● (Tức Bảy Báu 七寶; S: sapta ratnāni) bảy thứ ngọc báu quý giá ở thế gian. Kinh luận Phật giáo thường nêu lên bảy vật báu dùng trang nghiêm các cõi tịnh độ, mà cũng là những thứ trân quí nhất của thế gian. Theo các kinh Trường A Hàm, A Di Đà, luận Đại Trí Độ v.v…, bảy món báu đó gồm có vàng, bạc, lưu-li, pha-lê, xa-cừ, mã- não, và xích-châu.
1) Vàng (kim, hay hoàng kim): Theo luận Đại Trí Độ, vàng là do từ cát đá, đồng đỏ trong núi sinh ra. Vàng có bốn đặc điểm: màu sắc không biến đổi; thể chất không ô nhiễm; thay đổi hình trạng (từ vòng sang xuyến, sang tượng cốt, chén đĩa, v.v…) không bị trở ngại; làm cho người ta trở nên giàu sang. Bốn đặc điểm này cũng có thể dùng làm tỉ dụ cho bốn đức Thường, Tịnh, Ngã và Lạc của pháp thân Phật. Cũng từ những ý nghĩa đó, thân của Phật tốt đẹp trang nghiêm vi diệu, nên được gọi là “kim thân”.
2) Bạc (ngân, hay bạch ngân): Theo luận Đại Trí Độ, bạc là do từ đá cháy sinh ra. Vàng và bạc là hai loại quí kim mà mọi người đều biết; riêng trong Phật giáo, đôi khi chúng được dùng để chỉ cho các chốn già lam, như “kim địa”, “ngân địa”, v.v…
3) Lưu-li (hay tì-lưu-li): một loại đá ngọc màu xanh, ánh sáng trong suốt, là thần vật sinh từ thiên nhiên, không phải do người làm được. Tuy nhiên, cũng có thứ ngọc lưu-li do người luyện thành, nhưng đó chỉ là loại ngọc giả mà thôi. Ngày xưa nước Tần (Trung-quốc) nổi tiếng có nhiều loại ngọc thiên nhiên; riêng ngọc lưu-li này cũng có đến mười loại (màu): đỏ, hồng, trắng, đen, tím, vàng, xanh, lam nhạt, da trời, và lá cây.
4) Pha-lê (tức thủy-tinh): Theo luận Đại Trí Độ, hai loại lưu-li và pha-lê là do từ trong các hang núi sinh ra. Giá tuyết đóng băng, trải qua ngàn năm thì thành ngọc, gọi là pha-lê (nghĩa là ngọc nước). Loại thủy tinh ngày nay thường dùng làm các vật gia dụng như li, chén, bình cắm hoa, v.v…, là do con người lấy cát chế biến ra, không phải là ngọc pha-lê thiên nhiên nói trên.
5) Xa-cừ: một loại ốc biển rất lớn, vỏ dầy và cứng. Mặt ngoài của vỏ có nhiều lằn sâu như khắc, mặt trong thì trắng, sáng như ngọc; cho nên được xem là một loại đá ngọc, và được chế biến thành các vật trang sức quí giá. Cũng có người gọi loại san-hô trắng là xa-cừ. Nhưng, từ điển Từ Nguyên còn dẫn ở sách Nghệ Văn Loại Tụ của Trung-quốc, có điều mục nói rằng, xa-cừ là một loại ngọc quí ở Tây-vực; và đó mới là một trong bảy món báu đề cập ở đây.
6) Xích-châu (hay xích-chân-châu): là một loại ngọc màu đỏ, do một loài sâu đỏ sinh ra. Theo luận Đại Trí Độ, loại chân-châu này cực kì quí báu, không phải là san-hô. Loại chân-châu thường thì có màu xám hoặc xám nhạt, nhưng loại xích-chân-châu thì có ửng màu đỏ; nếu được loại màu thuần đỏ thì quí giá vô cùng, trên đời hiếm thấy.
7) Mã-não: là loại ngọc quí màu xanh biếc, rất sáng; khác với loại mã-não thường thấy, là loại đá có vân đỏ