Additional Info
志 誠. Thiền tăng đời Đường, người xứ Thái Hòa, Cát Châu (nay thuộc Giang Tây) Trung Quốc, nối pháp Lục tổ Huệ Năng. Khi Tổ ở chùa Bảo Lâm tại Tào Khê, còn Thần Tú Đại Sư ở chùa Ngọc Tuyền tại Kinh Nam. Bấy giờ hai Tông thạnh hóa, người đương thời đều gọi là Nam Năng Bắc Tú nên có hai tông Nam Bắc, chia ra đốn tiệm, mà người học không biết tông thú. Tổ bảo chúng rằng:
- Pháp vốn một tông, người có Nam Bắc, pháp tức là một thứ, thấy có mau và có chậm. Sao gọi là đốn tiệm?. Pháp không có đốn tiệm, người có lợi căn, độn căn, nên gọi là đốn tiệm.
Nhưng đồ đệ của ngài Thần Tú thường chê Tổ sư Nam Tông là không biết một chữ, có cái gì hay.
Thần Tú nói rằng:
- Tổ Huệ Năng được trí vô sư, thâm ngộ được pháp thượng thừa, tôi không bằng vậy. Vả lại Thầy tôi là Ngũ Tổ, chính Ngài truyền y pháp, há lại suông ư?. Tôi hận không có thể đi xa để mà thân cận, luống thọ ân Quốc Vương, vậy những người các ông không nên kẹt ở đây, nên đến Tào Khê tham hỏi.
Một hôm Thần Tú sai đệ tử là Chí Thành rằng:
- Ông thông minh nhiều trí, nên vì tôi mà đến Tào Khê nghe pháp, nếu nghe được điều gì, hết lòng ghi lấy, trở về nói cho tôi nghe.
Chí Thành vâng mệnh đến Tào Khê, theo chúng tham thỉnh, không nói từ đâu đến. Khi ấy Lục Tổ bảo chúng rằng:
- Ngày nay có người trộm pháp đang ẩn trong hội nầy.
Chí Thành liền ra lễ bái và thưa đầy đủ việc của ông. Tổ bảo:
- Ông từ Ngọc Tuyền lại nên là kẻ do thám.
Chí Thành đáp:
- Không phải.
Tổ hỏi:
- Sao được không phải?
Chí Thành thưa:
- Chưa nói là phải, đã thưa rồi là không phải.
Tổ bảo:
- Thầy ông dùng cái gì chỉ dạy chúng?
Chí Thành thưa:
- Thường chỉ dạy đại chúng trụ tâm quán tịnh, thường ngồi chẳng nằm.
Tổ bảo:
- Trụ tâm quán tịnh là bệnh chớ không phải thiền, thường ngồi là câu chấp nơi thân, đối với lý có lợi ích gì?
Hãy nghe ta nói kệ:
Sanh lai tọa bất ngọa
Tử khứ ngọa bất tọa
Nguyên thị xú cốt đầu
Hà vi lập công quả?
Dịch:
Khi sống ngồi không nằm
Chết rồi nằm không ngồi
Vốn là khúc xương hôi
Làm sao lập công quả?
Chí Thành lễ bái thưa rằng:
- Đệ tử ở chỗ đại sư Thần Tú, học đạo chín năm mà không được khế ngộ. Ngày nay nghe Hòa Thượng nói một bài kệ liền khế ngộ được bổn tâm. Sanh tử là việc lớn, đệ tử xin Hòa Thượng vì lòng đại bi chỉ dạy thêm
Tổ bảo:
- Tôi nghe thầy ông dạy học nhơn pháp giới định huệ, hành tướng như thế nào, ông vì tôi nói xem?
Chí Thành thưa:
- Đại sư Thần Tú nói các điều ác chớ làm gọi là giới, các điều thiện vâng làm gọi là huệ, tự tịnh ý mình gọi là định, chưa biết Hòa Thượng lấy pháp gì dạy người?
Tổ bảo:
- Nếu tôi nói có pháp cho người tức là nói dối, ông chỉ tùy phương mở trói, giả danh là tam muội. Như thầy ông nói giới định huệ, thật là không thể nghĩ bàn, nhưng chỗ thấy giới định huệ của tôi lại khác.
Chí Thành thưa:
- Giới định huệ chỉ là một thứ vì sao lại có khác?
Tổ bảo:
- Thầy ông nói giới định huệ là tiếp người Đại thừa, còn tôi nói giới định huệ là tiếp người tối thượng thừa, ngộ hiểu chẳng đồng, thấy có mau chậm; ông nghe tôi nói cùng với kia đồng hay chăng?. Tôi nói pháp chẳng lìa tự tánh, lìa thể nói pháp thì gọi là nói tướng, tự tánh thường mê, phải biết tất cả muôn pháp đều từ nơi tự tánh khởi dụng, ấy là pháp chơn giới, chơn định, chơn huệ.
Hãy nghe ta nói kệ:
Nhất thiết vô tâm tự tánh giới
Nhất thiết vô ngại tự tánh huệ
Bất tăng bất thối tự kim cang
Thân khứ thân lai bổn tam muội
Dịch:
Vô tâm tất cả, tự tánh giới
Vô ngại tất cả, tự tánh huệ
Không tăng không giảm, tự kim cang
Thân đến thân đi, vốn tam muội
Chí Thành nghe kệ rồi hối tạ, mới trình một bài kệ:
Ngũ uẩn huyễn thân
Huyễn hà cứu cánh?
Hồi thú chơn như
Pháp hồn bất tịnh
Dịch:
Năm uẩn thân huyễn hóa
Huyễn làm sao cứu cánh
Xoay lại tìm chân như
Pháp trở thành bất tịnh
Tổ liền ấn khả đó, lại bảo Chí Thành rằng:
- Giới định huệ của Thầy ông là khuyên dạy người tiểu căn tiểu trí, còn giới định huệ của tôi đây là dạy người đại căn đại trí. Nếu ngộ được tự tánh cũng chẳng lập Bồ Đề, Niết Bàn, cũng chẳng lập giải thoát tri kiến, không một pháp có thể được mới hay dựng lập muôn pháp. Nếu hiểu được ý nầy cũng gọi là thân Phật, cũng gọi là Bồ Đề Niết Bàn, cũng gọi là giải thoát tri kiến. Người thấy tánh lập cũng được, không lập cũng được, đi lại tự do, không bị trệ ngại, ứng dụng tùy việc làm, nói năng tùy đáp, khắp hiện hóa thân, chẳng lìa tự tánh, liền được tự tại thần thông, du hý tam muội, ấy gọi là kiến tánh.
Chí Thành lại thưa:
- Thế nào là nghĩa chẳng lập?
Tổ bảo:
- Tự tánh không lỗi, không si, không loạn, niệm niệm Bát Nhã quán chiếu, thường lìa pháp tướng, tự do tự tại, dọc ngang trọn được, có gì nên lập? Tự tánh tự ngộ, đốn ngộ, đốn tu cũng không thứ lớp, cho nên chẳng lập tất cả pháp. Các pháp là lặng lẽ, có thứ lớp gì?.
Chí Thành liền lễ bái, nguyện làm người hầu hạ, sớm chiều không lười mỏi.
|