● Hay gọi tắt là “cửu lưu” phiếm chỉ các tông phái học thuật và tôn giáo của xã hội Trung Quốc thời cổ. Thoạt đầu, cửu lưu gồm:
1.Nho gia.
2.Đạo gia.
3.Âm Dương gia: Chuyên nghiên cứu Âm Dương, Ngũ Hành, đại biểu xuất sắc của học thuyết này là Trâu Diễn, Đổng Trọng Thư. Âm Dương Gia thịnh hành nhất vào thời Ngụy – Tấn, đến đời Đông Hán, kết hợp với tư tưởng Đạo gia trở thành Hoàng Lão Học Phái.
4.Pháp gia: Chuyên đề xướng quân chủ tập trung, trị dân bằng pháp luật nghiêm ngặt, không từ thủ đoạn chính trị nào, nên còn gọi là Bá Đạo. Các nhân vật tiêu biểu của phái này gồm Thương Ưởng, Quản Tử, Tử Sản, Hàn Phi, Lý Tư, Thân Bất Hại, Thận Đáo…
5.Danh gia: Chuyên biện định Danh và Thực, nặng về lý luận, nhiều khi trở thành ngụy biện như Công Tôn Long chủ trương “ngựa trắng không phải là ngựa, đá cứng không phải là đá”. Các đại biểu chủ yếu của phái này là Công Tôn Long, Doãn Văn, Đặng Tích, Huệ Thi v.v…
6.Mặc gia: Những người theo thuyết Kiêm Ái của Mặc Địch.
7.Tung Hoành gia: Chủ trương liên kết hay chia rẽ các quốc gia để đạt được mục tiêu chính trị, các nhân vật tiêu biểu là Tô Tần, Trương Nghi, Cam Mậu, Nhạc Nghị, Phạm Chuy, Mao Toại v.v…
8.Tạp gia: Không chuyên một đường lối nào.
9.Nông gia: Chủ trương phát triển, nghiên cứu nông nghiệp.
Từ cách hiểu ban đầu này, về sau phát triển thành ba loại cửu lưu, nhằm phân loại các nghề nghiệp trong xã hội
1.Thượng cửu lưu: như đế vương, thánh hiền, văn nhân, vũ sĩ, nông dân, thợ thuyền, thương nhân.
2.Trung cửu lưu: học trò, thầy thuốc, thầy bói, họa sĩ, người chép thuê, tăng, ni, đạo sĩ.
3.Hạ cửu lưu: sư gia (người hầu ghi chép án từ hoặc cố vấn, tham mưu cho quan lại), sai nha, bà mối, đầy tớ sai vặt, trộm cắp, kỹ nữ v.v…