Hãy chọn tập quý Phật tử muốn xem
Ngài Hư Vân quê ở đất Tương, tỉnh Hồ Nam, thuộc họ Tiêu. Thân phụ là Ngọc Ðường từng làm Tri phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, làm quan thanh liêm, được dân ái mộ. Năm 40 tuổi, chưa có con, nên một hôm ông cùng phu nhân đến chùa Quán Âm để xin cầu tự. Bởi lòng thành nên có cảm ứng, do đó sau khi trở về, phu nhân có tin mang thai. Trải qua mười tháng tới kỳ sanh nở, cả hai đều nằm mộng thấy có một ông lão râu dài, mặc áo xanh, trên đầu mang hình tượng Quán Âm, cưỡi hổ đi tới. Khi tỉnh giấc, bào thai lọt lòng là một bọc thịt (Bồ-tát bậc Ðệ Bát Ðịa mới có cảnh giới này). Bà mẹ sợ quá mà chết.
Ngày hôm sau, một ông già bán thuốc đi ngang qua, lấy dao mở bọc thịt ra thì thấy trong bọc là một đứa nhỏ con trai. Hài nhi được bà kế mẫu nuôi dưỡng.
Vốn có thiện căn, nên đối với sách vở Nho giáo, Ngài Hư Vân đọc mà không thấy hứng thú, đối với công danh thì lạnh nhạt, chỉ có Kinh Phật là còn ham thích, cho nên ngay từ thuở thơ ấu Ngài đã nhen nhúm ý tưởng xuất gia tu hành. Có một lần, trốn tới chùa Cổ Sơn ở Phúc Châu Ngài toan xuất gia, nhưng bị bắt về nhà. Thân phụ bắt Ngài trở về quê ở Hồ Nam giao cho người chú thứ hai trông nom, cốt ý để tuyệt hết mọi ý niệm xuất gia.
Ngài vốn là đứa con duy nhất, người chú thứ ba thì lại chết đi không có con nối dõi, do đó Ngài trở thành vị kế thừa của hai chi trong gia tộc. Theo phong tục hồi đó, Ngài có thể cưới hai vợ, một người là dâu của cha ruột, một người thay cho dâu của chú, như vậy cả hai chi còn giữ được hương hỏa về sau. Ðây là trường hợp một lần được cả hai, người đời ước mong mà không có, tuy nhiên đối với Ngài là cả một sự phiền hà.
Ðể làm nhiệm vụ tiếp nối hương hỏa trong gia tộc, tới năm 18 tuổi, Ngài cùng hai bà họ Ðiền và họ Ðàm làm lễ thành hôn, và nghi thức được cử hành cùng một lượt. Cả hai bà đều thuộc dòng dõi khuê các, nên rất thông hiểu nghĩa lý. Trong đêm tân hôn, Ngài Hư Vân đã cùng hai bà đi tới một thỏa thuận, với giao ước rằng trên danh nghĩa tuy là vợ chồng nhưng thực tế thì không phải, trinh tiết vẫn giữ trọn vẹn, cả ba cùng ở chung, không xâm phạm nhau, an cư như vậy.
Năm sau, với sự ưng thuận của hai bà, Hòa thượng Hư Vân quyết tâm ra đi (sau này hai bà cũng xuất gia).Ngài giã từ đời sống gia đình êm ấm, đến chùa Dũng Tuyền ở Cổ Sơn thuộc Phúc Châu để xuất gia. Tới đây ngài lạy Trưởng lão Diệu Liên làm thầy, nhận pháp danh là Diễn Triệt, hiệu là Ðức Thanh. Ngài rất sợ bị người trong gia đình tìm đến, nên Ngài đi vào núi sâu tu khổ hạnh, đói ăn quả tùng, lá cây, khát thì uống nước suối. Tu khổ hạnh như vậy quả thực vượt khả năng của mọi người, như câu nói:
Mặc, những gì không ai mặc được
Ăn, những gì không ai ăn được
Nhẫn những gì không ai nhẫn được
Chịu, những gì không ai chịu được
Vượt qua bao nhiêu thử thách khó khăn, Hòa thượng Hư Vân vẫn không thấy có gì sờn lòng, mà ngược lại còn lấy làm hoan hỷ.
Ba năm sau, để tìm cơ hội thân cận với các Thiện tri thức, đồng thời có thể học hỏi thêm Phật Pháp, Ngài đi khắp nơi tham vấn, vượt núi băng rừng nếm đủ mùi vị gian nan. Nơi nào có Cao tăng Ðại đức thì dù nơi đó có xa xôi, ngăn sông cách núi đến đâu, Ngài cũng phải tìm tới để học Ðạo. Trên đường tham vấn học hỏi Ngài đã gặp nhiều sự trắc trở, nhưng sẵn đức tính kiên nhẫn, với ý chí sắt đá, quên mình để cầu Pháp, Ngài vẫn không thối chí, ý hướng ban đầu vẫn không đổi thay, lúc nào cũng hăm hở đi tới, tinh tấn học tập. Tinh thần của Ngài như vậy, quả thực rất đáng bội phục và là một gương mẫu để mọi người noi theo
Về sau, Ngài lập nguyện báo ơn hiền mẫu bằng cuộc hành hương “tam bộ nhất bái”, từ Phổ Ðà sơn đi tới Ngũ Ðài sơn. Ba năm trời ròng rã, công đức của Ngài thành tựu viên mãn và Ngài hoàn thành được chí nguyện của mình.
Bây giờ kể một sự tích có tính cách cảm ứng đạo giao liên hệ tới cuộc hành hương nói trên.
Khi Ngài đi và lạy tới được bờ sông Hoàng Hà thì gặp trời đổ tuyết, suốt trong ba ngày ba đêm không ngớt. Ngài tạm trú trong một căn lều cỏ, lúc đó vừa đói vừa lạnh, thân thể bị tê, mất cả cảm giác, mê man bất tỉnh nhân sự. Khi tỉnh dậy Ngài phát hiện trong lều có một người ăn mày đương nấu cháo cho Ngài. Ngài ăn cháo xong thì sức khỏe phục hồi, Ngài tiếp tục hành trình đi và lạy hướng tới Ngũ Ðài sơn. Về sau tới được Ngũ Ðài sơn rồi Ngài mới hay rằng người hành khất đó chính là hóa thân của Ðức Văn Thù Sư-Lợi.
Trong khoảng thời gian Hòa thượng Hư Vân ẩn tu tại Cửu Hoa sơn, có tin đưa tới cho hay rằng chùa Cao Mân tại Dương Châu có tổ chức một khóa Thiền trong tám thất. Ngài quyết định tới đó tham gia. Từ Cửu Hoa Sơn, Ngài đi dọc theo ven sông. Ðương lúc mùa mưa lớn, nước sông tràn lên bờ, rủi sẩy chân, Ngài rớt xuống nước rồi bị nước cuốn đi, như vậy nổi trôi theo dòng trong khoảng hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Khi trôi tới gần đập đá Thái Thạch, Ngài mắc vào lưới cá nên được người ta vớt lên, nhưng lúc đó tình trạng của Ngài chỉ là thoi thóp. Dân chài báo tin cho chùa Bảo Tích ở gần đấy để đưa Ngài về chùa cấp cứu. Ngài tỉnh lại, nhưng bị xuất huyết tại bẩy nơi trên thân thể – thất khiếu lưu huyết – bệnh tình rất là nguy kịch. Ngài chỉ nghỉ ngơi vài ngày rồi lại tiếp tục hướng tới Cao Mân dự Thiền Thất, chẳng kể gì tới mạng sống, tâm ý chẳng hề đổi thay.
Quy củ chùa Cao Mân rất là chặt chẽ và sự thi hành quy lệ cũng rất nghiêm túc. Ai phạm quy lệ sẽ bị trừng phạt không nể nang. Hồi đó, vị trụ trì là Thiền sư Nguyệt Lãng chỉ định Ngài đứng ra thay thế chức vụ của người, mà Ngài không nhận, nhưng như vậy là phạm quy lệ, nên Ngài bị đòn rồi bị đánh bằng hương bản. Ngài nhận hình phạt mà không kêu ca; song, sau khi bị đánh, bệnh tình trở nên nguy ngập, xuất huyết liên miên, khó có cơ cứu vãn.
Có người nghĩ rằng; “Hòa thượng Hư Vân dụng công tu Ðạo như vậy, không lẽ chư thần hộ pháp không bảo hộ Ngài khiến Ngài bị rớt xuống nước?” Kỳ thực, chư thần đã từng hộ trì, nếu không, dân chài làm sao biết để vớt Ngài lên? Ðủ hiểu trong chốn vô hình luôn luôn có chư thần gia hộ.
Ðây cũng là một sự khảo nghiệm để biết cảm tưởng của Ngài đối trước vấn đề sanh tử của bổn thân mình qua những lần tai nạn. Gặp thử thách như vậy Ngài có chùn bước chăng? Hoặc giả Ngài có khi nào nghĩ rằng: “Ta đã tu bao nhiêu năm, nào tụng Kinh, bái sám, đốt ngón tay, ẩn tu, tập khổ hạnh, thứ gì cũng để hết tâm lực, cớ sao ta chẳng thấy một cảm ứng nào đền đáp? Thôi! Ta khỏi tu nữa, ta phải hoàn tục đặng trở về với đời sống ngũ dục vậy!” Nếu quả có ý nghĩ đó thì Ngài đâu có thể trở thành vị Tổ sư của cả năm Tông phái!
Chùa Cao Mân vốn là nơi mà quy củ được tôn trọng triệt để. Không ai được trò chuyện với nhau, thậm chí cùng ở chung mà không biết tên nhau. Hòa thượng Hư Vân cũng giữ đúng kỷ luật, tuy bệnh tình trầm trọng Ngài vẫn không hể đả động tới, cũng không ai biết Ngài vừa được vớt ở sông lên, Ngài chỉ biết dốc một lòng một dạ vào công phu tham thiền. Hai mươi ngày sau thì bệnh tình thuyên giảm, ấy cũng là do sự gia hộ của chư Phật và chư Bồ-tát.
Một hôm, có vị trụ trì chùa Bảo Tích ở Thái Thạch là Pháp sư Ðức Ngạn đến thăm Cao Mân. Khi nhác thấy hòa thượng Hư Vân ngồi ngay ngắn trên thiền sàng, dung quang tươi nhuận và sáng sủa, Pháp sư hết sức kinh ngạc mới kể lại cho mọi người nghe sự tích Ngài bị nước cuốn và được cứu vớt ra sao. Ai nấy đều lấy làm kinh dị, và để giúp Ngài dụng công tu tập cho được kết quả, các vị có trách nhiệm trong Thiền đường không cắt đặt Ngài phải chấp hành một công tác gì khác nữa. Từ đó Ngài chuyên tâm thiền định cho tới khi đạt tới cảnh giới nhất niệm bất sinh.
Ðến thất thứ tám, trong đêm thứ ba, vào giờ khai tịnh, người trực mang nước nóng tới và, trong lúc vô ý đã rót nước sôi bắn vào tay Ngài, do đó ly trà trong tay Ngài rớt xuống đất. Ngài nghe tiếng ly vỡ ly tan và ngay đấy khai ngộ (Thiền sư Tử Bá cũng được khai ngộ khi nghe tiếng bát bể). Nhân dịp Ngài đọc kệ như sau:
Bôi tử phác lạc địa
Hưởng thanh minh lịch lịch
Hư không phấn toái dã
Cuồng tâm đương hạ tức
Dịch nghĩa:
Ly trà rớt xuống
Tiếng bể vang lên
Hư không tan vụn
Cuồng tâm liền hết
Lại có kệ như sau:
Ðãng trước thủ
Ðả toái bôi
Gia phá nhân vong ngữ nan khai
Xuân đáo hoa hương xứ xứ tú
Sơn hà đại địa thị Như Lai
Dịch nghĩa:
Tay, nước bắn
Chén bể nát
Nhà tan, người mất, nói không ra
Xuân đến nơi nơi ngát hoa thơm
Sông núi đất đai, đều Như Lai.
Khai ngộ rồi, Ngài rời Cao Mân, vân du bốn phương, càng tinh tấn thêm trong việc tu học và tham vấn các Thiện tri thức. Sau, Ngài đến Vân Nam, rồi ở đấy trùng tu tự viện tại núi Kê Túc. Vì tài chánh thiếu hụt Ngài phải lên đường đi Nam Dương để quyên góp. Trên thuyền đi tới Singapore Sư nhuốm bệnh, rồi, khi lên bờ Ngài lại không có hộ chiếu. Nhân viên chính quyền Anh quốc nhận thấy Ngài mang bệnh truyền nhiễm nên đưa Ngài tới ở tại Viện truyền nhiễm. Chẳng khác gì đưa Ngài vào chỗ chết. Về sau người ta đưa Ngài về chùa Cực Lạc, an trí riêng một nơi, bế quan luôn, nhưng chỉ ít lâu sau, bệnh của Ngài thuyên giảm. Ngài lại lên đường đi Thái Lan để lạc quyên, tá túc tại một ngôi chùa. Sư nhập định trong chín ngày, trông bề ngoài như người đã chết mà thực không phải chết, nên cả kinh thành Bangkok kinh động. Rồi, trên từ quốc vương, các quan lớn nhỏ, đến dân chúng, mọi người kéo đến xin quy y với Ngài. Các thứ tịnh tài của tín đồ cúng dàng đều được gom lại gửi về Vân Nam để lo việc xây cất tu viện.
Mùa xuân năm 1947, chùa Nam Hoa tổ chức Giới đàn và đây là lần đầu tiên tôi được gặp Hòa thượng Hư Vân. Ðến nay tôi vẫn còn nhớ, sau lễ truyền giới, Hòa thượng bỗng bị sưng cổ họng, không nói ra tiếng được, thành thử không tiện cho tôi được tham vấn Ngài. Cũng nhờ sự trị liệu của bác sĩ nên dần dà Ngài lại bình phục.
Những gian nan khổ nạn trong cả một đời của Hòa thượng Hư Vân quả thật không thể lời nói mà tả ra được! Tôi nghĩ rằng thật khó kiếm được ai có thể chịu được những cảnh ngộ như Hòa thượng đã trải qua. Hành trạng của Ngài, suốt cả thế kỷ này, độ cho mình độ cho người, lợi mình lợi người, cùng những sự tích thần thồng biến hóa, những điềm lành, không thể kể ra ở đây cho hết. Nay tôi chỉ kể sơ lược cuộc đời của Ngài, mong quý vị theo đó mà học tập đức tính kiên trì nhẫn nại của Ngài.
Ngày nay, kẻ xuất gia chỉ ngồi tham thiền trong vài ngày mà cũng mong được cảm ứng, mong khai ngộ được đại trí huệ. Tham lam như vậy là quá đáng! Hòa thượng Hư Vân, một đời xả thân tu Ðạo, chẳng kể tới việc sống chết của mình, mới có ngày nhận chân được bổn lai diện mục, còn chúng ta đã gặp những khổ nạn gì? Tạo được công đức gì? Vậy mà cũng nuôi vọng tưởng khai ngộ, quả thật là quá ấu trĩ!
Ðối với người tu Ðạo thì chí không được thối lui, nguyện không thối lui, hành không thối lui, một lòng một ý tinh tấn tiến bước, như câu nói: “tại đầu sào trăm thước, còn tiến thêm bước nữa”.Chẳng kể sự thành tựu tới mức nào, mình chỉ biết phát tâm Bồ-đề, nỗ lực tu hành, không màng tới sự toan tính nào khác, nào Ngũ nhãn Lục thông, nào thần thông diệu dụng, đấy chẳng phải là thành quả rốt ráo của việc tu hành. Nhớ kỹ! Từ sớm đến tối chớ nghĩ đến thần thông, đến khai ngộ, đó là những cục đá buộc chân người tu.
Khai thị trong dịp Thiền thất năm 1981,
từ ngày 16 đến ngày 23 tháng 7
Tại Vạn Phật Ðiện của Vạn Phật Thánh Thành
HT Tuyên Hóa