháng 9 năm Canh Thân, Hòa thượng Thích Thiện Thanh (1888-1980), thế danh Nguyễn Văn Tươi, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, đời thứ 41, Tổ khai sáng chùa Tấn Bửu (Cần Đước, Long An), viên tịch, thọ 93 tuổi.

– Ngày 19 tháng 9, Hòa thượng Tâm Trí – Minh Châu (1918-2012) làm Trưởng phái đoàn  PGVN dự Hội nghị Tăng-già Quốc tế, hội thảo và khánh thành chùa Hòa Bình tại Anh, do Trung Tâm Quốc gia Nhật Bản (ABCP) tổ chức (BNSPGGĐ-SG).

– Ngày 24, 25, 26 tháng 9, chùa Ấn Quang, quận 10, TP. HCM khai đại giới đàn Thiện Hòa, Hòa thượng Phước Bình – Hành Trụ (1904-1984) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Trí Thủ làm Đàn chủ, Hòa thượng Huệ Hưng làm Yết Ma, Hòa thượng Từ Nhơn làm Giáo thọ, Hòa thượng Thiện Tường làm Đệ nhất tôn chứng, Hòa thượng Quang Thể làm Đệ thất tôn chứng (BNSGĐTVN).

– Ngày 24 tháng 12 năm Canh Thân, Hòa thượng Thiện Thạnh – Hồng Trọng (1904-1980), thế danh Nguyễn Văn Vong, húy Thiện Thạnh, thuộc thiền phái Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 41, Tổ khai sơn chùa Long Nguyên (Đức Hòa, Long An), viên tịch, thọ 77 tuổi.

– Ngày 30 tháng 12 năm Canh Thân, Hòa thượng Tâm Vạn – Thiện Phước (1909-1980), thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 43, trụ trì chùa Thiên Khánh (Long An), viên tịch, thọ 72 tuổi.

– Hòa thượng Như Nhàn – Trí Giác (1915-2005) kế thế trụ trì Tổ đình Phước Lâm ở Hội An, Quảng Nam.

– Hòa thượng Thanh Thiện – Đức Nhuận (1897-1993) xin phép Nhà nước thành lập nghĩa trang cho tăng ni tại chùa Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.

– Sách Thiền Tông Bản Hạnh (tên đầy đủ là Trần Triều Thiền Tôn Chỉ Nam Truyền Tâm Quốc Ngữ Hành) được Tu Thư Vạn Hạnh xuất bản.

– Thiền sư Thiện Phát được Hòa thượng Thanh Từ cử làm trụ trì Thiền viện Thường Chiếu nay thuộc ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (1980-1985). Cũng năm này, Thiền sư Nhật Quang nhập thất một năm.

– Hòa thượng Tâm Bổn – Trí Nghiêm (1911-2003) dịch xong bộ kinh Đại Bát Nhã, gồm 24 tập (mỗi tập 25 quyển), 600 quyển. Ngài dịch từ nguyên bản Hán với 5 triệu chữ (5.000.000) của Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang, phải ròng rã suốt 8 năm (1972-1980) ngài mới dịch hoàn tất bộ kinh này.

– Đại đức Nguyên Cát – Thiện Tường (1946-2000) du phương hoằng pháp, ngài đến Hoa Kỳ trụ tại chùa Từ Quang.

– Thượng tọa Thiện Huệ (1909-?) kế thừa trụ trì chùa Thiên Khánh hiện tọa lạc tại số 48, đường Lưu Văn Tế, phường 4, TP. Tân An, tỉnh Long An.

– Hòa thượng Nhật Tinh – Trí Tấn (1906-1995) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Long Vân tại xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

– Giáo thọ Giác Lượng – Nhơn Hưng (?-1980), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, đời thứ 41, nguyên trụ trì chùa Bửu Long (Châu Thành – Tiền Giang), viên tịch tại chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang).

– Thượng tọa Hồng Khế – Chơn Như trụ trì chùa Tường Quang – Huế, khởi công khắc bản bộ Phật Thuyết Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, do ngài tự tay khắc, đến năm 1982 thì hoàn thành.

– Hòa thượng Như Chất – Nhơn Trực (1886-1987) được suy cử làm thành viên HĐCM GHPGVN.

– Chùa Bửu Phong ở núi Bửu Long, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai mở giới đàn, Hòa thượng Hồng Tín – Huệ Thành (1912-2001) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Thượng tọa Lệ Sành – Huệ Sanh làm Yết Ma.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.