● Mão được nói ở đây là Miện (冕), tức là loại mão còn được gọi là mão bình thiên, hoặc mão thông thiên. Thân mão có hình ống, phía trên là một tấm che đặt nằm ngang, hình chữ nhật, phía trước và phía sau đều kết ngọc thành nhiều tua, các tua ấy thường gọi là Lưu (旒). Các tua ngọc rủ xuống, giống như cái rèm cửa sổ. Tương truyền, loại Miện này do Hiên Viên Hoàng Đế chế ra, phía ngoài thường bọc vải, lụa, hay gấm màu đen, phía trong lót vải đỏ. Khi đội Miện, phải búi tóc lên, rồi xuyên qua Miện một cây trâm cài thường gọi là Kê (簪) để giữ cho Miện khỏi tuột. Hai đầu Kê thường có tua dài buộc quả cầu kết bằng bông (tức là “miên hoa cầu”), bọc vải quý, thêu thùa, gắn ngọc. Hai Quả bông ấy vừa che đúng hai bên tai của người đội, nên chúng được gọi là Tắc Nhĩ (塞耳lấp tai). Thoạt đầu, hoàng đế và các quan đại phu đều đội Miện trong các đại điển, nhất là khi tế trời. Điểm khác biệt là hoa văn thêu trên Miện cũng như số lượng các tua ngọc. Cổ lễ quy định, Miện của Thiên Tử có mười hai tua, chư hầu chín tua, thượng đại phu bảy tua, hạ đại phu năm tua. Sau này, Tần Thủy Hoàng cấm ngặt hoàng thân, quốc thích, các quan đội Miện, chỉ có hoàng đế được phép đội Miện, nhưng Miện hầu như chỉ trong các buổi đại triều, đại điển, hay quốc tế (lễ tế của đất nước do vua đứng làm chủ tế).
Mão
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội