Năm 1850

Năm 1850 (Canh Tuất – PL.2494), niên hiệu Tự Đức (1847-1883) thứ 4, đời vua Dục Tông (Hồng Nhậm, 1847-1883).

– Ngày 25 tháng 3, Bộ Lễ chấp thuận cho Thiền sư Tánh Khoát – Huệ Cảnh (1798-1869) cáo chức trụ trì chùa Thánh Duyên trở về hưu dưỡng và Thiền sư dựng thảo am Tường Vân ở vùng đồi núi Dương Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân – Huế, để tịnh tu.

– Tháng 4 năm Canh Tuất, Thiền sư Khoan Giai – Thiện Chúng dựng bia “Linh Quang Tự Sự Tích Bi” tại chùa Linh Quang ở thôn Tự Tháp, phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, kinh đô Thăng Long.

– Hòa thượng Tiên Giác – Hải Tịnh (1778-1875) triệu tập một đại hội của chư tăng và các thầy theo khoa Ứng phú tại chùa Giác Lâm, để phổ biến chủ trương “bảo vệ và phát huy tinh hoa của khoa Ứng Phú theo đúng với đạo Phật cổ truyền”, đồng thời Thiền sư cũng đề nghị thành lập cơ sở học tập cho khoa Ứng Phú. Ngay trong năm đó, Thiền sư trùng tu viện Quan Âm thành chùa Giác Viên (nay thuộc quận 11, Tp. HCM) để dùng làm cơ sở học tập cho khoa Ứng Phú (TSVN, BNSPGGĐ-SG).

– Thiền sư Hải Nhu – Tín Nhậm (1812-1883) được vua bổ nhiệm làm trụ trì chùa Giác Hoàng ở Phú Xuân – Huế.

– Hòa thượng Tánh Huệ – Nhất Chơn (?-1851) khai sơn chùa Từ Quang tại làng Dương Hòa, (nay là xã Thủy Xuân, Huế).

– Hòa thượng Bảo Chất (?-1850) thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 37, trụ trì chùa Hội Tôn (Bến Tre), viên tịch.

– Thiền sư Như Sanh – Nhất Ngộ (1824-1902 ?) khai sáng chùa Long Châu nay tọa lạc tại số 157, khu phố An Thuận I, phường 7, TP. Tân An, tỉnh Long An.

– Thiền sư Liễu Ngọc – Phổ Minh (1826-1900) khởi công xây dựng chùa Hội Phước tại thôn Phú Nhuận, tổng An Mỹ, hạt Sa Đéc, hiện nay ở số 141, ấp Tân Lập, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Chùa xây dựng những công trình như : chánh điện, tổ đường, đông đường, tây đường, giảng đường và tiền đường, đến năm 1891 hoàn thành (www.chuahoiphuoc.net).

This entry was posted in . Bookmark the permalink.