Năm 1895 (Ất Mùi – PL.2439), đời vua Thành Thái (Bửu Lân, 1889-1907).
– Ngày 13 tháng Giêng năm Ất Mùi, Hòa thượng Hải Thuận – Lương Duyên (1805-1895) thế danh Đỗ Lương Duyên, pháp danh Hải Thuận, tự Lương Duyên, hiệu Diệu Giác, quê ở làng Bích Khê, Quảng Trị, thuộc Tông Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 40, trụ trì chùa Báo Quốc và chùa Diệu Đế (Phú Xuân – Huế), viên tịch, thọ 91 tuổi.
– Tháng 3, Lễ lạc thành chùa Từ Hiếu ở xã Dương Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Phú Xuân – Huế, do Hòa thượng Hải Thiệu – Cương Kỷ trụ trì. Đại lễ này được vua Thành Thái ban cho 2615 quan; các thái giám cúng 7500 quan; hoàng thân, công chúa, phi tần lịch triều, văn võ quan chức thiện nam tín nữ cúng được 1900 quan tiền (NCTPGOH).
– Ngày 18 tháng 4 năm Ất Mùi, chùa Từ Hiếu tại Huế dựng bia “Từ Hiếu tự Diệu Giác Hòa thượng bi ký” do Quản vụ Thái giám Hồ Xuyên và Điển sự thái giám Nguyễn Xuân Phương cúng thạch bi.
– Ngày 25 tháng 4 năm Ất Mùi, Hòa thượng Ấn Thanh – Chí Thành (1841-1895), thế danh Trần Văn Thành, pháp danh Ấn Thanh, tự Tổ Đạo, hiệu Chí Thành, sinh tại thôn Long Bình, tổng Xuân Đài, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 39, trụ trì Tổ đình Tam Thai (Hòa Vang, Quảng Nam) thị tịch, hưởng dương 55 tuổi.
– Ngày 05 tháng 8 năm Ất Mùi, Tiến sĩ Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền viết văn bia “Thiên Hưng Tự Tịnh Đường bi ký” được dựng tại chùa Thiên Hưng ở núi Hoàng Long, làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, Huế.
– Ngày 14 tháng 11 năm Ất Mùi, Thiền sư Thanh Sơn – Đạt Bích (?-1895) trụ trì chùa Phụng Sơn ở Gia Định, thị tịch.
– Ngày 27 tháng 11 năm Ất Mùi, Thiền sư Chơn Tâm – Pháp Thân (1869-1896) thế danh Nguyễn Phúc Ưng Đỗ, pháp danh Chơn Tâm, tự Đạo Tánh, hiệu Pháp Thân, sinh tại làng Vỹ Dạ, kinh thành Huế, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 40, trụ trì chùa Phước Huệ (kinh thành Huế), thị tịch, hưởng dương 28 tuổi. Thiền sư có chú thích sách Tam Bảo Biện Hoặc Luận Chú (do Thiền sư Diệu Nghiêm trước tác).
– Hòa thượng Hải Thuận – Lương Duyên (1805-1895) tổ chức đại giới đàn tại chùa Báo Quốc trên đồi Hàm Long, đường Báo Quốc, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
– Thượng tọa Chánh Hậu (1852-1923) xây dựng lại chùa Vĩnh Tràng nay ở đường Nguyễn Trung Trực, xã Mỹ Phong, Tp. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
– Môn đồ chùa Từ Hiếu xây bảo tháp 7 tầng cho Hòa thượng Hải Thiệu – Cương Kỷ (1810-1898), lúc này ngài đã thọ 86 tuổi.
– Thượng thư bộ Công là Đào Tấn cho trùng tu chùa Linh Phong nay tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, cấp cho 70 lượng bạc để tái thiết chùa này.
– Thiền sư Đạt Lý – Huệ Lưu (?-1898) phát nguyện vân du về miền núi Thất sơn ở miền Tây Nam kỳ tu hành ba năm.
– Thiền sư Chơn Đỉnh – Phước Thông (1866-1951), được triều đình bổ nhiệm trụ trì Tổ đình Tam Thai ở núi Ngũ Hành, huyện Hòa Vang, Quảng Nam.
– Thiền sư Ấn Lan – Từ Trí (1852-1921) được triều đình sắc phong Tăng cang, quản lý hai chùa Linh Ứng (núi Ngũ Hành, Quảng Nam) và Tổ đình Tam Thai (Hòa Vang, Quảng Nam).
– Thiền sư Chơn Kiết – Phổ Hóa (?-1918) kế thế trụ trì chùa Phước Huệ nay tại thôn Vỹ Dạ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
– Thiền sư Chơn Kim – Pháp Lâm (1861-1898) vận động trùng khắc bộ Đại Học Chỉ Thư Yếu Tập, do Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm biên soạn.
– Thiền sư Liễu Tham – Minh Huệ – Tịch Quang (?-1895), thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 37, trụ trì Tổ đình Thiên Hòa (Bình Định), thị tịch.
– Thiền sư Như Huệ – Thiền Tâm (1853-1905) kế thế trụ trì chùa Hội Phước nay thuộc phường Phương Sài, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đồng thời làm bảng hiệu chùa, chú tạo đại hồng chung năm 1905.
– Thiền sư Hải Nhuận – Phước Thiêm, trụ trì chùa Thuyền Tôn (tại núi Thiên Thai, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa) được sung chức Tăng cang chùa Diệu Đế ở Phú Xuân – Huế.
– Thiền sư Thanh Tâm – Chánh Động trụ trì chùa Phổ Quang (ấp Trường Giang, vùng Lâm Lộc xưa – Huế) dâng cúng ngôi chùa này cho Hòa thượng Hải Thiệu – Cương Kỷ (1810-1898) trụ trì chùa Từ Hiếu.
– Tỳ-kheo ni Thanh Linh – Diên Trường (1863-1925) trùng tu chùa Phổ Quang (Thuận Hóa – Huế).
– Thiền sư Thanh Thái – Huệ Minh (1861-1939) được Hòa thượng Bổn sư Hải Thiệu – Cương Kỷ phú pháp kệ : “Chính Sắc thể sáng tr n, pháp tâm vốn như thế, hư không gom một điểm, nối Tổ mãi lưu truyền” (CTTĐPGTH).
– Thiền sư Đạt Thới – Chánh Thành (1872-1949) được Sư tổ Liễu Ngọc – Châu Hoàn truyền trao Chánh pháp nhãn tạng, phú pháp kệ như sau :
“Đắc quả Bồ Đề trí tuệ khai,
Hoát nhiên tâm địa vượt trần ai,
Trong lòng chánh pháp chơn thật nghĩa,
Năng sở vô nghì rõ Như Lai.” (TSDTVN).
– Thiền sư Như Cầm (1856-?) khai sơn trụ trì chùa Quy Am (sau đổi thành chùa Long Minh) hiện tại xã Tân An, Thủ Dầu Một, Bình Dương), tổ chức đúc đại hồng chung cho chùa này.
– Thiền sư Hoằng Chỉnh trùng tu chùa Phước Hậu hiện tại xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1910, ngài lại tiếp tục trùng tu chùa này. Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Thiện Hoa trùng tu chùa Phước Hậu vào những năm : 1939, 1961, 1972.
– Trụ trì chùa Viên Thông ở Thuận Hóa – Huế hưng công khắc bản in Hoằng Giới Đại Học Chi Thư, 1 quyển, Thiền sư Pháp Chuyên – Luật Truyền viết lời tựa. Mộc bản hiện lưu trữ tại chùa Viên Thông.