● (Hai thứ không) có nhiều cách hiểu:
1) Theo tư tưởng Bát Nhã, Nhị Không là Nhân Không (Ngã Không, Sanh Không) và Pháp Không. Ngã Không là không thấy có cái Ngã, Ngã chỉ là giả danh do Ngũ Uẩn kết hợp, không có một chủ tể thường trụ nào. Do không có Ngã sẽ không thấy có ta – người, do đó, Ngã Không còn gọi là Nhân Không; do không còn tạo tác khởi lên phân biệt nữa nên gọi là Sanh Không. Pháp Không là các pháp vốn không, chỉ là giả danh, không có thực thể. Khái niệm Nhị Không thường được hiểu theo khái niệm này nhất.
2) Theo tông Thiên Thai (căn cứ theo sách Ma Ha Chỉ Quán) thì Nhị Không là Đản Không và Bất Đản Không:
a) Đản Không: Trong bốn giáo, Tạng Giáo và Thông Giáo chẳng hiểu rõ Tam Đế Không, Giả, Trung, thấy các pháp đều là huyễn vọng, coi lý Không được hiểu theo cái thấy ấy là tột cùng nên chỉ thấy Không, chứ chưa thấy được Bất Không nên gọi là Đản Không (chỉ có cái không).
b) Bất Đản Không: Đối với cái Đản Không vừa nói đó, Viên Giáo và Biệt Giáo thấy được cái bản thể của cái Không là “chẳng phải chỉ là không” nên thầm hợp với lý Trung Đạo. Do vậy gọi là Bất Đản Không.
3) Cũng theo Ma Ha Chỉ Quán, Nhị Không còn có thể hiểu là Tánh Không và Tướng Không: Các pháp không có Thật Tánh nên gọi là Tánh Không. Do các pháp đã không có Thật Tánh, chỉ có tướng giả danh nên cũng không có thật có; vì thế gọi là Tướng Không.
4) Theo Đại Thừa Khởi Tín Luận, Nhị Không là Chân Như Không và Chân Như Bất Không: Trong bản thể của Chân Như không có hết thảy vọng nhiễm, có thể hiển hiện sự thật rốt ráo nên gọi là Chân Như Không; trong bản thể của Chân Như đầy đủ hết thảy công đức vô lậu nên gọi là Chân Như Bất Không.
5) Theo Bảo Tánh Luận, Biện Trung Biên Luận và Đại Thừa Huyền Luận, Nhị Không là Quyền Không và Thật Không. Sự ngộ nhập Sanh Không của hàng Nhị Thừa là Quyền Không, sự ngộ nhập của hàng Bồ Tát đối với Sanh Không lẫn Pháp Không thì gọi là Thật Không.
6) Ngoài ra, trong Mật Tông, do lấy năm đại Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không ứng với ngón út, ngón đeo nhẫn, ngón giữa, ngón trỏ và ngón cái; nên khi kinh văn Mật Tông nói đến “Nhị Không” thì có nghĩa là “áp hai ngón tay cái vào nhau!” Nghĩa này không thể nào áp dụng vào chữ Nhị Không trong đoạn văn này được!