Năm 1925 (Ất Sửu – PL.2469), năm cuối đời vua Khải Định (Bửu Đảo, 1916-1925).
– Ngày 15 tháng 4 năm Ất Sửu, Ni trưởng Thanh Linh – Diên Trường (1863-1925) thế danh Hồ Thị Nhàn, pháp danh Thanh Linh, tự Diên Trường, sinh ở làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 41, trụ trì Ni xá (kế chùa Trúc Lâm – Huế), viên tịch, thọ 64 tuổi.
– Ngày mồng 08 tháng 7, Thượng tọa Như Đắc – Từ Nhẫn (1899-1950) được mời làm Thạc đức Giáo thọ cho trường Kỳ tại chùa Sắc Tứ Phước Quang làng Phước Lộc, tổng Nghĩa Hạ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, ngài được Thiền sư Tra Am – Viên Thành mời ra kinh đô Huế dự lễ chúc hộ vua Khải Định tại chùa Sắc Tứ Báo Quốc, được Hoàng Thái hậu Khôn Nghi hiệp cùng triều đình ban thưởng ngân tiền, nhà vua xuống chiếu phong ngài phẩm vị Hòa thượng và biểu ngạch Sắc tứ Thới Bình tự.
– Ngày 18 tháng 7 năm Ất Sửu, Thiền sư Như Thọ – Hoằng Khai (1895-1925), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 41, trụ trì chùa Long Thạnh (Quy Nhơn, Bình Định), thị tịch, trụ thế 30 năm.
– Ngày 07 tháng 8 năm Ất Sửu, Hòa thượng Ngộ Trí – Tánh Minh (?-1925), thuộc thiền phái Lâm Tế – Chánh Tông, đời thứ 39, Tổ khai sơn chùa Mỹ Phước (Long An), viên tịch.
– Thiền sư Hồng Hạnh (1911-1987) được Bổn sư là Hòa thượng Khánh Thông ở chùa Bửu Sơn (Ba Tri-Bến Tre) truyền pháp, ban hiệu Vĩnh Đạt và phú pháp kệ : “Hồng huy kế chánh tông, hạnh hòa phước huệ thông, vĩnh truyền tăng tục đạo, đạt ngộ liễu chơn không”. Sau đó, ngài được bổ xứ về trụ trì chùa Bửu Linh ở xứ Cái Mít, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre (TSDTVN).
– Thiền sư Hồng Phó – Huệ Pháp (1891-1946) khai sơn chùa Long Khánh (Châu Đốc, An Giang).
– Thượng tọa Trừng Thành – Giác Tiên (1880-1936) được sắc chỉ triều đình làm trụ trì chùa Diệu Đế ở Thuận Hóa – Huế.
– Hòa thượng Như Nhãn – Từ Phong (1864-1938) dời chùa Từ Lâm từ Châu Thành – Tây Ninh ra G Kén.
– Thiền sư Chơn Trung – Diệu Quang (1891-1952) kế thế trụ trì Tổ đình Thiên Ấn ở núi Thiên Ấn, nay thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
– Hòa thượng Ấn Kim – Hoằng Tịnh (1862-1932) khai trường Hương tại chùa Phước Quang ở xã Tư Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Hòa thượng Hoằng Tịnh được thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Từ Nhẫn làm Giáo thọ, Hòa thượng Viên Thành làm Tôn chứng, Hòa thượng Khánh Tín làm Đệ ngũ Tôn chứng.
– Thiền sư Như Tuyên – Vĩnh Thạnh – Kiết Bảo (?-1925) thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 41, trụ trì Tổ đình Thiên Hòa ở Bình Định, thị tịch.
– Thiền sư Chơn Huệ – Đạo Thanh – Quảng Nguyên, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 40, kế thế trụ trì Tổ đình Thiên Hòa ở thôn Tri Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
– Hòa thượng Chơn Hương – Chí Bảo (1860-1948) vận động đại trùng tu Tổ đình Hưng Khánh nay tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
– Hòa thượng Nguyên Thắng – Vĩnh Sung (1878-1951) khai sơn chùa Liên Thành tại vùng Hố Nai, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
– Hòa thượng Như Hiếu – Thuần Hạnh được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho Trường Kỳ giới đàn chùa Long Hưng thuộc thị xã Tân Châu, tỉnh Châu Đốc.
– Chùa Chúc Thánh tại thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam, mở giới đàn xuất gia, Hòa thượng Tăng cang Chơn Chứng – Thiện Quả (1881-1962) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu.
– Hòa thượng Quảng Đạt – Kiểu Tông được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho Trường Hương, Trường Kỳ giới đàn chùa Phước Hội thuộc làng Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
– Thiền sư Trừng Diên – Hưng Phước (1884-1974) lập thảo am tại làng An Cựu, thôn Tứ Tây, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
– Thiền sư Chơn Hạp khai sơn chùa Bình Khánh nay thuộc xã Thuận Giao, thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
– Lễ khánh thành chùa Thiền Lâm ở Gò Kén, thôn Thái Hiệp Thạnh, tỉnh Tây Ninh (hiện tại số 5/11, ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh), do Thiền sư Như Nhãn – Từ Phong (1864-1938) sáng lập. Chùa này được trùng tu lại vào năm 1970.
– Pháp Bảo Đàn Kinh 1 quyển, được trùng khắc bản in, Thiền sư Viên Thành (1879-1928) viết lời tựa, Tòng Cửu phẩm tượng Nguyễn Văn Nhẫn khắc chữ. Mộc bản hiện được lưu trữ tại chùa Từ Hiếu ở núi Dương Xuân, phủ Thừa Thiên.