● (Và Bạch Thoại) là hai thể văn của Trung Quốc. Bạch Thoại còn gọi là Ngữ Thể, một thể viết theo tiếng nói. Nói cách khác, đó là hình thức văn viết của tiếng Phổ Thông (Mandarin) hay Hán Ngữ hiện đại. Văn Ngôn là loại bút ngữ dùng trong biên chép hoặc trước thuật, là một loại văn viết được lưu hành đã lâu, có nghĩa đen là dùng “lối viết văn chương cổ điển được sử dụng trong sách vở”, Văn Ngôn khác với văn nói thông thường (Bạch Thoại). Theo Vương Lực (một nhà Hán học trứ danh cận đại), Văn Ngôn lấy ngôn ngữ thời Tiên Tần (trước thời Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa) làm cơ sở, được canh cải qua các đời Hán, Đường, Tống trở thành một thứ văn viết thống nhất và không bị lệ thuộc vào ngôn ngữ hội thoại thông dụng. Theo tiên sinh Trần Văn Chánh, có thể phân biệt Bạch Thoại và Văn Ngôn một cách đơn giản như sau: “Hễ dùng tai nghe và hiểu được thì là Bạch Thoại. Hễ không dùng mắt để xem sẽ không hiểu được thì đó là Văn Ngôn”. Sau phong trào vận động Ngũ Tứ (1919) của một số người quá khích muốn xóa bỏ toàn bộ nền học vấn cũ, hầu như không còn sách vở nào viết bằng Văn Ngôn. Ngay trong số những người tốt nghiệp đại học ở Đại Lục hoặc Đài Loan hiện thời (nhất là tại Đại Lục), có không ít người lúng túng, cảm thấy Văn Ngôn rất khó hiểu.
Văn Ngôn
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội