● Pháp sự nhằm thí thực cho ngạ quỷ căn cứ trên Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni Kinh. Pháp hội này lấy ngạ quỷ làm đối tượng chủ yếu để cúng thí, thường được cử hành nhằm hồi hướng công đức cầu siêu cho người đã khuất. Pháp cúng căn bản của Diệm Khẩu là cúng nước sạch, cùng một chút thức ăn như cơm, mì, bánh trái v.v.. tụng chú Biến Thực, chú Cam Lộ Thủy mỗi thứ bảy biến, xưng danh hiệu các vị Phật Đa Bảo, Diệu Sắc Thân, Ly Bố Úy v.v.. rồi đổ vào chỗ đất sạch. Về sau, những nghi thức Diệm Khẩu thêm vào các khoa phức tạp hơn như thăng tòa, nhập định, sái tịnh, quy y, đạo tràng quán, hiến Mạn Đà La v.v… Theo Mật điển, khoa nghi này không được cử hành kéo dài quá 11 giờ đêm vì sau giờ đó, các ngạ quỷ không ăn được nữa. Bản kinh Diệm Khẩu được dịch sớm nhất ở Trung Hoa bởi ngài Thật Xoa Nan Đà (tức kinh Cứu Diện Nhiên Ngạ Quỷ Đà La Ni và Cam Lộ Đà La Ni) vào đời Đường. Về sau, ngài Bất Không Tam Tạng dịch thêm Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Nghi Quỹ Kinh. Đến đời Tống, do nhận thấy chư sư thực hành khoa này chưa đúng cách nên ngài Tuân Thức bèn soạn lại nghi thức, ngoài các mật chú, còn thêm phương pháp quán tưởng của tông Thiên Thai, chia pháp thí thực thành ba loại: Hộc Liệu, Minh Đạo và Thủy Lục. Hộc Liệu chính là Du Già Diệm Khẩu, Minh Đạo chính là đại trai Vô Giá thí thực cho người cõi âm. Thế nhưng vẫn có vị như Tông Hiểu chủ trương thí chung tất cả như thí Khoáng Dã Quỷ Thần, Quỷ Tử Mẫu v.v… Đến đời Nguyên, do ảnh hưởng của Mật Giáo, nghi thức Du Già Diệm Khẩu của Tây Tạng được truyền vào Trung Hoa. Nghi thức này cũng hơi giống với khoa nghi Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Nghi Quỹ Kinh do ngài Bất Không dịch, nhưng thêm các phần Tam Quy, Đại Luân Minh Vương Thần Chú, Chuyển Pháp Luân Bồ Tát Chú, danh hiệu 35 vị Phật, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Kệ, nhập Quán Âm định, Phá Địa Ngục chân ngôn, phần sau lại thêm những chú như Tôn Thắng Chân Ngôn, Kim Cang Tát Đỏa Bách Tự Chú v.v… Đến đời Minh, do các khoa nghi Diệm Khẩu truyền thừa bất nhất, trở thành mạnh ai nấy làm theo cách mình, nên ngài Thiên Cơ bèn san định lại, lược bỏ những chỗ rườm rà, soạn thành Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi, khoa nghi này được gọi là Thiên Cơ Diệm Khẩu. Tổ Vân Thê Liên Trì của Tịnh tông lại san định khoa nghi Diệm Khẩu của ngài Thiên Cơ một lần nữa, soạn thành Tu Thiết Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi, đồng thời viết lời chú giải. Năm Khang Hy 32 (1693), ngài Đức Cơ ở núi Bảo Hoa lại biên tập khoa nghi do tổ Liên Trì soạn một lần nữa, đặt tên là Du Già Diệm Khẩu Thí Thực Tập Yếu. Khoa nghi này thường được gọi là Bảo Hoa Diệm Khẩu. Ngày nay, hai khoa nghi Diệm Khẩu được sử dụng phổ biến nhất ở Trung Hoa là Thiên Cơ và Bảo Hoa Diệm Khẩu. Ở Việt Nam, khoa nghi Trai Đàn Chẩn Tế do chư Tổ người Việt soạn, có các bước pháp sự gần giống với Đàn Thủy Lục hơn Diệm Khẩu.
Diệm Khẩu
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội