● Gọi đủ là Ưu Đàm Bát La Hoa (Udumbara), đôi khi còn được phiên là Ô Đàm Bát La, Uất Đàm, hoặc Đàm Hoa. Dịch nghĩa là Linh Thụy Hoa, Không Khởi Hoa, Khởi Không Hoa. Theo Phật Quang Từ Điển, Ưu Đàm Hoa vốn là hoa của một loại cây thuộc họ Sung, có tên khoa học là Ficus Glomerata, thường thấy mọc ở ven Hy Mã Lạp Sơn, hoặc cao nguyên Deccan. Cây có hai loại hoa đực và cái riêng biệt, mỗi khi hoa nở cánh hoa xòe to bằng bàn tay, mỗi lần trổ hoa là trổ cả chùm gồm mười mấy đóa, rất hiếm khi thấy; vì thế người ta thường nói: “Cả ngàn năm Ưu Đàm mới trổ hoa một lần!” Tuy vậy, sách Huệ Lâm Âm Nghĩa cho rằng hoa Ưu Đàm được nói trong kinh là một loại hoa cõi trời, trong nhân gian không có. Khi đức Như Lai giáng sanh, hoa Ưu Đàm mới nở. Xét ra, hiểu theo cách giải thích của Huệ Lâm Âm Nghĩa hợp lý hơn, chứ nếu hiểu Ưu Đàm giống hoa cây Sung như vừa mới nói thì hoa Ưu Đàm cũng đâu có gì đặc biệt cho lắm để sánh ví với sự ra đời của đức Phật. “Ưu Đàm vượt ngoài kiếp” có nghĩa là hiếm hoi, phải mất một thời gian nhiều hơn một kiếp mới lại được thấy hoa Đàm.
Ưu Đàm
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội