Hô Đồ Khắc Đồ

● (Xutugtu, Khutukhtu, Khutagt) là tiếng Mông Cổ, có nghĩa là “thánh giả”, là danh xưng để gọi các vị lạt-ma cao cấp người Mông Cổ hoặc Tây Tạng sống trong các khu vực thuộc quyền quản trị của nhà Thanh, thường được coi là hóa thân của Phật, Bồ Tát, A La Hán theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Theo quy chế nhà Thanh, những lạt-ma nào thuộc cấp bậc này đều được chép vào sổ bộ của viện Lý Phiên. Mỗi khi một Hô Đồ Khắc Đồ qua đời, các đệ tử tìm được một đứa trẻ mới “hóa thân” của vị Hô Đồ Khắc Đồ tiền nhiệm, phải được triều đình nhà Thanh phê chuẩn. Hai vị Hô Đồ Khắc Đồ nổi tiếng nhất của Mông Cổ là Triết Bố Tôn Đan Ba (Jetsundampa) cai quản vùng Bắc Mông Cổ và Chương Gia Hoạt Phật (ICang-skya Khutukhtu). Vị sau cai quản vùng Nam Mông Cổ và có quan hệ mật thiết với triều đình nhà Thanh. Chương Gia Hoạt Phật được coi là hóa thân của vị A La Hán Đạt Tôn (tức tôn giả Xa Nặc, người đánh xe ngựa của Thái Tử Tất Đạt Đa). Jetsumdamba Khutukhtu được coi là hóa thân của học giả Taranatha Anandagarbha (1575-1634) của Tây Tạng. Ngài Taranatha từng sang Mông Cổ truyền giáo và lập nhiều tu viện tại đây nên được coi như là một trong những vị tổ sư khai sáng của Phật giáo Mông Cổ.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.