● Là một chức quan đã xuất hiện từ thời Chiến Quốc, thường được phong cho những người thông thạo một môn học vấn nào đó, nhất là Kinh Học (ngành nghiên cứu về kinh điển). Quan Bác Sĩ thường là người thông thạo cổ kim có nhiệm vụ quản thủ văn kiện, hồ sơ, biên soạn trước thuật, có khả năng dạy dỗ đào tạo nhân tài. Đời Tần, quan Bác Sĩ chưởng quản mọi sử liệu của đất nước. Đến đời Hán Vũ Đế, do tôn sùng Nho Học còn đặt ra chức Ngũ Kinh Bác Sĩ nhằm nghiên cứu và giảng dạy năm kinh của Nho gia, vai trò quản thủ biên chép sử liệu được giao cho Thái Sử. Đến đời Đường, người tinh thông một môn học nào đều được xưng tụng là Bác Sĩ như Y Học Bác Sĩ, Toán Học Bác Sĩ (Toán ở đây là bói toán, chứ không có nghĩa là toán học) v.v… Những vị này đảm nhiệm vai trò dạy học là chính. Đến đời Tống, danh hiệu này mất hẳn tính chất cao quý và chức quan này không còn tồn tại nữa; dần dần chữ Bác Sĩ bị dân gian lạm dụng để chỉ những người thông thạo, sành sõi bất cứ thứ nào đó, như Trà Bác Sĩ là người sành trà, giỏi chọn trà, khéo pha trà. Đến nỗi sau này, vào đời Minh, các anh bồi ở tiệm trà đều được gọi Trà Bác Sĩ tuy họ chỉ biết bưng bê, dọn dẹp, hầu hạ khách uống trà.
Bác Sĩ
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội