Năm 1924

Năm 1924 (Giáp Tý – PL.2468), đời vua Khải Định (Bửu Đảo, 1916-1925).

– Ngày 03 tháng 4 năm Giáp Tý, Thiền sư Như Tiến – Quảng Hưng (1893-1946) mua đất và tiến hành khai sơn chùa Từ Vân tại xã Thạch Giáng (Quảng Nam – Đà Nẵng), đến tháng 10 thì khánh thành và đúc quả chuông nặng 112 cân.

– Ngày 16, 17, 18 và 19 tháng 7, Thiền sư Huệ Minh tổ chức Đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu (Thuận Hóa – Huế). Hòa thượng Thanh Ninh – Tâm Tịnh (1868-1928) được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng, Hòa thượng Huệ Pháp làm Yết Ma, Hòa thượng Thiện Quả làm Đệ nhất tôn chứng, Hòa thượng Viên Thành làm Đệ nhị Tôn chứng, Hòa thượng Giác Tiên làm Đệ lục Tôn chứng, Hòa thượng Giác Viên làm Đệ thất Tôn chứng,…Số giới tử là 450 vị, trong đó có 300 tăng ni. Giới đàn này có sự cúng dường và bảo trợ tận tình của vua Khải Định (VNPGSL, BNSGĐTVN).

– Ngày 24 tháng 7 năm Giáp Tý, ngày sinh của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Ngài sinh tại ấp Tích Khánh, làng Tích Thiện, huyện Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long). Thân phụ là ông Trần Văn Mão, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Đủ. Thiền sư là người khôi phục Thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam vào cuối thế kỷ XX.

– Ngày 18 tháng 8 năm Giáp Tý, Hòa thượng Ngộ Châu – Minh Lý (1852-1924), thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 39, trụ trì chùa Kiển Phước (làng Long Kiển, trấn Phiên An), viên tịch, thọ 72 tuổi.

– Ngày 25 tháng 10 năm Giáp Tý, Thiền sư Tâm Minh – Huệ Tấn (?-1924) thuộc phái thiền Lâm Tế, trụ trì chùa Hội Sơn (Biên Hòa), thị tịch.

– Ngày 10 tháng 12 năm Giáp Tý, Hòa thượng Tâm Hiền – Thái Bình (1846-1924), thế danh Võ Tâm Hiền, pháp danh Tâm Hiền, người làng Triều Sơn, quận Đồng Xuân Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 41, Tổ khai sơn chùa Linh Sơn Long Đoàn (núi Trà Cú, Bình Thuận), viên tịch, thọ 78 tuổi, 66 tăng lạp.

– Hòa thượng Ngộ Đạo – Từ Vân (1866-1934) sang Ấn Độ chiêm bái Phật tích và tham quan các nước : Trung Quốc, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia để nghiên cứu tình hình chấn hưng Phật giáo thế giới trong khu vực.

– Hòa thượng Thanh Kế – Huệ Đăng (1873-1953) trùng tu chùa Long Hòa nay ở số 12/6B, ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

– Thiền sư Chơn Luân – Phước Huệ (1870-1945) tu sửa chùa Thập Tháp, dựng lại cổng tam quan và xây dựng ngôi phương trượng nguy nga. Cũng năm này, vua phong cho Thiền sư Phước Huệ chức Tăng cang chùa Báo Quốc ở Thuận Hóa – Huế kiêm trụ trì chùa Kim Quang do Thái hậu Từ Minh xây cất.

– Đại đức Chơn Tá – Tôn Bảo (1895-1974) được chư sơn cung cử chức vụ trụ trì chùa Vu Lan tại làng Hòa Thuận, huyện Hòa Vang, Quảng Nam – Đà Nãng.

– Thiền sư Như Tuyên – Kiết Bảo (?-1925) kế thế trụ trì Tổ đình Thiên Hòa ở thôn Tri Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định.

– Thiền sư Chơn Trừng – Đạo Thanh (1895-1962) cùng Thiền sư Phổ Trí – Đạo Tâm trùng tu chùa Văn Thánh tại Thị Nghè (nay thuộc Tp. HCM).

– Nhân lễ tứ tuần đại khánh của vua Khải Định, nhà vua ngự đến chùa Tây Thiên (Thuận Hóa – Huế) và ban cho Thiền sư Tâm Tịnh (1868-1928) trụ trì chùa, một đồng vàng và 200 đồng bạc Đông Dương.

– Quốc sư Chơn Luân – Phước Huệ (1869-1945) khai sơn chùa Phước Long tại thị trấn Phú Long, thuộc xã Bình Phú, huyện Bình Khê, Bình Định.

– Thiền sư Trừng Phong – Phước Nhàn (1886-1962) khai sơn chùa Hiệp Phước (Hiệp Nghĩa, Bình Thuận). Cũng năm này, ngài được cung thỉnh làm Đệ tam Tôn chứng cho giới đàn chùa Phước Lâm tỉnh Bình Thuận; Thiền sư làm Giáo thọ cho giới đàn chùa Thiền Lâm tỉnh Ninh Thuận.

– Chùa Long Phước tọa lạc thôn Phú Khánh, xã Hòa Tân Tây, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, trùng tu. Chùa này do Thiền sư Hải Pháp (thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 40) khai sơn.

– Chùa Giác Viên thuộc làng Phú Thọ, hạt Chợ Lớn, tỉnh Gia Định khai Chúc thọ giới đàn, Hòa thượng Từ Văn được thỉnh làm Pháp sư.

– Hòa thượng Như Trí – Khánh Hòa (1877-1947) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho Trường Kỳ giới đàn chùa Tuyên Linh thuộc xã Tân Hương, huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre.

– Chùa Đại Giác ở Cù Lao Phố, làng Nhị H a, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa khai Trường Kỳ giới đàn, do Hòa thượng  Như Hóa làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Từ Nhẫn làm Giáo thọ sư.

– Hòa thượng Ngộ Tánh – Phước Huệ (1875-1963) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Hải Đức, nay tại Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

– Ni sư Diệu Hương được thỉnh làm Tọa chủ chùa Diệu Viên tại làng Thanh Thủy thượng, xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, Ni cô Trừng Thành – Hương Đạo (1905-1974) làm Tự trưởng. Chùa này do bà Ưng Dinh cùng các cư sĩ hảo tâm xây dựng.

– Thiền sư Trung Hậu – Thanh Ất chủ sơn môn, trùng tu chùa Bút Tháp ở phường Đội Cấn, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ngài.

– Thiền sư Chơn Tịnh – Pháp Minh (1874-1924), thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 40, trụ trì Tổ đình Long Phước (Vĩnh Long), thị tịch, hưởng dương 51 tuổi.

– Thiền sư Như Huệ – Hoằng Thông (1894-1972) chứng minh khai sơn chùa Hưng Phước (nay tại thôn Lương Nông, xã Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), do đạo hữu Lưu Dự (tục gọi Hương hào Mới) cải nhà làm chùa. Sau đó, Thiền sư cử đệ tử là ngài Thị Châu – Từ Hàng về trụ trì.

– Hòa thượng Trừng Đạo – Phước Huệ (1854-1924), thuộc thiền phái Lâm Tế – Liễu Quán, đời thứ 42, trụ trì chùa Long Thọ (Bến Cát – Bình Dương), viên tịch, thọ 71 tuổi.

– Thiền sư Trừng Quang khai sơn chùa Trùng Khánh hiện tại xã Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

– Thiền sư Như Trí – Khánh Hòa (1877-1947) trùng tu chùa Tiên Linh, hiện ở xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre và đổi tên là chùa Tuyên Linh. Năm 1941, ngài tiếp tục trùng tu chùa này. Vào những năm 1975, 1983, 2000 chùa lại được trùng tu.

– Thiền sư Kiểu Quang – Bửu Ngươn (?-1971) kế thế trụ trì chùa Sắc Tứ Thập Phương hiện ở số 9/2, đường Lê Lai, phường Vĩnh Thanh, Tp. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

– Thiền sư Từ Quang – Ngộ Cảm (?-1924), thuộc thiền phái Lâm Tế, đời thứ 39, trụ trì chùa Long Quang (Tp. Cần Thơ), thị tịch.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.