Lễ Cài Trâm

● (Kê lễ, 簪禮), Kê ở đây là cách gọi khác của cái trâm. Người con gái khi mười lăm tuổi trở lên (đôi khi tiến hành sớm hơn nếu sắp được gả đi, có trường hợp cá biệt, đến hai mươi tuổi mới làm lễ cài trâm), bèn búi tóc thành búi lên đỉnh đầu, cài trâm để giữ chặt lại. Sau khi đã nhận lễ cài trâm, người nữ không bao giờ ra ngoài mà không búi tóc, cài trâm. Tùy theo giàu nghèo khác biệt mà trâm có thể chỉ là một thanh gỗ nhỏ, tròn, một đầu to và tù, đầu kia nhỏ và nhọn, có thể cắm xuyên qua búi tóc, hay bằng vàng, bạc, ngọc, chạm trổ cầu kỳ, có tua, có hoa văn v.v… (Nói cho đúng, loại trâm như vừa tả được gọi là Kê, loại được trang trí cầu kỳ hơn thì gọi là Trâm, nếu đã cách điệu thành hoa lá, có tua treo, gồm nhiều nhánh, sẽ gọi là Thoa). Có nhiều khi do chạy theo mode thời trang hoặc do khoe của, các cô có thể cắm khá nhiều trâm trên đầu. Điểm khác biệt giữa người đã thành hôn và người chưa thành hôn là sau khi bới tóc, phần đuôi tóc của người chưa thành hôn được bỏ xõa xuống vai, trong khi người đã thành hôn, đuôi tóc phải cuộn lại thành búi sau gáy. Kê Lễ thường được cử hành vào tháng Ba, giống như trong Quan Lễ, chủ nhân là cha mẹ cô gái, vị chủ trì cuộc lễ gọi là Chánh Tân, người trợ giúp gọi là Tán Giả. Người giữ vai trò Chánh Tân là một phụ nữ hiền thục, đảm đang, được mọi người tôn trọng. Người phụ lễ sắp sẵn ba mâm gồm trâm loại thường để giữ búi tóc, trâm cài tóc trang trí tinh xảo, và mũ phụng, ngoài ra còn gương, lược và các vật trang sức khác như hoa tai, nhẫn, dây chuyền, dây buộc tóc v.v… Nghi thức cũng gần giống như lễ Gia Quan, nhưng sách không ghi cụ thể, nên nghi lễ cài trâm đôi khi rất rườm rà và biến đổi theo từng vùng. Nghi thức cài trâm đời Tống rườm rà nhất. Về sau, để đơn giản, người chủ lễ chỉ bới tóc cô gái lên và cài một cây trâm ngang búi tóc, dùng một dải lụa thêu buộc quanh búi tóc là xong.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.