Rồng cứu nạn
Tại vùng Cổ Sào, một hôm nước sông đột ngột dâng lên rất cao, không bao lâu liền rút nhanh xuống, nơi cảng sông có một con cá rất to mắc cạn, nặng đến mười ngàn cân, nằm lại đó ba ngày thì chết. Dân cả quận kéo nhau ra xẻ thịt ăn, chỉ duy nhất có một bà lão không ăn.
Sau đó, bà lão bỗng nhiên gặp một ông lão đến nói: “Cá chết đó là con của ta, không may gặp nạn ở đây. Chỉ riêng bà có lòng thương không ăn thịt nó, ta sẽ báo đáp cho bà. Hãy lưu ý con rùa đá ở cửa thành phía đông, nếu thấy mắt nó có màu đỏ thì bà phải gấp rút đi ra khỏi thành. Cả thành này sẽ bị chìm lấp.”
Bà lão nghe lời, mỗi ngày đều đến cửa thành phía đông xem chừng con rùa đá. Có đứa bé thấy lạ gạn hỏi, bà nói thật cho nó biết. Thằng bé tinh nghịch liền lấy son đỏ lén bôi lên mắt rùa đá. Bà lão vừa thấy thế liền gấp rút ra khỏi thành, gặp một đứa trẻ mặc áo xanh đón lại nói: “Cháu là con của Long vương.” Rồi đưa bà lên một ngọn núi. Quả nhiên, cả thành ấy bị lún sụp xuống thành một cái hồ lớn.
LỜI BÀN Vào thời đức Phật còn tại thế, có năm vị đại thần. Đêm nọ, một vị đến thỉnh Phật hôm sau thọ trai. Phật không nhận lời, vị ấy ra về. Lát sau, nhà vua cũng đến thỉnh Phật thọ trai, Phật nói: “Đại thần kia đêm nay sẽ chết, ngày mai đâu còn có thể tạo phúc được nữa?”
Vị đại thần kia thường nói với tướng sĩ: “Ta thế nào cũng chết vì binh khí.” Vì thế luôn cho quân lính canh phòng cẩn mật, cho đến bản thân ông khi ngủ cũng mang gươm. Đêm ấy, lúc ông quá buồn ngủliền trao thanh gươm cho người vợ để thay thế canh phòng. Không bao lâu, bà ngủ gục để rơi thanh gươm làm đứt đầu chồng. Bà giật mình hốt hoảng la lên: “Chồng tôi chết rồi.” Đức vua nghe chuyện liền triệu tập cả bốn vị đại thần còn lại, hỏi rằng: “Các ngươi cùng theo bảo vệ, cốt yếu là để đề phòng kẻ gian gây biến, làm sao vợ ông ấy có thể gây nên tội như thế này, lúc đó bọn các ngươi sao không có ai bên cạnh?” Liền ra lệnh trị tội bằng cách chặt đứt cánh tay phải của cả bốn người.
Ngài A-nan qua việc này liền thưa hỏi nguyên nhân. Đức Phật dạy: “Người chồng kia đời trước là một trẻ chăn dê, còn người vợ khi ấy là một con dê mẹ lông trắng. Bốn vị đại thần đó, ngày xưa là bốn tên giặc cướp. Lúc gặp đứa trẻ chăn dê, cả bốn người đều đưa cánh tay phải chỉ con dê mẹ lông trắng mà quát bảo nó phải giết thịt cho mình ăn. Đứa trẻ khóc lóc mà làm theo, giết dê cho cả bọn cùng ăn thịt. Trải qua nhiều kiếp sinh tử, đến nay bọn họ mới gặp lại nhau để đền trả nợ cũ.”
Việc đứa trẻ tinh nghịch bôi sơn đỏ vào mắt rùa đá, cũng là do nhân duyên nghiệp lực mà có, [nên chuyện giả hóa thật]. Khi nhân duyên hội đủ thì mọi việc sẽ tự nhiên xảy ra, [nếu không thì] không thể gượng ép mà được.
Nguồn: thuvienhoasen.org