● Đối lại với bậc Vô-học là bậc Hữu-học. Đệ Tử Phật, tuy đã hiểu biết Phật pháp, nhưng phiền não chưa trừ, cho nên còn phải gắng công tu học các pháp giới, định, tuệ, v.v… để đoạn trừ phiền não, chứng quả lậu tận. Vì còn có pháp môn để tu học và còn phải nỗ lực tu học, cho nên gọi là “hữu học”.Các Hành Giả chứng nhập bốn hướng bốn quả của Thanh-văn thừa đều đã là thánh nhân, nhưng ở bốn hướng và ba quả đầu vẫn còn là bậc Hữu-học; chỉ có quả A-la-hán mới là bậc Vô-học. Theo kinh Trung A Hàm, bậc Hữu-học có mười tám hạng:
1) Hạng Tùy-tín-hành: chỉ cho các Hành Giả độn căn ở bậc Kiến-đạo của thừa Thanh-văn. Quí vị này nương vào người khác để được nghe giáo pháp của Phật, nhờ đó mà sinh lòng tin; do có lòng tin mà tu hành.
2) Hạng Tùy-pháp-hành:chỉ cho các Hành Giả lợi căn ở bậc Kiến-đạo của thừa Thanh-văn. Quí vị này tự mình phát huy trí tuệ, xem kinh giáo, suy nghĩ chín chắn, rồi y theo nghĩa lí mà tu hành.
3) Hạng Tín-giải: “Tín giải” nghĩa là nhờ vào lòng tin thù thắng mà có được trí hiểu biết thù thắng. Đây là các Hành Giả độn căn ở bậc Kiến-đạo, sau khi viên mãn Tùy-tín-hành thì bước lên bậc Tu-đạo, gọi là “Tín-giải”.
4) Hạng Kiến-chí: cũng gọi là “Kiến-đáo”, nghĩa là do trí tuệ thù thắng mà chứng đạt chân lí. Đây là các Hành Giả lợi căn ở bậc Kiến-đạo, sau khi viên mãn Tùy-pháp-hành thì bước lên bậc Tu-đạo, gọi là “Kiến-chí”.
5) Hạng Gia-gia: Ở quả vị Nhất-lai (Tư-đà-hàm), khi Hành Giả chưa chứng quả thì gọi là “Nhất-lai-hướng” (đang hướng đến quả Nhất-lai). Hành Giả ở giai đoạn Nhất-lai-hướng này, vì chỉ mới đoạn trừ được ba hay bốn phẩm tư hoặc đầu (của chín phẩm) của Dục giới, nên còn phải sinh đi sinh lại nhiều lần từ cõi người lên cõi trời, và từ cõi trời xuống cõi người, để tu tập cho đến khi chứng quả Vô-sinh (A-la-hán). Bởi vậy, các Hành Giả này được gọi là “gia-gia” (có nghĩa là từ nhà này sang nhà khác – tức là từ nhà người lên nhà trời, và từ nhà trời xuống nhà người).
6) Hạng Nhất-gián: Hành Giả đã chứng đắc quả Nhất-lai, tiếp tục tu tập để đoạn trừ nốt ba phẩm tư hoặc cuối cùng của Dục giới để chứng đạt quả Bất-hoàn (A-na-hàm); khi đang tu tập thì gọi là “Bất-hoàn-hướng” (đang hướng đến quả Bất-hoàn). Trong giai đoạn này, khi Hành Giả đã đoạn trừ được bảy hay tám phẩm tư hoặc (trong chín phẩm), thì còn một hay hai phẩm nữa phải đoạn trừ. Để hoàn tất viên mãn giai đoạn này, Hành Giả phải thọ sinh trở lại trong một cõi trời Dục giới để tu tập, cho nên gọi là “Nhất-gián”. (Chữ “gián” nghĩa là gián cách; tức là phải cách một đời mới chứng quả.)
7) Hạng Thân-chứng: Khi chứng đắc quả Bất-hoàn, Hành Giả nhập vào diệt tận định mà thân chứng được pháp lạc tịch tịnh giống như niết bàn.
8) Hạng Dự-lưu-hướng: Hành Giả đã vượt khỏi Địa Vị phàm phu, tiến vào bậc Kiến-đạo, đang tu tập để tiến đến chứng quả Dự-lưu (Tu-đà-hoàn).
9) Hạng Dự-lưu-quả: Hành Giả đã chứng quả Dự-lưu – cũng gọi là “Sơ-quả”.
10) Hạng Nhất-lai-hướng: Hành Giả đã chứng quả Dự-lưu, đang tu tập để hướng đến quả Nhất-lai.
11) Hạng Nhất-lai-quả: Hành Giả đã chứng đắc quả Nhất-lai.
12) Hạng Bất-hoàn-hướng: Hành Giả đã chứng quả Nhất-lai, đang tu tập để tiến đến quả Bất-hoàn.
13) Hạng Bất-hoàn-quả: Hành Giả đã chứng đắc quả Bất-hoàn.
14) Hạng Trung-bát: “Trung” là chỉ cho thân “trung hữu”, hay “trung ấm”; “bát” tức là nhập niết bàn. Hành Giả đã chứng quả Bất-hoàn, khi viên tịch ở cõi Dục liền sinh lên cõi Sắc; tại đây, thân trung hữu của Hành Giả liền nhập niết bàn, cho nên gọi là “Trung-bát”.
15) Hạng Sinh-bát: Hành Giả đã chứng quả Bất-hoàn và sinh lên cõi Sắc, sau đó không lâu thì phát khởi thánh đạo, đoạn trừ các hoặc của cõi Vô-sắc mà nhập niết bàn, gọi là “Sinh-bát”.
16) Hạng Hữu-hành-bát: Hành Giả đã chứng quả Bất-hoàn và sinh lên cõi Sắc, rồi phải trải qua một thời gian dài gắng công tu tập thêm, mới nhập niết bàn, gọi là “Hữu-hành-bát”.
17) Hạng Vô-hành-bát: Hành Giả đã chứng quả Bất-hoàn và sinh lên cõi Sắc, nhưng không gắng công tu tập thêm, lần lữa trải qua thời gian rồi nhập niết bàn, gọi là “Vô-hành-bát”.
18) Hạng Thượng-lưu-bát: Hành Giả đã chứng quả Bất-hoàn và sinh lên cõi Sắc; trước tiên sinh vào cõi trời Sơ-thiền, sau đó dần dần sinh lên các cõi trời cao hơn của cõi Sắc, cuối cùng, đến cõi Sắc-cứu-cánh (hoặc Hữu-đỉnh) thì nhập niết bàn, gọi là “Thượng-lưu-bát”.