Additional Info
(大珠慧海, Daiju Ekai, ?-?): Thiền sư Đại Châu Huệ Hải ở Việt Châu là người Kiến Châu (建州, Phúc Kiến), người đời thường gọi là Đại Châu Hòa Thượng (大珠 和尚), họ Chu, từ thuở bé đã theo Đạo Trí Pháp Sư (大智法師) chùa Đại Vân (大雲寺) ở Việt Châu (越州, Thiệu Hưng, Triết Giang) xuất gia. Ban đầu học chuyên học kinh luận, có chỗ sở ngộ; sau đi tham vấn các nơi, về sau đến Giang Tây tham kiến Mã Tổ Đạo Nhất (馬祖道一). Tổ hỏi:
- Từ nơi nào đến ?
Sư đáp:
- Từ chùa Đại Vân Việt Châu đến.
Tổ hỏi:
- Đến đây định làm việc gì ?
Sư đáp:
- Đến cầu pháp Phật.
Tổ nói:
- Tự mình trong nhà có kho báu mà không trân quí lại bỏ nhà đi lang thang khắp xứ bên ngoài kiếm tìm, thế là thế nào? Ta nơi đây bất cứ vật gì cũng không có, có đâu pháp Phật mà ông đến tìm.
Sư bèn hướng Tổ hành lễ hỏi:
- Thưa sư phụ, cái gì là kho báu của nhà con ?
Tổ đáp:
- Cái kẻ đang đứng trước ta hỏi han chính là kho báu của nhà ông đó. Nó vốn tự có đầy đủ, muốn có là có, lại tự tại vô ngại, ông cần gì phải khốn khổ tìm cầu bên ngoài.
Sư nghe Mã Tổ khai thị đốn ngộ tự tâm vốn có kho báu vô cùng, bèn vui mừng nhảy cửng lễ tạ Mã Tổ.
Sư tại Giang Tây thờ Tổ làm thầy trong 6 năm. Sau đó nhân vì ân sư mà mình thụ nghiệp trước đây đã già cần phải về phụng dưỡng nên chẳng thể chẳng từ biệt Mã Tổ. Sau khi trở về Việt Châu, sư che giấu tung tích, khả năng, bề ngoài si ngốc, tự soạn sách “Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận (頓悟入道要門論)” một quyển, bị sư cháu trong pháp môn là Huyền Yến trộm lấy đem ra khỏi Chiết Giang (Thiệu Hưng), qua Giang Tây trình cho Mã Tổ. Mã Tổ đọc xong nói với đại chúng rằng:
- Việt Châu có viên châu lớn tròn sáng chiếu diệu, pháp nhãn tự tại, chẳng che lấp, chẳng ngăn ngại.
Trong chúng có người biết sư họ Châu, do vậy nức lòng muốn biết, kết bạn đến Việt Châu tìm Huệ Hải, theo sư mà tham Thiền (Nhân lời Mã Tổ nói, người bấy giờ gọi Sư là Hòa thượng Đại Châu-大珠).. Sư đối với các người tìm đến tham Thiền nói:
- Này các vị Thiền khách, ta không rành Thiền, lại cũng chẳng có pháp gì để chỉ dạy cho các vị, cho nên các vị không cần phải lưu lại lâu chốn này làm chi cho hao tâm tổn thần, các vị nên đi về nghỉ thôi.
Tuy sư buông lời nói như thế, nhưng thấy kẻ đến học càng lúc càng nhiều nên bất đắc dĩ phải đại khai Thiền môn. Người học ngày đêm tìm hiểu chỗ rốt ráo, sư tùy theo chỗ hỏi mà trả lời, biện tài vô ngại (Có quyển chép riêng trong Quảng Ngữ).
*
Lúc ấy có vài vị pháp sư đến tham yết thiền sư Huệ Hải hỏi rằng:
- Chúng tôi nghĩ đưa ra một vài vấn đề, thiền sư có rộng lòng chỉ giáo chăng?
Sư đáp:
- Bóng trăng dưới đầm sâu mặc tình cho người vờn nắm.
Pháp sư hỏi:
- Cái gì là Phật ?
Sư đáp:
- Đầm trong đối mặt, không phải Phật thì là ai ?
Thiền chúng nghe vậy đều hoang mang không biết đâu mà rờ. Sau đó một lúc, Pháp sư kia lại hỏi:
- Thiền sư dùng pháp môn nào để độ người ?
Sư đáp:
- Bần tăng chưa từng dùng một pháp môn nào để mà độ người.
Pháp sư kia lại nói:
- Các Thiền sư đều như thế cả.
Sư hỏi lại:
- Đại đức thuyết pháp môn gì để độ người ?
Pháp sư ấy đáp:
- Giảng kinh Kim Cang Bát Nhã.
Sư hỏi:
- Giảng được bao nhiêu tòa rồi ?
Pháp sư nọ đáp:
- Giảng hơn hai mươi tòa.
Sư hỏi:
- Kinh ấy nguyên do ai nói vậy ?
Pháp sư nọ có phần bất mãn to tiếng nói:
- Thiền sư đừng có đùa bỡn. Ngài há chẳng biết kinh này vốn do Như Lai nói đó sao ?
Sư nói:
- Nếu giảng Như Lai có nói pháp nào thì là phỉ báng Phật cùng là chẳng lý giải chân đế mà Phật đã thuyết pháp. Còn nếu nói kinh này không phải do Như Lai nói thì lại là phỉ báng kinh. Xin đại đức người hãy giải thích xem nào !
Pháp sư kia không thể giải thích. Lát sau, sư lại hỏi:
- Trong kinh nói “Nếu kẻ nào lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh tìm ta, thì kẻ đó đã đi chệch đường không thể thấy Như Lai” ông thử nói xem cái gì là Như Lai ?
Pháp sư đó nói:
- Tới lúc này, tôi bỗng mê lầm rồi.
Sư nói:
- Từ trước đến giờ có khi nào ông giác ngộ đâu mà nay bảo là giờ bỗng mê lầm ?
Pháp sư nọ nói:
- Xin thiền sư chỉ cho bến mê.
Sư nói:
- Ông có thể giảng hơn 20 tòa kinh mà không thể biết mặt mũi của Như Lai.
Pháp sư ấy lại lễ bái thiền sư Huệ Hải nói:
- Khẩn cầu thiền sư khai thị cho.
Sư nói:
- Cái gọi là Như Lai tức ý nghĩa như như của các pháp, tại sao lại quên mất không nhớ ?
Pháp sư nọ nói:
- Không sai, đúng là ý nghĩa như như của các pháp.
Sư nói:
- Cái mà ông nói là đúng lại cũng không đúng,
Pháp sư nói:
- Kinh văn rành rành như thế, sao lại là không đúng ?
Sư hỏi:
- Ông như như chăng ?
Pháp sư đáp:
- Như như.
Sư lại hỏi:
- Cây đá như như chăng ?
Pháp sư đáp:
- Cũng như như.
Sư hỏi:
- Cái như như của ông có giống với cái như như của cây đá chăng ?
Pháp sư đáp:
- Không có hai dạng.
Sư nói:
- Vậy thì đại đức cùng với cục đá, khúc cây có gì khác nhau đâu ?
Pháp sư đớ lưỡi không nói nên lời. Lát sau đó pháp sư lại hỏi:
- Phải tu hành như thế nào mới đắc đại Niết Bàn ?
Sư đáp:
- Không tạo nghiệp sanh tử.
Pháp sư hỏi:
- Thế nào là nghiệp sanh tử ?
- Cầu đại Niết Bàn là nghiệp sanh tử, bỏ dơ chọn sạch là nghiệp sanh tử, có đắc có chứng cũng là nghiệp sanh tử, không siêu thoát pháp môn nhị nguyên đối đãi cũng là nghiệp sanh tử.
Pháp sư lại hỏi:
- Phải tu hành như thế nào mới được giải thoát ?
Sư nói:
- Vốn không trói buộc, cần gì cầu giải thoát. Trong cuộc sống bình thường, cứ làm ngay nói thẳng, tự nhiên chẳng có gì trói buộc cả.
Tới đây pháp sư nói:
- Như hòa thượng Thiền sư đây mới gọi là hiếm có.
Nói đoạn lễ tạ ra đi.
*
Có hành giả (cư sĩ) hỏi:
- Tâm ấy là Phật, cái nào là Phật ?
- Ông nghĩ cái nào không phải là Phật chỉ ra coi.
Hành giả tắt họng. Sư nói:
- Hễ đạt thì toàn cảnh đều đúng, còn không ngộ thì mãi mãi ngăn ngại.
*
Có Luật sư Pháp Minh nói với sư rằng:
- Các thiền sư phần nhiều rơi vào chấp không.
Sư nói:
- Chính tọa chủ các ông mới phần nhiều rơi vào chấp không.
Pháp Minh kinh ngạc quá đỗi nói:
- Sao mà phải rơi vào chấp không ?
Sư nói:
- Kinh luận là giấy mực chữ nghĩa. Giấy mực chữ nghĩa đều không. Nếu căn cứ nơi âm thanh mà kiến lập danh cú các pháp thì chẳng khỏi chẳng không. Tọa chủ chấp trước nơi giấy mực chữ nghĩa của giáo thể mà không ngộ tự tánh thì há chẳng rơi vào chấp không ru ?
Pháp Minh nói:
- Thiền sư có rơi vào chấp không chăng ?
Sư nói:
- Không rơi vào chấp không.
Tọa chủ Pháp Minh nói:
- Vì sao mà không rơi vào không ?
Sư nói:
- Chữ nghĩa đều do từ trí tuệ mà sinh ra. (Thiền sư) chỉ đắc cơ mà đại hiển dụng hiện tiền thì làm sao mà rơi vào chấp không được ?
Pháp Minh nói:
- Cho nên mới biết một pháp chẳng đạt thì không gọi là tất đạt.
Sư nói:
- Luật sư không chỉ rơi vào không mà còn dùng lầm cả lời lẽ.
Pháp Minh nghiêm mặt nói:
- Lầm chỗ nào đâu ?
Luật sư chưa rành tiếng Hoa và Tây Trúc thì giảng nói thế nào được ?
Pháp Minh nói:
- Xin sư chỉ ra chỗ nhầm lẫn của Pháp Minh.
Sư nói:
- Há không biết “Tất đạt”là tiếng Phạn sao ?
Luật sư tuy có tỉnh ra nhưng lòng còn nóng giận nên lại hỏi:
- Này Kinh, Luật, Luận đều là lời Phật. Đọc tụng, y theo giáo nghĩa rồi phụng hành sao lại chẳng thấy tánh ?
Sư nói:
- Kinh, Luật, Luận bất quá là hiển dụng của tự tánh, còn đọc tụng, y giáo mà phụng hành là pháp của tự tánh, như con chó điên chạy theo cục thịt, con sư tử gầm ghè người thường, ấy là bỏ gốc mà chạy theo ngọn vậy.
Sư lại nói:
- Như con chó điên chạy theo cục thịt, như con sư tử gầm ghè người. Kinh, luật, luận là dụng của tự tánh. Kẻ đọc tụng là pháp của tự tánh.
Pháp Minh lại hỏi:
- Phật A-di-đà có cha mẹ cùng họ không ?
Sư nói:
- Đức A-di-đà họ Kiều Thi Ca, cha tên Nguyệt Thượng, mẹ tên Thù Thắng Diệu Nhan.
Pháp Minh hỏi:
- Điều này rút ra từ sách vở nào vậy ?
Sư nói:
- Rút ra từ Đà-ra-ni tập.
Pháp Minh lễ tạ tán thán mà lui ra.
*
Có Pháp sư Tam Tạng đến hỏi:
- Chân như Phật tánh có biến đổi chăng ?
Sư đáp:
- Có biến đổi đấy !
Tam Tạng nói:
- Thiền sư ngài lầm rồi !
Sư bèn hỏi Tam Tạng:
- Có chân như không ?
Đáp:
- Có.
Sư nói:
- Như quả nói không có biến đổi chấp kẹt nơi Phật pháp thì đúng là phàm tăng tầm thường không còn nghi ngờ gì nữa. Tam tạng há chẳng nghe bậc thiện tri thức có thể khiến ba độc biến thành tam tựu tịnh giới, có thể khiến lục thức của người phàm biến thành lục thần thông, có thể biến phiền não thành Bồ-đề, có thể khiến vô minh biến thành đại trí chân như. Nếu quả không có biến đổi thì Tam Tạng đây chính thị là tự nhiên ngoại đạo.
Tam Tạng nói:
- Nếu quả như lời ngài nói thì chân như có biến đổi vậy !
Sư nói:
- Nếu như ông chấp ở điểm chân như có biến đổi thì đó cũng lại là ngoại đạo.
Tam Tạng nói:
- Thiền sư vừa mới bảo chân như có biến đổi, giờ đây lại nói không biến đổi thì có tiêu chuẩn đúng sai gì đâu, thế thì dạy người làm sao theo đây ?
- Nếu quả như hiểu rành ý kiến tánh thì giống như ánh sáng chiếu xuyên suốt của ngọc báu ma-ni, nói thay đổi cũng được, mà nói không biến đổi cũng được. Như quả ông là người không có kiến tánh thì khi nghe nói chân như có biến đổi liền đem biến đổi để giải lý, còn nghe nói không biến đổi thì đem không biến đổi mà lý giải.
Tam Tạng tán thán nói:
- Tông chỉ của Nam Tông đúng là biến ảo khôn lường, chẳng thể nghĩ bàn.
*
Có đạo sĩhỏi:
- Thế gian còn có pháp nào vượt qua tự nhiên không ?
Sư đáp:
- Có chứ.
Đạo sĩ hỏi:
- Đó là pháp gì vậy ?
Sư nói:
- Đó là người có thể biết được tự nhiên.
Đạo sĩ lại hỏi:
- Nguyên khí có phải là đạo chăng ?
Sư đáp:
- Nguyên khí là nguyên khí, còn đạo là đạo.
Đạo sĩ nói:
- Nếu như thế thì nên có hai.
Sư nói:
- Nếu biết thì không có hai người.
Đạo sĩ lại hỏi:
- Thế nào là tà, thế nào là chánh ?
Sư đáp:
- Tâm chạy theo vật mà tìm kiếm là tà, vật theo tâm mà chuyển gọi là chánh.
*
Có Luật sư Nguyên cũng đến tham kiến sư hỏi:
- Hòa thượng tu đạo, nên hay không nên dụng công ?
Sư đáp:
- Dĩ nhiên là cần dụng công.
Luật sư hỏi:
- Dụng công như thế nào ?
Sư đáp:
- Hễ đói thì ăn uống, còn mệt thì ngủ nghỉ.
Luật sư Nguyên không hiểu hỏi:
- Ai cũng đều đói ăn, mệt ngủ. Họ cũng giống như Hòa thượng thôi, và như vậy là cũng dụng công tu hành đó sao ?
Sư nói:
- Không giống. Tình huống của người bình thường là khi ăn cơm chẳng chịu ăn cơm vì bận suy nghĩ trăm mối, khi ngủ không chuyên tâm ngủ vì còn tính toán trăm việc.
Luật sư tắt họng không còn hỏi nữa.
*
Có vị đại đức tên Uẩn Quang hỏi thiền sư Huệ Hải:
- Thiền sư có biết nơi mình sinh ra không ?
Sư đáp:
- Chưa từng chết thì cần gì luận sanh. Biết sanh tức là biết vô sanh.
Không có pháp ly khai sanh để mà nói có hay không sanh. Tổ sư nói:
“Đương sanh tức không sanh”.
Đại đức lại hỏi:
- Người không có kiến tánh lại cũng có thể như thế chăng ?
Sư đáp:
- Tự mình không kiến tánh, chớ không phải chẳng có tánh. Tại sao vậy ? Kiến đó là tánh, vô tánh thì không thể kiến. Thức tức là tánh cho nên gọi là thức tánh. Liễu tức là tánh cho nên gọi là liễu tánh. Có thể sanh vạn pháp, gọi là pháp tánh, cũng còn gọi là Pháp thân. Tổ sư Mã Minh nói: “Cái gọi là pháp, chính là tâm chúng sanh. Nếu tâm sanh thì nhất thiết pháp sanh. Nếu tâm không sanh thì các pháp không nương
theo mà sanh, cũng không có danh tự”. Người mê không biết Pháp thân vô tướng, ứng theo vật mà hiện hình, bèn cho rằng: “Xanh xanh trúc biếc thảy là Pháp thân; rỡ rỡ cúc vàng chẳng phải chẳng Bồ-đề”. Cúc vàng nếu là Bát-nhã thì Bát-nhã đồng với vô tình. Trúc biếc nếu là Pháp thân thì Pháp thân tức cây cỏ. Nếu thế thì người ta ăn măng tức là ăn Pháp thân rồi vậy. Lời lẽ như thế há đáng nói năng, ghi chép sao ? Giáp mặt mà mê Phật, bao kiếp hy cầu. Trong toàn thể pháp, mê mà tìm ngoài. Cho nên người hiểu đạo thì đi, đứng, nằm, ngồi đều chẳng không là đạo. Người ngộ pháp ngang dọc tự tại mà không chẳng là pháp.
Đại đức lại hỏi:
- Thái hư có thể sanh được linh trí không ?
Chân tâm phan duyên nơi lành dữ chăng ?
Kẻ xúc cảnh sanh tâm có định không ?
Người trụ chốn tịch mịch có huệ không ?
Kẻ hoài ngạo vật có ngã không ?
Kẻ chấp có, chấp không có trí không ?
Kẻ tìm văn thủ chứng, kẻ khổ hạnh cầu Phật, kẻ rời tâm cầu Phật, kẻ chấp tâm là Phật, các loại người như thế có xứng với đạo không ? Thỉnh thiền sư nhất nhất nói giảng cho.
Sư nói:
- Thái hư không sanh linh trí.
Chân tâm không phan duyên lành dữ.
Người tham dục quá đáng thì căn cơ nông cạn.
Kẻ phải trái giao tranh thì chưa thông.
Kẻ gặp cảnh sanh tâm kém định.
Kẻ tịch mịch vong cơ thì huệ trầm.
Kẻ ngạo vật cống cao thì cái ngã mạnh tợn.
Kẻ chấp có, chấp không đều là ngu.
Kẻ tìm văn, thủ chứng càng thêm trệ kẹt.
Kẻ khổ hạnh cầu Phật càng thêm mê.
Kẻ rời tâm cầu Phật thì là ngoại đạo. Kẻ chấp tâm là Phật ấy là ma vậy.
Đại đức nói:
- Nếu mà như thế thì rốt lại chẳng có gì cả ?
Sư nói:
- Rốt lại là đại đức đó, chứ không phải rốt lại không có gì cả.
Đại đức hồ hởi nhảy cỡn ra đi.
*
Tọa chủ giảng kinh Duy-ma-cật hỏi:
- Kinh nói: “Lục sư v.v... ngoại đạo kia là thầy của ngươi, nhân kia xuất gia, thầy kia bị đọa ngươi cũng theo đó mà đọa. Người thí cho ngươi chẳng gọi phước điền, cúng dường cho ngươi đọa trong ba đường ác. Chê Phật, hủy Pháp, chẳng vào chúng số, trọn chẳng được diệt độ. Ngươi nếu như thế mới nên nhận thức ăn.” (kinh Duy-ma) Thỉnh Thiền sư vì giải thích.
Sư đáp:
- Người mê chạy theo sáu căn gọi là lục sư, ngoài tâm cầu Phật gọi là ngoại đạo, thấy có vật để thí chẳng gọi phước điền, sanh tâm nhận cúng dường đọa ba đường ác. Người nếu hay chê bai Phật là chẳng dám cầu Phật, hủy báng pháp là chẳng dám cầu Pháp, chẳng vào chúng số là chẳng dám cầu Tăng, trọn chẳng được diệt độ là trí dụng hiện tiền. Nếu có người hay hiểu như thế liền được thức ăn thiền duyệt pháp hỉ.
*
Tọa chủ hỏi:
- Kinh Bát-nhã nói: “Độ chín loài chúng sanh đều vào vô dư Niết-bàn”, lại nói: “Thật không chúng sanh được diệt độ”. Hai đoạn văn kinh này làm sao hội thông?. Người xưa nay đều nói “thật độ chúng sanh mà chẳng nhận tướng chúng sanh”. Tôi còn nghi chưa giải quyết, thỉnh Thiền sư vì giải thích.
- Chín loài chúng sanh trong một thân đầy đủ, tùy tạo tùy hành: vô minh là noãn sanh (sanh bằng trứng), ôm ấp phiền não ở trong là thai sanh (sanh bằng bào thai), nước ái thấm ướt là thấp sanh (sanh chỗ ẩm ướt), nóng nảy khởi phiền não là hóa sanh (từ loài này hóa sanh loài khác). Ngộ tức là Phật, mê gọi là chúng sanh. Bồ-tát chỉ lấy tâm sanh niệm niệm làm chúng sanh, nếu rõ tâm ở trên bản tế (nguồn tâm) của mình mà độ lúc chưa hiện bày, chưa hiện bày đều không, tức biết thật không có chúng sanh được diệt độ.
*
Sư thượng đường dạy:
- Các ngươi may mắn tự khéo giữ cái vô sự. Kẻ nhọc nhằn tạo tác là mang cùm sa ngục chớ gì?. Mỗi ngày từ sáng đến tối bôn ba nói: “Ta tham thiền học đạo, hiểu thấu Phật pháp”. Như thế càng không dính dáng gì, chỉ chạy theo thanh sắc, biết khi nào dứt. Bần đạo đến tham vấn Hòa thượng ở Giang Tây (Mã Tổ), Hòa thượng dạy: “Kho báu nhà của ngươi đầy đủ tất cả, sử dụng tự tại chẳng nhờ cầu bên ngoài.” Bần đạo từ đây thảy thôi, của báu của mình tùy thân thọ dụng, có thể nói sống thích thú, không một pháp có thể thủ, không một pháp có thể xả, chẳng thấy một pháp tướng sanh diệt, chẳng thấy một vật tướng qua lại, khắp mười phương thế giới không có bằng hạt bụi mà chẳng phải của báu nhà mình. Chỉ tự quan sát kỹ càng, tâm mình một thể Tam Bảo, thường tự hiện trước, không thể nghi ngờ. Chớ suy xét, chớ tìm kiếm, tâm tánh xưa nay thanh tịnh. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt, nếu hay hiểu như thế, chư Phật thường hiện tiền.” Kinh Tịnh Danh nói: “Quán thân thật tướng, quán Phật cũng vậy”. Nếu chẳng theo thanh sắc mà động niệm, chẳng theo tướng mạo mà sanh hiểu, tự nhiên vô sự.
Đi! Chớ đứng lâu. Trân trọng!
Hôm nay đại chúng nhóm họp mãi không giải tán.
Sư hỏi:
- Các ngươi vì cớ sao ở đây mãi không đi? Bần đạo đã đối diện trình nhau, lại chịu thôi chăng? Có việc gì khả nghi? Chớ lầm dụng tâm uổng phí khí lực. Nếu có nghi ngờ, các ngươi tùy ý thưa hỏi.
Có vị Tăng hỏi:
- Thế nào là Phật? Thế nào là Pháp? Thế nào là Tăng? Thế nào là một thể Tam Bảo?
Sư đáp:
- Tâm là Phật, chẳng cần đem Phật cầu Phật, tâm là Pháp, chẳng cần đem pháp cầu pháp, Phật Pháp hòa hợp không hai là Tăng, tức là một thể Tam Bảo. Kinh nói: “Tâm, Phật, Chúng sanh cả ba không khác.” Thân khẩu ý thanh tịnh gọi là Phật ra đời, ba nghiệp thanh tịnh gọi là Phật diệt độ. Dụ như khi giận thì không vui, khi vui thì không giận. Chỉ là một tâm, thật không hai thể. Bản trí sẵn vậy, vô lậu hiện tiền, như rắn hóa thành rồng không đổi vảy, chúng sanh hồi tâm thành Phật chẳng đổi mặt. Tánh vốn thanh tịnh chẳng đợi tu hành, có chứng có tu tức đồng người tăng thượng mạn. Chân không chẳng kẹt, ứng dụng không cùng, không thủy không chung. Người lợi căn đốn ngộ dụng không thứ bực, tức là A-nậu-bồ-đề ( Vô thượng chánh giác). Tâm không hình tướng tức là Sắc thân vi diệu. Không tướng là thật tướng pháp thân. Thể tánh tướng đều không tức là thân hư không vô biên. Muôn hạnh trang nghiêm tức là công đức Pháp thân. Pháp thân này là gốc của muôn hóa, tùy chỗ đặt tên: trí dụng không hết gọi là Vô tận tạng (kho không hết), hay sanh muôn pháp gọi là Bản pháp tạng (kho gốc các pháp), đủ tất cả trí gọi là Trí tuệ tạng (kho trí tuệ), muôn pháp về như gọi là Như lai tạng (kho như lai). Kinh nói: “Như Lai đó, tức nghĩa như của các pháp”, lại nói: “Tất cả pháp sanh diệt thế gian, không có một pháp chẳng về như.”
Sư thọ bao nhiêu tuổi, tịch lúc nào và nơi nào, chẳng thấy ở đâu ghi.
*
Công Án
1) Tuyệt Đối Tịnh: Theo quyển Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận, một hôm, có một vị Tăng hỏi Thiền sư Đại Châu Huệ Hải:
- Theo Kinh Duy Ma Cật, hành giả muốn được tịnh độ nên tịnh tâm mình; nhưng thế nào là tịnh tâm?
Đại Châu Huệ Hải đáp:
- Khi tâm của ông tịnh một cách tuyệt đối, đó là tịnh tâm.
Vị Tăng lại hỏi:
- Thế nào là tịnh một cách tuyệt đối?
Đại Châu Huệ Hải đáp:
- Cái tâm tuyệt đối tịnh khi nó vượt lên trên tịnh và vô tịnh. Ông có muốn biết làm cách nào để được cái tâm này hay không?. Trong mọi hoàn cảnh hãy để cho tâm ông hoàn toàn trống rỗng (chỗ nào cũng vô tâm) là tịnh. Nhưng khi được tịnh rồi không được ôm ấp cái ý nghĩ tịnh ấy. Khi ông vô tịnh, cũng không nên ôm ấp cái ý nghĩ vô tịnh ấy"
2) Vô Tâm Dụng, Vô Đạo Tu: Theo quyển Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận (của Thiền sư Đại Châu Huệ Hải), một hôm Đạo Quang, một triết gia Phật giáo, một đệ tử của phái Duy Thức đến hỏi Thiền sư Đại Châu Huệ Hải:
- Hành giả dùng cái tâm nào để tu đạo?
Đại Châu Huệ Hải đáp:
- Lão Tăng không có tâm để dùng, không có đạo để tu.
Đạo Quang hỏi:
- Đã không có tâm để dùng và không có đạo để tu, cớ sao mỗi ngày Hòa Thượng họp chúng khuyên người học Thiền tu đạo?
Đại Châu Huệ Hải đáp:
- Lão Tăng còn không có lấy một miếng đất, chỗ nào đệ tập họp chúng đây?. Lão Tăng không có lưỡi, từng khuyên người làm sao được?
Đạo Quang nói:
- Thiền sư đang vọng ngữ đấy.
Đại Châu Huệ Hải đáp:
- Lão Tăng còn không có lưỡi để khuyên người, làm sao vọng ngữ?
Đạo Quang nói trong tuyệt vọng:
- Con không hiểu điều Thầy nói
Đại Châu Huệ Hải kết luận:
- Chính lão Tăng đây cũng không hiểu mình
|