● (1838-1896), quê ở trấn Liễu Lâm, huyện Đường Ấp, tỉnh Sơn Đông, gia cảnh bần khổ. Do là con thứ bảy trong gia đình nên còn gọi là Vũ Thất, về sau đổi tên là Vũ Huấn. Ông cả đời đi ăn mày, dành dụm mở trường học, nên được triều đình biểu dương. Cha mất lúc mới tròn năm tuổi, phải ăn xin qua ngày, ông thèm đi học, nhưng chẳng bao giờ có dịp, vì thế, luôn ấp ủ chí hưng học, mở trường học cho người nghèo. Ông tự học, kinh doanh và tiếp tục đi xin, tậu được 230 mẫu ruộng để làm học điền nhằm chi trả tiền mời giáo viên và cung cấp cái ăn cho học trò, mở trường gọi là Sùng Hiền Nghĩa Thục. Điều đáng cảm động là ông đến tận cửa các vị tiến sĩ, cử nhân trong vùng quỳ thỉnh cầu mãi cho đến khi họ nhận lời dạy. Để khuyến khích trẻ em nghèo đi học, ông không nề hà đến từng nhà quỳ trước cửa xin họ cho con em đi học. Năm 1890, ông lập ngôi trường thứ hai, năm 1896, ông lập ngôi trường thứ ba mang tên Ngự Sử Cảng Nghĩa Thục. Mỗi năm vào ngày khai giảng, ông đích thân quỳ lạy tất cả giáo viên và học sinh. Tuy có tiền, ông sống rất lam lũ, toàn tâm toàn ý lo cho việc học. Khi ông mất, cả vạn người đến phúng viếng. Sức cảm hóa của ông rất lớn, Tuần Vũ Sơn Đông là Trương Diệu đã hạ lệnh miễn thuế các mẫu ruộng học điền, còn đích thân quyên tặng 200 lạng bạc. Vua Quang Tự ban tặng bốn chữ Nghĩa Học Học Chánh, ban hoàng mã quải (áo ngắn bằng lụa màu vàng, không tay mặc ra ngoài trường sam), lập bia Nhạo Thiện Hảo Thí. Tuy vậy, năm 1951, trong nỗ lực xóa sạch mọi “tàn dư Khổng học, văn hóa phong kiến”, Mao Trạch Đông phê phán Vũ Huấn, cộng thêm sự sách động xuất phát từ lòng căm ghét, hằn học của Giang Thanh (vợ Mao Trạch Đông), dẫn tới sự kiện Hồng Vệ Binh quật mộ ông, kéo xác lê khắp đường phố, đả đảo, phê bình, đấu tố, rồi đốt thành tro. Mãi tới năm 1985, chính quyền Hoa Lục mới phục hồi danh dự cho Vũ Huấn.
Vũ Huấn
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội