● Là thời kỳ loạn lạc liên miên từ năm 296 đến 419. Thời kỳ này bắt đầu từ khi tám vị vương gia nhà Đông Tấn nổi loạn tranh chấp quyền lực với Tấn Huệ Đế (295-306) khiến thủ lãnh các dân tộc ở ngoài biên ải thừa cơ xâm nhập Trung Nguyên, chiếm cứ từng vùng, tự xưng vương, lập ra các vương quốc. Sử Trung Hoa thường gọi giai đoạn này là Ngũ Hồ Thập Lục Quốc.
Ngũ Hồ: Là năm dân tộc du mục sống ngoài quan ải, tức là Hung Nô, Tiên Ty, Yết, Khương, Đê. Tuy nói là Ngũ Hồ, nhưng còn có sắc dân khác như Cao Câu Ly, Đinh Linh v.v… cũng lập vương quốc, nhưng Sử chỉ nói đến Ngũ Hồ vì đa số các vương triều trong thời kỳ này do các sắc dân kể trên thành lập.
Thập Lục Quốc: Chỉ là mười sáu nước chính, ngoài ra còn có nhiều vương triều nhỏ hơn. Thập Lục Quốc là: Hán (do Lưu Uyên, dân tộc Hung Nô, thành lập), Thành Hán (do Lý Hùng, dân tộc Hung Nô, sáng lập), Tiền Lương (do Trương Thật, người Hán, sáng lập), Hậu Triệu (do Thạch Lặc, dân tộc Yết, sáng lập), Tiền Yên (do Mộ Dung Hoảng, dân tộc Tiên Ty, sáng lập), Tiền Tần (do Phù Kiên, dân tộc Đê, sáng lập), Hậu Yên (do Mộ Dung Thùy, dân tộc Tiên Ty, sáng lập), Hậu Tần (do Diêu Trành, dân tộc Khương, sáng lập), Tây Tần (do Khất Phục Quốc Nhân, dân tộc Tiên Ty, sáng lập), Hậu Lương (do Lữ Quang, dân tộc Đê, sáng lập), Nam Lương (do Thốc Phát Ô Cô, dân tộc Tiên Ty, sáng lập), Nam Yên (do Mộ Dung Đức, dân tộc Tiên Ty, sáng lập), Tây Lương (do Lý Cảo, dân tộc Hán, sáng lập), Bắc Lương (do Đoàn Nghiệp, dân tộc Hung Nô, sáng lập), Hồ Hạ (do Hách Liên Bột Bột, dân tộc Hung Nô, sáng lập), Bắc Yên (do Mộ Dung Vân, người Cao Câu Ly, sáng lập). Ngoài ra, trong thời này còn có những vương triều nhỏ hơn, không tạo ảnh hưởng mạnh mẽ cho lịch sử Trung Hoa bằng những nước vừa kể trên như: Cừu Trì, Đãng Xương, Đặng Chí, Nhiễm Ngụy, Tiếu Thục (Tây Thục), Hoàn Sở, Địch Ngụy (do Địch Liêu, sắc dân Đinh Linh thành lập), Đại, Tây Yên, Vũ Văn Bộ, Đoàn Bộ, Thổ Cốc Hồn, Cao Cú Ly (do Cố Quốc Nguyên Vương, người Cao Cú Ly, sáng lập) v.v…