● Là một con sông ở Thiều Châu (nay thuộc phía Đông Nam huyện Khúc Giang, tỉnh Quảng Đông), phát nguyên từ núi Cẩu Nhĩ (tai chó), chảy về Tây hợp lưu cùng sông Tấu Thủy. Do sông chảy qua vùng mộ Tào Hầu nên còn gọi là Tào Hầu Khê. Năm Thiên Giám nguyên niên (502) đời Lương, người Bà-la-môn xứ Thiên Trúc tên là Tam Tạng Trí Dược đến cửa sông Tào Khê, uống nước biết nguồn sông là cuộc đất thù thắng, bèn khuyên người dân trong thôn dựng chùa. Do cuộc đất nơi ấy giống như vùng Bảo Lâm Sơn ở Ấn Độ nên đặt tên chùa là Bảo Lâm. Trí Dược tiên đoán 170 năm sau, sẽ có một vị nhục thân Bồ Tát khai diễn vô thượng pháp môn tại đây. Đến mùa Xuân năm Nghi Phụng thứ hai (677) đời Đường, Lục Tổ Huệ Năng xuống tóc, thọ Cụ Túc Giới với ngài Ấn Tông tại đây. Do vậy, Tổ còn được còn gọi là Tào Khê Cổ Phật hoặc Tào Khê Cao Tổ, cho nên trong truyền thống Thiền chữ Tào Khê thường được dùng để chỉ Lục Tổ. Lục Tổ đã đắc pháp từ Ngũ Tổ, nhưng thời cơ hoằng pháp chưa tới, nên tạm ẩn mình trong một toán thợ săn. Tổ được toán thợ săn giao cho việc trông chừng lưới, bèn thừa lúc họ đi vắng, thả những chim thú bị mắc lưới đi. Trải qua 16 năm như vậy, khi cơ duyên đã tới, Tổ mở đạo tràng ở Tào-khê, hoằng dương tông chỉ Thiền tông. Đệ tử đắc pháp của Tổ rất đông, phân làm năm chi phái, đạo phong tỏa rộng toàn quốc
Tào Khê
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội