Năm 1930

Năm 1930 (Canh Ngọ – PL.2474), đời vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy, 1926-1945).

– Ngày 05 tháng Giêng năm Canh Ngọ, Hòa thượng Tánh Tú – Ngộ Thông (1876-1930) họ Tống, hiệu Phổ Quang, quê ở Ninh Hòa (Khánh Hòa), thuộc Tông Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 39, trụ trì chùa Sắc Tứ Minh Thiện (Diên Khánh, Khánh Hòa) viên tịch, trụ thế 54 năm.

– Ngày 19 tháng 2, tại chùa Sắc Tứ Thới Bình (Cần Giuộc) làm lễ lạc thành trùng tu và mở trường Kỳ chúc thọ giới đàn, Thiền sư Như Đắc – Từ Nhẫn (1899-1950) được tôn thăng vị Hòa thượng Đường đầu.

– Ngày 01 tháng 3 năm Canh Ngọ, Hòa thượng Trừng Diệu – Tịnh Hạnh (1865-1930), họ Nguyễn, pháp danh Trừng Diệu, hiệu Tịnh Hạnh, người xã Tân Phú, Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 42, Tổ khai sơn chùa Thiền Lâm (Phan Thiết), viên tịch, thọ 65 tuổi. Tác phẩm của Hòa thượng có : Thích Song Tổ Ấn, Nam Độ Đàn Kinh.

– Ngày 01 tháng 10 năm Canh Ngọ, Hòa thượng Quảng Phúc – Diệu Úc (1840-1930), thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 45, trụ trì chùa Long Hưng (Bến Cát, Bình Dương), viên tịch, thọ 91 tuổi.

– Đại giới đàn Nguyên Hòa tổ chức tại Tổ đình Tân Long (Đồng Tháp) Hòa thượng Ngộ Đạo – Từ Vân (1866-1934) được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng.

– Hòa thượng An Lạc – Minh Đàn (1874-1939) trùng tu chùa Vĩnh Tràng nay thuộc xã Mỹ Phong, Tp. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang với quy mô lớn.

– Hòa thượng Chơn Chứng – Thiện Quả (1881-1962) được cung thỉnh làm Chứng minh Đạo sư cho Hội An Nam Phật học tại Quảng Nam (1930 – 1940).

– Thiền sư Thượng tọa Chơn Tá – Tôn Bảo (1895-1974) được Chư sơn cung thỉnh vào chức vụ Phó trị sự Chư sơn tỉnh Quảng Nam kiêm Kiểm tăng huyện Hòa Vang.

– Thiền sư Chơn Sự – Khánh Quý (?-1943) trùng  tu Tổ đình Thắng Quang nay ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

– Đại đức Như Từ – Tâm Đạt (1907-1979) khởi công đại trùng tu chùa Thiên Bình tại làng Trung Lý, xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, hai năm sau hoàn tất.

– Khoảng năm 1930, Hòa thượng Như Điền – Huệ Chấn (1886-1955) thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 41, về trụ trì chùa Hưng Long nay thuộc quận 10, Tp. HCM.

– Thiền sư Trừng Chấn – Chánh Nhơn (1882-1948) trùng tu chùa Long Thạnh tại thôn Tây Định, xã Nhơn Bình, Qui Nhơn – Bình Định.

– Hòa thượng Như Trí – Khánh Hòa (1877-1947) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Tuyên Linh thuộc huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.

– Hòa thượng Từ Nhẫn được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Như Nhãn – Từ Phong làm Yết Ma, Hòa thượng Giác Phú làm Giáo thọ cho Chúc thọ giới đàn chùa Sắc Tứ Thới Bình thuộc làng Phước Lại, quận Cần Giuộc, tỉnh Tân An.

– Chùa Linh Sơn Tiên Thạch thuộc làng Phong Đước, tổng Tân Phong Hạ, huyện Tân Long, tỉnh Chợ Lớn khai Trường Kỳ giới đàn, Hòa thượng Chánh Khâm – Thanh Ấn được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Từ Nhẫn, Hòa thượng Giác Phú làm Giới sư.

– Chùa Trúc Lâm tại kinh đô Huế mở giới đàn xuất gia, Hòa thượng Trừng Thành – Giác Tiên (1880-1936) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu. Trong số giới tử tại đây có ngài Mật Thể, sau này là danh Tăng của Phật giáo Việt Nam. Cũng năm này, ngài vào Bình Định rước Đại sư Chơn Luân – Phước Huệ (1869-1945) chùa Thập Tháp, ra mở Sơn Môn Phật Học đường Trúc Lâm, đồng thời thỉnh Đại sư làm chủ giảng (BNSGĐTVN, CTTĐPGTH).

– Khoảng năm 1930, Hòa thượng Thanh Đức – Tâm Khoan (1874-1937), Tăng cang chùa Diệu Đế, trùng tu chùa Kim Tiên nay tại TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

– Thiền sư Tâm Thông -Quảng Huệ (1903-1950) được cử làm trụ trì chùa Thiên Minh tại ấp Bình An, nay thuộc TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

– Thiền sư Trung Hậu – Thanh Ất khai sơn Tùng Lâm (chùa Trung Hậu ?) ở ngoại ô Hà Nội, xung quanh có hào lũy, có Tăng viện, Ni viện, Phật điện, phong cảnh trang nghiêm thanh thoát. Chùa có ruộng, có nghĩa địa.

– Thiền sư Thanh Định – Quang Huy đến trụ trì đền Lý Quốc Sư ở thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương (nay là phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm) Hà Nội.

– Thiền sư Chơn Đạo – Chánh Thiện (1889-1964) sáng lập chùa Thuận Phước nay tại số 171, khu 11, ấp 4, xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, do Phật tử Võ Thị Nhiễu hiến cúng đất.

– Thiền sư Nhựt Giáo – Thiện Từ thuộc thiền phái Lâm Tế – Gia Phổ, đời thứ 41, khai sáng chùa Từ Phong nay tại ấp 1, xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, trên khu đất của gia đình hiến cúng.

– Thiền sư Hồng An – Huệ Long (1899-1976) khai sơn chùa Linh Bửu nay tại số 32, ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

– Thiền sư Hồng Phước – Bửu Lộc (1900-1978) khai sơn chùa Linh Pháp nay tại số 322, ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, trên khu đất gia đình hiến cúng.

– Thiền sư Như Đạt – Thiện Cang (1884-1941) khai sơn chùa Linh Phước nay tại số 1, ấp Thôi Môi, xã Khánh Hòa Đông, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

– Lễ lạc thành chùa Long Thạnh nay tại thôn Tây Định, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, do Thiền sư Trừng Chấn – Chánh Nhơn (1882-1948) đứng ra khai sơn xây dựng và đặt hiệu chùa, đồng thời cử Thiền sư Trừng Chiêm – Chánh Lễ (?-1950 ?) làm trụ trì.

– Chùa Núi Châu Thới nay tại xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, được trùng tu : nhà Tổ và giảng đường. Chùa này do Thiền sư Thành Nhạc – Ẩn Sơn (?-1776) khai sơn vào khoảng năm 1681. Năm 1993, chùa tiếp tục trùng tu chánh điện khá qui mô, làm bằng bê-tông cốt thép, nhưng vẫn giữ nét kiến trúc cổ Việt Nam. Năm 1988, chùa đúc một đại hồng chung.

– Thiền sư Nhuận Đức – Huệ Thông (1905-1952) kế thế trụ trì chùa Long Hưng nay tại ấp 4, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

– Đại đức Nguyên Hòa – Phước Thanh (1907-?) dời chùa Sùng Hưng về xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Chùa này được trùng tu vào những năm : 1960, 1966, 1999.

– Thiền sư Quảng Khai – Thiện Tràng (1910-1985) kế thế trụ trì chùa Long Minh hiện tại xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

– Khoảng năm 1930, Thiền sư Giai Minh (?-1955) khai sơn xây cất chùa Hưng Long (nay đổi tên là chùa Hùng Long) hiện tại ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

– Thiền sư Bổn Đức – Thành Đạo (1906-1977) được cử về trụ trì chùa Vĩnh Phước và chùa Hưng Long ở Trà Vinh.

– Chùa Phước Tường hiện tại số 13/32, đường Lã Xuân Oai, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, Tp. HCM, được trùng kiến. Chùa này tiếp tục được trùng tu vào những năm : 1952, 1991.

– Thiền sư Phước Ân, thuộc dòng Lâm Tế, đời thứ 40, trùng tu chùa Sắc Tứ Tam Bảo, hiện tại số 75, đường Phương Thành, phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Chùa này được Ni sư Như Hải trùng tu và kiến tạo cảnh quang, tượng đài vào những năm : 1974, 2003.   – Thiền sư Chơn Khương – Trí Thới (1878?-1963) trùng tu chùa Long Quang hiện tại số 155/6, khu vực Bình Chánh, phường Long H a, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ, đến cuối năm này hoàn thành. Chùa được trùng tu quy mô kiên cố (tường gạch, mái lợp ngói), gồm một ngôi chánh điện (3 gian) và một nhà bếp.

– Đại đức Tâm Tịnh – Huệ Chiếu (1895-1970) mở lớp gia giáo ở chùa Hiển Long tỉnh Vĩnh Long, do ngài làm Chủ giảng.

– Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật Kinh được khắc bản in, Cư sĩ Trần Vận Định ở Quảng Đại Phật Đường khảo chính nội dung, do Cửu phẩm Phan Khương và Hồ Lâm khắc mộc bản, gồm có 27 tấm.

– Thượng tọa Từ Quang thành lập Thiền viện Chơn Đức hiện tại số 04, đường Nguyễn Duy, phường 3, quận Bình Thạnh, Tp. HCM.

– Thiền sư Như Nhãn – Từ Phong (1864-1938) sáng lập chùa Kỳ Viên hiện tại số 468/48/3, đường Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Phú Nhuận, Tp. HCM.

– Thanh Thao -Trí Hải (1906-1979) đến trụ trì chùa Phú Đa ở xã Yên Lập, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà.

– Thiền sư Hồng Tôi – Thiện Tường (1890-1959) hoằng đạo đến vùng Sóc Trăng, ngài biến đổi chùa Cô Hồn thành chùa Khánh Sơn nay tại số 22, đường Ngô Gia Tự, khóm 4, phường 6, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng và cho tu tạo lại khang trang.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.