● 三 論 宗, là một trong 13 tông Phật Giáo tại Trung quốc, và cũng là một trong tám tông ở Nhật bản. Tông này y cứ vào nghĩa lý ba bộ luận:Trung quán (Long Thọ, Nāgārjuna), Bách luận (Thánh Thiên, Āryadeva ), và Thập nhị môn (Long Thọ, Nāgārjna) để xiển dương không, vô tướng, bát bất Trung Đạo cho tông phái mình, và nhất là xiển dương tánh không của các pháp nên còn gọi là Pháp Tánh tông. Thật ra, theo các nhà nghiên cứu, tại Trung Hoa, Tam Luận Tông không phải là một tông phái độc lập mà là một trường phái nghiên cứu, chứ không hình thành tông phái cụ thể như những tông khác. Theo họ, những ai đổ công dốc sức nghiên cứu ba bộ luận trên đây đều có thể coi là thuộc về Tam Luận Tông. Những vị được coi là đặt nền móng cho tông này là Tăng Triệu, Liêu Đông Tăng Lãng, Hưng Hoàng Pháp Lãng và Gia Tường Cát Tạng. Tông này có thể coi là kế thừa tư tưởng của Trung Quán học phái tại Ấn Độ, đồng thời chịu ảnh hưởng của những tông phái trước đó như Địa Luận Tông, Nhiếp Luận Tông, Niết Bàn Tông v.v… Khi cao tăng xứ Cao Ly là Huệ Quán (Hyegwan) truyền học thuyết này vào Nhật Bản, nó trở thành một tông phái riêng biệt. Danh xưng Tam Luận Tông do pháp sư Ngưng Nhiên (Gyōnen) của Nhật Bản đặt ra khi viết bộ Bát Tông Cương Yếu Sao, tôn Văn Thù Bồ Tát là sơ tổ, Mã Minh là nhị tổ, Long Thọ làm tam tổ. Do ngài Long Thọ có hai đệ tử, nên lại chia thành hai chi phái: Chi phái thứ nhất là do Long Thọ truyền cho Long Trí, rồi lần lượt truyền thừa qua các đời như Thanh Biện, Sư Tử Quang… Phái kia do ngài Long Thọ truyền cho ngài Đề Bà (tác giả của bộ Bách Luận), truyền thừa qua các đời như La Hầu La Đa, Sa Xa Vương Tử, Cưu Ma La Thập, sau đó truyền qua lịch đại pháp sư tại Trung Hoa như Tăng Triệu, Pháp Dung, Tăng Duệ, Đàm Vân, Đạo Hằng, Đàm Tế v.v… Đàm Tế truyền cho ngài Cát Tạng. Ngài Huệ Quán học Tam Luận với ngài Cát Tạng. Do ngài Huệ Quán truyền Tam Luận vào Nhật, Tam Luận Tông Nhật Bản (Sanron Shū) tôn ngài Huệ Quán làm sơ tổ. Người Nhật lại cho rằng tư tưởng Tam Luận Tông trước thời ngài Gia Tường Cát Tạng là Cổ Tam Luận, từ sau ngài Gia Tường trở đi là Tân Tam Luận. Tuy thế, tại Nhật Bản, tông phái này cuối cùng cũng bị hòa nhập vào tông Thiên Thai.
Tam Luận Tông
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội