● Quan điểm có đến Ba Vị A Nan Đà do Trí Giả đại sư đề xướng. Trong Pháp Hoa Kinh Văn Cú có đoạn viết: “Kinh Chánh Pháp Niệm nói có Ba Vị A Nan. A Nan Đà, cõi này dịch là Hoan Hỷ, trì tạng Tiểu Thừa. A Nan Bạt Đà, cõi này dịch là Hỷ Hiền, thọ trì Tạp Tạng. A Nan Sa Già, cõi này dịch là Hoan Hỷ Hải, trì Phật Tạng”. Sách A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa chỉ chú giải sơ lược như thế này: “Thánh nhân không có tên, tên là do dựa theo sự mà đặt. Thanh Văn đoạn Chánh Sử Kiến Tư, thoát khỏi tam giới, đắc đại hoan hỷ, nên vị kết tập Thanh Văn Tạng có tên là Hoan Hỷ. Duyên Giác đoạn trừ tập khí, mức độ hiền cao hơn Thanh Văn. Vì thế, khi kết Duyên Giác Tạng có tên là Hỷ Hiền. Bồ Tát đoạn trừ vô minh, ngộ nhập pháp hải, nên có tên là Hỷ Hải”. Như vậy, sách Diễn Nghĩa quan niệm chỉ có một vị A Nan, tùy theo nhìn từ sự chứng quả nơi hình tướng mà gọi tên khác nhau, vì ngài A Nan chẳng phải thật sự là Thanh Văn hay Duyên Giác, mà là đại quyền Bồ Tát thị hiện. Hoặc cũng có thể hiểu là Bổn địa chỉ là một vị A Nan, nhưng do thích ứng với tam thừa mà thị hiện thành Ba Vị A Nan.
Ba Vị A Nan
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội