Năm 1322 (Nhâm Tuất – PL.1866), niên hiệu Đại Khánh thứ 9, đời vua Trần Minh Tông.
– Tháng 3 năm Nhâm Tuất, sét đánh tháp Báo Thiên sạt góc phía đông tầng hai.
– Nhiều người trong triều đình đóng góp vào việc cúng dường để đúc 1.000 tượng Phật, trong số đó có : Bảo Từ hoàng thái hậu, Bảo Huệ quốc mẫu, Bảo Vân công chúa, Tư đồ Văn Huệ Vương, Uy Huệ Vương, Hưng Uy Hầu, Hoài Ninh Hầu, Đặng Trung Tử, Đoàn Nhữ Hài,…Cũng năm này, Tư đồ Văn Huệ Vương (?-1325) xuất gia thọ giáo với Tôn giả Pháp Loa.
– Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) cho khắc bản cuốn Tứ Phần Luật (giới luật Tỳ-khưu) để in và phổ biến cho giới tăng sĩ học tập.
– Quốc sư Bảo Phác (đệ tử của Sơ Tổ Trúc Lâm, được vua Anh Tông phong hiệu Quốc sư) và Quốc sư Tông Cảnh (đệ tử của Tuệ Trung Thượng Sĩ, được vua Anh Tông phong hiệu Quốc sư) được Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) mời về mở lớp dạy Tứ Phần Luật cho tăng sĩ ở chùa Báo Ân thuộc huyện Siêu Loại.
– Vua Trần Minh Tông ra chiếu mời Thiền sư Pháp Loa (tức Tôn giả Phổ Tuệ, 1284-1330) soạn sách Tham Thiền Chỉ Yếu, được vua khen ngợi và ban hiệu là “Minh Giác”.
– Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) lập am Hồ Thiên Châu Lạc.