● Tên gọi chỉ đất nước Phật giáng sinh, nay là [Nepal, trước đây thuộc] Ấn Độ, là vùng đất nằm ngay giữa cõi Diêm-phù-đề, nên chư Phật trước đây xuất thế đều chọn nơi này. Ấn Độ có chu vi hơn chín vạn dặm, ba mặt giáp biển, phía bắc có dãy Tuyết sơn ngăn che, phía đông giáp Trung Hoa, phía nam kéo dài đến lãnh thổ nước Kim Địa, phía tây giáp nước A-du-già, phía bắc gặp núi Tiểu Hương, mỗi bề đều khoảng năm vạn tám ngàn dặm. Ở nước này, vào tiết hạ chí, đúng giờ ngọ giữa trưa dùng cọc đo bóng thì bốn phía đều hoàn toàn không nhìn thấy bóng, trong khi ở tất cả các đất nước khác đều phải nhìn thấy bóng.
Tài liệu sớm nhất đề cập đến Ấn Độ là sách Sử Ký của Tư Mã Thiên. Các sách sau đó như Sơn Hải Kinh, Hậu Hán Thư v.v… còn phiên âm thành Thiên Độc, Hiền Đậu. Lý do là vì thời cổ, các âm Thiên, Thân, Hiền đọc gần giống nhau. Trúc, Độc, và Đậu âm gần giống nhau. Chữ Sindhu (tức sông Indus hiện thời, kinh Hoa Nghiêm gọi sông này là “Tín Độ hà”) bị người Ba Tư đọc trại thành Hindu, khi Alexander đại đế chiếm lãnh Ấn Độ, đã đọc trại lần nữa thành Indu và người Ấn Độ cũng chấp nhận cách đọc này. Theo các nhà nghiên cứu, đây đều là những âm đọc sai của chữ Hindustan. Trong Đại Đường Tây Vực Ký, quyển 85, pháp sư Huyền Trang ghi: “Danh xưng Thiên Trúc, có nhiều ý kiến bàn bạc khác biệt. Thời cổ gọi là Thân Độc (身毒), hoặc gọi là Hiền Đậu. Nay theo chánh âm, nên đọc là Ấn Độ… Ấn Độ, Hán dịch là Nguyệt (mặt trăng). Mặt trăng có nhiều tên, đây là một tên!” Ấn Độ chia thành năm xứ (Ngũ Trúc), ngoại trừ phần Trung Ương, bốn khu Đông, Tây, Nam, Bắc, được gọi chung là Tứ Trúc.