● Còn được gọi là Thiên Phi, Mỵ Châu Nương Nương, Thiên Phi Nương Nương, Thiên Hậu Nương Nương, Thiên Thượng Thánh Mẫu, Ma Tổ (thường bị đọc trại thành Mã Tổ) v.v… là một vị nữ thần được dân cư vùng Đông Nam Trung Quốc sùng bái, nhất là ngư dân. Theo ngọc phổ, bà có tên thật là Lâm Mặc, không rõ sanh và mất năm nào, chỉ biết bà đã được phong thần từ thời Tống, quê quán tại đảo Mỵ Châu, huyện Bồ Điền, tỉnh Phước Kiến. Tương truyền, bà lúc còn sống có tài tiên tri, dự đoán họa phước nên được dân chúng tôn sùng, lập miếu thờ sau khi mất. Bà được tôn lên thành vị thần bảo hộ cho hàng hải sau khi có chuyện Cấp Sự Trung Lộ Doãn Địch đi sứ Cao Ly vào năm Nguyên Hòa thứ 5 (1123) đời Tống Huy Tông, chìm thuyền, được bà che chở. Ông Lộ thoát nạn, bèn trùng tu miếu thờ, triều đình ban tặng biển đề Thuận Tế. Các triều đại kế tiếp liên tiếp sắc phong như năm 1156, Tống Cao Tông sắc phong bà là Linh Huệ Phu Nhân, Tống Quang Tông phong cho bà hiệu Linh Huệ Phi, năm Chí Nguyên 15 (1278), nhà Nguyên sắc phong cho bà hiệu Hộ Quốc Minh Trước Linh Huệ Hiệp Chánh Thiện Khánh Hiển Tế Thiên Phi. Danh xưng Thiên Hậu bắt đầu từ đời Thanh khi vua Khang Hy gia phong cho bà mỹ hiệu Hộ Quốc Tỳ Dân Diệu Linh Chiêu Ứng Nhân Từ Thiên Hậu. Lần sắc phong cuối cùng là do vua Hàm Phong ban chiếu vào năm Hàm Phong thứ 7 (1857) và cũng là mỹ hiệu dài nhất Hộ Quốc Tỳ Dân Diệu Linh Chiêu Ứng Hoằng Nhân Phổ Tế Phước Hựu Quần Sanh Thành Cảm Hàm Phù Hiển Thần Tán Thuận Thùy Từ Đốc Hựu An Lan Lợi Vận Trạch Đàm Hải Ninh Điềm Ba Tuyên Huệ Đạo Lưu Diễn Khánh Tĩnh Dương Tích Chỉ Ân Châu Đức Phổ Vệ Tào Bảo Thái Chấn Vũ Tuy Cương Thiên Hậu Chi Thần, nhằm ca tụng nữ thần linh ứng, oai linh, nhân từ, dẹp yên sóng gió, tạo phước lợi, che chở nhân dân, giữ yên bờ cõi. Tín ngưỡng thờ Thiên Hậu theo chân người Hoa phổ biến khắp vùng Đông Nam Á. Các nơi được gọi là “chùa Bà” ở Việt Nam chính là miếu thờ Thiên Hậu.
Thiên Hậu
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội