Ma Ni Giáo

● (Manichaeism, còn gọi là Mâu Ni Giáo, Minh Giáo hoặc Ma Giáo), vốn là đạo thờ lửa do Mani sáng lập tại Ba Tư vào giữa thế kỷ thứ 3 tại vùng Asuristan thuộc lãnh thổ Babylon của vương triều Sassanid. Giáo Nghĩa của Ma Ni Giáo có xen tạp một phần tư tưởng của Cơ Đốc giáo. Mani chủ trương từ thời nguyên thủy đã có hai thế giới đối lập là quang minh và tối tăm tồn tại độc lập. Dần dà thế giới hắc ám xâm lấn thế giới quang minh, phát sinh đại chiến, khiến cho thế giới rối loạn. Nói cách khác, trong thế giới luôn có sự đối kháng giữa hắc ám và quang minh. Do mâu thuẫn với các giáo sĩ Công giáo và Bái Hỏa Giáo (Zoroastrianism), Mani bị hạ ngục và chết trong tù. Tuy thế, đạo của Mani vẫn được lan truyền sang phương Đông và phương Tây. Từ phương Tây, đạo Ma Ni truyền sang tận La Mã và Ai Cập. Năm 354, sử gia Hilary xứ Poitiers cho biết tín đồ đạo Mani khá đông tại nước Pháp. Thánh phụ Augustine (Augustine of Hippo) của Công Giáo từng là tín đồ của Ma Ni giáo trước khi cải đạo sang Công Giáo. Đạo Mani được truyền vào Trung Hoa dưới thời Võ Tắc Thiên do Mihr-Ohrzmazd (sử Trung Hoa thường gọi ông ta là Phất Đa Đản). Để thích ứng với văn hóa Trung Hoa, họ dịch Thượng Đế trong đạo họ thành Minh Tôn, nên từ đó, đạo này được gọi là Minh Giáo. Thoạt đầu, chánh quyền Trung Hoa nghi kỵ Minh Giáo, Đường Huyền Tông hạ lệnh cấm truyền đạo này ngay trước khi loạn An Lộc Sơn xảy ra. Sau loạn An Lộc Sơn, do dân Hồi Hột đa số là tín đồ Ma Ni giúp nhà Đường dẹp loạn nên triều đình cho phép Minh Giáo được công khai truyền đạo. Đến năm Đại Lịch thứ 3 (768) đời Đường, chùa Đại Vân Quang Minh của Ma Ni Giáo được xây tại Trường An. Đến thời Đường Vũ Tông, do nước Hồi Hột bị suy yếu, không còn ích lợi cho nhà Đường, Vũ Tông bèn hạ lệnh cấm đạo Ma Ni rất gắt. Tuy thế, Minh Giáo vẫn lưu truyền trong dân gian, và những kẻ cơ hội thường dựa vào tín đồ Minh Giáo để làm loạn, chẳng hạn trong năm Trinh Minh thứ sáu (920), Vô Ất dùng cờ hiệu Minh Giáo khởi nghĩa tại Trần Châu (thuộc Hoài Dương, Hà Nam hiện thời). Từ đó, liên tục trong các triều đại kế tiếp, tín đồ Minh Giáo thường sách động quần chúng khởi nghĩa như Phương Lạp, Chung Tương thời Bắc Tống, Hàn Sơn Đồng, Lưu Phước Thông vào đời Nguyên. Châu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) cũng theo Minh giáo để dựa vào thế lực của phe đảng Hàn Sơn Đồng. Do vậy, mới đặt quốc hiệu là Đại Minh. Sau khi thành công, Châu Nguyên Chương trở mặt đàn áp Minh Giáo. Về sau, những giáo phái dân gian như Bạch Liên, Long Hoa Trai Hội v.v… cũng pha trộn lung tung các tín điều của Minh giáo với Phật giáo và các tín ngưỡng mê tín dân gian, thậm chí thành lập một đạo riêng mang danh xưng là Nhất Quán Đạo.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.