● Là loại giáo pháp rốt ráo, viên mãn; đó là giáo lí nhất thừa, cho nên cũng gọi là “nhất thừa viên giáo”. Giáo pháp này nói biển tánh là viên dung, tùy duyên mà khởi thành pháp giới vô tận; vì vậy, cái này và cái kia là vô ngại; cái này tức là cái kia, cái kia tức là cái này; cái này ở trong cái kia, cái kia ở trong cái này; một vật là tất cả vật, tất cả vật là một vật; v.v… Ngài Tuệ Quang (468-537) đời Bắc Ngụy (386-534) đã phân toàn bộ nội dung giáo điển làm ba loại: tiệm giáo, đốn giáo và viên giáo. Ngài Trí Khải (538-597) đời Tùy (581-619) lại đem nội dung giáo điển phân làm bốn loại: tạng giáo, thông giáo, biệt giáo, và viên giáo. Ngài Pháp Tạng (643-712) đời Đường (618-907) lại phân giáo điển làm năm loại: tiểu thừa giáo, đại thừa thỉ giáo, đại thừa chung giáo, đốn giáo, và viên giáo. Theo tông Thiên Thai, Viên có nghĩa là viên mãn hoàn bị chẳng thiên lệch. Theo Chỉ Quán Phụ Hành Truyền Hoằng Quyết, quyển một, thì tuy những giáo pháp được nói trong Hoa Nghiêm, Phương Đẳng, Bát Nhã đều là viên đốn nhưng chưa phải là viên đốn triệt để, chỉ có kinh Pháp Hoa là viên đốn triệt để. Theo Ma Ha Chỉ Quán, trong Viên Giáo lại chia thành bốn môn, tức:
1) Hữu Môn: Quán Kiến Hoặc, Tư Hoặc đều là giả, nhưng chúng chẳng lìa ngoài pháp giới, đầy đủ hết thảy Phật pháp.
2) Không Môn: Quán hết thảy pháp chẳng tại nhân, chẳng thuộc duyên, Ngã và Niết Bàn đều là không.
3) Diệc Hữu Diệc Không Môn: Không chính là Giả, Giả chính là Không.
4) Phi Hữu Phi Không Môn: Kiến Hoặc, Tư Hoặc chính là pháp tánh, do vậy Kiến Hoặc và Tư Hoặc đều chẳng phải có (Phi Hữu). Pháp Tánh chính là Kiến Hoặc, Tư Hoặc nên pháp tánh chẳng phải là Không (Phi Không).