● Kinh Phật khi xưa được chép trên lá bối (Bối Diệp). Bối diệp gọi đủ là Bối Đa La Diệp tức lá của cây Bối Đa La (pattra), tên khoa học là Laurus Oassia. “Bối diệp” là danh xưng chung chỉ tên các loại lá có thể dùng thay giấy khi chưa phát minh ra giấy. Được dùng phổ biến nhất là lá cây Đa La (Tāla). Loại lá này thuôn dài, dày chắc. Người ta phơi lá cho khô, cắt thành từng miếng rộng độ 6cm, dài chừng 18cm. Hai đầu xoi lỗ nhỏ để chép xong sẽ xỏ dây buộc thành từng tập. Khi chép kinh, người ta dùng mũi kim hay vật nhọn khắc chữ trên lá. Khắc xong, bôi mực lên rồi chùi đi, mực đọng lại nơi vết khắc. Một số quốc gia sau này tuy đã có giấy vẫn dùng phương pháp chép kinh lên những mảnh giấy rời rồi buộc lại thành tập như ở Tây Tạng, Nepal, Mông Cổ vẫn còn dùng. Các nước Nam Truyền Phật giáo như Cambodia, Lào, Thái vẫn còn giữ được rất nhiều bản kinh chép theo lối này trên lá gồi.
Bối Diệp
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội