Additional Info
Cuộc Đời Và Hành Trạng Của Mã Tổ Đạo Nhất Thiền Sư
馬 祖 (709-788). Mã Tổ là một trong những đại thiền sư Trung Hoa vào đời nhà Đường, sanh năm 709 sau Tây Lịch, người huyện Thập Phương - Hán Châu (bây giờ thuộc tỉnh Tứ Xuyên), họ Mã .Vì người đời sau quá kính trọng Sư nên nhân Sư họ Mã gọi là Mã Tổ (ông Tổ họ Mã). Dung mạo kỳ dị, dáng đi vững chãi như trâu, mắt nhìn sắc như cọp, lưỡi thè quá mũi, dưới bàn chân có hai hoa văn hình bánh xe. Tuổi nhỏ Ngài xuất gia với thiền sư Xứ Tịch (648-734) ở chùa Đức thuần tại Tư Châu, Tứ Xuyên; rồi thọ giới cụ túc với luật sư Viên (?-?) ở Du Châu.
Trong khoảng năm Khai Nguyên (713-741, Đường Huyền Tông), Sư thực tập thiền định ở viện Truyền Pháp Hành Nhạc, gặp Hòa thượng Hoài Nhượng (677-744), theo hầu suốt 10 năm, được truyền tâm ấn của dòng Tào Khê. Tám đệ tử khác đồng tham học (nhập thất), chỉ mình Sư thầm nhận tâm ấn (tám đệ tử khác của Thiền sư Hoài Nhượng gồm Thường Hạo, Trí Đạt, Thản Nhiên, Thần Chiếu, Nghiêm Tuấn, Bổn Như, Huyền Ngang, và Pháp Không). Đạo Nhất tiếp nối Hoài Nhượng còn Hy Thiên tiếp nối Hành Tư, cùng nguồn khác phái, thế nên thiền pháp bắt đầu hưng thạnh từ hai Sư. Lưu Kha nói: “Đại Tịch (Mã Tổ) pháp chủ Giang Tây, Thạch Đầu pháp chủ Hồ Nam. Qua lại lăng xăng mà không biết hai vị đại sĩ, thật là ngốc”. Ở Tây Thiên Tổ Bát Nhã Đa La sấm ký với Đạt ma “Nước Chấn Đán (Trung Hoa) tuy xa mà không khác đường, cần đến bàn chân cháu trai tiếp bước, gà vàng há miệng một hạt gạo, cúng dường mười phương La hán tăng”. Lại nữa Hòa thượng Huệ Năng Lục Tổ nói với Hoài Nhượng: “Về sau Phật pháp hướng về ông, con ngựa tợ ông đạp chết người trong thiên hạ”, về sau pháp tự Mã Tổ Giang Tây truyền khắp thiên hạ nên thời nhân gọi Sư là Mã Tổ.
Sư thuộc thế hệ Thiền thứ ba sau Lục tổ Huệ Năng. Sư thường dùng tiếng hét để khai ngộ đệ tử. Sư cũng dùng phương cách đánh gậy vào thiền sinh hay vặn mũi thật đau làm cho thiền sinh chạm thẳng vào sự chứng ngộ chân tánh của họ.
Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển V, thời nhà Đường, niên hiệu Khai Nguyên (713-741, Đường Huyền Tông), có vị Sa Môn ở huyện Truyền Pháp hiệu Đạo Nhất, hằng ngày ngồi thiền. Tổ Hoài Nhượng biết đó là pháp khí (người hữu ích trong Phật pháp) bèn đi đến hỏi:
- Đại đức ngồi thiền để làm gì?.
Đạo Nhất thưa:
- Để làm Phật.
Sau đó sư lấy một cục gạch đến trên hòn đá ở trước am Đạo Nhất ngồi mài. Đạo Nhất thấy lạ hỏi:
- Thầy mài gạch để làm gì?.
Sư đáp:
- Mài để làm gương.
Đạo Nhất nói:
- Mài gạch đâu có thể thành gương được?.
Sư hỏi lại:
- Ngồi thiền đâu có thể thành Phật được?.
Đạo Nhất hỏi:
- Vậy làm thế nào mới phải?
Sư nói:
- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, thì đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?.
Đạo Nhất lặng thinh, sư nói tiếp:
- Ngươi học ngồi thiền hay học ngồi Phật?. Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định, đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả. Ngươi nếu ngồi Phật, tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi, chẳng đạt ý kia (vô trụ).
Đạo Nhất nghe sư chỉ dạy như uống đề hồ, lễ bái hỏi:
- Dụng tâm thế nào mới hợp với vô tướng tam muội?
Sư bảo:
- Ngươi học pháp môn tâm địa như gieo giống, ta nói pháp yếu như mưa móc, nếu duyên ngươi hợp sẽ thấy đạo nầy.
Đạo Nhất lại hỏi:
- Đạo không phải sắc tướng làm sao thấy được?
Sư nói:
- Con mắt pháp tâm địa hay thấy được đạo. Vô tướng tam muội cũng lại như vậy.
Đạo Nhất hỏi:
- Có thành hoại chăng?
Sư nói:
- Nếu lấy cái thành hoại tụ tán, thiện ác mà thấy đạo, là không thể thấy đạo. Nghe ta nói kệ:
Tâm địa hàm chư chủng,
Ngộ trạch tức giai manh
Tam muội hoa vô tướng
Hà hoại phục hà thành?
Dịch:
Đất tâm chứa các giống
Gặp ướt liền nẩy mầm
Hoa tam muội không tướng
Nào hoại lại nào thành?
Nhờ những lời nầy mà Sư khai ngộ tâm ý siêu,như được mở mắt, ở lại hầu hạ Tổ 10 năm. Trong tất cả môn đệ, chỉ có Ðạo Nhất được truyền pháp ấn.
Sau khi Thiền sư Nam Nhạc ấn khả sự giác ngộ của Sư, thì Sư lui về sống đời ẩn dật ở một vùng nông thôn ít ai biết đến. Sư đã thay đổi chỗ ở đến năm bảy lần sau khi những đệ tử tìm ra chỗ ở của mình, nhưng bất cứ nơi nào Sư đi đến, những người quyết chí đạt ngộ đều tìm ra Sư.
Sau khi tạm biệt thầy, Sư đến Kiến Dương ở ngọn núi Phật Tích, kế dời sang Lâm Xuyên, sau lại đến núi Cung Công ở Nam Khang.
Trong năm Đại Lịch (766-779, Đường Đại Tông), tên Sư gắn liền với chùa Khai Nguyên ở Chung Lăng, Giang Tây. Bấy giờ Liên soái Lộ Từ Cung nghe đạo phong mà kính mộ, đích thân đến Sư thọ tông chỉ. Từ đó học giả bốn phương vân tập dưới tòa, là 1 trong những trung tâm truyền bá thiền pháp lớn nhất trong nước thời ấy, Có thể nói Giang Tây là một trường thi Phật. Chủ trương: “Ngoài tâm không có Phật nào khác, ngoài Phật không có tâm nào khác”. Sư chuyên dùng hai câu “Bình thường tâm thị đạo” và “Tức tâm thị Phật” để hoằng dương thiền phong.
Đệ tử nhập thất (được vào thiền thất, là đã ngộ đạo) của Sư gồm 139 người, mỗi người đi làm tông chủ một nơi giáo hóa vô cùng, nổi bật nhất có các thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, Nam Tuyền Phổ Nguyện, Đại Mai Pháp Thường, v.v... Vào thời đó, các thiền tăng chưa có tự viện riêng, mà thường ở nhờ trong các luật viện. Sư là người khởi đầu kiến tạo tòng lâm làm cơ sở sinh hoạt riêng cho thiền lữ, do đó mà tông môn càng thịnh.
Niên hiệu Trinh Nguyên thứ tư (788-Đường Đức Tông), Tháng giêng năm 788, Sư leo núi Thạch Môn ở Kiến Xương, đi kinh hành trong rừng thấy chỗ hang động bằng phẳng, Sư bèn gọi thị giả nói rằng:
- Thân hư hoại của lão Tăng tháng tới sẽ về chỗ này
Ngày mồng bốn tháng hai năm 788, Sư có chút bệnh,tắm gội, rồi ngồi kiết già thị tịch,, thế thọ 80 tuổi, được sáu mươi tuổi hạ.
Trong khoảng năm Nguyên Hòa (806-820, Đường Hiến Tông), truy tặng thụy hiệu Đại Tịch Thiền Sư, tháp tên Đại Trang Nghiêm. Cao Tăng Truyện chép: “Thiền sư Đại Giác căn cứ vào bài minh ở tháp Sư do Quyền Đức Dư soạn thì Mã Tổ mất ở chùa Khai Nguyên, trà tỳ và xây tháp ở Thạch Môn. Đến năm Hội Xương (841-846) bỏ phế, sau đến tháng bảy năm Đại Trung thứ tư (850-Đường Tuyên Tông), vua Tuyên Tông ban lệnh Quán sát sứ Giang Tây là Bùi Hưu xây dựng lại tháp và chùa, ban biển ngạch là Bảo Phong.
Mã Tổ Đạo Nhất xuất hiện trong các thí dụ 30 và 33 của Vô Môn Quan, cũng như trong thí dụ thứ 3, 53 và 57 của Bích Nham Lục.
*
Một hôm Sư dạy chúng:
Những người các ông, mỗi người tin tâm mình là Phật, tâm mình đó chính là tâm Phật. Đạt Ma Đại sư từ nước Nam Thiên Trúc đến đây, đích thân tới Trung Hoa để truyền pháp thượng thừa nhất tâm, khiến các ông khai ngộ. Lại dẫn văn kinh Lăng Già để ấn chứng tâm địa chúng sanh, sợ các ông điên đảo chẳng tự tin pháp nơi tâm này, mỗi người đều có, nên kinh Lăng Già nói: “Phật nói tâm là tông, vô môn là pháp môn”, lại nói: “Phàm cầu pháp nên không có sở cầu”. Ngoài tâm không có Phật khác, ngoài Phật không có tâm khác, chẳng lấy thiện chẳng bỏ ác, hai bên sạch dơ đều chẳng nương cậy, đạt đến tánh tội rỗng không niệm niệm bất khả đắc, vì vô tự tánh cho nên tam giới duy tâm, sum la vạn tượng là sở ấn (cái bóng) của nhất pháp. Phàm là sắc được thấy đều là tâm hay thấy, tâm chẳng tự là tâm nhân sắc mới có tâm, các ông chỉ cần tùy lúc nói năng, ngay sự là lý đều không chỗ ngại, đạo quả bồ đề cũng lại như thế. Cái được sanh nơi tâm thì gọi là sắc, biết sắc rỗng không nên sanh tức chẳng sanh, liễu ngộ tâm này như thế thì có thể tùy lúc mặc áo ăn cơm, trưởng dưỡng thánh thai tùy duyên qua ngày tháng, còn có việc gì nữa?.
Các ông nhận ta dạy, hãy nghe ta nói kệ:
Tâm địa tùy thời thuyết,
Bồ đề diệc chỉ ninh.
Sự lý câu vô ngại,
Đương sanh tức bất sanh.
Dịch:
Tâm địa tùy thời nói,
Bồ đề cũng vậy thôi.
Sự lý đều vô ngại,
Đương sanh tức bất sanh.
*
Tăng hỏi:
- Hòa thượng vì cái gì nói tức tâm là Phật (tức tâm tức Phật)?
Sư đáp:
- Vì vỗ con nít khóc.
Tăng hỏi:
- Hết khóc rồi làm gì?
Sư đáp:
- Chẳng phải tâm chẳng phải Phật (phi tâm phi Phật).
Tăng hỏi:
- Trừ hai hạng người đó ra, chỉ dạy thế nào?
Sư đáp:
- Nói với y chẳng phải vật (bất thị vật).
Tăng hỏi:
- Chợt gặp người trong ấy đến thì thế nào?
Sư đáp:
- Cứ bảo y thể hội đại đạo.
*
Tăng hỏi:
- Thế nào là ý Tây Lai?
Sư hỏi:
- Ngay bây giờ là ý gì?
*
Liêm sứ Hồng Châu hỏi:
- Uống rượu ăn thịt là phải, hay chẳng uống là phải.
Sư bảo:
- Nếu ăn uống là lộc của Trung thừa, nếu chẳng ăn uống là phước của Trung thừa.
*
Bàng cư sĩ (Bàng Long Uẩn) hỏi:
- Như nước không có gân xương hay nâng nổi chiếc thuyền muôn hộc, lý đó thế nào?
Sư đáp:
- Ở đây không có nước cũng không có thuyền, nói gân xương nào?
Bàng Long Uẩn lại hỏi:
- Người không lầm xưa nay, thỉnh thầy để mắt nhìn lên!
Sư liền nhìn thẳng xuống. Bàng Long Uẩn nói:
- Một cây đàn cầm không dây, mà Thầy đàn rất hay.
Sư bèn nhìn thẳng lên. Bàng Long Uẩn bèn lễ bái. Mã Tổ trở về phương trượng, Bàng Uẩn theo sau thưa:
- Vừa rồi muốn làm khéo mà trở thành vụng.
Bàng Long Uẩn lại hỏi:
- Như nước không có gân xương nhưng lại nâng được chiếc thuyền vạn cân, lý đó thế nào?
Sư nói:
- Nơi chỗ của lão Tăng đây không có nước, cũng không có thuyền, thì nói làm gì chuyện gân với xương.
*
Một hôm Sư lên pháp đàn toan nói pháp, thì Bách Trượng Hoài Hải xuất hiện, cuốn dẹp chiếu, coi như bế mạt thời pháp. Sư xuống đàn, trở vào phương trượng xong, ngài gọi Bách Trượng vào hỏi:
- Ta vừa thượng đường sắp nói pháp, sao ông cuốn chiếu dẹp đi?
Bách Trượng thưa:
- Hôm qua Hòa Thượng véo mũi đau quá
Sư hỏi:
- Ông nói tầm ruồng gì đó?
Bách Trượng nói:
- Hôm nay chót mũi hết đau rồi.
*
Một hôm Sư thượng đường. Một lát Bá Trượng cuốn chiếu lui ra trước mặt. Sư bèn hạ đường. Bá Trượng hỏi:
- Thế nào là chỉ thú Phật pháp?
Sư đáp:
- Đang là chỗ ông buông bỏ thân mạng.
Sư hỏi Bá Trượng:
- Ông dùng pháp gì dạy người?
Bá Trượng đưa cây phất tử lên. Sư hỏi:
- Chỉ có cái này hay còn cái nào khác?
Bá Trượng buông cây phất tử xuống.
*
Tăng hỏi:
- Làm sao được hợp đạo?
Sư đáp:
- Ta từ lâu chẳng hợp đạo?
*
Tăng hỏi:
- Thế nào là ý Tây Lai?
Sư liền đánh, bảo:
- Nếu ta không đánh ông, các nơi sẽ cười ta.
*
Có tiểu sư Đam Nguyên đi hành cước trở về, vẽ một vòng tròn trước mặt Sư, bước lên lễ bái rồi đứng gần Sư. Sư hỏi:
- Chắc ông muốn làm Phật chứ gì?
Đáp:
- Con giụi mắt chẳng biết.
Sư nói:
- Ta chẳng bằng ông.
Tiểu sư không đáp được.
*
Một đêm, Trí Tạng, Hoài Hải, Phổ Nguyện theo hầu Sư xem trăng.
Sư hỏi:
- Ngay bây giờ nên làm gì?
Trí Tạng thưa:
- Nên cúng dường.
Hoài Hải thưa:
- Nên tu hành.
Phổ Nguyện phủi áo ra đi.
Sư bảo:
- Kinh vào Tạng, Thiền về Hải, chỉ có Phổ Nguyện vượt ngoài sự vật.
*
Đặng Ẩn Phong đến từ giã Sư. Sư hỏi:
- Đi đâu?
Đáp:
- Đi Thạch Đầu.
Sư nói:
- Đường Thạch Đầu trơn.
Đáp:
- Có mang theo gậy, gặp đâu vui đó.
Rồi ra đi. Mới tới Thạch Đầu liền nhiễu giường thiền một vòng, dộng tích trượng một tiếng, hỏi:
- Là tông chỉ gì?
Thạch Đầu kêu:
- Trời xanh, trời xanh!
Ẩn Phong không đáp được, trở về thuật lại cùng Sư. Sư nói:
- Ông hãy trở lại, gặp ông ấy kêu “Trời xanh, trời xanh” thì ông liền “Hư, hư”.
Ẩn Phong lại đi Thạch Đầu, lặp lại y như trước, hỏi:
- Là tông chỉ gì?
Thạch Đầu bèn “Hư, hư”. Ẩn Phong lại không đáp được.
Phong về thuật lại, Sư nói:
- Đã nói với ông đường Thạch Đầu trơn mà.
*
Có vị tăng vẽ bốn vạch trước mặt Sư, ở trên một vạch dài ở dưới ba vạch ngắn, rồi hỏi:
- Không được nói “một dài ba ngắn”, ngoại trừ bốn chữ đó, mời Hòa thượng đáp.
Sư liền vẽ trên đất một vạch, đáp:
- Không được nói “dài ngắn”, đáp ông rồi.
(Quốc sư Huệ Trung nghe, nói riêng một mình “Sao chẳng hỏi lão tăng”)
*
Có một tăng giảng kinh đến hỏi:
- Chưa biết thiền tông truyền thừa pháp gì?
Sư hỏi lại:
- Tòa chủ truyền thừa pháp gì?
Kia đáp:
- Tạm giảng được hơn hai mươi cuốn kinh luận.
Sư nói:
- Đâu không phải là sư tử con?
Đáp:
- Chẳng dám.
Sư cất tiếng “Hư, hư”. Kia nói:
- Đó là pháp.
Sư hỏi:
- Là pháp gì?
Đáp:
- Pháp sư tử ra khỏi hang.
Sư bèn lặng thinh. Kia nói:
- Đó cũng là pháp.
Sư hỏi:
- Là pháp gì?
Đáp:
- Pháp sư tử ở trong hang.
Sư hỏi:
- (Sư tử) chẳng ra chẳng vô là pháp gì?
Kia không đáp được bèn từ giã ra ngồi cửa.
(Bá Trượng thay nói: “Thấy gì?”). Sư gọi:
- Tòa chủ!.
Kia xoay đầu, Sư hỏi:
- Là gì?,
Cũng không đáp được.
Sư nói:
- Ông thầy độn căn này!
*
Có một vị Tăng hỏi:
- Ý nghĩa cốt lõi của Phật giáo là gì?
Sư nói:
- Ngay lúc này là ý nghĩa gì
*
Một hôm, có một vị Tăng đang tham gia vào việc tỉa cây tử đằng. Vị Tăng nhân cơ hội đặt câu hỏi với Thiền sư Mã Tổ:
- Tại sao Sơ Tổ từ Tây đến?
Đây là một câu thỏi công thức có nghĩa là "ý nghĩa của giáo pháp của Tổ Bồ Đề Đạt Ma là gì?”
Sư đáp trả lại bằng cách tiến tới gần vị Tăng và nói thầm:
- Ông tới gần một chút nữa rồi lão Tăng sẽ nói cho ông nghe.
Khi vị Tăng đi gần tới Sư thì bị Sư đá cho một cái thật mạnh đến nỗi vị Tăng té nhào xuống đất. Khi chạm đất thì vị Tăng đạt ngộ, và ngồi dậy cười mãi không dứt.
Sư hỏi:
- Ông cười có ý gì?
Vị Tăng nói:
- Thật lạ làm sao! Thật kỳ làm sao! Giáo pháp của Phật quả là mênh mông không kể xiết. Và tuy vậy ngay bây giờ đây ta thấy hết thảy đều hiển lộ trên đầu một sợi lông.
Về sau này khi được hỏi về vụ việc này, thì vị Tăng nói là kể từ khi bị Mã Tổ đá cho đến nay ông ta không thể nào nhịn được cười.
*
Có một vị Tăng khác đến gặp Sư nói rằng muốn tìm cầu giác ngộ, Sư hỏi:
- Tại sao ông phải đến gặp lão Tăng?. Ông có kho báu của chính mình kia mà. Hãy nhìn vào trong đó mà tìm.
Vị Tăng hỏi:
- Kho báu của con ở đâu?
Sư nói:
- Cái mà ông đang hỏi chính là kho báu của ông đấy.
*
Một hôm, có một vị Tăng đến tham vấn với Sư. Trước khi đến, vị Tăng học giả đã trải qua một thời gian dài học tập kinh điển. Tuy nhiên, có những vấn đề mà ông vẫn chưa hiểu, và ông hy vọng là Sư có thể giải quyết được chúng. Khi vị Tăng học giả trình diện, Sư chào đón ông ta bằng những lời lẽ này:
- Quả là một cấu trúc uy nghi mà không có Phật trong đó!
Vị Tăng học giả phớt lờ lời bình lạ lùng này và xin được phép đặt câu hỏi:
- Con đã khá quen thuộc với văn chương Phật giáo được dịch sang tiếng nước mình, nhưng con vẫn không thể hiểu tại sao nhà Thiền lại cho rằng tâm là Phật.
Sư bảo vị Tăng:
- Chính ngay cái tâm không hiểu đó là Phật; chứ không có thứ gì khác
Vẫn chưa nắm được vấn đề mà Sư đang nói, vị Tăng học giả khăng khăng nói:
- Người ta nói Sơ Tổ mang mật giáo từ Thiên Trúc sang, nơi bắt nguồn của tất cả kinh điển. Xin Tôn Sư hiển lộ bí mật ấy cho con có được không?
Sư nói:
- Được lắm, ngay bây giờ thì lão Tăng đang rất bận. Có lẽ ông nên đến vào lúc khác.
Thất vọng, vị Tăng học giả vái chào rồi quay đi. Tuy nhiên, trước khi vị Tăng ra đến cửa thì Sư đã gọi lớn:
- Học Giả!
Vị Tăng học giả quay lại về hướng Mã Tổ.
- Cái gì vậy?. Tổ hỏi một cách tinh quái.
Vị Tăng học giả đạt ngộ và ngay lúc đó hiểu được mật pháp của Bồ Đề Đạt Ma. Vị Tăng học giả đảnh lễ Sư đầy lòng biết ơn. Sư nói:
- Đừng có ngu ngốc. Cái sụp lạy ấy có công dụng gì
*
Hỏi:
- Thế nào là tu đạo ?
Sư nói:
- Đạo không thuộc tu, nếu nói tu đắc, tu thành rồi cũng hoại, giống như Thanh văn, còn nếu không tu thì giống như phàm phu.
(Theo Cổ Tôn Túc Ngữ Lục quyển 1)
*
Hỏi:
- Lý giải thế nào thì đạt được đạo ?
Sư đáp:
- Tự tánh từ xưa giờ vốn đầy đủ đạo, nhưng chỉ cần chẳng vướng mắc ở hai phương diện thiện ác, là có thể gọi đó là người tu đạo. Như quả giữ thiện bỏ ác, tâm quán không tịch, thần nhập chuyên định, đó là đặc ý tạo tác, lại hướng bên ngoài chạy vạy tìm cầu, thì xa đạo lắm vậy !
(Theo Cổ Tôn Túc Ngữ Lục quyển 1)
*
Sư hỏi ông tăng:
- Từ nơi nào đến ?
Tăng đáp:
- Từ Hồ Nam đến.
Sư hỏi:
- Nước Đông Hồ đầy chưa vậy ?
Tăng đáp:
- Chưa đầy.
Sư nói:
- Mưa biết bao lâu rồi mà nước vẫn chưa đầy ?
(Theo Cổ Tôn Túc Ngữ Lục quyển 1)
*
Hòa thượng Phần Châu lúc làm tọa chủ từng giảng 42 bổn kinh luận đến hỏi Mã Tổ:
- Tam thừa, Thập nhị phần giáo (12 bộ kinh) tôi đây tạm biết sơ lược, xin hỏi chỉ ý Thiền trong tông môn như thế nào ?
Sư nhìn Phần Châu nói:
- Nơi đây đông người, hãy tạm lui ra.
Phần Châu lui ra, chân vừa bước trên ngạch cửa, sư bèn triệu gọi
- Tọa chủ !
Phần Châu quay đầu ứng tiếng dạ. Sư nói:
- Đó là cái gì ?
Phần Châu ngay đó tỉnh ngộ, liền lễ bái rồi đứng dậy nói:
- Phần Châu tôi từng giảng 42 bổn kinh luận, tự cho là không ai hơn mình được. Hôm nay nếu không gặp được Hòa thượng thì kể như luống uổng một đời.
(Theo Tổ Đường Tập quyển 14)
*
Một hôm Sư dạy chúng:
Đạo không dụng tu, chỉ đừng ô nhiễm. Sao là ô nhiễm? Có tâm sanh tử, tạo tác, thú hướng đều là ô nhiễm. Nếu muốn hội thẳng đạo này thì tâm bình thường là đạo.
Sao là tâm bình thường không tạo tác, không thị phi, không thủ xả, không đoạn thường, không phàm thánh. Kinh nói: “Chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh thánh hiền, là hạnh Bồ tát”.
Chỉ như hiện nay đi đứng ngồi nằm, ứng cơ tiếp vật đều là đạo. Đạo tức là pháp giới, cho đến diệu dụng như hà sa đều không ngoài pháp giới. Nếu chẳng phải vậy, tại sao nói “pháp môn tâm địa”, tại sao nói “vô tận đăng”? Tất cả pháp đều là pháp của tâm, tất cả tên đều là tên của tâm. Muôn pháp đều từ tâm sanh, tâm là cội gốc của muôn pháp.
Kinh nói: “Biết tâm đạt cội nguồn nên hiệu là Sa-môn”.
Tên đồng nghĩa đồng, tất cả pháp đều đồng thuần nhất không lẫn lộn.
Nếu ở trong giáo môn được tùy thời tự tại thì dựng lập pháp giới trọn là pháp giới, lập chân như là chân như, lập lý tất cả pháp trọn là lý, lập sự tất cả pháp trọn là sự, nắm giở một thì ngàn theo, sự lý không khác, toàn là diệu dụng. Lại không có lý riêng, đều do xoay vần của tâm.
Ví như bao nhiêu bóng mặt trăng thì có, mà bao nhiêu mặt trăng thật thì không; bao nhiêu nguồn nước thì có, mà bao nhiêu tánh nước thì không; bao nhiêu sum la vạn tượng thì có, mà bao nhiêu hư không thì không; bao nhiêu lời nói đạo lý thì có, mà bao nhiêu tuệ vô ngại thì không. Bao nhiêu các thứ thành lập đều do một tâm.
Dựng lập cũng được, dẹp hết cũng được, thảy là diệu dụng. Diệu dụng trọn là nhà mình, chẳng phải lìa chân mà có, nơi nơi đều chân, thảy đều là thể của nhà mình. Nếu chẳng vậy, lại là người nào? Tất cả pháp đều là Phật pháp, các pháp tức là giải thoát, giải thoát tức là chân như, các pháp không ngoài chân như, đi đứng ngồi nằm thảy là dụng bất tư nghì, không đợi thời tiết.
Kinh nói: “Chỗ chỗ nơi nơi đều có Phật”.
Phật là năng nhân, có trí tuệ khéo hợp lòng người, hay phá lưới nghi cho tất cả chúng sanh, vượt ra vòng trói buộc của có và không… Tình chấp phàm thánh hết, nhân pháp đều không, chuyển bánh xe không gì hơn, vượt các số lượng, việc làm không ngại, sự lý đều thông, như trời hiện mây, chợt có lại không, chẳng để dấu vết. Ví như vẽ nước thành lằn, không sanh không diệt là Đại tịch diệt. Tại triền gọi là Như Lai Tàng, xuất triền gọi là Pháp thân thanh tịnh.
Thể không tăng giảm, hay lớn hay nhỏ, hay vuông hay tròn, hợp vật hiện hình như trăng trong nước, vận dụng mênh mông, không lập mầm gốc, chẳng hết hữu vi, không trụ vô vi. Hữu vi là dụng của vô vi, vô vi là chỗ nương của hữu vi, chẳng trụ chỗ nương, nên nói: “Như hư không chẳng chỗ nương”. Nghĩa tâm sanh diệt, nghĩa tâm chân như. Tâm chân như dụ như gương sáng soi vật tượng. Gương dụ tâm, vật tượng dụ pháp. Nếu tâm chấp pháp là dính với cái nhân bên ngoài, tức là nghĩa sanh diệt. Tâm không chấp pháp tức là nghĩa chân như.
Thanh văn tai nghe Phật tánh. Bồ tát mắt thấy Phật tánh. Liễu đạt không hai gọi là bình đẳng tánh. Tánh không có khác, dụng thì chẳng đồng. Tại mê là thức, tại ngộ là trí. Thuận lý là ngộ, theo sự là mê. Mê tức là mê bản tâm mình, ngộ là ngộ bản tánh mình. Một phen ngộ là hằng ngộ chẳng trở lại mê.
Như đang khi mặt trời mọc lên không trở lại tối. Mặt trời trí tuệ xuất hiện, không chung cùng cái tối phiền não. Liễu đạt cảnh giới của tâm liền trừ vọng tưởng. Vọng tưởng đã trừ tức là vô sanh. Pháp tánh sẵn có, có chẳng nhờ tu. Thiền không thuộc ngồi, ngồi tức có chấp trước. Nếu thấy lý này là chân chánh hợp đạo, tùy duyên qua ngày, đứng ngồi theo nhau, giới hạnh huân thêm, nhóm nơi tịnh nghiệp. Chỉ hay như thế, lo gì chẳng thông.
Đứng lâu, trân trọng.
*
Những Công Án Liên Quan Đến Mã Tổ Đạo Nhất Thiền Sư
1) Nhất Hát Vạn Cơ Bãi, Tam Triêu Lưỡng Nhĩ Lung: Một tiếng hét muôn việc dừng và tai điếc cả ba ngày.
Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển VI, vào một dịp, Bách Trượng đứng hầu Mã Tổ, thấy cây phất tử ở góc giường, Sư bèn hỏi:
- Tức đây dùng, lìa đây dùng?
Mã Tổ nói:
- Trong tương lai nếu ông đi đến chỗ khác thì làm sao mà dạy người?
Bách Trượng cầm cây phất trượng dựng đứng lên. Mã Tổ nói:
- Tức đây dùng, lìa đây dùng?
Bách Trượng để cây phất tử lại trên giá. Bất thình lình Mã Tổ nạt một tiếng lớn đến nỗi Bách Trượng bị điếc đến ba ngày
2) Nhật Diện Phật, Nguyệt Diện Phật: Đây là chủ đề của thí dụ thứ ba trong Bích Nham Lục. Mã Tổ xuất hiện trong các thí dụ 30 và 33 của Vô Môn Quan, cũng như trong thí dụ thứ 3, 53 và 57 của Bích Nham Lục. Chúng ta hiểu về tâm của ngài nhiều hơn qua những công án nầy hơn là qua những dữ kiện lịch sử về cuộc đời của ngài. Ở đây, trong Bích Nham Lục 3, nói về "Nhật Diện Phật, Nguyệt Diện Phật"
Một hôm khi Mã Tổ có bệnh, viện chủ đến thăm, hỏi:
- Dạo nầy thân thể Hòa Thượng thế nào?
Sư đáp: “Nhật Diện Phật, Nguyệt Diện Phật (Mặt trời Phật, mặt trăng Phật)”.
3) Tứ Cú Bách Phi: Theo thí dụ thứ 73 của Bích Nham Lục.
Có vị tăng hỏi: Ly tứ cú tuyệt bách phi, thỉnh Thầy chỉ thẳng ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?
Sư đáp: Hôm nay ta mệt nhọc không thể vì ngươi nói, ngươi đến hỏi Trí Tạng.
Vị tăng ấy đến hỏi Trí Tạng.
Trí Tạng bảo:
- Sao không hỏi Hòa thượng?
Tăng đáp:
- Hòa thượng dạy đến hỏi Thầy.
Trí Tạng hỏi:
- Hôm nay tôi đau đầu, không thể vì ông nói, đến hỏi sư huynh Hải.
Tăng đến hỏi Hoài Hải, Hoài Hải bảo:
- Đến chỗ này tôi cũng chẳng hội.
Tăng trở lại trình Sư.
Sư bảo:
- Tạng đầu bạch, Hải đầu hắc.
4) Tức Tâm Tức Phật: Thí dụ thứ 30 của Vô Môn Quan
Ngài Đại Mai hỏi Mã Tổ:
- Phật là gì?
Sư đáp:
- Tức tâm tức Phật.
---o0o---

Bảo Phong tự vị trí tại dưới ngọn Bảo Phong trấn Bảo Phong huyện Tĩnh An, tỉnh Giang Tây. Tự viện ban đầu tên Lặc Đàm Tự, còn tên Pháp Lâm Tự, nhân tọa lạc núi Thạch Môn nên còn được gọi “Thạch Môn cổ sát”.
Nhà Đường niên hiệu Đại Trung thứ tư (850) sắc phong là Bảo Phong Tự, tên còn đến ngày nay. Tự viện bị binh lửa hư hoại, nhiều lần trùng tu, mãi đến năm 1993 mới được xây dựng lại.
Đây là đạo tràng trọng yếu của thiền Hồng Châu, có tên là Mã Tổ Đạo Tràng.
|