Năm 1858 (Mậu Ngọ – PL.2402), niên hiệu Tự Đức (1847-1883) thứ 12, đời vua Dục Tông (Hồng Nhậm, 1847-1883).
– Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng (1818-1872) ở chùa núi Châu Viên (Bà Rịa) trùng khắc kinh Kim Cang Chú Giải (chữ Nho), được sự chứng minh của Hòa thượng Bảo Thanh ở chùa núi Chứa Chan. Kinh này do tôn giả Qui Pháp chú giải, tôn giả Qui Phật tập chú.
– Thiền sư Thanh Hanh (1840-1936) được về chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) tu học dưới sự chỉ dẫn của Hòa thượng Tâm Viên. Trước đây (1850), ngài đã đến làm lễ xuất gia với vị Hòa thượng họ Nguyễn ở chùa Hòe Nhai (Hà Nội).
– Tăng cang Diệu Giác (tức Thiền sư Hải Thuận – Lương Duyên, 1806-1892) xin vua cho đại trùng tu chùa Báo Quốc trên đồi Hàm Long, thuộc ấp Trường Giang, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân, Huế, vua cấp cho 600 xâu tiền.
– Giải Kim Cang Kinh Lý Nghĩa của Thiền sư Minh Châu – Hương Hải (1628-1715) được sư Sinh Khảo khắc in và lưu bản gỗ tại chùa Phước Long, xã Đỗ Lâm, huyện Gia Lộc, phủ Ninh Giang. Nội dung kinh gồm có 3 phần :
- Giải thích về những ghi thức trước khi đọc kinh;
- Thích giải chính văn kinh : gồm giải nghĩa tên kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật; nội dung kinh được chia thành 32 phần nhỏ;
- Phần kết kinh, có 2 bài chơn ngôn : Bát Nhã Vô tận tạng và Kim Cương tâm.
– Sách Thiền Lâm Bảo Huấn còn gọi là Thiền Môn Bảo Huấn, được khắc in tại chùa Long Đại (hay chùa Diên Linh), huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Sách này có 4 quyển, do Tịnh Thiện biên soạn vào đời Tống ở Trung Quốc. Nội dung bao gồm 300 thiên, là những lời dạy bảo, phó chúc, sau mỗi thiên đều có ghi xuất xứ. Bản in lần này có phần âm nghĩa và chú thích của Vân Thê Kiến Sư.
– Hoàng Thái hậu Từ Dũ ban tiền trùng tu chùa Báo Quốc trên đồi Hàm Long, thuộc ấp Trường Giang, huyện Hương Trà, phủ Phú Xuân – Huế, bao gồm : chánh điện, Đông Tây đường, nhà trù. Chùa này lại được trùng tu vào những năm : 1868 (vua ban 700 quan), 1873 (xây cổng tam quan), 1890, 1898 (xây dựng Ngũ Công Đức đường). Chùa này vốn do Thiền sư Giác Phong – Pháp Hàm khai sơn.
– Thiền sư Đức Hội – Huỳnh Văn Luông, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 39, khai sơn chùa Tiên Châu hiện ở xã An Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ngài trụ trì chùa này đến năm 1881.