● Chuyển Luân Thánh Vương, là từ dịch ý của tiếng Phạn cakra-vartirajan, nghĩa là người chủ của bánh xe báu xoay chuyển. Luân vương có bảy món báu đặc biệt mà tất cả mọi người không ai có: bánh xe báu, voi trắng báu, ngựa xanh báu, thần châu báu, ngọc nữ báu, quản kho báu, và tướng quân báu. Vua có bốn đức lớn, không ai sánh bằng: sống lâu, không tật bệnh, tướng mạo đoan trang, và kho đầy của báu. Quốc độ của vua giàu có, nhân dân khắp nơi đều sống trong cảnh thái bình an lạc. Vua thống quản cả bốn châu lớn chung quanh núi Tu-di, dùng chánh pháp để trị đời. Truyền thuyết về sự xuất hiện của Chuyển luân thánh vương, rất được thịnh hành trong thời Phật tại thế. Nhiều kinh luận đã đề cập tới Chuyển luân thánh vương, và nhiều chỗ còn so sánh vị vua này với đức Phật. Luận Đại Trí Độ nói: Phật chuyển pháp luân cũng giống như Luân vương chuyển bảo luân… Luân vương vận chuyển bánh xe báu đi giữa hư không vô ngại, Phật vận chuyển xe pháp đi giữa thế gian vô ngại. Người thấy được bánh xe báu, các tai nạn, độc hại đều tiêu diệt; người gặp được bánh xe pháp, tất cả phiền não, tà kiến đều tan biến… Luận ấy lại nói: Luân vương chưa dứt sạch mọi phiền não; Phật đã xa lìa vĩnh viễn mọi phiền não… Bánh xe báu là vật giả tạm; bánh xe pháp là chân thật. Bánh xe báu là nơi đầy kiết sử, vui với năm dục; bánh xe pháp là nơi không có kiết sử, vui niềm pháp lạc… Nhiều chỗ còn so sánh các Luân vương với các giai vị của Bồ-tát hạnh, như: Thiết Luân vương tương đương với hàng Thập-tín; Đồng Luân vương tương đương với hàng Thập-trụ; Ngân Luân vương tương đương với hàng Thập-hạnh; Kim Luân vương tương đương với hàng Thập- hồi-hướng. Có chỗ nói Luân vương gồm ba loại: Vua A Dục chẳng hạn, là Quân (quân binh) Luân vương; bốn vị Kim, Ngân, Đồng và Thiết Luân vương là Tài (của cải) Luân vương; và đức Phật là Pháp Luân vương. Các quốc vương do phát tâm tu bổ tượng, tháp bị hư mà được quả báo Chuyển Luân Vương. Các kinh luận đều nói rộng rãi Luân Vương do tôn kính Tam Bảo, giữ Thập Thiện nên được phước báo thù thắng nhất trong nhân gian.
Luân Vương
Bộ từ điển: Chú Thích Phật Học - Pháp Thí Hội