● Không rõ năm sinh và mất chánh xác, thường được coi là sống từ năm 418 đến năm 514 đời Lương. Ngài thường được gọi là Chí Công Thiền Sư, hay Chí Công Tổ Sư. Ngài cùng với Đạt Ma Tổ Sư và Phó Đại Sĩ được sử truyện tôn xưng là “Lương đại tam đại sĩ” (ba vị đại sĩ đời Lương). Năm bảy tuổi, Ngài y chỉ, xuất gia với pháp sư Tăng Kiệm tại Tử Kim Sơn. Sau khi xuất gia, Ngài trụ tại chùa Đạo Lâm, chuyên tâm Thiền Quán. Người đương thời thường nói phẩm đức, tu trì và ngôn ngữ của Ngài chẳng kém vị danh tăng đương thời là ngài Phật Đồ Trừng, lại có nhiều chuyện thần dị. Sư đến đi vô ngại, không ở nơi cố định nào, có thể mấy ngày chẳng ăn mà sắc mặt vẫn như thường. Sư hay đề thơ tặng cho người khác, hoặc nói những câu khó hiểu, đến khi xảy ra chuyện mới biết Ngài nói dự ngôn. Thoạt đầu, Lương Vũ Đế cho Sư là kẻ “yêu ngôn hoặc chúng” (dùng lời lẽ yêu dị mê hoặc quần chúng), sai người nhốt vào ngục, nhưng hằng ngày vẫn thấy Sư la cà khắp phố. Vào ngục xem, vẫn thấy Sư nằm yên trong ấy. Về sau, Lương Vũ Đế tặng Sư một khu vườn, yêu cầu Sư ở yên trong đó, sai người vây chặt, nhưng vẫn thấy Sư hiện diện tại các ngôi chùa Long Quang, Kế Tân, Hưng Hoàng, Tịnh Danh v.v… Sau khi lên ngôi, sau nhiều lần hỏi đạo, Lương Vũ Đế nhận biết Sư là một vị thiện tri thức thật sự, bèn tôn Ngài làm quốc sư, hết sức sùng tín. Ngài và Phó Đại Sĩ được coi là những vị đi tiên phong nhằm mở đường cho tổ Đạt Ma đại khai Thiền học tại Trung Hoa về sau này. Lương Hoàng Sám có tên gọi là Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp do Ngài biên soạn nhằm siêu độ phi tử Hy Thị của Lương Vũ Đế. Có sách chép Sư tịch năm Thiên Giám mười ba, thọ chín mươi sáu tuổi. Vua sai lập chùa Khai Thiện cạnh mộ Sư, ban tặng thụy hiệu là Quảng Tế Đại Sư. Các đời sau lần lượt tôn xưng Ngài là Diệu Giác đại sư, rồi Đạo Lâm Chân Giác Bồ Tát, Từ Ứng Huệ Cảm Đại Sư.
Bảo Chí
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội