Năm 1866 (Bính Dần – PL.2410), niên hiệu Tự Đức (1847-1883) thứ 20, đời vua Dục Tông (Hồng Nhậm, 1847-1883).
– Tháng 2 năm Bính Dần, các thái giám và cung giám cùng nhân viên trong viện cung giám cúng dường ruộng đất cho chùa Từ Hiếu thuộc vùng Dương Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân, Huế do Thiền sư Hải Thiệu – Cương Kỷ (1810-1898) trụ trì.
– Ngày 29 tháng 6 năm Bính Dần, Hòa thượng Toàn Chiếu – Bảo Ấn (1798-1866) họ Trịnh, pháp danh Toàn Chiếu, tự Trí Minh, hiệu Bảo Ấn, quê ở thôn Tráng Liệt, xã Nghĩa H a, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, thuộc Tông Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 37, trụ trì Tổ đình Thiên Ấn (Quảng Ngãi), viên tịch, thọ 69 tuổi.
– Ngày 08 tháng Chạp năm Bính Dần, Hòa thượng Tiên Giác – Hải Tịnh (1788-1875) phó pháp cho đệ tử là Thiền sư Minh Trinh – An Thiền với bài kệ sau :
“Minh Trinh giác ngộ đạo vô biên,
An Thiền kiến tánh thật an nhiên,
Chân tâm chiếu tỏ thành tứ trí,
Độ đời tiếp vật vạn thuở huyền” (LSPGĐT).
– Thiền sư Chương Khước – Giác Tánh (1830-1908) kế thế trụ trì Tổ đình Thiên Ấn ở núi Thiên Ấn, nay thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
– Thiền sư Chương Nhẫn – Từ Nhân (1834-1897) kế thế trụ trì Tổ đình Viên Quang (Quảng Ngãi).
– Thiền sư Nguyễn Văn Quí cùng với Đoàn Trưng, Đoàn Hữu Ái và Đoàn Tư Trực làm cuộc khởi nghĩa, để chống lại thực dân Pháp xâm lược. Thiền sư đã bị triều đình xử tử cùng với anh em họ Đoàn, sau khi khởi nghĩa thất bại vào năm này (LSPGXH).
– Thiền sư Minh Nghĩa – Giám Huyền (1821-1900) khai sáng chùa Linh Sơn nay tại ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Lúc đầu, chùa làm bằng sườn gỗ, vách ván bổ kho, mái lợp ngói vảy cá.
– Hòa thượng Liễu Tánh – Huệ Cảnh (1798-1869) phú chúc cho Thiền sư Hải Toàn – Linh Cơ trụ trì chùa Tường Vân thuộc vùng núi Dương Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân, Huế.