TS Huyền Sa Sư Bị

Personal Information

Danh Tánh
TS Huyền Sa Sư Bị
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

ĐẠI SƯ TÔNG NHẤT HUYỀN SA SƯ BỊ PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ SÁU của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của TUYẾT PHONG NGHĨA TỒN

Sư pháp danh Sư Bị, người huyện Mân Phước Châu họ Tạ.

Lúc tuổi trẻ sư thích câu cá, thường thả một chiếc thuyền câu bé tẻo teo trên sông Nam Đài, vui đùa cùng bạn câu. Buổi đầu niên hiệu Đường Hàm Thông, sư lúc đó vừa được 30 tuổi, bỗng mộ xuất trần, bèn bỏ thuyền câu đến đầu bôn Thiền sư Linh Huấn núi Phù Dung xuống tóc, sau đó đến thọ giới cụ túc với Luật sư Đạo Huyền tại chùa Khai Nguyên ở Dự Chương. Sư mặc áo vải giày gai, ăn chỉ vừa đủ sống, thường suốt ngày ngồi im lìm, mọi người đều kinh dị. Sư cùng với Tuyết Phong Nghĩa Tồn theo vai vế trong pháp môn là bạn bè, nhưng thân gần như nghĩa thầy trò. Tuyết Phong nhân sư tu khổ hạnh nên gọi là đầu-đà.

Một bữa nọ, Tuyêt Phong hỏi rằng:

- Cái gì là Bị đầu-đà?

Sư đáp:

- Rốt cùng không dám dối gạt người.

*

Ngày khác, Tuyết Phong gọi sư đến nói:

- Bị đầu-đà sao không đi khắp Thiền lâm?

Sư đáp:

- Sơ Tổ Đạt Ma không đến Đông Độ, Nhị Tổ Huệ Khả không đến Tây Thiên.

Tuyết Phong cho là phải, kịp khi lên núi Tượng Cốt đã cùng chung sức xây dựng, huyền đồ kéo đến đông dầy. Sớm tối vào thất thưa hỏi chỉ quyết không suy siển. Sư lại duyệt đọc kinh Lăng Già, phát minh tâm địa, do đó mà ứng cơ thật lanh lẹ, cùng với kinh Tu-đa-la thầm khế hiệp. Người học đạo huyền khắp nơi có gì chưa quyết được đều đến thỉnh ích, thậm chí bị Hòa thượng Tuyết Phong cật vấn, sư cũng ứng đối chẳng nhường bước. Tuyết Phong nói:

- Bị đầu-đà là người kiếp trước tu hành tái sanh đấy !

*

Một ngày kia, Tuyết Phong thượng đường nói:

- Nếu muốn biết việc này thì do như gương xưa đưa lên đài vậy. Hồ đến thì Hồ hiện, Hán đến thì Hán hiện.

Sư bước ra nói:

- Nếu gặp lúc gương sáng bị vỡ thì làm sao?

Tuyết Phong nói:

- Hồ, Hán đều ẩn mất cả.

Sư nói:

- Lão Hòa thượng gót chân còn chưa chấm đất!

Chú: Nguyên văn ‘Cước căn bất điểm địa’, tức gót chân chưa chấm đất, hàm ý chỉ chưa triệt ngộ.

*

Sư thượng đường im lặng rất lâu, đại chúng nghĩ là không thuyết pháp nên cùng lúc quay về tăng đường. Sư bèn quát mắng:

- Hãy xem coi ! Chỉ là một thứ mà thôi, chẳng có một móng nào có trí tuệ, mà chỉ là lo nhìn lão tăng mấp máy hai vành môi là đều xông đến tìm kiếm lời lẽ, ý độ. Trong khi lão tăng đây chân thành vì họ, mà tất cả bọn họ nào có biết đâu. Hãy xem coi như thế thì thật khó thay, thật khó thay !

*

Sư có lúc nói:

- Này các Thiền đức ! Các vị đều là những người từng đi hành cước rồi mới đến đây, xưng mình tham Thiền, học đạo, là có điểm kỳ đặc, hay chỉ hỏi Đông, hỏi Tây như thế. Nếu có điều kỳ đặc hãy thử nêu ra xem, ta sẽ chứng minh đúng sai cho các vị. Ta đều biết cả. Có vậy không? Nếu không thì nên biết đó chỉ là bởi vì quí vị đã đến đây rồi, nên ta nay hỏi các vị: ‘Các vị có con mắt đạo không?’. Nếu có thì nay đây cần thức đắc. Có thức đắc không vậy? Nếu không hiểu biết thì gọi ta là người quá mù, quá điếc. Có đúng vậy không? Có đồng ý nói như thế chăng? Các vị Thiền đức cũng chớ có quá khuất tất mình, bởi vì quí vị thật ra chưa từng bao giờ là người như thế. Mười phương chư Phật nắm lấy quí vị đưa lên đỉnh trán mà chẳng dám thác ngộ lấy một phần nào. Chỉ nói là chuyện này duy có ta là biết được. Có lãnh hội không vậy? Như nay đây các kẻ thừa kế đều nói là mình thừa kế Thích Ca. Nhưng ta lại nói Thích Ca cùng với mình đồng tham. Các vị hỏi tham ai? Có lãnh hội không? Thật không dễ dúng gì biết được. Trừ phi đại ngộ mới hiểu biết được. Nếu sở ngộ còn hạn hẹp thì cũng chưa thể thấy. Các vị có hiểu biết đại ngộ không? Không thể các vị hướng về đầu lâu mà nhận chúng khám chiếu. Không thể là các vị nói không, nói có, nói bên này, nói bên kia, có pháp thế gian, có một cái không phải pháp thế gian.

Này các Thiền đức ! Hư không do từ mê vọng ảo sanh. Như nay đây mà đồng ý, thì nơi đâu có lời xưng thuyết đó? vẫn còn chưa có tin tức gì của hư không. Nơi đâu có tam giới nghiệp cha mẹ duyên sanh, cùng với quí vị thung lập trước sau. Như nay nếu nói không, thì là lời nói gạt dối, hà huống là có. Có biết không vậy? Là các vị lâu dài đi hành cước xưng rằng có chuyện giác ngộ. Ta nay hỏi các vị có biết trên tuyệt đỉnh núi cao nơi vắng ngắt không người còn có Phật pháp không? Có tài biện được không? Nếu biện biệt không được, rốt lại chẳng ra sao cả. Ta thường nói rằng: ‘Trước mặt ông tăng qua đời đều là gặp đâu cũng Bồ-đề. Muôn dặm thần quang đính hậu tướng. Nếu người thấy được, không hại chi ra khỏi âm giới ý tưởng trước đầu lâu của các vị đều đến. Chỉ do các vị nhân thể chân thật, nơi nào mà có một pháp giải mở che trùm quí vị. Có biết không vậy? Có tin không vậy? Có biết thừa đương không vậy? Phải hết sức cố gắng !

Sư lại nói:

- Ta nay hỏi các vị chứ thừa đương được cái gì? Tại thế giới nào mà an thân, lập mạng? Có biện biệt được không? Nếu mà biện biệt không được thì chỉ là nặn mắt tóe ra hoa đốm, thấy việc đều sai. Có biết không vậy? Như nay đây trước mặt thấy sơn hà, đại địa, có không, sáng tối đủ thứ hết, đều là luống lao hoa tướng, gọi là tri kiến điên đảo. Phàm người xuất gia nên thức tâm, đạt bổn, mới gọi là sa-môn. Các vị nay nếu đã xuống tóc, mặc y làm tướng sa-môn, phải nên có phần tự lợi rồi lợi người khác. Như nay đây mà xem thì chỉ thấy đen thui như dầu sơn đen, tự cứu lấy mình còn chưa được, có đâu biết cách cứu tới người. Này các nhân giả ! Nhân duyên Phật pháp là chuyện lớn, chớ có làm chuyện bá láp, tụ tập lại nói nhăng, nói cuội cho qua ngày buổi. Thời gian khó có được, tiếc uổng biết bao. Kẻ đại trượng phu sao mà lại không biết tỉnh sát nhìn xem đó là chuyện gì? Chỉ như Tông phong từ trước là mũi nhọn của chư Phật. Các vị nếu thừa đương không được, thì ta phương tiện khuyên các vị rằng môn phong của Ca Diếp tiếp tục đốn siêu. Chỉ môn phong đó vượt khỏi nhân quả phàm Thánh của các vị, vượt khỏi biển thế giới diệu trang nghiêm của Tì Lô, vượt khỏi cửa phương tiện của Thích Ca, ngay đó hết kiếp chẳng dạy các vị có một chút nào cùng các vị tác nhãn kiến. Sao không gấp gấp cứu thủ đi. Vị tất phải nói rằng tôi cần ba đời, hai kiếp lâu dài tích lũy tịnh nghiệp. Này các nhân giả ! Tông thừa của các vị là chuyện gì? Chẳng thể do thân tâm các vị dụng công trang nghiêm mà được. Không thể do tha tâm túc mệnh mà được. Có lãnh hội không vậy? Như đức Thích Ca xuất đầu ra đã biến lộng biết bao việc, nào là thuyết 12 phần Giáo tuôn chảy như bình trút nước, nào là đại tác một trường Phật sự, hướng về các vị trong cửa ấy dung một điểm cũng không được, dùng tài nghệ một mảy may cũng không được. Có hiểu biết không vậy? Cũng giống như giấc mộng thôi, mà cũng giống như lời nói mớ. Sa-môn không nên như thế. Xuất đầu ra là vì hiểu biết. Hiểu biết không vậy? Nếu hiếu biết tức đại xuất thoát, đại xuất đầu. Do đó mà mới nói siêu phàm, vượt Thánh, khỏi sanh, khỏi tử, rời nhân, rời quả, vượt Tì Lô, vượt Thích Ca, không còn bị phàm Thánh, nhân quả lừa gạt, ở mọi nơi không có người nào biết được. Các vị có biết không vậy? Đừng có mãi luyến lưới yêu của sanh tử mà bị nghiệp lành dữ lôi mình đi, không có phần tự do. Dù cho các vị có luyện tập thân tâm thành như hư không, dù cho các vị đến được nơi tinh minh trạm nhiên chẳng dao động, cũng không ra khỏi thức ấm. Người xưa có nói: ‘Như nước chảy mau, không biết mình chảy mau, lại mê vọng tưởng mình chảy yên tịnh chậm chạp’. Tu hành như thế, trọn chẳng ra khỏi ngằn mé luân hồi, y như trước bị luân hồi chuyển di. Bởi vậy mới nói: ‘Chư hành vô thường’, trực thị ba thừa công quả, đáng sợ như thế. Nếu chắng có con mắt đạo thì cũng chẳng có cứu cánh. Sao bằng hôm nay đây chỉ là một bác địa phàm phu, chẳng dùng một mảy may công phu mà rồi được siêu ngay. Giải tỉnh tâm lực không vậy? Có nguyện vui không vậy? Khuyên các ông, ta nay lập địa chờ mấy ông nhìn thấy. Chẳng cần các vị dụng luyện thành. Nếu nay mà không như thế thì còn đợi đến lúc nào ? Có đồng ý ưng chịu không? Có đồng ý ưng chịu không?

*

Sư có lúc thượng đường, nói với chúng rằng:

- Đó là các vị chân thật như thế.

Lại có lúc sư nói:

- Đức Đạt Ma như nay đây hiện còn, quí vị có thấy ngài không?

Sư nói:

- Tại các vị thấy chuyện hiểm ác, thấy cọp beo, dao gươm đủ thứ bức bách thân mạng của các vị mà sanh ra vô hạn sợ sệt. Chuyện này giống như mấy ông họa sư tự vẽ địa ngục biến tướng thành cọp beo, gươm đao, sau đó chăm bẩm nhìn xem rồi đâm ra sơ sệt. Các ông nay cũng thế. Trăm thứ nhìn thấy là do quí vị tự ảo xuất rồi tự sanh ra sợ sệt. Mà cũng không do ai có lỗi với quí vị. Như nay đây các vị có muốn giác ngộ cái ảo hoặc đó không? Chỉ cần thức thủ con ngươi kim cương của quí vị. Nếu mà ý thức được thì chưa từng có ai bảo các vị có mảy may khả đắc lộ hiện ra. Nơi nào mà có cọp sói, dao kiếm hù dọa các vị. Cho đến như đức Thích Ca tài nghề đến thế mà tìm một chỗ xuất đầu cũng không được. Do đó mà ta thường nói với các vị: ‘Con mắt sa-môn đem định thế giới che trùm đất trời chẳng mảy may rò rỉ, nơi nào mà có một vật để cho các vị tri kiến. Hiểu biết không vậy? Xuất thoát như thế, kỳ đặc như thế thì tại sao mà không cứu thủ?’.

Sư nói:

- Các vị giống như đang ngồi trên biển cả, nước ngập khỏi đầu, lại dang tay ra xin nước uống. Có hiểu biết không vậy? Phàm học Bát nhã Bồ-tát phải là bậc đại căn khí, có đại trí tuệ thì mới được. Nếu có trí tuệ thì nay được xuất thoát. Nếu mà trì độn thì phải nên cần khổ, nhẫn nại, ngày đêm quên mệt, bỏ ăn, giống như chết cả cha lẫn mẹ mới dược. Cái cấp thiết như thế chỉ hạn trong một đời người. Lại được người khác giúp đỡ, thiết thật tham cứu chân lý, có hề chi đâu chuyện lãnh ngộ. Vả như nay đây ai là người kham được việc thọ học? Này các nhân giả ! Đừng có chỉ nhớ lời, nhớ lẽ tựa như chú Đà-ra-ni vậy. Dấn bước về phía trước, trong miệng niệm lâm râm, bị người chộp lấy cật vấn thì không có chỗ nào mà rờ, bỗng nổi giận là thầy Hòa thượng không vì mình nói giảng đáp lời. Học như thế là một điều đại khổ. Có biết không vậy? Có một số Hòa thượng ngồi trên giường Thiền tự xưng là Thiện tri thức, có ai hỏi tới là động đậy thân thể, chân tay, điểm mắt, lè lưỡi nhìn trừng trừng. Lại có một số khác nói thao thao rờ rờ, nào là linh đài trí tính có thể thấy, có thể nghe, hướng vào bên trong thân năm uẩn mà làm chủ tể. Làm bậc Thiện tri thức như thế là lừa gạt người quá mức. Có hiểu không vậy? Ta nay hỏi các vị: ‘Nếu các vị nhận chuyện sáng rỡ làm chân thật thì tại làm sao trong khi ngủ gục lại không sáng sáng, rỡ rỡ? Nếu lúc ngủ gục mà không phải sáng sáng, rỡ rỡ thì tại làm sao lại có lúc sáng rỡ. Các vị có lãnh hội không vậy? Cái đó gọi là nhận giặc làm con’ (1), ấy là gốc rễ của sanh tử, là duyên khí của vọng tưởng. Các vị có muốn hiểu căn do đó không? Ta sẽ nói cho các vị nghe. Các vị sáng sáng rỡ rỡ là chỉ do tiền trần sắc, thanh, hương các pháp mà phân biệt, rồi nói đó là sáng sáng, rỡ rỡ. Nếu chẳng có tiền trần, thì sáng sáng, rỡ rỡ của các vị cùng giống như lông rùa, sừng thỏ mà thôi. Này các nhân giả ! Chân thật tại nơi nào? Các vị nay muốn ra khỏi chủ tể của thân điền ngũ ấm thì chỉ cần thức thủ kim cương thể bí mật của quí vị. Người xưa từng nói với các vị: ‘Viên thành chính biến, biến khắp sa giới’. Ta nay có chút phần cho các vị. Kẻ trí có thể ví dụ mà được hiểu rõ. Các vị có thấy mặt trời của cõi Diêm-phù-đề này không? Người thế gian tạo tác, hưng dinh dưỡng thân hoạt mệnh, đủ thứ tâm hạnh, tác nghiệp chẳng thể chẳng nhờ ánh sáng của mặt trời mà thành lập. Như nhật thể kia có các ban tâm hạnh không? Có chẳng cùng khắp nơi nơi không? Muốn hiểu kim cương thể thì cũng như thế. Chỉ như nay đây khắp cả sơn hà, đại địa, mười phương quốc độ sắc không, tối sáng cùng thân tâm các vị chẳng khỏi trọn thừa uy quang viên thành của các vị mà sở hiện. Ngay cả loại quần sanh Thiên, nhân tác nghiệp đang thọ sanh quả báo, tình vô tình đều không khỏi thừa nhận uy quang nơi các vị. Cho đến chư Phật, thành đạo, thành quả, tiếp vật lợi sanh đều chẳng khỏi trọn thừa nhận uy quang của các vị. Như thể kim cương kia còn có chư Phật, phàm phu không? Có tâm hạnh của quí vị không? Chẳng thể nói không liền đương sắc. Có biết không vậy? Các vị có chỗ xuất thân đương đương kỳ đặc như thế, thì tại sao lại không phát minh đi, mà lại đâm đầu vào thân điền năm uẩn đường quỷ mà làm hoạt kế, ngay đó tự dối gạt mình, rồi bỗng vô thường sát cảnh đến, mắt mũi lèm nhèm, thân kiến, mệnh kiến. Vào lúc đó thật khó mà chống đỡ, chẳng khác nào như con rùa sanh thoát vậy. Thật khổ thay ! Này các nhân giả ! Chớ có lấy kiến giải lúc ngủ gục mà thừa đương. Chưa lý giải được đầu bị che trùm. Các vị có hiểu không vậy? Ba giới không an, giống như nhà lửa. Vả các vị là những người không an ổn, chỉ kết bè nhóm lớn, nơi người đời chạy nhảy bên nây, bên kia như bầy nai rừng vậy. Chỉ cầu lấy cái ăn, cái mặc. Nếu như thế thì làm sao mà thi hành được vương đạo. Có biết không vậy? Quốc vương, đại thần không câu thúc quí vị. Cha mẹ cho quí vị xuất gia. Thí chủ mười phương cúng dường quí vị cơm ăn, áo mặc. Thổ địa, long thần gia hộ quí vị. Vậy cũng nên biết xấu hổ và biết ơn mới được. Chớ có cô phụ ơn người mới được. Ngồi nằm trên giường Thiền dài mà nói rằng chưa được an lạc, đều là cơm cháo cúng dường quí vị như dưa đông một thứ, giống như đem chôn xuống đất một thứ. Nghiệp thức mịt mờ chẳng có gốc mà y cứ. Sa-môn vì sao mà đến đất ấy? Chẳng qua là tại trên đất ấy tất cả loài xuẩn động, ta gọi là kiếp trụ địa ngục. Như nay đây nếu không liễu ngộ thì mai kia mốt nọ, biến chui vào thai lừa, bụng ngựa, kéo cày, kéo xe, miệng ngậm hàm sắt, lưng chở yên, hoặc là con thiêu thân đốt cháy mình trong lửa. Thật là rất khó chịu đựng, thật nên hết sức ghê sợ. Ấy là tự quí vị làm lụy mình, có biết không vậy? Nếu đã liễu ngộ, ngay trong vĩnh kiếp chưa từng bảo các vị tin tức đó. Còn nếu không liễu ngộ thì nhân duyên phiền não không phải một kiếp, hai đời là hết đâu. Cho dù các vị có thọ cùng với kim cương. Biết không vậy?

Chú (1): Nguyên văn ‘Nhận tặc vi tử’, cũng còn gọi là ‘Dĩ tặc vi tử’, nghĩa đen là ‘Nhận giặc làm con’ là thuật ngữ Thiền lâm chỉ kẻ lấy vọng tâm của chính mình nhận lầm là ngộ cảnh chân chính.

*

Trưởng lão Nam Tế đến hội Tuyết Phong, Phong bảo hãy gặp sư. Sư hỏi:

- Người xưa nói: ‘Chuyện ấy chỉ có ta là có thể biết’, Trưởng lão nghĩ như thế nào?

Trưởng lão nói:

- Nên biết có kẻ chẳng cầu kẻ biết.

Sư nói:

- Hòa thượng trên đầu non chịu biết bao cay đắng thì thế nào?

*

Tuyết Phong nhân buổi làm ruộng tập thể thấy một con rắn bèn dùng gậy khều đưa lên gọi chúng đến nói:

- Xem này, lấy dao chặt đứt làm hai đoạn !

Nói đoạn hất ra phía sau lưng và không nhìn tới nữa, chúng ngạc nhiên. Tuyết Phong nói:

- Đẹp đẽ thay !

*

Sư ngày nọ, theo hầu Tuyết Phong dạo núi. Tuyết Phong chỉ một miếng đất nói:

- Chỗ này có thể xây một cái tháp không lằn hồ.

Sư hỏi:

- Tháp cao bao nhiêu?

Tuyết Phong bèn nhìn ngó trên, dưới. Sư nói:

- Y bát người Trời không bằng Hòa thượng, nếu là thọ ký của Linh Sơn thì là xa rời lắm !

Tuyết Phong nói:

- Thế giới rộng một thước thì gương xưa rộng một thước, thế giới rộng một trượng thì gương xưa rộng một trượng.

Sư chỉ lò lửa nói:

- Lò lửa rộng bao nhiêu?

Tuyết Phong nói:

- Rộng như gương xưa.

Sư nói:

- Lão Hòa thượng này gót chân chưa chấm đất !

Chú: ‘Nguyên văn ‘Cước căn vi điểm địa’ cũng còn gọi ‘Cước căn bất điểm địa’ hay ‘Cước can vị xướng tại’ hàm ý chỉ chưa triệt ngộ.

*

Sư ban đầu, nhận lời mời thỉnh trụ viện Phổ Nguyện ở Mai Khê Trường, giữa đời dời đến trụ núi Huyền Sa. Từ đó, thiên hạ hải chúng theo gió mà đến đông dầy. Mân súy Dương công thỉnh sư diễn hóa Vô thượng thừa, đãi ngộ theo lễ thầy trò, học đồ hơn trăm người, cửa phòng phương trượng không lúc nào đóng được.

Sư thượng đường, lặng thinh hồi lâu rồi nói với chúng rằng:

- Ta vì các vị mà khốn khó vô cùng, mà các vị có lãnh hội không vậy?

Tăng hỏi:

- Lặng lặng không lời thì thế nào?

Sư nói:

- Nói mớ mà chi?

Nói:

- Bổn phần sự, thỉnh sư nói !

Sư nói:

- Ngủ gục mà làm chi?

Nói:

- Kẻ học này ngủ gục, còn Hòa thượng thì thế nào?

Sư nói:

- Sao mà lại chẳng biết đau ngứa như thế?

Sư lại nói:

- Khá tiếc cho vị sư tăng to đùng như thế, ngàn dặm, muôn dặm hành cước đến nơi này, vậy mà chẳng tiêu mất thói ngủ gục, nói mớ, phải chịu khuất tất làm sao ấy.

Hỏi:

- Thế nào là tự kỷ của kẻ học này?

Sư nói:

- Dùng tự kỷ để mà làm gì?

*

Tăng hỏi:

- Trong chuyện Tông thừa từ trước, sư nơi đây ngôn luận thế nào?

Sư nói:

- Ít người nghe.

Tăng nói:

- Thỉnh Hòa thượng nói thẳng !

Sư nói:

- Mang bịnh điếc mà làm gì?

Sư lại nói:

- Này các nhân giả ! Như nay đây chuyện chẳng đặng đừng bảo ta đè nén uy quang, mỏi miệng khuyên bảo trăm ngàn phương tiện, nói như thế này thế kia, cùng các vị hiểu biết, trọn thành tri kiến điên đảo, đem cuống họng, môi miệng, biến thành nghiệp của chồn rừng tinh lừa gạt chư vị, há ta đồng ý sao? Chỉ như có lỗi cùng không lỗi, đều chỉ riêng ta tự biết, các vị làm sao mà lãnh hội được. Nếu người như thế mà xuất đầu lại, cam chịu quát mắng trách cứ. Này, phàm làm thầy giỏi của người không phải dễ dúng gì đâu. Phải là bậc thiện tri thức mới có thể biết được. Ta hôm nay dùng phương tiện như thế để trợ giúp các vị, coi như vẫn còn chưa thấy đấy, trong ấy ngu dại nên cử Tông thừa, thì quí vị hướng về nơi đâu mà an ổn thi thố? Có lãnh hội không vậy? Bốn mươi chín năm là phương tiện. Như trên hội Linh Sơn có trăm vạn chúng hội tụ mà chỉ riêng có Ca Diếp một người thân nghe, còn lại đều là chẳng nghe. Các vị nói xem chuyện mà Ca Diếp thân nghe là chuyện gì? Chẳng thể nói Như Lai chẳng thuyết thuyết, Ca Diếp chẳng nghe nghe, là đã đương đắc rồi vậy. Không phải là chuyện các vị tu nhân mà được quả phước trí trang nghiêm đâu. Có hiểu không vậy? Còn như câu nói: ‘Ta có chánh pháp nhãn tạng nay giao lại cho Đại Ca Diếp’. Ta nói như lời trăng. Tào Khê dựng cây xơ quất chỉ như trăng. Do đó mới nói trong nước Đại Đường này trong Tông thừa chưa từng thấy một người cử xướng Tận đại địa người phải mất đi mạng sống, giống như cây dùi sắt đặc ruột không lỗ vậy, nhất thời quên đi phong kết lưỡi. Các vị may mắn gặp ta không tiếc thân mạng, cùng các vị điên đảo tri kiến, tùy theo ý điên dại của các vị, mới có chỗ thân vấn. Nếu ta không cùng các vị tri văn như thế, thì các vị hướng về đâu mà thấy được ta? Có lãnh hội không vậy? Thật khó thay ! Nên cố gắng, tạm biệt!

Bèn có kệ rằng:

Nguyên văn:

萬 里 神 光 頂 後 相

没 頂 之 時 何 處 望

事 以 成 意 亦 休

此 箇 元 來 觸 處 周

智 者 撩 著 便 提 取

莫 待 須 臾 失 却 牛

Phiên âm :

Vạn lý thần quang đính hậu tương

Một đính chi thời hà xứ vọng

Sự dĩ thành, ý diệc hưu

Thử cá nguyên lai xúc xứ chu

Trí giả liêu trước tiện đề thủ

Mạc đãi tu du thất khước ngưu

Tạm dịch:

Muôn dặm thần quang sau dỉnh tướng

Lúc chẳng đỉnh kia ngóng nơi nào

Chuyện đã thành, ý liền thôi

Cái đó nguyên lai có đều khắp

Người trí khều lấy liền đề thủ

Chẳng đợi phút giây mất lấy trâu.

Lại nói kệ :

Nguyên văn :

玄 沙 遊 徑 別

時 人 切 須 知

三 冬 陽 氣 盛

六 月 降 霜 時

有 五 非 關 舌

無 言 切 要 詞

會 我 最 後 句

出 世 少 人 知

Phiên âm:

Huyền Sa du kính biệt

Thời nhân thiết tu tri

Tam đông dương khí thạnh

Lục nguyệt giáng sương thời

Hữu ngũ phi quan thiệt

Vô ngôn thiết yếu từ

Hội ngã tối hậu cú

Xuất thế thiểu nhân tri.

Tạm dịch:

Huyền Sa du kính biệt

Người đời phải nên biết

Ba đông dương khí thạnh

Trời tháng sáu sinh sương

Có tiếng không do lưỡi

Chẳng lời lại cần từ

Hiểu ta câu sau chót

Xuất thế ít người hay.

Hỏi:

- Ngoài bốn uy nghi, lấy gì phụng vua?

Sư nói:

- Ông là tội nhân của phép vua, làm sao mà biết hỏi chuyện ?

Hỏi:

- Người xưa cử chùy, giơ phất tử (cây xơ quất), có đúng với chuyện trong Tông thừa không vậy?

Sư nói:

- Không đúng.

Hỏi:

- Ý người xưa như thế nào?

Sư đưa cây xơ quất lên, tăng hỏi:

- Chuyện trong Tông thừa như thế nào?

Sư nói:

- Phải đợi ông ngộ rồi mới được.

Hỏi:

- Thế nào là lực sĩ Kim Cương?

Sư bèn thôi.

*

Có tăng chuyên lo thùng bọng trong chùa (Dũng đầu) tên Văn xuống núi, sư hỏi:

- Dũng đầu xuống núi bao giờ về?

Dũng đầu đáp:

- Năm ba ngày thôi.

Sư nói:

- Lúc về nếu có thùng nước không đáy mang về một cái. Dũng đầu Văn không lời đối đáp.

*

Sư có lúc thùy ngữ rằng:

- Các lão túc khắp nơi đều nói tiếp vật, lợi sanh. Nhưng ta hỏi các vị nếu như ba loại người bệnh mù, điếc và câm thì làm sao mà tiếp chứ? Bởi vì nếu giơ chùy, dựng cây xơ quất thì mắt người mù không thấy. Cùng với họ nói năng thì tai người điếc không nghe, miệng người câm không nói được. Nếu tiếp chẳng được thì Phật pháp trọn không linh nghiệm.

Lúc đó, có ông tăng bước ra nói:

- Ba loại bệnh nhân đó, Hòa thượng có cho thương lượng không vậy?

Sư nói:

- Nếu hứa cho thì ông thướng lượng thế nào nè?

Ông tăng ấy tạm biệt lui ra, sư nói:

- Không phải, không phải.

La Hán nói:

- Quế Sâm này đều có đủ mắt và tai, vậy Hòa thượng tiếp thế nào đây?

Sư nói:

- Ba loại bệnh nhân đó, tức nay ở tại đâu?

Lại một ông tăng nói:

- Chẳng những riêng gạt người mà còn tự gạt mình nữa.

*

Trường Khánh Lăng đến, sư nói:

- Trừ việc kỵ thuốc, nói thế nào đây?

Lăng nói:

- Há dám làm sao?

Sư nói:

- Núi Tuyết Phong hạt giẻ vừa ăn, đến đây làm chim ỉa cứt.

*

Sư thấy tăng đến lễ bái, bèn nói:

- Lễ bái đi ! Nhân ta được lễ bái ông.

*

Một hôm nọ, lao động tập thể đến Hải Khanh đốn củi, gặp một con hổ. Tăng gọi:

- Hòa thượng, cọp kìa !

Sư nói:

- Đó là hổ của ông.

Khi quay về viện, tăng hỏi:

- Hồi nãy thấy cọp lại bảo là hổ của ông, chẳng hiểu ý ấy thế nào?

Sư đáp:

- Thế giới Bà Bà có bốn tầng chướng. Nếu mà thấu được, cho ông xuất âm giới.

*

Sư hỏi Hoà thượng Trường Sanh Nhiên:

- Duy Ma quán Phật tiền tế bất lai, hậu tế bất khứ, nay thì vô trụ, ông làm thế nào quán?

Đáp rằng:

- Buông Hạo Nhiên (Trường Sanh Nhiên) qua có thương lượng.

Sư nói:

- Buông cho ông qua thì thế nào?

Trường Sanh nín lặng hồi lâu, sư nói:

- Bảo ai ủy khuất?

Đáp:

- Luống nhọc lắng tai.

Sư nói:

- Biết rõ ông hướng về hang quỉ núi mà làm hoạt kế.

*

Tăng hỏi sư:

- Kẻ học này vì sao mà nói không được?

Sư nói:

- Chèn lấp bít miệng ông, làm sao mà biết nói được.

*

Hỏi:

- Phàm có lời lẽ, câu cú đều rơi vào trói buộc. Không rơi vào trói buộc, thỉnh Hòa thượng thương lượng !

Sư nói:

- Bẻ gãy cán cân hết rồi mới thương lượng với ông.

Hỏi:

- Người xưa chớp mắt cái là tiếp người, nay Hòa thượng tiếp người thế nào?

Sư nói:

- Ta không tiếp người khi mới nhìn phớt qua.

Tăng hỏi:

- Vì sao mà lại khó gặp như thế?

Sư nói:

- Chỉ vì quá gần.

*

Lúc sư ở tại hội của Tuyết Phong, có thị giả tên Quang nói với sư:

- Sư thúc nếu học được Thiền, mỗ giáp đây đóng thuyền sắt đi trên biển.

Sau khi trụ trì, sư hỏi:

- Thị giả Quang đóng tàu sắt chưa vậy?

Thị giả Quang không lời đối đáp.

*

Sư ngày nọ, sai một ông tăng đưa thư cho Hòa thượng Tuyết Phong. Tuyết Phong mỡ phong thư chỉ thấy ba trang giấy trắng, bèn hỏi tăng:

- Có lãnh hội không?

Tăng đáp:

- Không lãnh hội.

Phong nói :

- Há chẳng nghe nói ‘Người quân tử cách ngàn dặm vẫn cùng phong cách’?

Ông tăng ấy quay về thuật lại sư nghe, sư nói:

- Lão Hòa thượng này sa đà quá độ mà không biết !

*

Sư hỏi Cảnh Thanh:

- Trong Giáo có nói bậc Bồ-tát Ma-ha-tát chẳng thấy một pháp làm chuyện quá thất lớn lao, vậy xin hỏi chẳng thấy pháp gì?

Cảnh Thanh chỉ cây lộ trụ nói:

- Phải chăng chẳng thấy pháp này?

Sư nói:

- Ở Chiết Trung nước trong, gạo trắng tùy ông ăn. Phật pháp chưa khế hiệp đấy !

*

Tăng hỏi:

- Thừa mong Hòa thượng có nói: ‘Trọn mười phương thế giới là một viên minh châu’, kẻ học này làm sao lãnh hội được?

Sư nói:

- Tận mười phương thế giới là một viên minh châu, dùng chuyện lãnh hội để mà làm gì?

Qua hôm sau, sư bèn hỏi ông tăng ấy:

- Trọn mười phương thế giới là một viên minh châu, ông làm thế nào lãnh hội?

Tăng đáp:

- Trọn mười phương thế giới là một viên minh châu, dùng lãnh hội để mà làm gì?

Sư nói:

- Biết ông hướng về hang quỉ núi mà làm kế hoạt

*

Hỏi:

- Thế nào là một cái tháp không lằn hồ?

Sư hỏi:

- Cái lằn hồ ấy lớn hay nhỏ?

Giám quân họ Vi đến tham yết, thuật chuyện Hòa thượng Tào Sơn thật kỳ quái. Sư bèn hỏi:

- Phủ châu cách Tào sơn bao xa?

Vi chỉ ông tăng bên cạnh nói:

- Thượng tọa có từng đến Tào sơn không vậy?

Tăng đáp:

- Từng đến rồi.

Vi hỏi:

- Phủ châu cách Tào sơn bao xa vậy?

Đáp:

- Một trăm hai mươi dặm.

Vi nói:

- Nếu thế thì Thượng tọa chưa từng đến Tào sơn.

Vi bỗng đứng lên lễ bái sư, sư nói:

- Giám quân cũng nên lễ bái ông tăng này.

Tăng ấy hoàn toàn hổ thẹn.

*

Có tam tạng pháp sư Thanh Minh ở Tây Thiên đến, Mân súy lệnh cùng sư gặp gỡ. Sư lấy đũa gắp lửa gõ lò hồng hỏi:

- Là tiếng gì đây?

Tam tạng đáp:

- Tiếng đồng sắt.

Sư nói:

- Đại vương đừng để người nước ngoài dối gạt.

Tam tạng không lời đối đáp.

*

Sư du lịch phía Nam, đến huyện Bồ Điền. Địa phương bày trăm trò vui đón tiếp sư. Qua ngày hôm sau, sư hỏi Trưởng lão Tiểu Đường:

- Hôm qua ồn ào như thế, nay đi về đâu rồi?

Tiểu Đường nâng góc vạt áo lên, sư nói:

- Liệu trác chẳng giao thiệp.

*

Sư hỏi tăng:

- Thành Càn-thát-bà, ông làm sao lãnh hội?

Tăng đáp:

- Như mộng, như ảo.

*

Sư cùng Địa Tạng Quê Sâm đang tại phương trượng nói chuyện. Đêm khuya thị giả đóng hết cửa, sư nói:

- Cửa đã đóng hết, ông làm sao mà ra được?

Quế Sâm nói:

- Gọi cái gì là cửa?

*

Sư ngày kia, chống gậy xuống đất hỏi Trường Sanh rằng:

- Tăng kiến, tục kiến, nam kiến, nữ kiến, ông kiến thế nào?

Trường Sanh đáp:

- Hòa thượng có thấy chỗ thấy (kiến xứ) của Hạo Nhiên (Trường Sanh Hạo Nhiên) không?

Sư nói:

- Biết nhau khắp thiên hạ.

*

Hỏi:

- Thừa mong Hòa thượng có nói: ‘Tánh của nghe lan tỏa khắp cả pháp giới’. Tuyết Phong nay đánh trống (1), sao nơi đây lại không nghe?

Sư nói:

- Ai biết là không nghe?

Chú (1): “Đánh trống - là dụng ngữ Thiền chỉ khai diễn Thiền pháp.

*

Hỏi:

- Trên con đường hiểm ác, đâu là cầu, bến?

Sư nói:

- Lấy mắt ông làm cầu, bến.

Hỏi:

- Kẻ chưa đắc thì thế nào?

Sư nói:

- Mau cứu lấy.

*

Sư cùng Giám quân họ Vi đang ăn trái cây, Vi hỏi:

- Thế nào là đồ dùng hằng ngày mà không biết?

Sư đưa trái cây lên nói:

- Ăn đi !

Vi ăn xong trái cây rồi lại hỏi nữa, sư nói:

- Cái đó là dùng hằng ngày mà không biết.

*

Lao động tập thể chặt củi, sư nói:.

- Các ông đều trọn nhờ sức ta.

Có ông tăng nói:

- Nếu đã nhờ sức sư thì cần gì phải lao động tập thể?

Sư nạt rằng:

- Nếu không lao động tập thể thì làm sao củi về đây được.

*

Sư hỏi Đại sư Minh Chân:

- Thiện Tài đồng tử tham yết Di-lặc, Di-lặc chỉ đến Văn Thù, Văn Thù chỉ quay về chỗ Phật, ông nói xem Phật chỉ đến nơi nào?

Đáp rằng:

- Không biết.

Sư nói:

- Biết là ông chẳng biết.

*

Đại Phổ Huyền Thông đến lễ bái ra mắt, sư nói với Thông rằng :

- Ông trụ nơt ấy há chẳng dối gạt mê hoặc con cái nhà người ta?

Đáp rằng:

- Huyền Thông chỉ mở môn cúng dường, sáng tới chiều đi làm sao dám làm chuyện ấy.

Sư nói:

- Chuyện khó.

Đáp:

- Tình ấy thật khó.

Sư hỏi:

- Nơi đâu là chỗ khó khăn?

Đáp:

- Vì y chẳng chịu thừa đương.

Sư liền vào phương trượng đóng hết cửa.

*

Hỏi:

- Kẻ học này mới vừa vào tùng lâm, thỉnh sư một con đường ngộ nhập !

Sư hỏi:

- Có nghe tiếng nước suối Yển Hán không?

Tăng đáp:

- Có nghe.

Sư nói:

- Đó là chỗ ông ngộ nhập đấy.

*

Tuyền Thủ vương công thỉnh sư lên lầu nhưng trước đó đã dặn ngươi tiếp đón khách:

- Đợi chừng nào ta dẫn sư đến trước lầu thì hãy dời thang đi.

Ngươi đón khách tuân theo ý chỉ, Công nói:

- Mời sư lên lầu !

Sư nhìn lầu rồi nhìn người ấy nói:

- Phật pháp không phải đạo lý này.

*

Sư cùng Tuyền Thủ đang cùng nhau nói chuyện trong thất thì có một sa-di vén rèm vào nhìn thấy bèn lui bước trở ra. Sư nói:

- Chú sa-di này đáng ăn 20 gậy !

Sa-di hỏi:

- Chỗ nào là tội lỗi của mỗ giáp?

Sư nói:

- Phật pháp tức không như vậy.

Sư ứng cơ tiếp vật chỉ 30 năm mà làm cho dòng pháp của Thanh Nguyên và Thạch Đầu đến nay vẫn chẳng đoạn tuyệt mà trái lại còn hướng dẫn đường đi nước bước cho đời sau. Pháp yếu mà sư hoằng diễn lớn nhỏ đều được ghi chép lưu hành trong nước.

Ngoài ra, các ngữ cú còn lại đều tùy các môn đệ ghi chép cùng các nơi thuật lại.

Năm thứ hai đời Lương Khải Bình, ngày 27 tháng 11 năm Mậu Thìn, sư bị bệnh mà mất, thọ 74 tuổi, lạp thọ 44. Mân Súy dựng tháp.

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.