TS Nam Tuyền Phổ Nguyện

Personal Information

Danh Tánh
TS Nam Tuyền Phổ Nguyện
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

Thiền Sư Nam Tuyền Phổ Nguyện
Pháp tự đời thứ hai của Nam Nhạc Hoài Nhượng
Pháp tự của Mã Tổ Đạo Nhất
南泉普願, Nansen Fugan, (748-834): Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện ở Trì Châu là người Tân Trịnh (新鄭), Trịnh Châu (鄭州, nay là trấn Tân Trịnh, huyện Khai Phong thuộc Tỉnh Hà Nam), họ Vương (王). Lúc còn trẻ thơ đã mộ đạo Phật, Sư quỳ gối van nài cha mẹ cho phép xuất gia, cha mẹ đành nhượng bộ cho phép. Năm thứ hai (757) đời Chí Đức (757) nhà Đường, sư theo thọ nghiệp với Thiền sư Đại Huệ (大 慧) ở núi Đại Ngung (大隈山), Mật Huyện (密縣, thuộc Tỉnh Hà Nam). Vào năm thứ 12 (777) niên hiệu Đại Lịch (大曆), lúc 30 tuổi, sư thọ cụ túc giới với Cảo Luật Sư (暠 律師) ở Hội Thiện Tự (會善寺) vùng Tung Nhạc (嵩岳, Tỉnh Hà Nam). Ban đầu, sư tập Tướng Bộ Cựu Chương, nghiên cứu trọn Tỳ-ni. Kế sư đi du phương đến khắp các nơi có giảng pháp, nghe qua Lăng Già, Hoa Nghiêm, nhập quán Trung Quán, Bách Môn, tinh chuyện nghĩa lý huyền vi. Sau Sư đến gõ cửa Đại Tịch Mã Tổ Đạo Nhất (馬 祖 道 一), bỗng nhiên “được cá quên nôm” (đạt lý quên lời), được du hí tam-muội (chánh định ngao du tự tại).
Một hôm sư đang múc cháo chia cho chúng tăng, Mã Tổ hỏi:
- Trong thùng thông là vật gì ?
Sư nói:
- Lão già này nên ngậm miệng mồm, sao lại nói lời lẽ gàn dở như thế ?
Tổ liền thôi (cho là phải). Từ đó, đám đồng học không ai dám cật vấn, đối đáp với sư nữa.

*

Niên hiệu Trinh Nguyên (貞元) thứ mười một (795), Sư tạm biệt Mã Tổ đi tìm nơi cất am. Sau khi rời Mã Tổ, Sư đồng đi với Thiền sư Bảo Vân, Trí Thường, Trí Kiên cả thảy bốn người. Đến giữa đường, sắp từ biệt nhau, Sư cắm gậy xuống đất bảo:
- Nói được cũng bị cái ấy ngại, nói không được cũng bị cái ấy ngại.
Trí Thường liền nhổ gậy, đập Sư một gậy, rồi nói:
- Cũng chỉ cái ấy, Vương lão sư (thầy già họ Vương) nói cái gì ngại, chẳng ngại?
Bảo Vân nói:
- Chỉ một câu này truyền khắp thiên hạ.
Trí Thường hỏi:
- Lại có cái chẳng khắp chăng?
Bảo Vân đáp:
- Có.
Trí Thường hỏi:
- Thế nào là cái chẳng khắp?
Bảo Vân ra bộ tát tai.

*

Bốn vị ngồi uống trà. Bảo Vân đưa chung trà lên nói:
- Khi thế giới chưa thành vẫn có cái ấy.
Sư bảo:
- Người nay chỉ biết cái ấy, chưa biết thế giới.
Trí Thường nói:
- Phải.
Sư bảo:
- Sư huynh đâu đồng cái thấy này.
Trí Thường lại đưa cái chung trà lên bảo:
- Khi thế giới chưa thành nói được chăng?
Sư ra bộ tát tai, Trí Thường đưa mặt nhận tát tai.

*

Sư dừng gậy ở Nam Tuyền Sơn (南泉山), vùng Trì Dương (池 陽, thuộc Tỉnh An Huy), xây dựng Thiền viện, thường mang nón lá chăn trâu, vào trong núi đốn cây, cày ruộng, cổ xướng Thiền phong của mình, tự xưng là Vương Lão Sư và suốt trong vòng 30 năm không hề hạ sơn một lần.
Vào đầu niên hiệu Thái Hòa (太 和, 827-835 - Đường Văn Tông), vị Thái Thú xưa kia của Trì Dương là Tuyên Phủ Sứ Lục Hoàn (陸 亘) và Hộ Quân Bành Thành Lưu Công nghe danh đạo phong của Sư, đến tham bái Nam Tuyền, rồi tôn vị nầy làm thầy mình, mời ngài hạ sơn, thân giữ lễ đệ tử, sư đại chấn huyền cương. Từ đó học đồ không dưới số trăm, lời nói pháp của Sư truyền khắp các nơi, được coi là bậc Dĩnh Tợ. (người mô phạm đất Dĩnh), thường được người đương thời xưng tụng là Nam Tuyền Cổ Phật. Sư đã giáo hóa khá nhiều đồ chúng nổi danh như Triệu Châu Tùng Thẩm (趙 州 從 諗), Trường Sa Cảnh Sầm (長沙景岑), Tử Hồ Lợi Túng (子湖利蹤), Đàm Chiếu v.v… hơn mười bảy người.
Sư được nhắc đến nhiều trong các tập công án như Bích Nham Lục (công án 28, 31, 40, 63,64,69) và Vô Môn Quan (14, 19, 27, 34).

*

Sư thượng đường bảo:
- Phật Nhiên Đăng nói “nếu tâm tướng khởi nghĩ sanh ra các pháp là hư giả chẳng thật”. Vì cớ sao? Vì tâm còn không có, lấy gì sanh ra các pháp, ví như bóng phân biệt hư không, như người lấy tiếng để trong rương, cũng như thổi lưới muốn được đầy hơi. Cho nên Lão túc bảo “chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật”. Nói thế là dạy các huynh đệ chỗ đi vững chắc. Nói: “Bồ-tát Thập địa trụ chánh định Thủ Lăng Nghiêm được pháp tạng bí mật của chư Phật, tự nhiên được tất cả thiền định giải thoát thần thông diệu dụng, đến tất cả thế giới khắp hiện sắc thân, hoặc thị hiện thành Phật chuyển bánh xe đại pháp, vào Niết-bàn, khiến vô lượng vào một lỗ chân lông, nói một câu trải vô lượng kiếp cũng không hết nghĩa, giáo hóa vô lượng ngàn ức chúng sanh được vô sanh pháp nhẫn, còn gọi là sở tri ngu vi tế”. Sở tri ngu cùng đạo trái nhau. Rất khó! rất khó! trân trọng.

*

Sư dạy chúng:
- Chỉ hội được tánh từ vô lượng kiếp đến giờ không biến đổi tức tu hành, diệu dụng mà chẳng trụ tức là hạnh Bồ-tát. Đạt các pháp không, diệu dụng tự tại, sắc thân tam-muội rõ ràng. Hành lục ba-la-mật không, thì nơi nơi không ngại, dạo trong địa ngục như xem vườn đẹp, không thể nói y chẳng được tác dụng. Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến giờ quên bản tánh, chẳng tự liễu ngộ chân thể, bị mây trần che lấp, đắm mê sắc dục, như mây bay thấy trăng chạy, thuyền đi thấy bờ dời, tạm thời chia đường, chẳng được tự tại, thọ các thứ khổ chẳng tự hiểu biết. Đến hôm nay hội được tánh bản lai, tánh ấy cùng hiện giờ không khác.

*

Sư thượng đường dạy chúng:
- Các ngươi! Lão tăng lúc mười tám tuổi đã biết kế sống, có ai biết kế sống ra trình, sẽ cùng ngươi thương lượng, người ấy mới đáng ở núi.
Sư lặng thinh giây lâu, nhìn đại chúng chấp tay, nói:
- Vô sự! Trân trọng! Mỗi người tự tu hành.
Đại chúng vẫn ngồi yên.
Sư bảo:
- Huynh đệ người thời nay gánh Phật để trên vai mà đi, nghe Lão tăng nói: “tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo”, bèn hội họp suy nghĩ. Lão tăng không có chỗ để các ngươi suy nghĩ. Nếu các ngươi trói hư không lấy gậy đập được, Lão tăng sẽ cho suy nghĩ.
Có vị Tăng ra hỏi:
- Từ Thượng Tổ cho đến Đại sư ở Giang Tây đều nói: “tức tâm là Phật”, “tâm bình thường là đạo”. Nay Hòa thượng nói “tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo”, học nhân chắc sanh nghi ngờ, xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy.
Sư đáp:
- Ngươi nếu là Phật thì đâu còn phải nghi, lại hỏi Lão tăng chỗ gì?. Có nhà bên cạnh nghi Phật như thế đến, Lão tăng chẳng phải Phật cũng chẳng từng thấy Tổ sư, ngươi nói như thế, tự tìm Tổ sư đi!
Tăng thưa:
- Hòa thượng nói như thế, dạy học nhân làm sao phù trì được?
Sư bảo:
- Ngươi mau lấy tay bắt hư không đi!
Tăng thưa:
- Hư không không tướng không động, làm sao mà bắt?
Sư bảo:
- Ngươi nói không tướng không động tức là động vậy. Hư không đâu biết nói “ta không tướng không động”. Đây đều là tình kiến của ngươi.
Tăng thưa:
- Hư không không tướng không động còn là tình kiến, trước Hòa thượng dạy con bắt hư không là còn vật gì?
Sư bảo:
- Ngươi đã biết không nên nói bắt, mà lại nghĩ làm sao phù trì?
Tăng thưa:
- Tức tâm là Phật đã chẳng được, thị tâm tức Phật được chăng?
Sư bảo:
- Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật, do tình chấp mà có, đều bởi tưởng mà thành. Phật là người trí, tâm là chủ nhóm phân biệt, khi đối vật phát ra diệu dụng. Đại đức chớ nhận tâm, nhận Phật, dù nhận được cảnh ấy vẫn còn bị người gọi là Sở tri ngu. Cho nên Đại sư ở Giang Tây bảo: “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật.” Vả lại đã dạy người sau các ngươi chỗ đi như thế. Người học thời nay mặc y phục nhà bên cạnh nghi như thế, muốn được rảnh việc có được chăng?
- Đã chẳng phải tâm chẳng phải Phật chẳng phải vật, nay Hòa thượng lại nói “tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo”, chưa biết thế nào?
- Ngươi chẳng nhận tâm là Phật, trí là đạo, Lão tăng chợt được tâm lại để chỗ nào?
- Đã hoàn toàn chẳng được thì đâu khác hư không?
- Đã chẳng phải vật làm sao so với hư không, lại nói cái gì là khác chẳng khác?
- Chẳng lẽ không cái chẳng phải tâm chẳng phải Phật, chẳng phải vật?
- Ngươi nếu nhận cái ấy, lại thành tâm Phật rồi.
- Thỉnh Hòa thượng nói.
- Lão tăng tự chẳng biết.
- Tại sao chẳng biết?
- Bảo ta nói làm sao?
- Đành chẳng cho học nhân hội đạo sao?
- Hội đạo gì? Lại làm sao hội?
- Con không biết.
- Không biết lại tốt. Nếu lấy lời Lão tăng cho là người nương tựa thông suốt, dù thấy Phật Di-lặc ra đời vẫn bị Ngài nhổ hết lông đầu.
- Dạy người sau thế nào?
- Ngươi tự xem, chớ lo những người sau.
- Trước Hòa thượng chẳng cho con hội thông, giờ lại bảo con tự xem, chưa biết thế nào?
- Thầm hội, diệu hội, làm sao cho ngươi hội?
- Thế nào là diệu hội?
- Lại muốn học ngữ của Lão tăng, dù có nói, là Lão tăng nói, Đại đức thế nào?
- Con nếu tự hội thì đâu phiền xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy?
- Không thể chỉ Đông chỉ Tây lừa người, ngươi khi còn khóc tu oa! tu oa! Sao chẳng đến hỏi Lão tăng? Bây giờ khôn ngoan mới nói con chẳng hội, mong cái gì? Nếu người đời này lọt lòng mẹ bèn nói ta xuất gia làm Thiền sư, vậy khi chưa xuất gia từng làm việc gì, hãy nói xem, ta sẽ cùng ngươi thương lượng?
- Khi ấy con chẳng biết.
- Đã chẳng biết thì hiện nay nhận được, có thể phải sao?
- Nhận được đã chẳng phải, không nhận được phải chăng?
- Nhận, chẳng nhận là lời nói gì?
- Đến trong ấy con càng chẳng hội.
- Ngươi nếu chẳng hội, ta cũng chẳng hội.
- Con là học nhân tức chẳng hội, Hòa thượng là thiện tri thức phải hội.
- Chỉ nói với ngươi chẳng hội, ai luận thiện tri thức.
Chớ khôn xảo, xem như Mã Tổ lúc còn tại tiền, có một học sĩ đến hỏi: “Như nước không gân xương, hay thắng thuyền muôn đấu, lý này thế nào?”. Mã Tổ bảo: “Trong ấy không nước cũng không thuyền, luận gì gân xương”. Huynh đệ! học sĩ ấy bèn thôi, đâu không tỉnh lực. Sở dĩ thường thường nói với các ngươi Phật không hội đạo, ta tự tu hành, dùng biết để làm gì?
- Thế nào là tu hành?
- Không thể nghĩ lường, đâu thể nói với ngươi tu thế này, hành thế này, đại nạn!
- Lại cho học nhân tu hành chăng?
- Lão tăng không thể ngăn ngươi.
- Con làm sao tu hành?
- Cần hành thì hành, không nên chuyên tầm bọn khác.
- Nếu không nhờ thiện tri thức chỉ dạy thì không do đâu được hội?. Như Hòa thượng mọi khi nói “tu hành phải hiểu mới được, nếu không hiểu thì rơi vào nhân quả, không có phần tự do”, chưa biết tu hành thế nào khỏi vào nhân quả?
- Lại chẳng cần thương lượng. Nếu luận tu hành thì chỗ nào chẳng hành được?
- Thế nào hành được?
- Ngươi không thể theo bọn kia tìm được.
- Hòa thượng chưa nói dạy, con làm sao tìm?
- Giả sử nói chỗ tìm đó, vả như ngươi từ sáng đến tối chợt đi Đông, đi Tây, ngươi còn không suy nghĩ nói, đi được chẳng được, người khác không thể biết được ngươi.
- Ngay khi đi Đông đi Tây toàn không suy nghĩ, là phải chăng?
- Khi ấy, ai nói là phải chẳng phải?

*

Sư thượng đường dạy chúng:
- Vương lão sư từ nhỏ nuôi một con trâu đực, tính thả ăn ở khe Đông sợ e không khỏi phạm nước cỏ của quốc vương, tính thả ăn ở khe Tây cũng sợ e không khỏi phạm nước cỏ của quốc vương, chi bằng tùy thời nhận chút ít trọn chẳng thấy được.

*

Sư hỏi ông tăng:
- Đêm qua gió mạnh phải không ?
Đáp:
- Đêm qua gió mạnh.
Sư nói:
- Có phải thổi gãy một cành tòng trước cổng chùa không ?
Đáp:
- Thổi gãy trước cổng chùa một nhánh tòng.
Kế hỏi một ông tăng:
- Đêm qua gió mạnh phải không ?
Đáp:
- Gió gì đâu nào ?
Sư nói:
- Thổi gãy một nhánh tòng trước cổng chùa.
Đáp:
- Tòng nào đâu nà ?
Sư nói:
- Một được, một mất.

*

Vị Tăng hỏi:
- Có giáo pháp nào chưa được giảng dạy cho người chăng?
Sư :
- Có
Tăng hỏi:
Chân lý chưa được dạy là chân lý nào?
Sư :
- Không phải tâm. Không phải Phật. Không phải vật.

*

Sư có thư gởi Thù Du nói:
- Lý tùy sự biến, trống trải không ngoài. Sự đắc lý dung, vắng vẻ không trong.
Tăng đưa thư, rồi bèn hỏi Du:
- Thế nào là trống trải không ngoài ?
Du nói:
- Hỏi một trả lời trăm cũng không hại gì.
Hỏi:
- Thế nào là vắng vẻ không trong ?
Du nói:
- Nhìn nghe sắc thanh, không phải tay giỏi.
Tăng lại hỏi Trường Sa, Sa trợn mắt nhìn. Tăng lại nêu câu hỏi sau, Sa bèn nhắm mắt khải thị. Tăng lại hỏi Triệu Châu Tùng Thẩm, Châu ra bộ đang ăn cơm. Tăng lại nêu câu hỏi thứ hai, Châu ra bộ dùng tay lau miệng. Sau tăng thuật mọi việc với Sư, sư nói:
- Cả ba người đó đều không sai lầm, đúng là đệ tử ta.

*

Dưới núi Nam Tuyền có một Am chủ. Người ta nói với ông:
- Gần đây có Hòa thượng Nam Tuyền xuất thế, sao ông không tới lễ bái ?
Am chủ nói:
- Chẳng phải chỉ riêng Nam Tuyền xuất thế, mà cho dù cả ngàn Phật xuất thế ta cũng không đến lễ bái.
Sư nghe bèn bảo Triệu Châu đến khám nghiệm. Triệu Châu đến nơi bèn lễ bái, Am chủ chẳng ngó ngàng gì. Châu từ mé tây đi qua mé đông, rồi lại từ đông sang tây, Am chủ cũng chẳng ngó. Châu nói:
- Giặc cỏ đại bại rồi.
Rồi kéo tấm rèm xuống, ra về thuật lại cùng sư. Sư nói:
- Từ trước nay, ta đã nghi gã này.
Hôm sau sư cùng sa-di mang một bình trà và ba cái chén đến ném phịch xuống đất rồi nói:
- Hôm qua đây, hôm qua đây.
Am chủ nói:
- Hôm qua thì là cái gì ?
Sư vỗ trên lưng sa-di một cái nói:
- Phiền ta tới, phiền ta tới.
Nói đoạn phất tay áo ra về.

*

Sư thượng đường nói:
- Đạo vốn như như, sớm bị biến đổi. Sư tăng ngày nay cần nhắm vào dị loại mà tu hành.
Quy Tông nói:
- Tuy hành hạnh súc sanh mà không được súc sanh báo.
Sư nói:
- Kẻ thậm thường Mãnh Bát Lang kia cũng thế sao ?

*

Sư thượng đường nói:
- Văn Thù, Phổ Hiền canh ba đêm qua bị ta đánh mỗi ngài 20 gậy, đuổi ra khỏi viện.
Triệu Châu nói:
- Còn gậy của Hòa thượng dạy ai ăn vậy ?
Sư nói:
- Hãy nói xem Vương lão sư ta sai quấy chỗ nào vậy ?
Châu lễ bái lui ra.

*

Sư nhân đến trang viện, Trang chủ dự bị nghinh đón cung phụng.
Sư hỏi trang chủ:
- Ông làm sao biết lão tăng tới mà bày biện tươm tất thế ?
Trang chủ nói:
- Đêm qua Thổ địa báo cho biết rằng hôm nay Hòa thượng đến.
Sư nói:
- Vương lão sư ta tu hành vô lực, bị quỷ thần nhìn thấy.
Thị giả nói:
- Hòa thượng vốn đã là bậc thiện tri thức, vì sao lại bị quỷ thần nhìn thấy ?
Sư nói:
- Hãy thay ta, hiến bàn thờ Thổ địa thêm một phần cơm.
(Huyền Giác nói:
- Nơi nào mà Thổ địa được một phần cơm ?
Vân Cư Tích nói:
- Đố là thưởng y, phạt y. Còn như Thổ địa thấy trước đó là Nam Tuyền hay
chẳng phải Nam Tuyền ?).

*

Sư có lúc nói:
- Mã Tổ ở Giang Tây nói “Tâm ấy là Phật”, còn Vương lão sư không nói như thế mà nói là “Không phải tâm, không phải Phật, không phải vật”. Nói như thế có lỗi không ?
Triệu Châu lễ bái lui ra.
Lúc ấy, có một vị tăng bước theo Triệu Châu mà hỏi rằng:
- Thượng tọa lễ bái rồi là lui ra ngay là có ý gì ?
Châu nói:
- Ông hãy hỏi ngay Hòa thượng.
Tăng bèn hỏi Hòa thượng:
- Vừa rồi thượng tọa Tùng Thẩm có ý gì vậy ?
Sư nói:
- Y lãnh hội được ý chỉ của lão tăng ta.

*

Một hôm, sư bưng bình bát thượng đường. Hoàng Bá ngồi cương vị đệ nhất tòa thấy sư không đứng dậy, sư bèn hỏi:
- Trưởng lão hành đạo vào năm nào vậy ?
Bá nói:
- Thời Phật Không Vương.
Sư nói:
- Vẫn là ở hàng con cháu của Vương lão sư ta, hãy lui xuống !
Ngày nọ, sư hỏi Hoàng Bá:
- Hoàng kim làm thế giới, bạch ngân làm tường vách, đó là chỗ ở của người nào vậy ?
Bá nói:
- Đó là chỗ ở của Thánh nhân.
Sư nói:
- Còn có một người thì ở quốc độ nào ?
Bá liền chấp tay đứng. Sư nói:
- Nói không được, sao chẳng hỏi Vương lão sư ta ?
Bá liền hỏi:
- Ngoài ra còn có một người thì ở quốc độ nào ?
Sư nói:
- Tiếc thay.
Sư hỏi Hoàng Bá:
- Các môn học định tuệ, thấy rõ được Phật tánh, lý ấy thế nào ?
Bá nói:
- Trong mười hai thời chẳng nương tựa vào một vật nào.
Sư nói:
- Đó há chẳng là chỗ thấy của trưởng lão sao ?
Bá nói:
- Không dám.
Sư nói:
- Tiền cơm nước thôi hãy dẹp qua, tiền giày cỏ bảo ai thường đây ?

*

Sư thấy ông tăng đang chặt cây, sư bèn gõ vào cây ba cái, tăng bèn buông búa trở về tăng đường. Sư về pháp đường, hồi lâu lại vào tăng đường, thấy tăng hồi nãy đang ngồi dưới giàn y bát. Sư nói:
- Điếm lường gạt chết người thôi !
Hỏi:
- Sư quay về trượng thất, lấy gì chỉ thị ?
Sư nói:
- Canh ba đêm qua mất con bò, sáng ra lại cháy nhà.

*

Sư tại phương trượng đang cùng Sam Sơn hơ lửa. Sư nói:
- Chẳng cần chỉ đông chỉ tây, nói ngay bổn phần sự thôi.
Sơn cắm cây kẹp lửa rồi chấp tay. Sư nói:
- Tuy là như vậy, cũng còn thua Vương lão sư ta một tuyến đạo.

*

Có ông tăng tham vấn, chấp tay mà đứng, sư nói:
- Tục khí quá1còn thế tục lắm .
Tăng ấy lại chấp hai bàn tay, Sư nói:
- Tăng khí quá.
Ông tăng không đáp lời được.

*

Một ông tăng đang rửa bình bát, sư liền đoạt lấy bát. Ông tăng tay không mà đứng. Sư nói:
- Bát tại trong tay ta, miệng ông ê a làm gì ?
Tăng tịt lời.

*

Sư nhân vào vườn rau, thấy một ông tăng, sư liền lấy miếng ngói đánh. Ông tăng quay lại nhìn, sư liền kiễng chân. Ông tăng tịt lời. Sư liền quay về phương trượng, tăng bước theo vào tham vấn rằng:
- Vừa ban nãy Hòa thượng liệng viên ngói đánh con đây há phải chăng là cảnh giác kẻ này ?
Sư nói:
- Vậy kiễng chân là làm chuyện gì ?
Tăng tịt lời.
(Sau có ông tăng hỏi Thạch Sương rằng:
- Nam Tuyền kiễng chân, ý làm chuyện gì ?
Sư đưa nắm tay lên nói:
- Còn có cái này nữa không ?)

*

Sư thượng đường nói:
- Vương lão sư ta muốn bán thân mình đây, có ai mua không ?
Một ông tăng bước ra thưa:
- Con đây mua.
Sư nói:
- Không bán đắc giá mà cũng không bán rẻ giá, ông mua thế nào được ?
Tăng nín khe.
(Ngọa Long nói thay:
- Đã thuộc con đây rồi.
Hòa Sơn nói thay:
- Đó là đạo lý gì.
Triệu Châu đáp thay:
- Năm sau may cho Hòa thượng một tấm áo vải).

*

Sư hỏi Thần Sơn:
- Làm gì đó ?
Sơn đáp:
- Đánh lưới.
Sư hỏi:
- Đánh bằng tay hay đánh bằng chân ?
Sơn nói:
- Thỉnh Hòa thượng nói coi.
Sư nói:
- Hãy ký thủ rành rõ, cử thuật lại bậc Thiền sư kiệt xuất.

*

Có một tọa chủ từ giã sư, sư hỏi:
- Đi về đâu ?
Đáp:
- Đi xuống dưới núi.
Sư nói:
- Thứ nhất là không được hủy báng Vương lão sư ta.
Đáp:
- Làm sao mà dám hủy báng Hòa thượng !
Sư liền hắt hơi nói:
- Ít đỉnh.
Tọa chủ liền ra đi.
(Vân Cư Ưng nói:
- Không phải bản ý của sư.
Trước đó Tào Sơn nói:
- Lợi đấy.
Thạch Sương nói:
- Không châm chước cho người.
Trường Khánh nói:
- Mời lãnh thoại.
Thạch Cư Tích nói:
- Khi tọa chủ ra đi là lãnh hội hay không lãnh hội ?).

*

Có một hôm sư đóng cửa phương trượng2nhà thầy trụ trì ở vuông vức một trượng, đem tro bao quanh bên ngoài cửa nói:
- Nếu có người nói đúng thì sẽ mở.
Cũng có mấy người đối đáp, nhưng đều không hợp ý sư. Triệu Châu nói:
- Trời xanh!
Sư liền mở cửa.

*

Đại phu Lục Hoàn hỏi:
- Đệ tử từ Lục Hiệp lại, trong đó có còn thân không ?
Sư nói:
- Minh bạch giữ lấy, kể lại bậc tác gia.
Nói:
- Hòa thượng không thể nghĩ bàn, đến chỗ thế giới thành tựu.
Sư nói:
- Vừa mới nãy là phần thượng sự của đại phu.

*

Sư đang thượng đường, đại phu Lục Hoàn nói:
- Xin Hòa thượng vì chúng thuyết pháp.
Sư nói:
- Dạy lão tăng nói gì đây ?
Nói:
- Hòa thượng há chẳng có phương tiện ?
Sư nói:
- Nói coi bọn họ thiếu cái gì ?
Nói:
- Vì sao lại có lục đạo, tứ sanh ?
Sư nói:
- Lão tăng không dạy họ.
Đại phu Lục Hoàn cùng sư thấy xương người, Lục Hoàn chỉ khúc xương nói:
- Như thế, chẳng như thế, chính như thế. Tín thái lúc ra đi thế nào ?
Sư đưa khúc xương lên nói:
- Khúc xương thúi này.
Lục lại hỏi:
- Trong nhà đệ tử có một phiến đá, có lúc dùng để ngồi, có lúc dùng để nằm. Nay tính đem tạc tượng Phật có được không ?
Sư đáp:
- Được.
Lục nói:
- Chẳng được chăng ?
Sư nói:
- Chẳng được.3Vân Nham nói:
- Ngồi là Phật, không ngồi chẳng phải Phật.
Động Sơn nói:
- Không ngồi là Phật, ngồi chẳng phải Phật
Đại phu hỏi:
- Đại Bi Bồ-tát dùng nhiều mắt tay như thế để làm gì?
Sư hỏi lại:
- Quốc gia dùng Đại phu để làm gì?

*

Triệu Châu Tùng Thẩm hỏi:
- Đạo không ngoài vật, ngoài vật không phải đạo. Thế nào là đạo ngoài vật ?
Sư liền đánh, Châu chụp giữ lấy gậy nói:
- Từ đây về sau đừng đánh lầm người nhé.
Sư nói:
- Rồng rắn dễ phân biệt, nạp tử (thầy tu) khó lường.

*

Có vị Tăng hỏi:
- Trong hư không có một hạt châu làm sao lấy được?
Sư bảo:
- Chặt tre làm thang bắc trong hư không lấy.
- Trong hư không làm sao bắc thang?
- Ngươi nghĩ thế nào lấy?

*

Sư gọi Viện chủ, Viện chủ cất tiếng dạ. Sư nói:
- Lúc Phật ở trên cung trời Đao Lợi 90 ngày thuyết pháp cho mẹ nghe, Ưu Điền Vương nhớ Phật, nhờ Mục Liên vận thần thông tam chuyển, đưa thợ đến chỗ Phật khắc tượng Ngài, chỉ khắc được có 31 tướng, tại sao tướng Phạm âm không khắc được ?
Viện chủ hỏi:
- Thế nào là tướng Phạm âm ?
Sư nói:
- Lừa gạt chết thôi.

*

Sư hỏi duy-na:
- Hôm nay lao động tập thể làm chuyện gì ?
Đáp:
- Xay lúa.
Sư nói:
- Cối để cho ngươi xay, nhưng không được đụng đến cây trục giữa cối.
Duy-na tịt lời.
(Bảo Phước nói thay:
- Trước giờ xay lúa, như nay thì không thành rồi.
Pháp Nhãn nói thay:
- Như thế thì không xay vậy !)

*

Ngày nọ có vị đại đức hỏi Sư:
- Tâm ấy là Phật không đúng, không tâm không Phật lại cũng không đúng, ý sư thế nào ?
Sư nói:
- Đại đức hẳn tin tâm ấy là Phật cái đã, cần nói chi đến đúng hay không đúng. Như đại đức ăn cơm rồi, bước lên hành lang bên đông, bước xuống hành lang bên tây, chẳng thể hỏi người đúng hay là không đúng.

*

Khi sư còn trụ ở am, có một ông tăng đến am. Sư nói với ông ta:
- Ta đi lên núi làm rẫy, tới giờ trai cứ nấu cơm mà ăn, ăn rồi còn một phần đưa lên núi nhé.
Lát sau, tăng ấy tự nấu cơm, ăn xong lại đập hết nồi niêu rồi lên giường nằm. Sư đợi mãi không thấy tới, bèn trở về am, thấy tăng đang nằm. Sư bèn đến nằm dựa bên y. Tăng liền trở dậy đi mất. Sau khi làm trụ trì sư nói:
- Ta trước đây lúc trụ am, có một tăng sĩ lanh lợi, cho đến nay thì không thấy nữa.

*

Sư đưa trái cầu lên hỏi tăng:
- Cái kia sao lại giống cái này ?
Tăng đáp:
- Không giống.
Sư nói:
- Nơi nào thấy cái kia mà biết không giống cái này ?
Đáp:
- Nếu hỏi mỗ đây chỗ thấy, Hòa thượng hãy buông món đồ cầm
trong tay đi.
Sư nói:
- Nhận là ông có con mắt pháp.

*

Đại phu Lục Hoàn từ giã trở về Hoàn Thành là nơi ông trị nhiệm.
Sư hỏi:
- Đại phu đến đó, lấy gì trị dân ?
Đáp:
- Lấy trí tuệ trị dân.
Sư nói:
- Nếu như thế thì sanh linh nơi đó đều phải bị đồ thán rồi !

*

Sư vào Tuyên Châu, Lục đại phu ra cổng thành nghinh tiếp. Đại
phu chỉ cửa thành nói:
- Mọi người đều gọi là Ung Môn4cửa hình tròn, xin hỏi Hòa thượng gọi là môn gì ?
Sư nói:
- Lão tăng nếu nói, sợ làm nhục phong hóa của đại phu.
Đại phu hỏi:
- Hốt nhiên giặc đến thì làm sao ?
Sư nói:
- Vương lão sư ta tội lỗi.
Lục Hoàn lại hỏi:
- Đại bi Bồ-tát dùng quá nhiều tay mắt để làm gì ?
Sư nói:
- Như nước nhà đây dùng đại phu để làm gì ?

*

Lục Hoàn đại phu ở Tuyên châu hỏi Sư:
- Xưa có người nuôi một con ngỗng nhốt trong cái bình. Ngỗng càng ngày càng lớn rốt lại không thể ra khỏi bình. Bây giờ chẳng được đập bể bình, cũng chẳng được giết con ngỗng, dám hỏi Hòa thượng làm thế nào cho con ngỗng ra khỏi được ?
Sư gọi:
- Đại phu !
Lục Hoàn lên tiếng dạ.
Sư bảo:
- Ra rồi đó !
Lục Hoàn ngay đó lãnh hội, liền lễ tạ.

*

Sư thiết trai cúng dường Mã Ðại sư, hỏi chúng rằng:
- Mã Ðại sư có đến chăng?
Chúng không đáp.
Ðộng Sơn nói:
- Đợi có bạn liền đến.
Sư nói:
- Ông tuy là vị hậu sinh, mà rất ưa trổ tài.
Ðộng Sơn nói:
- Hòa thượng chớ giấu tài làm gì.

*

Sư đang giặt áo, tăng hỏi:
- Hòa thượng vẫn còn cái mửng đó !
Sư đưa áo lên nói:
- Chỉ bởi cái này biết sao giờ ?
(Huyền Giác nói:
- Hãy nói là một cái, là hai cái).

*

Sư hỏi ông tăng Lương Khâm:
- Trong không kiếp còn có Phật không ?
Đáp:
- Có.
Sư nói:
- Là ai vậy ?
Đáp:
- Lương Khâm đấy.
Sư hỏi:
- Ở quốc độ nào ?
Khâm tịt lời.

*

Hỏi:
- Tổ Tổ truyền nhau, là truyền điều gì ?
Sư nói:
- Một, hai, ba, bốn, năm...
Hỏi:
- Thế nào là người xưa vậy ?
Sư nói:
- Đợi chừng nào có mới nói.
Hỏi:
- Hòa thượng vì sao lại vọng ngữ ?
Sư đáp:
- Ta không vọng ngữ, Lư hành giả mới vọng ngữ.
Hỏi:
- Trong mười hai thời lấy gì làm cảnh ?
Sư nói:
- Sao không hỏi Vương lão sư ta.
Nói:
- Hỏi rồi đó.
Sư nói:
- Có từng cùng ông làm cảnh không.
Hỏi:
- Sen xanh lúc không tùy gió lửa, tàn rụi là cái gì ?
Sư nói:
- Không lửa gió nào mà chẳng theo thì là cái gì ?
Tăng không đáp được.
Sư hỏi:
- Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, lúc nghĩ đến toàn thể không sanh, hãy trả bổn lai diện mục lại cho ta.
Nói:
- Chẳng có nét mặt, cử chỉ nào có thể lộ ra được.
(Động Sơn nói:
- Có từng chỉ người không).

*

Sư hỏi tọa chủ:
- Ông có thể giảng kinh cho ta nghe được không ?
Đáp:
- Con đây giảng kinh cho Hòa thượng nghe thì Hòa thượng phải giảng Thiền cho mỗ đây mới được.
Sư nói:
- Không thể lấy lạng vàng đánh đổi với lạng bạc.
Nói;
- Con đây không hiểu.
Sư nói:
- Ông nói xem một áng mây trên không trung kia là được đóng đinh dính hay cột dây chặt ?

Hỏi:
- Không trung có một viên ngọc, làm thế nào lấy được ?
Sư nói:
- Chặt trúc làm thang, đặt thang lên không trung lấy.
Hỏi:
- Không trung làm sao bắt thang được ?
Sư nói:
- Ông nghĩ coi làm sao bắt được.

*

Tăng từ giã sư, nói:
- Kẻ học này đến các nơi nếu có người hỏi: “Hòa thượng gần đây thế nào ?”, xin hỏi phải đối đáp làm sao ?
Sư nói:
- Chỉ cần nói với y gần đây ta biết đấu nhau.
Hỏi:
- Đấu thế nào ạ ?
Sư nói:
- Vỗ một cái, tiêu diệt hai.
Hỏi:
- Khi cha mẹ chưa sanh mình ra thì lỗ mũi ở đâu ?
Sư nói:
- Vậy chớ khi cha mẹ sanh ra rồi, lỗ mũi mình ở đâu ?

*

Sư sắp qua đời, đệ nhất tòa hỏi:
- Hòa thượng sau khi trăm tuổi đi về đâu ?
Sư đáp:
- Đi làm con trâu tơ dưới núi.
Nhất tòa hỏi:
- Con theo Hòa thượng với, có được không ạ ?
Sư nói:
- Ông nếu theo ta thì hãy ngậm một cọng cỏ lại.

*

Sư bèn bị bịnh nặng, bảo với môn đồ rằng:
- Sao mờ, đèn ảo cũng đã lâu rồi, không được nói ta có đến đi nhé.

Vào ngày 21 tháng 10 năm thứ 8 (Giáp Dần) niên hiệu Thái Hòa (太和), Sư có chút bệnh bảo chúng: “Sao che đèn huyễn lâu vậy, chớ bảo ta có đi lại!”. vào ngày 25 tháng 12 cùng năm trên, sư thị tịch, hưởng thọ 87 tuổi đời và 57 hạ lạp. Nhập tháp vào mùa xuân năm sau.

Những lời dạy của Sư được ghi lại trong Trịnh Châu Nam Tuyền Phổ Nguyện Thiền sư quảng lục.

---o0o---

Công Án
1) Nam Tuyền Bạch Cổ: Nam Tuyền trâu trắng (Li Nô Bạch Cổ)
Công án nói về cơ duyên về những lời dạy của Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện. Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển VIII, một hôm Thiền sư Nam Tuyền thượng đường dạy chúng, nói: "Chư Phật ba đời không biết mà ly nô bạch cổ (mèo nhà trâu trắng) lại biết".

2) Nam Tuyền Bái Trung Quốc Sư
Theo thí dụ thứ 69 của Bích Nham Lục. Nam Tuyền, Quy Tông và Ma Cốc đến tham bái Nam Dương quốc sư Huệ Trung. Sư ở trên đường, vẽ một vòng tròn nói:
- Nói được mới đi.
Tông liền vào trong vòng tròn mà ngồi, còn Cốc lễ bái cung kính như nữ nhân. Sư nói:
- Như thế là không đi đâu ?
Tông nói:
- Là tâm hạnh gì ?
Sư bèn kêu cùng quay lại không đến tham bái quốc sư Trung.
(Huyền Giác nói:
- Như Nam Tuyền nói thế, là ưng nói hay không ưng nói ?
Vân Cư Tích nói:
- Định đến lễ bái quốc sư tại sao Nam Tuyền lại bảo quay về. Hãy nói coi ý người xưa là thế nào ?).

3) Nam Tuyền: Bình Thường Tâm Thị Đạo
Trong Vô Môn Quan 19, nói về tình tiết đưa đến giác ngộ của người tuổi trẻ Triệu Châu lúc 18 tuổi trong cuộc vấn đáp với ông. Một hôm, Triệu Châu hỏi Nam Tuyền:
- Thế nào là Đạo?
Nam Tuyền đáp:
- Bình thường tâm thị đạo.
Triệu Châu lại hỏi:
- Con có thể tự mình đến thẳng đó hay không?
Nam Tuyền nói:
- Nghĩ đến là đã đi ngược lại với sự tu tập của chính mình.
Triệu Châu tiếp:
- Nếu không nghĩ đến thì làm sao biết đó là Đạo?
Nam Tuyền nói:
- Đạo không thuộc chuyện biết hay không biết. Biết là ảo vọng, không biết là sự trống không. Nếu quả thật ông đến được Đạo, bấy giờ cũng như thái hư, trống không bao la. Làm sao có thể bàn luận phải trái được?
Với những lời này, Triệu Châu liền ngộ.

4) Nam Tuyền Liêm Tử: Nam Tuyền: Cái Liềm
Công án nói về cơ duyên vấn đáp giữa Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện và một vị Tăng. Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển VIII, một hôm, Thiền sư Nam Tuyền đang cắt cỏ trên núi, có một vị Tăng hành cước đến hỏi ngài rằng:
- Đường lộ Nam Tuyền này đi về nơi đâu ?
Sư đưa cây liềm lên nói:
- Cây liềm này của ta, ba mươi tiền mua được đấy.
Nói:
- Không hỏi cây liềm, chỉ hỏi đường lộ Nam Tuyền đi về đâu ?5Trong Hoa ngữ, từ ngữ này cũng có nghĩa là "Đường Nam Tuyền"

Sư nói:
- Ta sử dụng chính xác đấy.

5) Nam Tuyền Ngoạn Nguyệt

Công án nói về cơ duyên vấn đáp giữa Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện và Triệu Châu Tòng Thẩm. Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển VIII, một tối Sư đang ngắm trăng, Triệu Châu hỏi:
- Bao giờ thì được như cái ấy đi ?
Sư nói:
- Vương lão sư ta 20 năm trước, cũng như thế lại.
Hỏi:
- Sư nay làm thế nào ?
Sư liền về phương trượng.

6) Nam Tuyền Như Mộng

Thí dụ thứ 40 của Bích Nham Lục. Lục Hoàn Đại Phu cùng nói chuyện với Nam Tuyền.
Đại phu Lục Hoàn nói với Sư:
- Triệu pháp sư kể cũng kỳ quá, giảng rằng trời đất cùng ta cùng gốc, vạn vật cùng ta một thể.
Sư chỉ hoa mẫu đơn trước sân nói:
- Đại phu ! Người đời thấy một cây hoa như là mộng tưởng.
Lục không hiểu gì cả, lại hỏi:
- Thiên Vương ở cương vị nào ?
Sư nói:
- Nếu là Thiên Vương thì không có địa vị.
Hỏi:
- Đệ tử nghe nói thì Thiên Vương ở sơ địa.
Sư nói:
- Nếu phải vì thân Thiên Vương mà đắc độ, tức hiện thân Thiên Vương mà vì đó thuyết pháp.

7) Nam Tuyền Pháp Vô Thuyết
Thí dụ thứ 28 của Bích Nham Lục. Nam Tuyền đến tham vấn Hòa Thượng Niết Bàn ở núi Bách Trượng. Bách Trượng hỏi:
- Từ trước chư Thánh lại có pháp chẳng vì người nói chăng?
Nam Tuyền đáp:
- Có.
Bách Trượng hỏi:
- Thế nào là pháp chẳng vì người nói?
Nam Tuyền đáp:
- Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật.
Bách Trượng bảo:
- Nói rồi vậy.
Nam Tuyền hỏi:
- Con chỉ thế ấy, Hòa Thượng thế nào?
Bách Trượng bảo:
- Ta chẳng phải đại thiện tri thức, đâu biết có nói chẳng nói.
Nam Tuyền thưa:
- Con chẳng hội.
Bách trượng bảo:
- Ta vì ông mà nói rất nhiều rồi.

8) Nam Tuyền Thạch Phật
Công án nói về cơ duyên vấn đáp giữa Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện và Lục Hoàn. Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển VIII, một hôm Lục Hoàn đại phu, một trong những đệ tử xuất sắc nhất của Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện, hỏi Thầy rằng:
- Trong nhà đệ tử có một phiến đá mà có lúc chúng con đứng trên đó; có lúc chúng con ngồi trên đó. Bây giờ có thể khắc phiến đá đó để làm tượng Phật được không?
Nam Tuyền nói:
- Được! Được!
Lục Hoàn lại hỏi:
- Nhưng làm như vậy làm sao được?

Nam Tuyền nói:
- Không được! Không được!

9) Nam Tuyền: Thốn Ti Bất Quải: Chẳng dính một tất tơ
Công án nói về cơ duyên vấn đáp giữa Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện và Lục Hằng Đại Phu. Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển VIII, một hôm Lục Hoàn nói với sư:
- Đệ tử cũng hiểu cạn pháp Phật.
Sư liền hỏi:
- Đại phu trong mười hai thời làm gì ?
Hoàn nói:
- Tâm chẳng nhiễm chút trần (Thốn ty bất quải6Tấc tơ không đeo mang).
Sư nói:
- Vẫn còn là kẻ ở bậc thấp.
Sư lại nói:
- Há chẳng nghe nói, quân vương hữu đạo không thu nạp bề tôi hữu trí.

10) Nam Tuyền Trảm Miêu
Vô Môn Quan. Thí dụ 14 nói về Nam Tuyền chém mèo.
Sư nhân hai đường đông tây giành nhau một con mèo, sư bắt gặp nói với chúng rằng:
- Nói đúng đạo lý thì cứu lấy con mèo, còn nói không được thì chặt chết con mèo đấy.
Chúng Tăng đều ngơ ngác không nói được. Sư liền chém con mèo. Triệu Châu từ ngoài trở về, sư bèn lập lại y lời ban nãy để khải thị. Châu bèn tháo dép để lên đầu mà đi.
Sư nói:
- Nếu có ông tại đó thì đã cứu được con mèo rồi.

---o0o---

Nam Tuyền Sơn
南 泉 山. Núi nằm ở huyện Quý Trì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Vào đời Đường, Thiền tăng Phổ Nguyện tham vấn nơi Mã Tổ Đạo Nhất; sau khi đắc pháp sư trụ núi này, hơn 30 năm chưa từng xuống núi. Về sau, nhận lời mời của Thái thú Tiền Trì Dương là Lục Công Thần, Hộ quân Bành thành là Lưu Công, sư xuống núi xiển dương tông phong, tăng tục tụ hội, số chúng thường theo sư khoảng vài trăm người.

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.