● (Tức tứ chúng 四衆; S: catasraḥ parṣadaḥ). Trên căn bản, “bốn chúng” là chỉ cho bốn chúng đệ tử làm thành giáo đoàn Phật Giáo, đó là chúng Tì-kheo, chúng Tì-kheo-ni, chúng Ưu-bà-tắc (cận sự nam) , và chúng Ưu-bà-di (cận sự nữ) tức là những người Phật tử đã phát nguyện quy y tam bảo và thọ giữ 5 giới. Nhưng cũng có chỗ chỉ cho bốn chúng xuất gia mà thôi : Tì-kheo, Tì-kheo-ni, Sa-di, và Sa-di-ni. Ngoài ra, từ “tứ chúng” còn dùng để chỉ cho bốn loại thính chúng trong pháp hội của Phật :
1) Chúng phát khởi : những vị có trí tuệ lớn, thấy rõ thời cơ, căn cơ hay tâm ý của đại chúng, hoặc phát hiện tướng lành trên dung nhan đức Phật v.v…, đã đặt câu hỏi, tạo duyên sự để thỉnh Phật thuyết pháp;
2) Chúng đương cơ : những vị túc duyên đã thuần thục, thích ứng ngay với bài pháp Phật nói tại pháp hội, và đạt được thành quả giác ngộ ngay trong pháp hội đó;
3) Chúng ảnh hưởng : chư vị Bồ-tát từ các cõi Phật ở các phương khác vân tập đến pháp hội để trợ hóa cho đức Phật;
4) Chúng kết duyên : trong pháp hội cũng có số đông thính chúng túc căn non yếu căn cơ thấp kém, chưa đủ khả năng chứng ngộ, nhưng nhờ phát tâm nghe pháp mà kết được duyên lành, mong cho kiếp lai sinh sẽ được gặp Phật và được tế độ.