● Pháp vô vi và pháp hữu vi: Luận Câu Xá chia vạn pháp làm hai loại tổng quát: hữu vi và vô vi.
HỮU VI nghĩa là có tạo tác. Tất cả các hiện tượng (các pháp) do nhân duyên hòa hợp mà sinh thành, do con người làm ra, đều mang tính chất sinh diệt biến đổi, đều bị chi phối bởi bốn tướng thành trụ hoại không, sinh trụ dị diệt, hay sinh lão bệnh tử, đều là pháp hữu vi. Theo đó, trong 75 pháp do luận Câu Xá thuyết minh, thì 72 pháp thuộc 4 nhóm (vị) sắc pháp (11 pháp), tâm pháp (1 pháp), tâm sở pháp (46 pháp) và tâm bất tương ưng hành pháp (14 pháp), đều thuộc pháp hữu vi.
VÔ VI nghĩa là không tạo tác. Trái lại với pháp hữu vi, các pháp không do nhân duyên sinh, không sinh diệt biến đổi, không bị chi phối bởi các tướng thành trụ hoại không, sinh trụ dị diệt, hay sinh lão bịnh tử, đều là pháp vô vi. Theo luận Câu Xá thuyết minh, có 3 pháp thuộc về loại pháp vô vi:
Hư không vô vi: Bản tính của hư không là không chướng ngại. Hư không trải khắp mười phương thế giới mà không làm chướng ngại cho bất cứ một sự vật nào, cũng không bị bất cứ sự vật nào làm cho chướng ngại. Trong hư không, mọi vật sinh ra thì có mặt, tiêu diệt thì mất đi; tuy hiện tượng tùy thời gian mà biến hóa, tùy không gian mà thay đổi vị trí, nhưng hư không vẫn thường trụ bất động, không hề biến hóa chuyển di, cho nên nói hư không là vô vi. Cũng cần để ý, cái hư không trong quan niệm thông thường, cái khoảng không chúng ta thấy trước mặt, không phải là hư không vô vi mà luận Câu Xá nói ở đây. Nó cũng là một loại sắc pháp (hữu vi) hiện hữu trong không gian mà thôi, có sinh có diệt, có thay đổi biến hóa, vẫn nằm trong khái niệm của con người; hư không vô vi vượt ra ngoài khái niệm, chúng ta không thể dùng ý thức của con người mà biết được.
Trạch diệt vô vi: Do dùng trí tuệ quán chiếu để diệt trừ mọi sự ràng buộc của phiền não vô minh mà hiển bày cảnh giới không tịch (niết bàn). Cảnh giới không tịch này xưa nay vốn hằng hữu, bất sinh bất diệt – cho nên gọi là vô vi; nhưng chỉ vì vô minh phiền não che khuất mà chưa hiển lộ ra được; nay nhờ tuệ giác quét sạch vô minh mà nó lại hiện rõ ra, cho nên gọi là “trạch diệt vô vi”.
Phi trạch diệt vô vi: Đây là pháp vô vi không cần phải dùng trí tuệ tiêu diệt vô minh mới hiển bày, mà là thể tính không tịch vốn có hiển nhiên. Tất cả mọi vật đều sinh ra từ lúc chúng chưa có – tức là từ vị lai. Bất cứ hiện tượng nào trong vũ trụ cũng phải sinh khởi theo lịch trình thuận tự: từ vị lai để đi đến hiện tại (có sinh), rồi từ hiện tại đi về quá khứ (có diệt). Không có vật nào mà không đến từ vị lai, và đó chính là sự sinh khởi của pháp hữu vi. Nhưng cũng có những pháp không có nhân để phát sinh, hoặc có nhân mà thiếu duyên thì cũng không thể sinh khởi được; như thế có nghĩa là, những pháp ấy phải dừng lại ở vị lai, không tiến đến hiện tại – tức không sinh – được. Nếu vĩnh viễn thiếu duyên thì pháp ấy vĩnh viễn không sinh; đã không sinh thì tất nhiên cũng không diệt. Pháp không sinh không diệt là pháp vô vi. Pháp vô vi này không phải do dùng trí tuệ dứt trừ lậu hoặc để chứng đắc, nên gọi là “phi trạch diệt vô vi”