Năm 1932

Năm 1932 (Nhâm Thân – PL.2476), đời vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy, 1926-1945).

– Ngày 17 tháng Giêng năm Nhâm Thân, nhân ngày kỵ Tổ khai sơn Pháp Hóa, Thượng tọa Diệu Quang (1891-1952) thành lập Hội An Nam Phật Học tại Tổ đình Thiên Ấn ở núi Thiên Ấn, nay thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

– Tháng 4 năm Nhâm Thân, Kim Cang Kinh Chú Giải được khắc bản in hoàn thành, do Tiến sĩ Đệ tam giáp Nguyễn Cao Tiêu đề tựa, nghệ nhân Cửu phẩm Phan Thế Khương khắc bản gỗ.

– Ngày 28 tháng 7 năm Nhâm Thân, Hòa thượng Thanh Chánh – Quảng Tường (1867-1932), hiệu Phước Tường, quê ở Lương Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, thuộc Tông Lâm Tế, đời thứ 41, trụ trì chùa Thiên Bửu (Ninh Hòa, Khánh Hòa), viên tịch, thọ 66 tuổi.

– Tháng 7, Thiền sư Như Huệ – Hoằng Thông (1894-1972) chứng minh cho đạo hữu Võ Chuẩn lập chùa Bác Ái tại Kontum.

– Ngày 17 tháng 10 năm Nhâm Thân, Hòa thượng Ấn Kim – Hoằng Tịnh (1862-1932) thế danh Phạm Ngọc Thạch, pháp danh Ấn Kim, tự Tổ Tuân, hiệu Hoằng Tịnh, sinh tại thôn Phước Long, xã Nghĩa H a, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 39, trụ trì chùa Phước Quang (Quảng Ngãi), viên tịch, thọ 71 tuổi.

– Ngày 02 tháng Chạp năm Nhâm Thân, Hòa thượng Chơn Pháp – Phước Trí (1867-1932), thế danh Nguyễn Văn Diệu, pháp danh Chơn Pháp, tự Đạo Diệu, sinh tại xã Mỹ Khê, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, thuộc thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đời thứ 40, Tổ khai sơn Sắc tứ An Hội (Phú Vang, Huế) viên tịch, thọ 66 tuổi.

– Ngày 19 tháng 12 năm Nhâm Thân, Chùa Bạch Sa (Quy Nhơn) được triều đình ban Sắc tứ, Thiền sư Như Huệ – Hoằng Thông (1894-1972) trụ trì chùa được sắc phong Tăng cang và ban cho Giới đao Độ điệp.

– Hòa thượng Trừng Thủy – Giác Nhiên (1877-1979) cùng quý Hòa thượng Phước Huệ, Giác Tiên, Tịnh Hạnh và hai cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Trương Xướng thành lập hội An Nam Phật Học, ngài đảm nhiệm chức vụ Chứng minh Đạo sư và kiêm nhiệm Giám đốc Phật học đường Tây Thiên (Thuận Hóa – Huế). Cư sĩ Tâm Minh (đệ tử của Hòa thượng Giác Tiên) làm Hội trưởng. Đồng thời, Hội cho xuất bản tờ báo Viên Âm để cổ xúy phong trào chấn hưng Phật giáo.

– Hòa thượng Thanh Thái – Phước Chữ (1858-1940) được sắc ban Tăng Cang chùa Thánh Duyên ở núi Túy Vân, Thuận Hóa – Huế.

– Hòa thượng Chơn Thành – Bổn Viên (1873-1942) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho trường Kỳ giới đàn chùa Minh Đức (Phú Túc, Bến Tre).

– Đại đức Hồng Lang – Bửu Đăng (1904-1948) được quan Tri phủ Lương Sơ Khai phát tâm cúng một ngôi chùa. Ngài liền đứng ra xây dựng, xong đặt tên là chùa Hải Hội ở làng Bình Hòa, tỉnh Gia Định.

– Thiền sư Nguyên Lý – Từ Quang xây dựng lại chùa Linh Sơn Long Đoàn nay thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

– Đại đức Tâm Như – Mật Nguyện (1911-1972) được cử làm giảng sư của Hội An Nam Phật Học (Huế).

– Thiền sư Chân Đạo – Chánh Thống (1901-1968) được mời làm giảng sư của hội An Nam Phật Học.

– Sách Thiền Tông Bản Hạnh (tên đầy đủ là Trần Triều Thiền Tôn Chỉ Nam Truyền Tâm Quốc Ngữ Hành) được Hòa thượng Thanh Minh và Hòa thượng Thanh Hanh khắc bản in.

– Thiền sư Chơn Phương – Thiện Trung (1883-1945) kế thế trụ trì Tổ đình Tam Thai núi Ngũ Hành, huyện Hòa Vang, Quảng Nam.

– Chùa Phước Quang nay tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi khai giới đàn, Hòa thượng Ấn Kim – Hoằng Tịnh (1862-1932) được chư Tăng cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Thiền sư Chơn Sử – Khánh Tín được thỉnh làm Đệ nhất tôn chứng.

– Đại đức Như Hòa – Tâm Ấn (1907-1963) kế thế trụ trì Tổ đình Phổ Bảo ở phủ Hoài Nhơn, trạm Bình Điền, dinh Quảng Nam.

– Đại đức Như Phước – Huyền Ý (1891-1951) khai sơn chùa Liên Tôn tại xã Cát Thắng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

– Đại đức Trừng Tương – Nhơn Sanh (1896-1950) kế thế trụ trì Tổ đình Sắc tứ Thiên Bửu tại làng Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

– Ni sư Diệu Không (1905-1997), Ni sư Diệu Hương,…khai sơn sáng lập chùa Diệu Đức nay tọa lạc tại số 92/6, đường Điện Biên Phủ, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

– Thiền sư Trừng Kệ – Tôn Thắng (1889-1976) sáng lập Đà Thành Phật Học Hội và cung thỉnh Hòa thượng Bích Liên làm Hội trưởng. Trụ sở đặt tại chùa Phổ Thiên làng Bình Thuận (nay là chùa Phổ Đà ở Quảng Nam – Đà Nẵng).

– Chùa Từ Vân nay thuộc thị xã Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam khai giới đàn, Hòa thượng Chơn Pháp – Phước Trí (1867-1932) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu.

– Chùa Từ Hiếu tại kinh đô Huế mở giới đàn, Thiền sư Trừng Thông – Tịnh Khiết (1891-1973) làm Dẫn thỉnh sư.

– Hòa thượng Chơn Phổ – Minh Tịnh được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Thiên Chơn thuộc làng An Thạnh, quận Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương).

– Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền (1861-1933) được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho Đại giới đàn chùa Tam Bảo, Hà Tiên, tỉnh Rạch Giá.

– Ni sư Diệu Không (1905-1998) trùng tu chùa Từ Đàm ở Thuận Hóa – Huế, tạm thời lập chùa Sư nữ.

– Thiền sư Trừng Hương – Tịnh Hạnh (1889-1933) và Thiền sư Tâm Cảnh – Giác Hạnh (1880-1981) được cung thỉnh làm Chứng minh đại Đạo sư cho Hội An Nam Phật học.

– Thiền sư Thiền Lâm Pháp Minh Dung Tâm Viên, trụ trì chùa Hồng Phúc (quận Ba Đình – Hà Nội) và giám thị viết chữ vào bia, Đào Nhã Sĩ soạn văn bia. Bia này ghi thế thứ mười hai đời các vị Thiền sư truyền kế nhau của phái Tào Động ở chùa Hồng Phúc (Tập văn : số 16, năm 1990; số 20, năm 1991).

– Sư cô Như Lợi (1908-1961) thành lập chùa Chánh Phước nay tại ấp 3, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, do gia đình hiến cúng đất.

– Thiền sư Nhựt Ích – Thiện Tấn (?-1955 ?) khai sáng Tịnh thất Quan Âm hiện tại khóm 8, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, trên khu đất của gia đình.

– Đại đức Nguyên Định – Huệ Nhựt (1897-1948) kế thế trụ trì chùa Khánh Quới nay tại xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

– Thiền sư Chơn Trừng – Đạo Thanh (1895-1962) trùng tu chùa Pháp Hoa tại Phú Nhuận, Sài Gòn.

– Thiền sư Ngộ Niệm – Phổ Nhựt (1871-1945) trùng tu chùa Nghĩa Phương nay tại Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.