● (Dhūta). Trung Hoa dịch là Đẩu tẩu, có nghĩa là trừ khử trần cấu, là một pháp tu khổ hạnh của hàng Tăng sĩ nhà Phật nhằm đoạn trừ tham trước, tu luyện thân tâm. Phương tiện tu khổ hạnh giúp giảm tối đa nhu cầu đối với ba vấn đề thiết yếu của đời sống hằng ngày là cơm nước, áo quần và chỗ ở, tăng triển ý chí và rũ sạch những ô nhiễm, ví dụ ăn mặc rách rưới, khất thực được gì ăn nấy, ăn một lần trong ngày, ngủ đâu cũng được…Hạnh tu ép xác của các vị khổ luyện công phu mà người thường cũng khó theo đuổi kịp. Chư vị tì kheo thường tu tập hạnh đầu đà, cho nên cũng còn được gọi là chư vị “đầu đà”. Chọn nơi rừng sâu núi thẳm, nghĩa địa, gốc cây… làm chốn tu luyện định tâm, là cả một sự phấn đấu phi thường.
Ngài Ma Ha Ca Diếp được tôn xưng là Đầu Đà đệ nhất. Người tu hạnh Đầu Đà tuân thủ mười hai điều sau đây:
- Ở tại A Lan Nhã, tức lìa nơi ồn náo. Ở nơi yên tịnh, xa cách chỗ ở của cư dân
- Khất Thực
- Khất Thực theo thứ tự (không phân biệt nhà giàu, nhà nghèo, cứ thuận đường mà đi, khất thực đủ bảy nhà thì thôi)
- Ăn một bữa
- Ăn vừa mức (tức chỉ xin vừa đủ ăn, hễ xin đủ phần mình ăn thì dẫu chưa đủ bảy nhà liền đậy bát, trở về Tinh Xá)
- Sau giờ Ngọ, không uống các thứ nước trái cây ép, sữa, súp v.v.. cho khỏi đói
- Mặc y kết bằng các mảnh vải vứt đi
- Chỉ có ba y
- Ở nơi mồ mả
- Nghỉ dưới gốc cây
- Ở nơi đất trống
- Chỉ ngồi chứ không nằm.
Không rõ từ bao giờ ở Trung Hoa xuất hiện những Tăng nhân giả danh, tự xưng tu hạnh Đầu Đà, thường xõa tóc dài, không cạo râu, cổ đeo chuỗi hạt rất to, đầu bịt một chiếc vòng bằng đồng hay sắt (để giữ cho tóc khỏi xõa xuống trán. Đôi khi chiếc vòng ấy còn được chế kiểu cọ có hình trăng lưỡi liềm trước trán), đeo khuyên tai to nặng, mặc áo rộng tay, nhưng vạt ngắn, đôi khi còn phạch ngực, cầm tích trượng bằng sắt đúc to kềnh, tập luyện võ nghệ, đi lang thang khắp nơi, tuy xin ăn nhưng hay cậy võ nghệ hiếp đáp người khác, ăn ở lôi thôi, nhớp nháp, ăn chay nhưng không kiêng rượu! Loại đầu-đà kiểu này rất thịnh hành dưới đời Tống.