● Dharma-mudra. Trong Phật pháp là dấu hiệu của một ý định như đã hằn sâu trong tâm thức mà nhà tu hành quyết đạt tới quả Phật. Chữ “pháp” ở đây là chỉ cho Phật pháp; chữ “ấn” ở đây nghĩa là cái ấn, con dấu, phù hợp, tiêu chuẩn, chân thật, không thay đổi. Con dấu dùng để ấn chứng một sự việc là thật, chắc chắn, đáng tin tưởng. “Pháp ấn” là những đặc chất, tiêu chuẩn của Phật pháp; đó chính là chân lí, là điều chân thật được chứng ngộ và nói ra bởi đấng Đại Giác (Phật). Tất cả kinh luận, giáo lí nào phát biểu đúng với nội dung của những con dấu này, tức đều là Phật pháp. Tất cả mọi nhận thức, phát biểu nào không phù hợp với những con dấu này, tức đều là ngụy ngữ, tà pháp.
Trong các kinh luận thường nêu ra có ba pháp ấn, bốn pháp ấn hoặc năm pháp ấn. – Ba pháp ấn là:
1.Nhất thiết hành vô thường (tất cả vạn hữu đều biến đổi không ngừng)
2.Nhất thiết pháp vô ngã (tất cả vạn hữu đều không có bản ngã chân thật)
3.Niết bàn tịch tịnh (bản thể của vạn hữu là vô phân biệt, lìa khỏi mọi hình tướng, mọi tri kiến, mọi khái niệm)
Trong ba pháp ấn trên, hai pháp ấn 1 và 2 (vô thường và vô ngã) nói lên tướng trạng của vạn pháp, pháp ấn 3 (niết bàn tịch tịnh) nói lên bản thể vủa vạn pháp.
– Nếu thêm pháp ấn “nhất thiết hành thị khổ” (tất cả vạn hữu là khổ) vào ba pháp ấn trên thì gọi là bốn pháp ấn. – Pháp ấn “khổ” này cũng nói lên tướng trạng của vạn pháp.
– Nếu thêm pháp ấn “nhất thiết pháp không” (tất cả vạn hữu đều không có tự tánh) vào bốn pháp ấn trên thì gọi là năm pháp ấn. – Cùng với pháp ấn “niết bàn tịch tịnh”, pháp ấn “không” này cũng nói lên bản thể của vạn pháp.
Đặc biệt, theo kinh Pháp Ấn thì có ba pháp ấn như sau:
1.Không: Bản thể của vạn pháp là không.
2.Vô tướng: Bản thể của vạn pháp không thể nhận biết được bằng khái niệm hay nhận thức phân biệt, mà chỉ hiển lộ trong trí tuệ bình đẳng, vô phân biệt.
3.Vô tác (hay vô nguyện): Trong trí tuệ bình đẳng, vô phân biệt, sẽ không còn có sự phân biệt giữa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, về chủ thể chứng đắc và đối tượng chứng đắc.
Nhưng theo giáo nghĩa rốt ráo của đại thừa thì chỉ có một pháp ấn, đó là pháp ấn “nhất thật tướng”, tức là lí chân thật, xa lìa các tướng hư vọng, không hai, không khác. Tất cả kinh điển đại thừa do Phật nói đều lấy lí chân thật để ấn chứng, khiến cho các học thuyết ngoại đạo không thể trộn lẫn vào, mà tà ma cũng không thể xuyên tạc, phá hoại. Những kinh luận nào phát biểu đúng với pháp ấn nhất thật tướng này đều phù hợp với giáo pháp của Phật, nếu không thì chỉ là tà thuyết
● Là cách bắt ấn của các vị tăng phái chân ngôn, mật giáo Tây Tạng thường thực hành để truyền đạt đạo lý với nhau giữa thầy trò. Là sự ấn chứng huyền diệu của Phật cho các đệ tử có căn cơ thâm nhập diệu lý của những lời Phật dạy; là sự trao truyền tâm pháp giữa Phật với Phật, Tổ với Tổ để ấn định việc duy trì giáo pháp.